Đã bao lần bạn nhìn mọi người xung quanh, ai nấy cũng đều thành công còn bản thân vẫn còn dậm chân tại chỗ và đâm ra chán ghét chính mình chưa? Bạn rất muốn thay đổi bản thân bằng cách bắt đầu những thói quen lành mạnh hay học những lĩnh vực mới, nhưng chẳng hiểu sao bạn luôn trì hoãn và không tìm ra được động lực để bắt đầu. Mọi thứ cứ như vòng luẩn quẩn và mãi mà bạn không tìm ra cách giải quyết…
  Thường thì chúng ta hay trách rằng bản thân không có khả năng, dễ từ bỏ và hay so sánh mình với những người xuất chúng hơn, nhưng việc so sánh này không giúp chúng ta tốt lên, thậm chí còn nhấn chìm bản thân sâu hơn trong vũng bùn tuyệt vọng. Chúng ta đâu hay rằng việc trì hoãn không nằm ở khả năng, tính cách, hay ý chí, mà nguyên nhân sâu xa nằm ở cơ chế hoạt động của não bộ của con người.      
  Não bộ của chúng ta sinh ra với “bản năng phòng thủ” rất cao, khi gặp những thay đổi lớn, nó sẽ có xu hướng tránh né hành động nhằm bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương và đau khổ. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới việc chúng ta luôn chần chừ khi bắt tay vào làm gì đó. Tuy nhiên bên cạnh cơ chế phòng thủ kia, não bộ của con người cũng có “tính mềm dẻo”, tính chất này cho phép não bộ tiếp thu và chấp nhận những thay đổi nhỏ và được lặp lại đều đặn, cũng nhờ tính chất này mà con người mới có khả năng học hỏi và khám phá những tri thức mới. Nói cách khác, để hình thành nên một thói quen mới hay học một lĩnh vực mới, đừng ép não bộ hay bản thân bạn phải chịu một sự thay đổi quá đột ngột, điều đó chỉ khiến cơ chế phòng thủ hoạt động mạnh hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy tạo ra những thay đổi nhỏ và duy trì chúng trong thời gian dài để não bộ dần thích nghi và kích thích khả năng hành động tức thì. 
  Để áp dụng “tính mềm dẻo” của não bộ trong việc vượt qua căn bệnh “trì hoãn” trong thực tế có rất nhiều cách khác nhau, trong phạm vi của bài này, chúng mình xin được chia sẻ 2 phương pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả. 
  Phương pháp đầu tiên áp dụng “NGUYÊN TẮC 10 GIÂY”: ngay khi bạn quyết định sẽ bắt đầu làm gì, đừng để tháng sau, ngày mai hay 1 tiếng đồng hồ nữa mới thực hiện, hãy cho phép bản thân được thử nghiệm ngay trong 10 giây tiếp theo. Ví dụ nếu bạn muốn tập thể dục, một thói quen mà bạn đã trì hoãn ngày này qua tháng nọ, vậy trong 10 giây ngay sau quyết định này, hãy mang ngay một đôi giày tập, hoặc thay quần áo để dễ vận động hơn. 10 giây tuy chỉ là một khoảng thời rất ngắn, nhưng lại là bước đầu tiên quan trọng để bạn thay đổi. Nhiều người rất muốn thay đổi để tốt hơn, nhưng họ cứ đợi chờ động lực để bắt đầu. Động lực không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nếu cứ đợi chờ như vậy thì chúng ta sẽ không bao giờ thật sự hành động cả. Chính vì vậy 10 giây đầu này sẽ cho bạn cơ hội để bắt đầu, cũng như cho não bộ của bạn có cơ hội để thích nghi với thay đổi mới. 
  Phương pháp còn lại sử dụng hiệu ứng “MỎ NEO” (Anchoring) trong tâm lý học. Hiệu ứng này cho rằng nếu hai hành động hay sự việc xảy ra cùng một lúc đủ nhiều lần, đến mức độ khi một sự việc xảy ra sẽ gợi nhớ cho bạn sự việc kia và ngược lại, thì cả hai sự kiện kể trên đã “neo chặt” trong tâm trí bạn. Áp dụng hiện tượng này trong việc thúc đẩy bản thân hành động, hãy bắt đầu thực hiện một việc bạn luôn trì hoãn ngay sau một thói quen bạn đã hình thành từ trước đó. Ví dụ ngay sau đánh răng hãy squat 20 cái, ngay sau khi ăn tối hãy viết nhật ký, ngay sau khi skincare hãy ngồi thiền. Điểm thú vị của phương pháp này nằm ở chỗ bạn không phải bắt đầu một thói quen mới từ số 0 mà dựa vào những thói quen cũ đã được hình thành từ trước. Nhờ thế việc bắt hành động sẽ trở nên dễ dàng hơn, và nếu bạn duy trì quá trình này đủ lâu sẽ khiến thói quen mới “neo chặt” trong não bộ của bạn. 
  Trên đây là phần đầu tiên trong chuỗi bài viết về “Thúc đẩy tư duy hành động” của Viet Fellows Around Globe chúng mình. Trong lúc chờ đợi những bài viết tiếp theo, các bạn hãy thử áp dụng hai phương pháp kể trên và chia sẻ thành quả cho bọn mình cùng biết nhé! 
・・・・・・・・・・・・・・・・・・・
Kết nối với Viet Fellows Around Globe qua các kênh sau nhé:
► Youtube: https://bit.ly/3mJfw4C
►Spiderum:
Để lại lời nhắn, phản hồi hay bất kì câu hỏi cho bọn mình tại [email protected]
#VietFellowsAroundGlobe #ngườiViệttrêntoàncầu #pháttriểnbảnthân #tưduyhànhđộng