Có khi bạn đang làm nhục và bị làm nhục trên mạng xã hội mà không hề hay biết. Một cái “like”, “share” vô ý của bạn có thể đẩy một người đến ranh giới của sống còn. Cuốn sách của Đặng Hoàng Giang sẽ chứng minh cho điều đó, ông cho chúng ta thấy được:
Nguồn: Tiki
Nguồn ảnh: Tiki
“Trong thời đại của internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế!” (Thiện, ác và smart phone, 2017, tr.4).
   Tổng thể cuốn sách là một “bản án” dành cho chính bản thân tác giả, dành cho chính bạn và cho bất cứ ai vô tình cười cợt, bông đùa và ngỡ như mình vô hại. Với giọng văn gần gủi nhưng quyết liệt, tác giả đã truyền đạt nội dung một cách khéo léo để vừa khiến ta vỡ lẽ ra nhiều vấn đề mà chính mình cũng đã từng, vừa làm cho ta chấn chỉnh lại cách ứng xử qua mạng cảu bản thân.
Khái quát nội dung:
   Cấu trúc của “Thiện, ác và smart phone” đi theo trình tự nói về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp. Tác giả đã vô cùng tinh tế khi đan xen giữa sự lên án và giải thích nguồn gốc của vấn đề, làm cho mọi thứ trở nên vô cùng thuyết phục, giúp ta nắm rõ ngọn ngành gốc rễ.
   Lấy ví dụ, hiện nay sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội là vô cùng thần tốc, chỉ cần ngồi ở nhà với vài cú click chuột là bạn đã có thể truyền tải một nội dung đi khắp nơi. Những video ghi lại cảnh hành hạ, đánh ghen,... được đăng tải trên Youtube với những lượt view tăng chóng mặt đã để lại những hậu quả khôn lường. Vậy bạn có biết trước khi Youtube ra đời thì thứ gì đã đóng vai trò lan truyền hình ảnh như vậy không? Đó chính là bưu thiếp, tôi xin dẫn nguyên văn:
“Tạp chí Time trích lại lời của một nhân chứng trong vụ hành hình Thomas Brooks ở bang Tennessee năm 1915: “Hàng trăm máy Kodak bấm tanh tách cả buổi sáng ở hiện trường. Người ta đi ô tô và xe ngựa từ nhiều dặm lân cận tới để xem cái thây treo lủng lẳng. Các nhiếp ảnh gia đã lắp sẵn máy in bưu thiếp di động ở đầu cầu” (Thiện, ác và  smart phone, 2017, tr. 34).
   Cuốn sách không chỉ mang lại cho bạn kiến thức mà còn có một lượng thông tin thực tế, hấp dẫn vì mang đậm tính thời sự lúc bấy giờ như việc tác giả phân tích hành vi của vụ án Nhà trẻ Phương Anh, vụ thảm sát Bình Phước,... Song song đó là những khái niệm và quy luật rất hữu ích khi áp dụng thực tiễn như “dân phòng trên mạng”, “bảy bước đi của căm ghét”,... Tuy nhiên, tác giả cũng đem đến cho đọc giả những cách thức, góc nhìn lạc quan và xoa dịu những tổn thương thông qua những chương cuối của tác phẩm, cho ta cảm giác như tình thế vẫn còn có thể cứu vãn được nếu bạn bình tĩnh.
Cảm nhận cá nhân:
   Điểm mà tôi thích nhất ở tác phẩm đó chính là sự thực tế mà tác giả mang đến. Không chỉ xoáy vào những vụ việc, hành vi mà tác giả còn đem những luật tục, hình phạt từ phong kiến ra bàn luận. Đặng Hoàng Giang đã tô đậm sự đau đớn về thể xác và bất lực đến thẩn thờ khi nhân phẩm bị xỉ nhục tột cùng. Điều đáng sợ hơn hết đó chính là những lý lẽ như thế lại từng được coi là hiển nhiên trong đời sống xã hội cũ, khắc họa rõ nét sự khắc nghiệt của các mối quan hệ xã hội đương thời.
   Chúng ta đang sống trong một thế giới thực nhưng cư xử bằng một lối sống ảo. Cách nhau một cái màn hình khiến ta cho rằng đối phương sẽ chẳng ra sao và quan trọng là ta tin rằng bản thân sẽ an toàn, dù sao cũng chỉ là ảo. Không đối mặt nhau làm cho ta dễ dàng cay nghiệt với bất cứ ai hơn bao giờ hết.
   Những đúc kết ngắn gọn của tôi chỉ là một phần nhỏ bé so với tổng thể của tác phẩm. Đây là một cuốn sách mà ai cũng nên đọc để ta hiểu hơn về lối ứng xử và học cách đặt bản thân vào vị trí người khác để thấu cảm. Hãy bình tĩnh và sáng suốt trong mọi hành động của mình.
   Mong bạn sẽ tìm đọc “Thiện, ác và smart phone” của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Đôi lời về tác giả:
   Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là người Áo gốc Việt, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) tại Hà Nội. Ông là một nhà hoạt động xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông về các xu hướng xã hội, tư pháp và phát triển.
Nguồn ảnh: Tiki
   TS Đặng Hoàng Giang tích cực tham gia sáng lập các diễn đàn mở là không gian hoạt động của xã hội dân sự, đối thoại, phổ biến kiến thức và các cuộc thảo luận mang tính phản biện; là tác giả các cuốn sách như: Điểm đến của cuộc đời (2018), Thiện, Ác và Smartphone (2017) và Bức xúc không làm ta vô can (2015). (Vũ Thơ, 2018)
-GÁC-
Tài liệu tham khảo:
Đặng   Hoàng Giang. (2017). Thiện, ác và smart phone. TP. HCM: NXB Hội Nhà   Văn.
Vũ Thơ. (2018, 05   15). Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang muốn thực hiện dự án thiện nguyện vì bệnh   nhân ung thư. Retrieved from Theo báo Thanh Niên:   https://thanhnien.vn/doi-song/tien-si-dang-hoang-giang-muon-thuc-hien-du-an-thien-nguyen-vi-benh-nhan-ung-thu-962948.html