Để chuẩn bị cho bài viết này, tôi đã khảo sát mọi người xung quanh và thu về một vài nhận định như sau:
Số người chọn sức khoẻ và số người chọn tâm hồn nhiều ngang nhau (số mẫu của tôi không lớn)
Những lí do chọn sức khoẻ là:
- có thể sống cuộc đời thứ hai
- không muốn ảnh hưởng và phụ thuộc người khác
- không muốn đi bệnh viện (câu trả lời đến từ một người bạn làm việc tại bệnh viện)
Lí do chọn tâm hồn là:
- cảm thấy 90 tuổi đã là quá già
- không nghĩ mình cần sống thêm nên muốn có tâm hồn già dặn để truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau.
- không cần khoẻ, chỉ cần hài hước và tếu táo đủ của tuổi 90 đề chọc con cháu
Có sự khác nhau trong định nghĩa “Tâm hồn” của từng người và hầu hết những người tôi phỏng vấn không trả lời rõ ràng được định nghĩa họ có. Vậy định nghĩa tâm hồn với tôi là gì?
Cá nhân tôi nghĩ, Tâm hồn là sự kết hợp của 2 từ Tâm trí (mind) và Linh hồn (soul). Bỏ qua những định nghĩa chính xác trong từ điển, từ cảm quan ngôn ngữ của riêng mình khi lắng nghe và cảm nhận bối cảnh của từ, tôi hiểu Tâm hồn là sự kết hợp của Toàn bộ trí lực, tinh thần và cảm xúc một người, là thứ còn lại sau quá trình học hỏi và chiêm nghiệm của mỗi cá nhân. Tâm hồn là toàn bộ thế giới tâm trí của bạn mà tâm và trí thì khó mà tách rời thân. Tình trạng sức khoẻ, cơn đau và tiếng vọng của cơ thể là một phần cấu thành nên trạng thái tâm trí ở thời điểm đó. Tuy vậy, không dễ để nhận thức, lắng nghe và thấu hiểu những kết nối này.
<i>vận động là trạng thái đẹp nhất của cơ thể </i>
vận động là trạng thái đẹp nhất của cơ thể
Từ câu trả lời của mọi người, tôi nhận thấy một vài khuôn mẫu suy nghĩ chung của đa số người được hỏi và ở chính đề bài.
1. 90% người tham gia đều tự hiểu và mặc định sức khoẻ tuổi 90 của mình sẽ rất tệ, 30 tốt hơn nhiều. Không ghi nhận bất kỳ hình mẫu sức khoẻ 90 tuổi khoẻ mạnh của người tham gia.
2. Con số tương tự với mặc định với tâm hồn. Mọi người cho rằng tâm hồn tuổi 90 thú vị, ổn định và trưởng thành hơn rất nhiều so với tuổi 30. Yếu tố mặc định chiếm ưu thế khi nhắc tới “Tâm hồn” là Kí ức và trải nghiệm. Không ghi nhận sự cân nhắc tới sức khoẻ của “Tâm hồn” và mối liên kết của nó với sức khoẻ thân thể. Ví dụ khi nghĩ về tâm hồn tuổi 90, ta sẽ nghĩ tới sự kiên định, giàu trải nghiệm, cái nhìn sâu sắc về cuộc sống nhiều hơn những yếu tố rủi ro về sức khoẻ có thể khiến một người già vui vẻ, yêu đời trầm cảm và thay đổi.
3. Cuối cùng, hầu hết người tham gia đều ngay lập tức trả lời câu hỏi thay vì xác định định nghĩa của các khái niệm trong đề bài. Mỗi chúng ta đều đã có sẵn nhữn’g khuôn mẫu của riêng mình.
Về phần tôi, khi nghĩ về tuổi già, tôi thường hình dung về một bà già đẹp lão, hiền từ và nghiêm nghị. Bà lão dẻo dai, khoẻ mạnh, duy trì sinh hoạt với chạy bộ, yoga và bơi mỗi ngày. Tôi đã có hình mẫu một người già kiên định, sẵn sàng đón nhận những đổi thay trong cơ thể và vẫn không ngừng xây dựng mối quan hệ với chính mình từ hồi đọc “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami. Thuở đó khi bạn bè xung quanh không ai sống cùng múi giờ với mình, tôi đã tìm thấy niềm an ủi lớn trong lối sống của nhà văn marathon này.
Tôi thường rất vui mỗi khi học được điều gì đó mới, niềm hân hoan khi thấy kiến thức này móc nối với điểm nào đó trong thư viện mình đang có, ở tuổi 90, niềm vui ấy hẳn rất dày. Hình mẫu đó thường xuyên xuất hiện, khi phân vân đứng giữa nhiều lựa chọn, tôi sẽ nhờ bà lão của mình chọn giùm. Đây cũng là một bài tập tôi thường thực hành trong phòng tham vấn trị liệu, khi quá lo lắng và bất an để chọn một hướng đi, đưa ra một quyết định khó khăn trong đời. Và thường sau khi trò chuyện cùng bà lão thông thái, cảm giác vững tin và được yêu thương sẽ ở lại.
Quay trở lại câu hỏi, thật khó để đưa ra câu trả lời đủ ý mình vì tôi vốn không tách rời sức khoẻ và tâm hồn. Nhưng nếu bắt buộc phải chọn, tôi sẽ chọn sức khoẻ tuổi 30, để như một người bạn của tôi nói, không muốn đi viện và để sự vất vả lại cho ai.
Còn bạn, bạn sẽ chọn giữ lại gì cho mình? Nếu cảm thấy an toàn, bạn cứ thoải mái để lại bình luận hoặc tin nhắn chia sẻ cho tôi nhé!
Chân thành,
ngày giao mùa