THỬ THÁCH VIẾT 100 NGÀY - NGÀY 5: 10 giờ sáng mai, cả thế giới chỉ còn mình bạn. Bạn sẽ làm gì từ bây giờ đến lúc đó?
“Mình sẽ nói lời tạm biệt với mọi người” - tôi tin đây là câu trả lời của không của riêng mình. Và câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Mọi người...
“Mình sẽ nói lời tạm biệt với mọi người” - tôi tin đây là câu trả lời của không của riêng mình. Và câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Mọi người ở đây là ai? Ai là người bạn thực sự muốn dành nửa ngày cuối cùng với họ?” Câu hỏi này như chiếc màng lọc, giúp chúng ta nhìn thật rõ, ai là người quan trọng với mình nhưng nó cũng gợi về những mong muốn làm ta ngỡ ngàng.
Không khó hiểu khi những người đầu tiên tôi muốn dành thời gian cùng là những người tôi yêu thương và cảm thấy an toàn khi ở cạnh. Trong cuốn sách Tâm lý học Thần kinh gần đây tôi đọc - “What happened to you? Conversation on trauma, resilience, and healing”, tác giả dùng khoa học não bộ để phân tích rõ vì sao những kết nối sâu sắc trong các mối quan hệ là chìa khoá để có một đời sống cân bằng, lành mạnh và ý nghĩa. Não chúng ta đã được lập trình để sống cùng nhau. Dù đi tới đâu, ta cũng không thể trốn tránh khao khát có những kết nối sâu sắc trong đời. Nhưng không phải ai cũng có thể gọi tên thứ mình cần và không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được học cách dựng xây thương mến theo hướng lành mạnh từ thuở nằm nôi.
Tôi muốn dành phần đầu cuộc trò chuyện với mỗi người để nói yêu họ, nói họ nghe tôi thấy mình may mắn biết bao khi có họ trong đời. Chúng tôi sẽ cùng ôn lại những kỉ niệm đẹp, những kí ức ấm áp khi có nhau bên cạnh. Tôi biết mình sẽ rất hối hận nếu giữ mãi một câu hỏi về đối phương và không bao giờ có câu trả lời nên chúng tôi sẽ nói, về những khúc mắc trong lòng, nếu có, với nhau. Tôi thường có một bản đồ mối quan hệ với từng người trong trí nhớ, ở đó tôi biết và khắc ghi những khoảng khắc quan trọng trên con đường đồng hành cùng đối phương. Thông thường các cột mốc chính trên bản đồ sẽ được tôi đánh dấu bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
1. Không-thời gian chúng tôi biết/ gặp nhau. Ấn tượng đầu tiên về nhau?
2. Chúng tôi đã làm gì để xây dựng mối quan hệ này? Cả hai đã bị động và chủ động ở những giai đoạn nào của mối quan hệ? Những yếu tố, tác nhân nào đã ảnh hưởng theo nhiều chiều tới mối quan hệ của chúng tôi?
3. Khoảnh khắc chúng tôi cảm thấy mối quan hệ tiến xa hơn, gần gũi, gắn bó và an toàn hơn?
4. Tương tác nào cho tôi biết, đây là người chân thành muốn tốt cho mình?
5. Hình dung của chúng tôi về mối quan hệ trong tương lai?
Không nhất thiết phải ghi ra giấy hay nói thành lời, nhưng tôi thường xuyên nghĩ về các mối quan hệ để suy tư về chính mình và những người xung quanh. Sự kết nối, cảm giác thuộc về và những an toàn ta hằng mong mỏi sẽ không tự nhiên mà tới trong thế giới của người trưởng thành. Tôi tin, ấm êm nào cũng cần được ý thức dựng xây, vun trồng.
Bên cạnh nói lời chào tạm biệt tới người mình yêu thương, bạn bè khi được tôi hỏi còn muốn làm vô vàn điều thú vị. Có người muốn ôm tất cả mọi người, kể cả những người không quen biết. Cũng có người muốn không cần mặc đồ đi hóng gió. Người thì mong tỏ tình với tất cả những người mình từng thích mà chưa được nói ra. biết bao nhu cầu, yêu thương, tự do, được thể hiện mình, trong giây phút kề cận giữa của nhân loại, trồi lên, lộ ra, mong được thấy thật nhiều. Chúng ta, là mình, là người, với tất cả những vẹn nguyên khao khát ấy.
Tôi nghĩ trước, trong và sau khi làm tất cả những điều trên, ta sẽ đi qua tầng tầng lớp lớp giai đoạn của sự mất mát. Tôi không nghĩ mình có thể bình tâm vững dạ chuyện trò khi cái hố sâu hoắm, rỗng không của nỗi đau đang lớn dần trong trong cơ thể. Mỗi lời nói ra là nghìn vạn hơi thở bị hút lại nơi miệng giếng thẳm sâu không đáy. Kí ức bị phong ấn trong từng tế bào bởi sự chia ly. Từng giờ, từng giờ, tôi biết mình sẽ đóng băng ngày tình yêu biến mất trên hành tinh này.
Nhưng trong một sát na nào đó, tôi đã nghĩ mình có thể dành chút thời gian còn lại ít ỏi để chuẩn bị cho những ngày đầu tiên một mình sắp tới. Lương thực, thuốc men, chỗ ở, sự an toàn,… lần lượt lướt qua, Nhưng thứ thật sự đáng lo ngại là gương mặt thất vọng của chính mình. Tôi có sẵn sàng để đối diên với chinh tôi, cô độc, một mình, duy nhất? Tôi có sẵn sàng, để không tự huỷ, khi không biết làm sao làm cái A, nấu cái B để sống? Sẽ không còn ai để đổ lỗi, không còn người để hỏi han kinh nghiệm, không người chăm sóc, đỡ đần. Thứ duy nhất còn lại là kí ức ở mãi thời quá khứ. Theo bạn, động lực sống lúc này sẽ khởi sinh từ đâu? Nghĩ thôi cũng đã là rất nhiều can đảm rồi.
Viết tới đây, tôi bỗng nhớ tới câu nói “Cách nhanh nhất để huỷ hoại một người là huỷ hoại tuổi thơ của người đó.” Trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc đời, thứ duy nhất giữ ta lại, là những kí ức hạnh phúc từng có trong quá khứ. Nếu quá khứ chỉ toàn màu xám đặc, niềm tin sao có thể tách đất đâm chồi? Đây là chủ đề hay, tôi sẽ phân tích kỹ các khía cạnh khoa học tâm lý của câu nói này trong những bài viết sau.
Cảm ơn mọi người vì đã đọc tới đây. Hẹn gặp bạn ở các bài viết tiếp theo!
Chân thành,
ngày giao mùa
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất