I. THỤ NGÔN BẰNG MỆNH ĐỀ
    Không hiếm khi ta gặp những câu văn tuy dáng dấp từ ngữ có khác nhau nhưng lại cùng biểu đạt một nội dung nhất định. Việc thấu hiểu câu văn nằm ở chỗ người nghe có thể tưởng tượng ra câu văn ấy “nói” điều gì hay không, tức là có hình dung ra được cảnh tượng, sự thể, cảm xúc, góc nhìn được chuyển tải bởi nó hay không. Độ dài của câu văn không quan trọng bằng tính chất sinh động, gợi tả của nó. Lí do là bởi người nghe – và có thể là người nói nữa – cùng nhau thực hiện động tác tri giác qua những mệnh đề và dạng thức phái sinh của nó. Mệnh đề là một nhận định, phán đoán, thể hiện hành động tư duy của con người. Nói một cách ví von, nó tương ứng với việc có một tia sáng lóe lên, soi rọi và làm hiện ra một đường nét, sự vật nào đó trong một căn phòng u tối đại diện cho trí óc nhận thức của mỗi cá nhân. Các mệnh đề hợp lại thành một chùm sáng tán xạ khắp nơi, đưa căn phòng vào một trạng thái lung linh, sáng tối đan xen như mặt sông với nhiều vân sóng dập dờn mộng mị; người sở hữu bộ óc được căn phòng ấy đại diện có cảm giác lờ mờ hình dung ra được một cảnh tượng hay sự tình nhất định. Đi kèm với các tia sáng mệnh đề là các biến tướng của nó – những “tia tối” do đó mà không thể được thứ cảm biến nào trong căn phòng phát hiện mỗi khi nó xuất hiện. Khác với các tia sáng có hai trạng thái sáng và tắt – tức hai giá trị chân và ngụy nhất thiết phải có ở một mệnh đề, các tia tối không mang giá trị chân ngụy. Ta có thể nhận ra vết tích của tia sáng ở mảng bóng mờ nó để lại, hoặc dự đoán sự xuất hiện của nó dựa vào các điểm lấp lóe; giống như trong chừng mực của một vốn hiểu biết nhất định ta cảm giác được những tình tiết đã được nhắc đến hoặc sắp xuất hiện trong khi đối thoại. Ta cũng ít nhiều biết được tính chân (có thật) và ngụy (không có thật) của một lời trần thuật lại sự việc nào đó. Nhưng ta không nhận ra được tia tối bởi từ bản chất nó là một sự thiếu vắng của tia sáng. Bằng cách xóa mờ, gây phân tách tia sáng thành nhiều luồng nhỏ, hoặc xóa hẳn tia sáng, tia tối tạo ra một vùng bí ẩn cần khám phá trong căn phòng; đó là câu nghi vấn. Hoặc bằng cách làm nhiễu các tia sáng do đó mà phủ một màn sương chân ngụy bất phân lên trên sự vật hay đường nét vốn được soi rõ, tia tối tạo ra nhiều tha hình che đi ít nhiều thứ thực hình duy nhất có mặt trong phòng. Chiếc bình thủy tinh không còn là chiếc bình thủy tinh nữa, tia tối đã làm nó ít nhiều vẩn đục, và ở góc độ khác ta lại thấy tia tối khiến cho nó có dáng vẻ nứt, bể; đó là các câu chức năng như cảm thán, phiếm định, giả thiết, nhượng bộ, và các phép tu từ như ngoa dụ, ẩn dụ, tỷ dụ, hoán dụ, khiêm dụ. Tia tối là phần tình thái bên cạnh các tia sáng là phần ngôn liệu. Ngôn liệu là mệnh đề, và tình thái thì không. Khi một người thụ ngôn (đọc hoặc nghe), họ tiếp nhận một loạt chùm sáng và chùm tối, từ đó nhận ra mệnh đề kèm theo những tha hình vây phủ nó. Ngược lại, khi một người lập ngôn (viết hoặc nói), họ phát ra một cách tương tự những chùm sáng và chùm tối chuyển tải những mệnh đề và tha hình.
    Trong trường hợp cái mà người thụ ngôn cần là nội dung của căn phòng – tức sự thể thiên về góc nhìn khách quan – thì các tha hình không quan trọng bằng các mệnh đề. Xét hai phát ngôn (một hoặc nhiều câu làm thành một thông điệp) sau đây, có thể thấy nếu vạch ra sự khác biệt thì hầu hết đều nằm ở mặt thẩm mĩ hay phong cách nói năng (vùng nhiễu của chùm tối gây ra: căn phòng lung linh mờ ảo thì đẹp và cuốn hút hơn, căn phòng sáng trưng trưng với quá nhiều góc chiếu thì rối mắt và không cuốn hút bằng), còn sự tình cần thông báo thì không mấy khác nhau (cái thực hình được tia sáng chiếu rọi chỉ có một, và đó là cái tối hậu mà người thụ ngôn cần biết hoặc người lập ngôn muốn người thụ ngôn phải biết).   
    “Nửa năm hương lửa đương nồng, trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.”
    “Hương và lửa đang nồng thắm được nửa năm, mới đó mà thoắt một cái trong lòng người trượng phu tự nhiên đã có ý muốn cái gì đó rộng khắp bốn phương trời.”
    Giác độ này cho thấy việc cố gắng lập ngôn một cách tinh xảo chỉ có hiệu quả với giả thiết rằng quá trình thụ ngôn tương ứng muốn tìm kiếm những tha hình. Điều này hầu như chỉ xảy ra khi ta bước vào một căn phòng xa lạ nhưng đủ an toàn để ta ung dung chiêm ngưỡng nó. Ngược lại, nếu ta thấy quan trọng hơn ở việc săm soi toàn bộ thông tin về căn phòng, ta sẽ không dành thời gian để dựa lưng, đảo mắt và tìm kiếm chút cảm giác thanh thoát siêu nhiên nào đó, mà trái lại là ta sẽ tìm cách hiểu hết căn phòng càng nhanh càng tốt. Ta cần biết phòng có bao nhiêu cái cửa sổ, thay cho chìm hồn vô cơn mê sảng nhớ tới người yêu cũ ôm ta trìu mến bên khung cửa sổ. “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” sẽ chẳng có gì khác biệt lắm so với “Cái đời người này không có bao giờ có chuyện có tài mà ít bị khổ” bởi cái mệnh đề chung tài mệnh tương đố ấy.
    Tương tự, đối với quá trình thụ ngôn – như khi ta đọc đề bài một bài toán giải bằng cách lập phương trình hai ẩn chẳng hạn – ta thường nhanh chóng tìm ra các cứ liệu và mối quan hệ giữa các ẩn số cốt để tìm ra nghiệm. Không chỉ riêng gì đối với một bài toán, mà cho tới một quyển self-help nào đó cũng vậy: thâu tóm nội dung mệnh đề là cách nhanh nhất để có một cái nhìn ro rõ, sơ sơ về căn phòng nội dung của quyển sách. Nhưng mà tác giả sách self-help có dụng ý muốn người thụ ngôn tìm kiếm những tha hình mờ ảo và bớt chú ý vào thực hình (mệnh đề) mà họ chuyển tải thì phải. Thụ ngôn bằng mệnh đề cũng là cách giúp ích cho việc thấu hiểu, học hỏi và góp ý một cách trung trinh nhất bởi nó nhắm vào sự tình hiện thực nhiều hơn rất nhiều so với cảm xúc chủ quan; tuy nhiên, việc đưa ra góp ý lại thuộc về phương diện lập ngôn – không có gì đảm bảo một phát ngôn chỉ toàn tia sáng mà không có tia tối sẽ được thụ ngôn một cách đúng dụng ý của người lập ngôn. Một căn phòng sáng trưng là một căn phòng chán ngắt – nó chỉ thu hút được những ai đã có sẵn mục tiêu khai thác cái gì từ nó, bởi lúc này chính thứ đó mới thu hút họ chứ không phải căn phòng. Một góp ý chẳng hạn, luôn cần có phần nội dung phi mệnh đề hoặc phần tình thái để lôi kéo, kích thích người khác tiến hành việc thụ ngôn (nôm na là “chịu nghe mình nói”).
II. LẬP NGÔN BẰNG PHÙ HIỆU
    Lập ngôn là quá trình một người sử dụng từ ngữ để tạo ra phát ngôn, thông qua việc tạo ra các câu cấu trúc thành phát ngôn ấy. Từ ngữ có tính chất của một phù hiệu – là thực thể tinh thần có hai mặt hòa quyện với nhau là năng biểu và sở biểu. Năng biểu – hay cái năng biểu (cái có khả năng cho người ta thấy điều gì đó) là những âm thanh của ngôn ngữ được sử dụng, và sở biểu – hay cái sở biểu (cái nơi chứa kết quả của hoạt động cho người ta thấy một điều gì đó) là phần ý nghĩa đằng sau năng biểu. Câu “Ông già, ổng cười” có thể được chia ra làm bốn phù hiệu tương ứng với từng tiếng có mặt: năng biểu “ông” biểu thị sở biểu tính chất tương ứng của bất kì đối tượng nào có thể được gọi tên bằng năng biểu ấy (lưu ý: trong tiếng Việt sở biểu này không phải một ông lão cụ thể; ở đây người viết không giải thích bởi tính trừu tượng cao độ của sở biểu này), năng biểu “già” biểu thị tính chất tuổi tác tương ứng, năng biểu “cười” biểu thị một loại hành động tương ứng, và năng biểu “ổng” có sở biểu trỏ đến sở biểu của “ông già”.
    Tuy nhiên, khi người thụ ngôn đã tiếp nhận thành công phát ngôn tạo nên bởi câu ấy, các năng biểu dường như liền nhường sân khấu cho các sở biểu tiến hành sự hợp nhất. Lúc này, chỉ còn một tia sáng duy nhất thể hiện mệnh đề gồm một đối tượng (“ông già”) và một thông tin về đối tượng đó (“ổng cười”). “Ông già” là căn phòng, và mệnh đề này soi rọi một đường nét của căn phòng (“ổng cười”) (lưu ý: xin đừng nhầm lẫn giữa đối tượng “ông già” và hai tiếng “ông + già”; từ ngữ gợi lên ít nhiều cảm giác có nhiều tiếng, nhiều thành phần tổ hợp lại, còn trong thực tế khi đứng trước một “ông già” thì trí óc ta nhận ra đó là một “ông già” không có sự phân tách nào cả). Nghĩa là các sở biểu đã trải qua một quá trình chu diện (encapsulation) – cùng hòa lẫn vào nhau và được bọc lại trong cùng một màng bọc – để tạo thành hai toàn hình (gestalt, đối tượng được nhận biết như toàn thể mà không khơi gợi cho người xem cảm giác có thể phân tách nó ra) làm thành mệnh đề biểu thị một sự nhận biết thông qua thị giác, có dạng “A thì B”.
    Ở đây có thể thấy một điểm khó khăn: người lập ngôn có thể hao tốn nhiều công sức nếu họ là một người cẩn trọng, am hiểu hoặc quen làm việc một cách sát sao với từng chữ nghĩa một. Việc tinh tế chọn lựa từng đơn vị cú pháp tối thiểu chưa chắc đã hứa trước một quá trình chu diện sinh ra các toàn hình chuyển tải đúng cái ý mà người lập ngôn muốn bày tỏ. Nếu người này cẩn trọng tới mức dịch “Cô này, tôi thấy cổ lãng mạn lắm” thành “That lady gave me the feeling of immense vagues of ocean” bởi lãng mạn là “sóng tràn bờ”, thì rõ ràng là phát ngôn tiếng Anh sẽ cung cấp cho người thụ ngôn một mệnh đề về đặc tính của cô gái ấy khác hẳn so với mệnh đề thông qua phát ngôn tiếng Việt, tuy ta không rõ sự khác biệt ấy đến mức nào. Tuy nhiên, cách lập ngôn theo kiểu chắp vá vô tội vạ các từ ngữ vào câu nói cũng không phải là một cách hay ho cho lắm bởi nó tiềm ẩn tác động thay đổi chùm tia sáng mệnh đề soi rọi vào óc tiếp nhận của người thụ ngôn: “Cô đó khá đẹp”, thêm một tiếng khá cũng đủ thêm tính hiện thực cho mệnh đề (nghĩa là tính chân ngụy của nó phải xét thêm điều kiện hiện thực) – không thể nói “Nó nhờ anh tìm cho nó một cô, mà nó yêu cầu là cô đó khá đẹp” (thử bỏ tiếng khá để thấy câu văn không còn lấn cấn) – tuy trong thực tế hiện nay người ta hay chèn chữ khá vào câu định tính do nhu cầu phân định đề - thuyết thay vì nhu cầu thực sự cần biểu lộ tính tương đối của “đẹp”.
III. LỜI TỎ
    Người viết đưa ra tiêu đề ở đầu bài là để tỏ mong muốn kéo hai phương diện phù hiệu ngôn ngữ và mệnh đề nhận thức xích lại gần nhau. Trong tiếng Việt có tồn tại những mẫu hình hành văn súc tích (các phù hiệu trong câu văn sau khi ráp lại thì vừa khít với nội dung mệnh đề), đồng thời khi có nhu cầu lại có cả những biện pháp từ ngữ giúp khu biệt câu văn đa nghĩa (nhiều cách hiểu, cách ngắt câu) được đơn nghĩa (bằng nhóm các hư từ thể hiện “lục cách” tức sáu vai nghĩa trong câu, hoặc trật tự từ). Việc tạo ý thức về những mẫu cổ điển đắt giá như vàng ròng ấy ở người Việt lẫn người nước ngoài học tiếng Việt, là một cách để duy trì vẻ đẹp bác học lẫn thi ca của tiếng Việt. Bằng cách đó, người nói tiếng Việt vừa có thể sử dụng tiếng Việt một cách mộc mạc trong sinh hoạt thường nhật – tức thứ tiếng Việt gần gũi, đơn sơ, dễ hiểu, lại vừa có thể trình bày những câu cú sáng sủa, cô đọng khi cần hoặc khi tiếp xúc với các khuôn vàng thước ngọc của việc hành văn tiếng Việt. Thậm chí, khi đã được rèn luyện trước những kĩ thuật và quy tắc bậc thầy của tiếng Việt, chính họ là người đi tạo nên những tuyệt tác kinh điển mới cho ngôn ngữ này.