Thử để hiểu. Thử để thấu. 
Bạn đã bao giờ chứng kiến một người trong thời khắc yếu đuối nhất hay chưa? Mình thì từng thấy rồi. 
Một lần là khi bà nội mất. Mình và bố cãi nhau to. Sau đó bố vào ôm mình làm hoà. Mình không biết bố có khóc không. Nhưng mình nghe giọng bố nghèn nghẹn. 
Một lần nữa vẫn là do mình và bố cãi nhau. Bố cũng ôm mình khóc và xin lỗi. 
.
Ngày bé, mình vừa ngưỡng mộ vừa sợ bố. Trong lòng mình, bố là một người nào đó vừa ấm áp nhưng lại to lớn hơn tất thảy. Vòng tay của bố ấm, rộng, và vững chãi. Nhưng những cái đánh đòn của bố cũng đau, những lời mắng cũng gây tổn thương hơn hẳn những người khác. 
Nếu ai đã theo dõi mình được một thời gian thì có thể nhận ra một điều là, cảm xúc của mình đa phần chỉ được biểu đạt qua những con chữ, chứ gặp mình ngoài đời đa số đều nhận xét rằng mình khá hời hợt. Ý mình là, vui vẻ và nhiệt tình theo cái kiểu hời hợt. Như có một người từng nói với mình rằng đôi khi anh cũng không hiểu rằng khi mình cười, ý cười có chạm đến đáy mắt hay không. 
Mình bất ngờ đôi chút, nhưng sự thật là thế. Mình bật cười, thừa nhận. 
Cái phần nhiều lí do tạo nên tính cách này là do những trải nghiệm gia đình, những trải nghiệm bạn bè, về sự sẻ chia, tin tưởng khá là tồi tệ, theo một cách nào đó. 
.
Mình luôn than trách, rằng mình cô đơn ra sao trong chính nơi mình gọi là nhà. Rằng tại sao bố mẹ chẳng chịu hiểu mình gì hết trơn. Rằng thế này thế nọ thế lọ thế chai. Mình nhận ra rằng mình luôn kể về câu chuyện của bản thân quá nhiều. Nhưng mình chưa bao giờ biết đến câu chuyện của bố mẹ mình, nhất là về bố. Có lẽ bố mình cũng đã từng thấy cô đơn khi sống cùng với ông bà và cũng có thể bây giờ họ cũng vẫn đang thấy cô đơn khi sống cùng những đứa con của mình, như bản thân mình đang cảm thấy ngay giờ phút này đây. 
Vậy nên, hưởng ứng lời kêu gọi của Tần Số (Tần Số là một dự án phi lợi nhuận với mục đích "nối máy" giữa những thế hệ đang lệch tần, thu hẹp khoảng cách) , hôm nay, mình thử khoác lên mình chiếc áo comple của bố. Mình thử đặt mình vào bộ quần áo này, xem câu chuyện của bố mình dưới góc nhìn của mình. Như một đứa trẻ lén lút vào rạp chiếu bóng xem bộ phim mình tò mò đã lâu mà không mua vé vậy. 
.
Bố mình có thể xưng là đỏm dáng nhất khu. Hôm nào các cô dì tụ tập là lại xúm lại khen bố mình suốt ngày quần là áo lượt thẳng thớm nhìn sạch sẽ thiện cảm ghê. 
Nhưng hôm nay mình mở tủ quần áo của bố ra, mình mới phát hiện rằng, sao chỉ toàn comple. Bố mình có rất ít những bộ quần áo thường ngày, một tủ rặt toàn là comple. Mình thử từng chiếc từng chiếc áo vest, nhưng sao chiếc nào cũng thấy thật nặng nề. 
Nặng nề phát khóc. 
Mình hay nghe mẹ hay các bác kể rằng ngày đó bố mình có ước mơ và đam mê mãnh liệt lắm. Bố mình chơi bóng bàn giỏi nhất cái tỉnh lẻ này. Còn đạp xe trăm cây đến thành phố Vinh để thi Đại học Thể dục thể thao ở đó. Nhưng không như các câu chuyện thần tượng hào nhoáng khác, ngày đó bố mình không đỗ vì không đủ chiều cao. Và rồi là những tháng ngày đi làm công nhân ở Yaly, những tháng ngày yêu xa với mẹ mình (bố mẹ mình yêu nhau từ năm cấp 3), những tháng ngày việc gì cũng nhận chỉ cần có tiền. 
Trước khi bố mẹ mình cưới nhau và cả sau khi có mình, bố mình làm qua đủ loại nghề, đủ loại nghiệp, mãi mới đến được ngày hôm nay. Nhưng 200 nghìn đầu tiên ngày ấy bố mình làm ra khi nhận một công việc ổn định, bố dùng để mua đồ chơi cho mình, ngày ấy mới chưa tròn 12 tháng tuổi. 
Từ lâu lắm rồi, hình ảnh bố trong đầu mình luôn là hình ảnh một người đàn ông luôn đi cùng bộ comple và đôi giày da. Nhưng hôm nay mình mới nhận ra, đằng sau đó là một thanh niên đầy sức trẻ với đam mê mãnh liệt dành cho thể thao, một gã điển trai mặc áo khoác da đi xe máy đón người yêu đi chơi cùng hội anh em chí cốt, một tay lãng tử ôm đàn ghi ta ngân nga mấy điệu khúc lãng mạn, và một kẻ từ bỏ ước mơ của mình để làm đủ thứ kiếm sống. Để có được cho mình một cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay, bố mình đã rũ bỏ tất cả những lớp hình hài, mà theo mình, là đầy hào quang và sức sống thanh xuân như thế, đổi lấy một đôi tay đầy chai sạn, luôn run run; một mái tóc giờ đã hai màu, thường xuyên phải nhuộm lại; hay một công việc không như đam mê và ước mơ ngày ấy vẽ ra nhưng ổn định và lâu dài. 
Những bộ comple của bố mình, nặng bằng một lý tưởng cũ tưởng chừng đã rỉ sét, bằng chừng ấy năm tháng dãi dầu gió sương. 
.
Khi viết ra những dòng này, trong đầu mình luôn văng vẳng câu hỏi của ai đó : nếu là mày, mày có làm được không? 
Khi viết ra những dòng này, trong đầu mình luôn nghĩ đến hình ảnh bộ vợt bóng bàn và đôi giày thể thao mà bố mình đã bán đi từ lâu vì chẳng dùng đến. 
Khi viết ra những dòng này, trong đầu mình luôn trăn trở về những lần chuyển nhà chóng vánh, những ngôi nhà gia đình mình chỉ ở có 1 – 2 năm, những thành phố mà chúng mình đã bỏ lại. 
Khi viết ra những dòng này, trong đầu mình luôn nhớ đến hai cái lần duy nhất mình thấy bố mình yếu đuối trước mặt người khác. 
Khi viết ra những dòng này, trong đầu mình luôn lặp đi lặp lại một câu nói của ai đó mà mình không nhớ mặt đặt tên : “Hãy luôn chia sẻ với nhau, kể cả vinh quang hay sự nghèo khổ, con à”. 
.
Vậy nên, bố ơi, dù bố con mình không thể thật sự chia sẻ và lắng nghe, dù bố con mình sẽ có những lần cãi nhau to đùng và những mâu thuẫn không phai mờ, dù bố con mình nhiều khi fall out of love hơi quá đà, thì cũng không sao đâu ạ. 
Dù như thế nào đi nữa, con vẫn sẽ luôn ở bên cạnh bố. Như cách bố đã luôn ở bên cạnh con với bộ comple nặng trịch ấy vậy. 
.
Cùng mình tham gia event THỬ của Tần Số bằng cách chia sẻ hình ảnh (video) của bạn đang xỏ giày, thử quần áo, nghe thử nhạc của một người khác, ở thế hệ khác, cảm nghĩ của bạn về những khó khăn mà người ấy đang gặp phải cũng như đính kèm nội dung sau vào cuối bài đăng của bạn: #Thu  #Thudehieu  #KhoangCachTheHe  #TryOnChallenge  #TanSo trên Facebook và Instagram, hay trên bất cứ nền tảng chia sẻ nào nhé! 
Yêu và thương (hôm nay cho bố mình thôi),
Your J.