Randy “The Ram” Robinson (Mickey Rourke) là một võ sỹ chuyên nghiệp. Sau khi bị đột quỵ tại một trận thi đấu nhỏ, The Ram được bác sỹ chẩn đoán rằng anh sẽ chết vì bệnh tim nếu tiếp tục thi đấu trở lại.
Trong nỗ lực bắt đầu cuộc sống mới, Robinson xin việc làm tại một quán ăn và làm quen với Cassidy (Marisa Tomei), một vũ nữ thoát y đứng tuổi. 
Tình yêu nảy nở giữa hai người và Robinson đã mơ về hạnh phúc tương lai bên cạnh người yêu cũng như nối lại mối quan hệ với cô con gái lâu ngày không gặp Stephanie (Evan Rachel Wood). Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của Randy, mọi chuyện dường như đã quá trễ.

Đô vật biểu diễn và ảo tưởng về người hùng

Thập niên 90, môn boxing mang nặng tính đối kháng bắt đầu bị lấn át bởi đấu vật biểu diễn. Khán giả cảm thấy chán ngán việc hai gã trai đô con nện nhau nhừ tử chỉ bằng nắm đấm. Đô vật biểu diễn đem lại cho họ nhiều hơn thế. Máu me và bạo lực hơn hẳn boxing, đô vật biểu diễn sử dụng nhiều đòn ôm, vật, ném, đòn đánh cũng đa dạng hơn nhiều.

Hơn thế nữa, những trận đấu của bộ môn này thu hút lượng lớn người xem chủ yếu nhờ vào sự thiếu vắng của một luật lệ thể thao thông thường. Ở đô vật biểu diễn, tính cạnh tranh chỉ là yếu tố phụ nhằm kích thích khán giả, ai thắng ai thua không hề quan trọng. Booker, người viết kịch bản của mỗi trận đấu sẽ là người quyết định chuyện đó.
Trong The Wrestler, Randy luôn đóng vai người hùng trong tất cả các trận đấu. Randy bay nhảy, bật dây đài, phi thân từ góc đài thực hiện cú Ram Jam, tuyệt chiêu của ông và cả khán đài bùng nổ những tràng reo hò vỗ tay. Randy là bất khả chiến bại, trong suốt nhiều năm đấu vật, ông chỉ sở hữu một hay hai trận hòa. 
Trong mắt những đứa trẻ, Randy là hình mẫu siêu anh hùng truyền thống với vai u thịt bắp cùng sức mạnh giải cứu thế giới. Còn trong thế giới của người lớn, Randy là một đô vật biểu diễn, là hề xiếc rao bán adrenaline với cái giá rẻ mạt.

Những đô vật được đóng vai người hùng trong các trận đấu có xu hướng được mời đóng vai chính trong các phim hành động Hollywood. Chẳng hạn, John Cena đóng chính trong The Marine hay Trainwreck, Dwayne Johnson trở thành siêu sao phim hành động hạng A và liên tục giải cứu thế giới trong Jumanji, Fast & Furious hay Rampage. Hào quang người hùng của họ kéo dài từ sàn đấu này đến sân khấu khác, từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh rộng. Thế còn người hùng The Ram, sau mỗi trận đấu người ta thấy bóng lưng ông lủi thủi bước về phía hậu trường.

Bên kia ánh hào quang

Bộ phim của Darren Aronofsky là một bức tranh xã hội đan xen giữa những yếu tố thực tại và ảo tưởng. Tất cả mọi chuyện diễn ra trên võ đài đều đã được lên kịch bản trước. 
Trước khi ra trận, những đô vật được xem là kẻ thù của nhau cùng ngồi lại và bàn bạc về những cú ra đòn, những tuyệt kĩ sao cho cả hai vừa phối hợp ăn ý vừa đẹp mắt nhất có thể. Họ chăm sóc vết thương cho nhau và nói lời xin lỗi nếu ra tay quá mạnh đối với đồng nghiệp.
“Anh bị thương để chữa lành cho người khác”, Cassidy nói với Randy trong khi ông kể cho cô nghe về những vết sẹo chằng chịt trên người.

Xuất thân là một võ sĩ boxing, Mickey Rourke đóng tròn vai của một đô vật hết thời. Với kinh nghiệm của người từng thi đấu một môn thể thao đối kháng, anh hiểu rõ từng vết thương trên cơ thể, từng cú đánh và phản ứng một cách hoàn hảo. Sau khi trận đấu kết thúc, Randy mệt mỏi lê từng bước, hơi thở nặng nhọc.
Một Randy già nua, yếu ớt và cô độc. Randy ngoài đời phải làm thêm ở một siêu thị nhỏ. Hàng ngày, đô vật già phải đối mặt vời hàng loạt vấn đề liên quan đến các mối quan hệ xã hội, gia đình và tình yêu. Không máu me hay trầy da xước thịt, người ta làm nhau đau chỉ bằng lời nói và biểu cảm. Đây chính là đời thực.

Phong cách làm phim của Darren Aronofsky

Sự ám ảnh, day dứt cùng những hình ảnh mang tính biểu hiện cao xuất hiện trong rất nhiều phim của đạo diễn Darren Aronofsky. Từ phim đầu tay của ông là Pi cho đến mother!, Darren cố gắng xây dựng những tàu lượn cảm xúc gắn chặt với mạch phim của mình.
Theo Screeprism nhận xét, nhân vật chính trong phim của Darren có xu hướng bị cô lập bởi chính những vấn đề của họ. Aronofsky buộc khán giả tự phóng chiếu tiềm thức của bản thân với nhân vật chính rồi cùng đấu tranh với những niềm tin cố hữu về sự tồn tại, hay những nỗi sợ nhân bản.

Đặc biệt, bộ phim The Wrestler cho thấy ý tưởng của Darren về sự đối nghịch với nguyên mẫu cuộc phiêu lưu của một anh hùng truyền thống. Đối với Randy, thế giới ảo trên sàn đấu mới chính là nơi ông thuộc về. 
Vì thế, khi Randy trở về thế giới thực và đối mặt với xã hội, đô vật già nua chật vật sinh tồn, ông mắc kẹt và trở nên bế tắc khi không thể hòa thuận với đứa con gái duy nhất. Cuối cùng, Randy quay trở về sàn đấu, ông chiến thắng và khải hoàn trên chính cái chết của mình.
Ghé qua chiếc blog nhỏ của mình về phim ảnh ở đây bạn nhé :3
https://ticketbox.vn/blog/