Ở bài viết này tôi không nói về cách giao tiếp, không bàn đến chuyện phải giao tiếp như thế nào, mà chỉ trả lời câu hỏi “Thế nào là đắc nhân tâm?” mà thôi. Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều sách đề là đắc nhân tâm. Liệu sau khi bạn đọc xong cuốn sách ấy bạn có đắc nhân tâm hay không? Tôi thì không phải là một nhà nổi tiếng để mỗi lời nói đáng giá nghìn vàng khiến bạn phải tin, tôi cũng chẳng dám khẳng định mình giỏi siêu phàm để trả lời được câu hỏi trên, tôi chỉ viết ra những hiểu biết của cá nhân về cái gọi là đắc nhân tâm trong giao tiếp. Có một điều tôi dám cam đoan với bạn câu chuyện tôi sắp kể sau đây là thật, và tôi đã thành công rất nhiều khi sử dụng nghệ thuật giao tiếp này.
Có một thời tôi phải xa gia đình nhiều năm trời để làm việc nơi đất khách quê người. Tôi còn nhớ như in tôi phải phấn đấu như thế nào để có chỗ đứng vững chắc trong một công ty. Trong đầu tôi lúc bấy giờ luôn vang lên câu nói “phải chiến thắng, phải gạt người khác lại phía sau, dù bất cứ gian khổ, hiểm nguy nào cũng không được lùi bước”. Tôi yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu gia đình …, và tôi biết rằng đây là những ngày tháng khó khăn nhất mà tôi phải vượt qua, để tạo một tiền đề vững chắc hơn trong tương lai. Muốn thành đạt tôi phải có một nền móng thật vững chắc, muốn giúp đỡ mọi người tôi phải là người thành công. Nghĩ như vậy cho nên tôi lao vào làm việc bất kể ngày đêm, bất chấp rào cản và nhục nhã.
Có một lần tôi được phân công đứng một dây chuyền sản xuất. Trước mỗi buổi làm việc cấp trên thường đưa ra chỉ tiêu phải đạt một số lượng sản phẩm là bao nhiêu. Ai không đạt tất nhiên là bị khiển trách, nếu nhiều lần chắc chắn sẽ bị sa thải. Tôi là người khá lanh lợi và chịu khó, cho nên thường đạt chỉ tiêu đề ra. Ngày làm việc hôm đó dây chuyền do tôi điều khiển xảy ra hỏng hóc liên miên. Tôi quay cuồng hết sửa cái này đến sửa cái khác, thậm chí tháo tung cả máy để cân chỉnh lại mà máy vẫn không tuân theo ý mình. Chạy đi báo cấp trên, do bận việc cấp trên chỉ bảo lát sẽ xuống xem. Chờ hơn 5 phút chẳng thấy ai xuống, ngó sang dây chuyền bên cạnh thấy hôm nay nó không hoạt động, tôi nảy ra ý định tháo một bộ phận từ dây chuyền đó lắp sang dây chuyền của mình. Có thể bạn cho rằng đây là việc làm bình thường, nhưng ở công ty tôi chuyện này chưa hề xảy ra bao giờ. Nó chưa xảy ra là bởi vì có hai lí do: 
1. Hầu như người điều khiển máy không hề biết sửa máy; 
2. Nếu làm phần việc không phải của mình có thể bị kỉ luật, nếu làm mà hư hỏng nặng hơn có thể bị sa thải. 
Đối với tôi lúc đó chỉ có hai khái niệm, một là thành công hai là thất bại, tôi không chấp nhận để người khác quyết định số phận của tôi. Và thế là tôi hành động. Tôi tháo bộ phận của dây chuyền bên cạnh sang lắp vào dây chuyền của mình cho dây chuyền của mình tiếp tục vận hành. Khi dây chuyền của mình đang vận hành thì tôi hì hục sửa bộ phận hư lúc nãy của dây chuyền.
Khoảng nửa tiếng sau cấp trên xuống thấy dây chuyền tôi báo máy hư mà sao vẫn chạy rầm rập, ông ngạc nhiên hỏi tôi. Tôi thật tình thuật lại những việc mình đã làm. Vừa nghe dứt lời ông ta lớn tiếng trách móc, nào là tại sao không đợi ông ta xuống, nào là sao không hỏi ý kiến của ông ta mà tự ý làm như vậy … Lúc đó tôi chẳng nói chẳng rằng mà chỉ đứng lắng nghe xếp trách móc với một tâm trạng cảm thông với nỗi lo lắng của ông ta. Sau khi ông ta trách móc xong, ông ta mới hỏi tôi máy hư làm sao. Lúc đó tôi xem như không có chuyện gì xảy ra và bình thản nói thật rõ ràng về sự cố, nguyên nhân và cách tôi khắc phục. Ông ta có vẻ không tin là sự cố như vậy mà khắc phục lại không được, ông ta làm thử thì thấy quả đúng như vậy, đến lúc này trong ông ta làm như có sự ngộ ra một điều gì đó. Và … ông ta cảm thấy tôi làm đúng, vì để khắc phục sự cố này cần nhiều thời gian, trong khi sản xuất thì không được dừng. Ông ta động viên tôi cố gắng tiếp tục công việc và bỏ đi…
Qua sự việc ngày hôm ấy tôi đã nghiệm ra câu trả lời cho câu hỏi “Thế nào là đắc nhân tâm?”, để ngày hôm nay viết lại cho các bạn cùng tham khảo. Tôi nghĩ rằng những gì tôi nói là thực tế không phải sách vở viết cho hay, cho nên sẽ có ích cho ai đó nếu thật sự muốn vượt lên trên số phận cay đắng của mình.
Bạn muốn thu phục người khác trong giao tiếp trực diện bạn phải nắm được một số nguyên tắc sau:
+ Hành động phải sáng suốt. Đầu óc luôn luôn chỉ đạo hành động của bạn, cho nên muốn đắc nhân tâm thì trước tiên bạn phải thông minh, ít nhất là thông minh trong những hành động hiện tại.
+ Khi bạn tin rằng mình đang làm đúng, bạn sẽ có một niềm tin mãnh liệt nơi bản thân. Niềm tin này không cần phải nói hay bộc lộ ra bên ngoài cho người khác thấy, nó chỉ đơn giản biểu hiện trong ánh mắt hay một thái độ rất vững vàng của bạn.
+ Từ niềm tin có nơi bản thân, không sợ thất bại phải gánh vác trách nhiệm, cộng với thái độ điềm đạm trong giao tiếp, sẽ cho bạn một phong thái ung dung và trái tim quả cảm.
+ Khi giao tiếp ai cũng muốn bộc lộ ra cái tôi của mình. Một nguyên tắc giao tiếp đắc nhân tâm là luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu và tôn trọng cái tôi của người khác. Bạn hãy để cho người khác bộc lộ hết cái tôi của họ. Sau khi người đó đã bộc bạch hết, họ sẽ bắt đầu mở lòng để lắng nghe những gì bạn nói.
+ Khi nói bạn cố gắng nói trong một tâm thế bình thản (vì đứng bên cạnh lắng nghe một người có tâm thế đó họ sẽ tin tưởng hơn), nói thật từ tốn, giọng ấm được thốt ra một cách chân thành, dùng các từ thật dễ hiểu, trong sáng (không nhiều nghĩa), tôn trọng quan điểm của họ, nhưng lại giải thích thật hợp tình hợp lí về quan điểm của mình, nếu được hãy cho họ thấy kết quả mà bạn đã đạt được, và đặt họ vào tình huống của bạn để tìm kiếm sự đồng tình … Bạn có thể dùng các câu như “Tôi nghĩ anh đúng nhưng tôi lại suy nghĩ như thế này …”, “Nếu anh nói vậy thì khi thế này thế này anh sẽ giải quyết ra sao?” … để bác bỏ quan điểm của họ mà không làm họ tự ái.
Trong quá trình hành động, chinh phục người khác, không nhất thiết bạn phải luôn luôn đúng, cho dù bạn sai nhưng nếu bạn áp dụng lối giao tiếp tôi vừa nói trên bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được họ. Trong tình huống bạn áp dụng mà vẫn không thể chinh phục được người khác, có thể kết luận rằng kĩ năng giao tiếp của bạn cần phải rèn luyện thêm. Kĩ năng giao tiếp không phải là thứ từ trên trời rơi xuống, nó chỉ là phần thưởng cho những ai trải qua rất nhiều khổ luyện. Khi có phần thưởng này trong tay sức mạnh của bạn sẽ tăng lên nhiều lần, bạn có thể đi khắp thế gian để đón nhận nhiều cơ hội mới.
Để làm rõ nghĩa cho phong cách giao tiếp này tôi xin dẫn chứng thêm vài ví dụ khác:
Ví dụ 1: Có một cô gái đẹp đang đứng chờ xe buýt cùng một đám thanh niên. Một anh chàng lên tiếng: “Em ơi! Em đẹp lắm, em cho anh làm quen nhe!”. Một anh chàng khác nói: “Nhà em ở đâu vậy?”. Một anh chàng bước đến khẽ thốt lời vừa đủ nghe: “Xin lỗi vì đã bắt chuyện, nhưng tôi thật sự muốn làm quen vì thấy mến bạn!” … Các bạn nghĩ ai trong số đó sẽ làm cô gái ấn tượng nhất? Lời nói chân tình bao giờ cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tim, dễ chinh phục người khác nhiều hơn lời nói bóng bẩy … Tất nhiên, bạn phải là người rất tinh đời để đoán biết tâm lí của đối tượng, rất tinh tế để biết đối tượng đang muốn gì và rất tài hoa để dùng từ cho thật chuẩn xác … nữa!
Ví dụ 2: Một anh chàng tiếp thị đến chào một khách hàng. Vừa nhìn thấy sản phẩm của anh ta là bà ta đã phê bình đủ kiểu. Nào hàng gì mà thế này thế kia, sao hàng không thế này thế nọ … Để bắt đầu chinh phục bà ta, anh ta chỉ lắng nghe và đồng ý với những gì bà ta đang nói. Khi quan điểm của mình được kẻ khác đồng thuận, chúng ta dễ dàng coi họ là bạn để lắng nghe lại họ, đó chính là nghệ thuật của giao tiếp. Người nào không biết lắng nghe, có thể nói họ không thể giao tiếp tốt được!
Tôi đã nói ra gần như hết những tuyệt chiêu hay nhất để bạn có thể đắc nhân tâm khi giao tiếp với người khác. Những tuyệt chiêu này tùy thuộc vào tư chất, sự rèn luyện của bạn mà nó đem lại hiệu quả khác nhau. Lời nói không mất tiền mua, nhưng để lời nói đem lại hạnh phúc, thịnh vượng thì bạn phải khổ luyện rất lâu dài. Có cuốn sách của tác giả nào đó đã viết “Thay thái độ đổi cuộc đời”, thái độ ở đây chính là thái độ khi bạn giao tiếp với người khác. Hi vọng những tinh hoa này sẽ giúp cuộc sống của bạn ngày càng tốt đẹp hơn!
CHAT MASTER (ANASTAR)
----------------------------------------------------------------------------------
💡 Mời các bạn đọc thêm các bài chia sẻ khác của Anastar tại website hỗ trợ khởi nghiệp, học tập và làm việc: http://anastar.vn
Email liên hệ: [email protected] / [email protected]