Mình xin cám ơn James Clear đã là nguồn động lớn để mình học cách nói lời cảm ơn. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây nhé: https://jamesclear.com/say-thank-you
Người ta vẫn (thường) chỉ nói cám ơn khi người khác làm điều gì đó tốt/có lợi cho bạn, nhưng tác giả James Clear dưới đây nhấn mạnh thêm 7 trường hợp bạn nên nói cám ơn, mà mình thấy hay ho cực:

1. Khi bạn nhận được một lời KHEN. 

Thay vì ngay lập tức phủ nhận lời khen (như một hình thức “khiêm tốn” hình thức), điều mà mình tin rằng ảnh hưởng một phần bởi văn hóa Á Đông, hãy nói “cám ơn” để tỏ thành ý với người nói và để bản thân vui vẻ nhận lấy lời khen. Ví dụ, khi người khác khen: “Hôm nay cậu làm tốt lắm!”, thay vì nói: “Mình lo sợ cực, mừng vì nó qua rồi”, hãy nói: “Cám ơn bạn. Mình rất mừng vì bài thuyết trình đã hoàn thành tốt.”

2. Khi bạn đến MUỘN. 

Vấn đề của việc đến muộn, theo James Clear, là dù có nói “Xin lỗi” đi chăng nữa, bạn cũng không thể hiện sự trân trọng thời gian chờ đợi của người khác. Lời cảm ơn này sẽ hướng sự tôn trọng và chân thành đến với đối phương, người đã nhẫn nại đợi chờ bạn đến, và là người hy sinh thời gian hoặc công sức cho lỗi lầm của bạn. Vì vậy, khi đến muộn, thay vì nói: “Ôi trời, xin lỗi mình đến muộn. Đường đông quá!”, hãy nói: “Cám ơn mọi người đã kiên nhẫn chờ mình!”

3. Khi bạn AN ỦI một ai đó. 

Để an ủi một người khác trong hoàn cảnh họ gặp khó khăn là rất khó, nhiều khi chính mình cũng không biết nên mở lời như thế nào. Đôi khi, điều đối phương muốn nghe không phải là những câu nói tích cực, mà là sự kề cạnh và chăm chú lắng nghe, để họ tin tưởng và chia sẻ. Vậy, ví dụ như khi vừa hay tin một người thân của bè bạn vừa đi xa, thay vì cố gắng thêm vào những câu tích cực nhưng không mang tính cảm thông như: “Không sao, ít nhất bạn có những kí ức tươi đẹp bên bà”, hãy nói, “Cám ơn bạn đã chia sẻ với mình chuyện này với mình. Mình biết thời gian này sẽ khó khăn với bạn, nhưng chỉ cần cậu tìm đến, mình sẽ ở đây để lắng nghe.”

4. Khi bạn nhận được lời GÓP Ý. 

Nhiều lời góp ý có tính xây dựng nhưng khi nghe lần đầu thường khó lọt tai, vì thế, chúng ta thường có xu hướng phủ nhận lời góp ý hoặc “tấn công” lại người nói. James Clear khuyên nên nói đơn giản 2 chữ “cám ơn” và nhận lấy lời góp ý. Ví dụ, khi nghe sếp góp ý rằng công việc bạn làm hiện chưa tốt như kỳ vọng, thay vì: “Sếp không hiểu ý em rồi. Ý em là ...”, hãy nói: “Cám ơn sếp đã kỳ vọng cao về em” và hỏi kỹ hơn nội dung góp ý để thể hiện tốt hơn trong công việc.

5. Khi bạn nhận được CHỈ TRÍCH không công bằng.

Loại chỉ trích này mặc dù không có tính xây dựng và dễ làm ta nổi nóng, nếu sửng cồ lên để cãi nhau tay đôi với người chỉ trích, hậu quả mang lại chẳng là gì, ngoài thêm ganh ghét, hằn thù. Cãi nhau với những người không có lý lẽ chẳng để làm gì. Vì vậy, chỉ nên nói một câu lịch sự “cám ơn”. Ví dụ, khi “anh hùng bàn phím” chỉ trích: “Cái mày viết ra nhạt kinh khủng, dốt nát nhất tao từng đọc”, thay vì sừng sổ lên đáp “Đồ ngốc! Để chế nói cưng nghe..”, thì hãy trả lời: “Cám ơn bạn đã phản hồi. Tôi còn nhiều điều cần học thêm”.

6. Khi người khác cho bạn lời KHUYÊN kiểu “đẽo cày giữa đường”. 

Không có gì khó chịu hơn là khi bạn đang hăng say làm một việc gì đó thì người khác chĩa vào cho một lời khuyên bâng quơ như thể họ biết mọi thứ trên đời. Nhưng thay vì hùng hồ: “Thế hả? Ngon thì vào đây làm thử xem có làm được không này!”, hãy nói “Cám ơn lời gợi ý nhé!” và làm tiếp việc của bạn.

7. Khi bạn KHÔNG CHẮC có nên nói cám ơn không. 

Hãy cứ nói cám ơn! Mình tin rằng một lời cám ơn sẽ không thừa thãi đâu, mà còn bộc lộ sự biết ơn chân thành trong xã hội này đấy!