TỰ HỌC là gì? Có phải đó là tự ta mày mò, tự ta nghiên cứu, và học tập cho đến khi thành tài, cho đến khi thành tựu được việc học của mình, mà không cần thầy, mà cũng chẳng cần đến bạn? Nếu ta nghĩ như thế thì thiệt thòi cho ta quá, và có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ thành tựu được việc học của ta cả. Phàm trên đời này, có ai mà tự mình học một thứ gì đó mà không cần thầy, không cần bạn đâu chứ.
Có người vỗ ngực tuyên bố rằng: “Bộ môn này, tôi tự học lấy. Tôi chả cần thầy, và tôi cũng chả cần bạn. Tôi tự mua sách về đọc và mày mò, chỗ nào kẹt thì tôi lên internet, tự tìm lấy lời giải cho mình. Thế đấy!”
Song, nếu ta chịu khó nhìn sâu thêm chút nữa, thì chẳng phải cái người viết sách, hướng dẫn cho ta một cách tỉ mỉ cặn kẽ qua từng câu, từng chữ, chẳng phải là thầy ta đó sao? Những giải đáp thắc mắc trên internet, trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, chẳng phải là bạn bè, đồng môn của ta, hỗ trợ, giải nguy cho ta những chỗ còn kẹt hay sao? Thế thì làm sao mà ta có thể nói là “tôi tự học mà không cần thầy, không cần bạn” được chứ!
Vậy thì ta phải nên hiểu hai chữ TỰ HỌC như thế nào đây? Rất đơn giản thôi: “TỰ HỌC có nghĩa là ta TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM với việc học của chính mình DƯỚI BẤT KỲ HÌNH THỨC NÀO.”
Lấy việc học tiếng Anh ra làm ví dụ chẳng hạn. Việc ta tự mua sách vở, tự nghiên cứu mày mò, tự lên mạng học tiếng Anh, thì chắc hẳn là ta phải tự chịu trách nhiệm với việc thành bại của mình rồi đấy. Nhưng xét tới việc, dù ta có đăng ký tham gia vào một lớp học tiếng Anh, dù ta có thầy, ta có bạn đi chăng nữa. Thì thầy ta cũng chỉ là người đưa đường chỉ lối cho ta, bạn bè ta cũng chỉ là những người đồng hành với ta trên một đoạn đường, để cùng ta tiến bước và hỗ trợ ta phần nào mà thôi. Còn việc, ta có thành tựu được việc học tiếng Anh của mình hay không, thì tất thảy, phải do chính ta quyết định. Vì thầy ta, bạn ta nào có học dùm cho ta được? Và nào có đi với ta, đồng hành với ta cả đời được cơ chứ? Đến một giai đoạn nào đó, ta cũng phải tự bước đi trên đôi chân của mình.
Tợ như một em bé, khi mới sinh ra, chưa thể tự lấy cơm ăn, chưa thể tự thay áo mặc, thì cha mẹ và anh em trong nhà sẽ phải hỗ trợ lấy em. Đến khi em lớn lên rồi, có thể tự lấy cơm ăn, tự thay áo mặc, thì em bé cũng phải tự làm lấy mà thôi.
Vậy thì tinh thần TỰ HỌC, không dành riêng cho bất kỳ cá thể nào, mà luôn có mặt, luôn hiện diện nơi mỗi người, cho tất cả những ai mong muốn, và khao khát thành tựu được việc học nơi cá nhân mình. Có chăng là tinh thần đó YẾU như một em bé chưa thể tự đi tự bò, đành phải nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ (thầy), hoặc của anh em (bạn); hoặc là tinh thần tự học ấy MẠNH như một cậu thanh niên 20 tuổi, đã có thể tự bước đi, và thậm chí là chạy nhảy khắp nơi mà không cần phải được nâng, được đỡ như hồi còn bé nữa.
Nếu ta định nghĩa TỰ HỌC như thế, ta có thể phá đi cái tư tưởng phụ thuộc hoàn toàn vào trường lớp, vào các cơ sở giáo dục.
Tỉ dụ như việc giảng dạy tiếng Anh ở nơi trường học Việt Nam. Phần lớn học sinh thời 9x của tụi mình sau khi hoàn thành 12 năm học phổ cập giáo dục, chẳng nói được câu tiếng Anh nào cho ra ngô ra khoai. Và nói thế hệ 9x thôi thì có thể còn là hơi khiêm tốn đấy, bởi vì lứa đàn em 10x, 11x sau tụi mình, cũng đành chung cảnh ngộ mà thôi.
Và thế là chúng ta quay sang phẫn nộ, nổi giận với tình hình giáo dục nước nhà, vì ta đã tốn hết 12 năm nơi cổng trường cửa lớp, mà chả nói được câu tiếng Anh nào cho ra hồn. Và ta mong cầu khẩn thiết rằng, bộ giáo dục sẽ có một thay đổi nào đó để việc học tiếng Anh nơi trường học sẽ khả quan hơn.
Song, giả sử rằng bộ giáo dục có ghi nhận đóng góp ấy, và khẩn khoản phát động một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, biến Việt Nam thành một quốc gia sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai; thì để chiến dịch ấy thành công, chúng ta cũng phải mất 10 năm, 20 năm để triển khai đến tất cả mọi ngóc ngách trên cái đất nước hình chữ S này. Dân tộc ta cũng sẽ mất cả khối thời gian để thử, để sai, để sửa, và để điều chỉnh liên tục không ngừng nghỉ, để có thể mang lại một hệ thống giảng dạy tiếng Anh hiệu quả hơn cho nuớc nhà.
Trong thời gian đó, ta sẽ làm gì? Ta có ngồi đợi thêm 10 năm, 20 năm sau, khi Việt Nam ta có một chương trình giáo dục tiếng Anh cũng gọi là tạm ổn, rồi lúc đó ta mới đăng ký đi học lại từ lớp 1 đến lớp 12 để cải thiện tiếng Anh của mình? Không đâu các bạn ạ!!!
Việc có một hệ thống giáo dục tiếng Anh chưa tốt, là một phần lỗi của giáo dục nước nhà. Song, việc mà đến bây giờ bạn vẫn chưa nói được tiếng Anh, thì lỗi hoàn toàn ở nơi bạn.
Vậy nên ta phải định nghĩa hai chữ TỰ HỌC cho thật sâu sắc, và mạnh mẽ thì ta mới có cơ hội thành tựu được việc học của chính mình các bạn nhé!
Và rồi, có một vấn đề nữa mà mình nghĩ rằng chúng ta cũng nên bàn với nhau, đó là kể từ khi internet ra đời, việc TỰ HỌC trở nên dễ dàng hơn hay là khó khăn hơn?
Ví internet như một thanh gươm sắc bén, và ta là một chiến binh giỏi, thì thanh gươm sẽ là một công cụ đắc lực của ta nơi chiến trường. Song, nếu ta là một chiến binh tồi, chả biết đánh đấm gì sất, thì ta phải thật cẩn thận với thanh gươm ấy vô cùng, vì nếu không khéo, nó có thể làm tay ta đứt lìa mất thôi.
Thành thử ra, trong thời đại ngày nay, ai có tinh thần và kỹ năng tự học cao, thì internet sẽ không còn là một thanh gươm nữa, mà nó sẽ là một khẩu thần công đại bác, uy lực mạnh mẽ vô cùng. Bạn sẽ học nhanh hơn, xa hơn và dễ dàng hơn cha ông của mình thế hệ trước gấp bội lần.
Bên cạnh đó, ta cũng phải thừa nhận rằng, internet cũng sẽ đồng thời là một sợi dây trói buộc lấy ta nốt. Bởi lẽ, ngoài sách vở, kiến thức và nguồn tài liệu dễ tiếp cận ra, internet cũng đâu thiếu gì những cám dỗ, những thứ làm tăng trưởng dục vọng, làm phân tán tâm trí của chúng ta từng phút từng giây. Và ta phải thành thật với nhau rằng, mức độ cám dỗ của nó còn gấp 10, gấp 100 lần so với những cám dỗ của thời ông cha ta ngày trước. Vậy nên, bên cạnh việc tôi luyện tinh thần, và kỹ năng tự học ra, thì ta phải xây dựng cho mình một tinh thần thật vững chãi để tránh xa, thậm chí là chiến đấu với những cám dỗ ấy hằng ngày.
Tóm lại, kể từ khi internet ra đời, những chiến binh trẻ của ta không còn sở hữu trên tay một thanh gươm nữa mà là một khẩu thần công đại bác thứ thiệt. Ta phải thật khéo léo để sự dụng nó một cách thành thạo, để nó có thể giúp ta bách chiến, bách thắng ở bất kỳ mặt trận nào. Còn nếu như ta chả điều khiển được khẩu đại bác ấy, thì nó sẽ không làm tay ta đứt lìa nữa đâu, mà nó sẽ thổi cho ta một quả đạn to tướng, khiến ta đăng xuất khỏi trái đất này mất thôi.
Và có hai câu hỏi tiếp theo mà ta phải cùng nhau suy ngẫm, đó là: Thứ nhất, (1) ta phải rèn luyện tinh thần, và kỹ năng tự học như thế nào trong thời đại này? Thứ hai, (2) ta phải xây dựng cho mình một bức tường thành vững chắc ra sao, để có thể bảo vệ ta trước những cám dỗ mãnh liệt, cũng như để hỗ trợ việc tự học của ta trở nên dễ dàng hơn đây???