Phần 4 của Thor là một bộ phim kỳ lạ. Sau thành công của Thor: Ragnarok cũng như những dự án riêng của mình như Jojo Rabbit hay What We Do in the Shadow, Waititi gần như chắc chắn được tin tưởng sẽ đem lại cho Thor Love and Thunder (Thor 4) những gì mình đã hoàn thành rất tốt trong thời gian trước. Đó là những câu chuyện hài hài, dí dỏm nhưng không quên sức nặng khi cần thiết. Hãy nghĩ đến cảnh người mẹ (xin không spoil) trong Jojo Rabbit, hoặc khi Thor quyết định hy sinh hành tinh của mình trong Thor 3. Rất tiếc, Thor 4 không làm được bất cứ điều gì giống vậy. Thor 4 là một bộ phim tham lam, chộp giật và đầy sợ hãi.
Thor 4 theo chân Thor sau khi kết thúc hành trình của mình tại End Game. Anh đi tìm chính mình (chủ yếu là tìm lại vóc dáng) và từ đó cũng đi tìm “thứ khiến mình đau đớn” như câu nói của Star Lord để thấy bớt trống trải khi mất đi những người thân. Mặt khác, cô bạn gái Jane Foster từ hai phần đầu của anh thì bị phát hiện ung thư giai đoạn cuối, nhưng lại nghe được tiếng gọi từ cây búa đã vỡ của Thor trong phần 3 và trở thành Mighty Thor. Kẻ xấu của chúng ta lần này là Gorr, một con chiên ngoan đạo trở thành Kẻ Diệt Thần sau khi đức tin của mình bị phá hủy và được thanh gươm Necrosword có khả năng diệt thần chọn. Thor và người bạn gái cũ cùng những đồng đội của mình như Korg (do chính đạo diễn thủ vai), Valkyrie phải đi tìm kiếm sự giúp đỡ của các vị thần khác, sau đó tiêu diệt Gorr.
Nếu bạn thấy đoạn tóm tắt vừa rồi có phần ngắn và giật cục, thì đúng như vậy, đó là tất cả những cảm xúc mà Thor 4 mang lại từ mạch phim quá nhanh của nó. Các nhân vật chỉ nhảy từ đoạn này sang đoạn khác của cốt truyện. Mỗi… địa điểm trong phim sẽ chạy khoảng 5 tới 10 phút, và sau khi đạt được thông tin cần thiết, nói chuyện với đủ người và tiết lộ được đủ phần của diễn biến phim, toàn bộ các nhân vật chính sẽ vô cùng vui vẻ nhảy tới phần tiếp theo của bộ phim. Với thời lượng 02 tiếng, trở thành một trong những bộ phim ngắn nhất của Marvel trong thời gian gần đây, gần như không có khoảng thở trong phim. Người xem sẽ không có thời gian để làm quen cũng như dành tình cảm cho bất kỳ nhân vật nào cụ thể, vì hầu như mọi nhân vật đều xuất hiện thoáng qua, một chiều. Chúng ta có một Valkyrie chán nản trong vị trí lãnh đạo New Asgard, có một Jodie Foster chiến đấu với ung thư, có một Gorr đầy thù ghét với lý do đủ thuyết phục để đi diệt thần. Đó đều là những tuyến nhân vật rất hay với cần những khoảng không gian đủ lặng để khai thác, nhưng chúng ta sẽ không có bất cứ thứ gì trong những thứ đó, ngoại trừ thông qua lời kể của Korg hoặc một hai cảnh ngắn. Ngược lại, chúng ta dành thời gian đi tới Omnipotence, thế giới của thánh thần với mục đích hoàn toàn vô nghĩa, ngoại trừ giới thiệu một số vị thần mới một cách hời hợt và không để lại kết quả gì cho bộ phim.
Chính bởi vì nhịp điệu yếu của phim, bộ phim không thể tránh khỏi sự chộp giật. Nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Bởi, ngay cả khi Waititi ngừng lại một chút để khai thác nhân vật, thường là một số cảnh ở New Asgard đoạn đầu hoặc trên con thuyền, bộ phim chính hiệu Disney này vẫn không tránh khỏi được một cảm giác đầy sợ hãi. Không phải là dường như, mà chắc chắn rằng, bộ phim không dám làm khán giả phải suy nghĩ. Sự buồn bã, dù là nỗi buồn cá nhân (Jane bị un.g thư, Thor tự nhiên thấy người yêu cũ) hay là sự lo lắng tập thể (của dân làng khi Gorr bắt hết trẻ con Asgard đi mất), đều không được phép tồn tại trên màn hình quá 30 giây. Chắc chắn rằng sẽ phải có một trò đùa ngớ ngẩn nào đó. Trong phân cảnh đáng ra có thể thay đổi nhịp điệu và cảm xúc của phim, là phân cảnh khi Thor an ủi người dân Asgard, bảo họ chung sức đồng lòng để tin tưởng khi anh đi cứu trẻ con bị b.ắt cóc, thì Waititi vẫn không thể ngừng việc vỗ về người xem. Chắc chắn ngay sau những câu nói có sức nặng, có sự hùng tráng, an ủi nhất định của một vị thần, một siêu anh hùng, là một trò đùa ngớ ngẩn về việc Thor tự làm bẽ mặt mình trước dân chúng. Đây cũng không phải điểm duy nhất tệ trong cách thể hiện cốt truyện và lột tả nhân vật phim. Bộ phim không dám để khán giả phải buồn, nhưng lại mua vui cho khán giả bằng những trò đùa rất rẻ tiền, lặp đi lặp lại. Đếm nhanh trên đầu ngón tay, Waititi chỉ có vài trò đùa chính trong phim. Sử dụng nhiều nhất, như đã nói, là việc một nhân vật nói gì đó nghiêm túc rồi tự làm xấu hổ bản thân, như trong trường hợp của Thor hay Zeus. Sau đó là việc Korg nhầm tên Jane Foster, tiếng kêu của hai con dê, cái rìu ghen tị hoặc kinh điển Marvel nhất là khi một ai đó nói gì nghiêm túc và bị vặn lại bằng một câu nói buồn cười, one-liner của các nhân vật anh hùng. Cũng vì những trò đùa chủ yếu là vô nghĩa và đùa-để-chọc-cười kiểu “cười đi cười đi, cười chưa, không có gì nghiêm túc đâu, xí xóa xí xóa nhá” như thế mà bộ phim bị mất đi hoàn toàn sức nặng của nó. Việc trẻ con bị bắt c.óc đáng ra là một việc rất đáng quan ngại, nhưng Thor vẫn có thể facetime với lũ trẻ để update tình hình (và không làm gì khác) qua một nhân vật trẻ con có cái đầu CGI rất giả. Việc đối đầu với kẻ diệt thần cũng hoàn toàn có thể mang nhiều sức nặng hơn, nhưng không, xuyên suốt cả bộ phim, chúng ta chỉ nhìn thấy Gorr diệt… 01 vị thần. Ngay cả cuộc chiến chống lại u.ng thư của Jane, nghĩa là một hoàn cảnh phải đưa ra chọn lựa kinh điển: Sống hay tồn tại (live or alive), hơn nữa lại được quy chiếu bằng đời sống của một người phàm trần bất lực với một vị thần, là một chi tiết đáng ra có thể khai thác thêm rất nhiều, nhưng cũng gần như bị gạt ra, dành chỗ cho các trò đùa nhảm và hai cảnh yếu đuối duy nhất (một ở 1/3 phim một ở cuối phim).
Nói về sự sợ hãi, cũng không thể bỏ qua trào lưu rất đáng ghét gần đây của Marvel: Các nhân vật phản diện không bao giờ là “xấu”, mà chỉ bị rù quyến bởi một sức mạnh hắc ám nào đó để trở thành phản diện. Chúng ta thấy điều đó trong WandaVision và sau này là Doctor Strange với Wanda và Darkhold, rồi tiếp theo là bố của ShangChi (quên tên rồi) với Ten Rings, rồi Black Widow bị chi phối tâm trí, và giờ đây là Gorr bị thanh gươm dụ đi diệt thần. Vấn đề ở đây không phải là bài học “nhân chi sơ tính bản thiện”, tin vào sự tốt đẹp nguyên thủy của con người mà có thể các nhà làm phim Disney muốn mang lại, mà vấn đề ở đây là nó làm giảm đi sức nặng trong các lựa chọn của nhân vật phản diện, và từ đó làm mất đi sự kịch tính cũng như thuyết phục của câu chuyện. Ví dụ trong chính bộ phim này, Gorr thật sự đã… hoàn toàn đúng khi coi tất cả những vị thần đều là kẻ xấu xa tham lam, bởi vì họ thật sự không quan tâm gì đến con chiên của mình. Gorr hoàn toàn tự bản thân có thể có những suy nghĩ đầy thuyết phục để tr.ả thù cho gia đình và đức tin của mình, nhưng không, đó phải là do một vật thể sống khiến hắn ta trở nên độc ác. Giống như Roger Ebert nói rất đúng, “một bộ phim chỉ hay bằng kẻ phản diện trong đó. Anh hùng thì luôn luôn lặp lại trong tất cả các bộ phim, nên chỉ một kẻ phản diện hay mới khiến câu chuyện từ tốt thành vĩ đại”, thì những bộ phim của Marvel luôn luôn không đạt được điều đó. Chỉ trừ Black Panther và ở đây suýt là Gorr, Marvel không dám làm kẻ phản diện trở nên thuyết phục, lung lay đức tin của anh hùng. Thay vào đó, luôn luôn phải có một yếu tố gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của kẻ phản diện để biến họ trở nên xấu xa. Waititi, và dường như ông chỉ là đại diện cho cách thể hiện phim của Marvel, không dám để khán giả phải buồn, không dám để đức tin của khán giả phải lung lay, không dám để khán giả phải suy nghĩ. Cả một bộ phim trôi qua với những nguy cơ hủ.y diệt có vẻ khá vĩ mô và việc bắt có.c trẻ con nghe cũng có vẻ to tát, nhưng lại hoàn toàn thất bại để truyền tải áp lực của nó cho người xem. Bộ phim không có sự căng thẳng, không có sự lo lắng, không có gì cả. Ngay sau khi trẻ c.on bị bắt cóc, Thor vẫn lo về tình cũ, vẫn nói chuyện cười đùa vui vẻ với cả đội, vẫn hào hứng đi thăm thành phố thần linh. Waititi luôn cố gắng bao bọc người xem một cách đầy lo lắng và sợ hãi, che giấu đi dưới những trò đùa lặp đi lặp lại, giống cách một người phụ huynh mệt mỏi phải làm mặt hề để đứa con không quấy khóc giữa đêm.
Với việc phải cân bằng giữa một cốt truyện quá nhanh, quá chộp giật và việc phải liên tục làm trò hề chọc khán giả cười, bộ phim đem đến yếu tố cuối cùng của tiêu đề bài viết: Tham lam. Gần như cả bộ phim không có nhịp thở, không có nhịp ngừng. Nếu các nhân vật không giải thích cốt truyện hoặc nói ra suy nghĩ cảm xúc của mình ngay lúc đó, họ sẽ làm trò hề. Chỉ trừ một đoạn duy nhất, cả bộ phim không có lúc nào là không có tiếng nói, theo nghĩa đen của nó. Tất cả mọi nhân vật đều nói, nói quá nhiều, nói đến phát chán thì thôi. Korg không thể ngừng lại việc dẫn truyện nhiều khi không cần thiết của mình thì đã đành, nhưng các nhân vật phụ khác không thể ngừng lại việc nói, cười và đùa liên tục. Waititi đã nói phiên bản đầu tiên của phim dài tới 4 tiếng đồng hồ, nên người xem nên thật sự cảm thấy may mắn vì phiên bản ra rạp chỉ dài 02 tiếng, bởi đó sẽ là 02 tiếng lê thê nhất với các nhân vật không thể ngừng chia sẻ suy nghĩ cảm xúc của họ, và đặc biệt là bỡn cợt với nhau liên tục trên màn ảnh.
Nhưng đó không chỉ là sự tham lam về mặt nội dung. Sự tham lam của Thor 4 còn đến từ phía sản xuất. Với cách thể hiện theo kiểu “kể (lể) chứ không tả” (tell, don’t show) của phim, chúng ta cảm nhận rằng khán giả mục tiêu của Thor 4 là trẻ con, từ 10 tới 15 tuổi. Việc này là vô cùng bình thường bởi xét cho cùng, phim Marvel vẫn luôn dành cho mọi lứa tuổi và đã rất thành công trong việc đem đến một không khí “ngày vui cho cả gia đình” xuyên suốt 3 phase của mình. Và những thay đổi kiểu “người lớn hóa”, “thật hóa” của dòng phim siêu anh hùng cũng không phải luôn thành công, bằng chứng là những bộ phim DCEU lê thê và rầu rĩ sến sẩm của Zack Snyder. Tuy nhiên, MCU đã đến giai đoạn phát triển thứ 4 của mình. Điều này đồng nghĩa với việc lôi kéo khán giả mới, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi sẽ rất khó khăn. Nội dung của Thor 4 liên quan mật thiết tới các phần trước đây (vỡ búa từ phần 3, người yêu cũ từ phần 1, 2), và một khán giả nhỏ tuổi sẽ không nắm bắt được nội dung nếu chưa xem các phần trước. Mặc dù cách thể hiện có thể hướng tới khán giả nhỏ tuổi, nhưng nội dung thì lại cần quá nhiều dàn dựng từ các phần trước để người xem có thể hiểu được. Hãy lưu ý rằng Thor 1 ra mắt vào năm 2011, vậy những khán giả 10 tuổi khi xem Thor 1 thì hiện giờ cũng 22 tuổi. Việc đồng thời phải níu kéo khán giả cũ cũng như phải làm bộ phim trở nên dễ hiểu để tạo ra sự thích thú cho khán giả nhỏ tuổi mới khiến bộ phim trở nên kệch cỡm và tham lam trong toàn bộ phần sản xuất. Nhạc thì chơi những bài kinh điển của thập niên… 80, trò đùa và cốt truyện thì hướng tới trẻ em sinh từ 2010 còn để hiểu nội dung thì tốt nhất nên xem từ năm 2011. Thor 4 trở thành một nồi lẩu thập cẩm của sự tham lam, cố quá.
Bài viết đã quá dài, nên xin dừng lại tránh nhắc đến những lỗ hổng về cốt truyện đầy rẫy trong Thor 4, như việc tại sao Thor có thể truyền năng lực của mình cho người khác mà anh không làm… sớm hơn, hoặc rốt cuộc cách vận hành của Bifrost và StormBreaker như thế nào, bởi rõ ràng ngoài Storm Breaker ra thì còn vô khối những vật phẩm khác (sét của Zeus hay con ngựa của Valkyrie) có thể là chìa khóa dẫn tới nơi cuối cùng (vì các nhân vật nhảy hết bằng vật phẩm này tới vật phẩm khác). Hoặc như là sự thiếu nhất quán trong sức mạnh của Gorr, có những lúc rất mạnh, chỉ cần có bóng tối là triệu hồi vô tận quái vật, có những lúc chỉ vừa đủ để solo với Thor khi Thor đã chia sẻ sức mạnh của mình cho lũ trẻ con. Chắc những chi tiết đó sẽ đủ cho một bài post khác của một ai khác chăng.
Dĩ nhiên không thể không nói tới những điểm mạnh của phim. Christian Bale thuyết phục trong mọi cảnh ông xuất hiện. Chỉ vừa đủ thuyết phục bởi khả năng diễn xuất của mình, chứ không đủ đáng sợ, bởi thời lượng xuất hiện quá ít và những gì Gorr làm được trên màn ảnh cũng quá ít. Cả Natalie Portman và Tessa Thompson đều diễn đạt hơn những phần trước rất nhiều, đặc biệt là Tessa Thompson đã có cá tính hơn nhiều so với việc dừng lại là một nhân vật phụ giúp Thor trong Ragnarok. Phân đoạn đánh nhau đen trắng với Gorr ở hành tinh là một trong những điểm sáng lớn nhất của phim. Về mặt hình ảnh, khó có cảnh phim hành động nào của Marvel trong Phase 4 có cá tính và phong cách hơn phân đoạn đó. Nhạc của phim cũng tạm được, dường như Waititi muốn trở thành một James Gunn thứ hai nhưng gu vẫn kém hơn. Một điểm sáng nữa của phim là dường như ai cũng rất vui trên trường quay, gia đình Thor có đến 5 người cùng tham gia làm phim (Chris, vợ, em trai và 2 đứa con).
Xét cho cùng, Thor 4 là một bộ phim giải trí hoàn toàn, không quá khác biệt với những phim trước đây của Marvel khi mà chúng ta đều đã có một giao ước ngầm sẽ tắt não khi đi xem. Nhưng Thor 4 không thể giấu nổi sự mệt mỏi, bất an của đạo diễn khi vừa phải cố gắng lướt trên con sóng thành công của Thor 3, vừa phải chiều ý những fan mới trong khi không đi lệch khỏi khuôn phép Marvel. Phase 4 cũng là khi các đạo diễn được cho nhiều cá tính của mình vào bộ phim hơn, nhưng điều này không thành công với Thor. Ngược lại với Multiverse of Madness, khi Sam Raimi biết được sự sến và làm màu rõ ràng của mình và đã cho người xem tất cả những thứ “Sam Raimi” nhất, thì Waititi tỏ ra quá an toàn, quá tham lam và quá chộp giật.
Trong cả Thor Ragnarok và Thor Love and Thunder đều có một phân đoạn kịch vừa để khán giả cập nhật nội dung phần trước, vừa để tự nhạo báng các phần phim một cách vui vẻ, luôn luôn được đóng bởi em trai Thor và Matt Damon. Ở những cảnh đó, các tình tiết gay cấn trong các phần trước đều được diễn theo kiểu kịch, tức là thái quá, kệch cỡm, tự nhạo báng. Nhưng chính Thor 4 cũng không thoát khỏi cách biểu hiện đấy. Bộ phim giống như một vở kịch được diễn một cách nửa vời và không tới đâu ở trong chính những phần nghiêm túc của mình. Thor 4, do đó, trở thành một cái bóng nhàm chán, chộp giật, đầy sợ hãi và tham lam của Thor Ragnarok.