Sẽ ra sao nếu mỗi sớm thức dậy, chúng ta thấy mình già đi và trong đầu chỉ còn lại những ký ức vụn vặt chắp vá về cuộc đời và người thân? Ở khoảnh khắc gần cuối bến đỗ cuộc đời ấy, chúng ta sẽ muốn níu giữ lại những kí ức của riêng mình hay buông bỏ nó theo sự chảy trôi của thời gian? Đó là câu hỏi thật khó cho mỗi người và cũng thật khó cho nhân vật Anthony trong The Father.
Anthony Hopskin trong vai nhân vật người cha già mắc chứng dementia trong The Father.
Anthony Hopskin trong vai nhân vật người cha già mắc chứng dementia trong The Father.
Đặt người xem dưới góc nhìn của nhân vật mắc hội chứng Dementia, The Father đã đem đến một trải nghiệm hoàn toàn mới về nỗi đau mất trí, về những chiêm nghiệm và xúc cảm của con người ở hoàn cảnh “ gần đất xa trời”, qua đó truyền đi những thông điệp sâu sắc về tuổi già, tình thân và ý niệm về cuộc sống.
Được chuyển thể từ vở kịch Le Pere nổi tiếng của Pháp cùng diễn xuất nhập tâm của tượng đài điện ảnh Anthony Hopkins, phim nhanh chóng nhận được 6 đề cử Oscar năm 2021, trong đó có giải phim truyện hay nhất. 

Dementia- Trải nghiệm nỗi đau mất trí khi về già.

The Father xoay quanh Anthony- người đàn ông mắc chứng suy giảm trí nhớ ở độ tuổi gần đất xa trời. Người thân duy nhất của ông là cô con gái cả Anne, nhưng cô cũng không thể nào chia sẻ cùng cha mình. Trái lại, khoảng cách giữa hai cha con càng trở nên xa cách khi hình ảnh cô nhòa dần trong tâm trí ông.
Hội chứng suy giảm trí nhớ Dementia- hay còn gọi là bệnh lẫn khi về già không còn là một đề tài mới trong những câu chuyện điện ảnh, khi các bộ phim về nó được rất nhiều đạo diễn khai thác và thành công như chứng suy giảm trí nhớ đối với Fiona trong Away from her hay căn bệnh mất trí của Alice trong Still Alice. Đến với tác phẩm The farewell party của nền điện ảnh Israel, chúng ta còn được tiếp cận câu chuyện làm thế nào để giúp những người già mất trí kết thúc cuộc đời của họ một cách nhanh hơn. Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, nền điện ảnh xứ Kangaroo cũng cho ra một tác phẩm để đời, khi cùng lấy chủ đề mất trí ở tuổi già nhưng lại lựa chọn cách thực hiện theo hướng kinh dị, giật gân, đã mang đến những màu sắc hết sức mới lạ.
Ở The Father, đạo diễn Florian Zeller vẫn tiếp tục khai thác chủ đề này, tuy nhiên nhà biên kịch sân khấu người Pháp kiêm tiểu thuyết gia lại đem đến một góc nhìn hoàn toàn mới và táo bạo, thay vì đặt người xem ở ngoài với tư cách là một người đang theo dõi bộ phim, anh đã trực tiếp đặt họ vào tâm trí của chính nhân vật đang mang trong mình chứng suy giảm trí nhớ nhằm đưa họ đến gần nhất với những cảm xúc mà nhân vật phải trải qua.Sử dụng cấu trúc phi tuyến tính, không theo một dòng thời gian nhất định, The Father đã đưa người xem ngụp lặn trong mê cung phức tạp của tâm trí hỗn độn khi một người đang dần đánh rơi những kí ức quý giá của chính mình. Đây cũng được coi là điểm đặc biệt của phim so với những bộ phim cùng chủ đề khác.
Chia sẻ quá trình dựng và hoàn thiện tác phẩm, biên tập viên Yorgos Lamprinos- người cùng đồng hành với đạo diễn Zeller cho biết, có những bộ phim được dựng theo cấu trúc phi tuyến tính, nhưng khi sắp đặt các chi tiết lại với nhau ta sẽ thấy chúng trở nên tuyến tính trên một dòng thời gian nhất định, nhưng đối với The Father, điều này thực sự không xảy ra. Những sự kiện trong phim đều được đặt trong bộ não của Anthony- một người đàn ông mất trí, và khi người ta mất trí, họ không thể lắp ghép mọi sự kiện lại với nhau như người bình thường được. Chính nó đã khiến cho khán giả theo dõi phim cũng phần nào cảm thấy hoang mang, rối ren với những gì được chứng kiến.
Thậm chí nhiều người sau khi thưởng thức bộ phim đã chia sẻ, đây là một trong những phim về chủ đề mất trí khiến họ có cảm giác “ được tận hưởng" nhất, bởi họ cũng giống như chính nhân vật, không biết bản thân mình bị làm sao, rơi vào hoàn cảnh nào và sự thay đổi của mọi việc xung quanh là do đâu….Ngay cả khi kết thúc phân cảnh cuối, lúc họ nhận ra mình đang ở trong trí óc ngày một phai mờ của Anthony, họ cũng không thể tự chuẩn bị cho mình trạng thái tốt để đối mặt với nỗi buồn mà phim đem lại. Tất cả đã mang đến một trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

Một sân khấu kịch được điện ảnh hóa như thế nào?

Kịch bản của The Father được chuyển thể từ vở kịch Le Pere của chính đạo diễn Florian Zeller, trình diễn lần đầu tại Pháp vào năm 2012. Vở kịch sớm thu hút được mọi người ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện, đặc biệt là ở Paris, giành Giải thưởng Moliere 2014 cho vở kịch hay nhất. Với mong muốn đem câu chuyện đầy cảm xúc lên màn ảnh, đạo diễn Zeller đã bắt tay thực hiện việc chuyển thể một cách đầy tâm huyết và tỉ mỉ từ kết cấu, bố cục cho đến hình ảnh... Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu duy nhất là đem lại trải nghiệm về chứng mất trí một cách chân thực tới khán giả.
Phim mở đầu bằng những cảnh quay liên tục thay đổi góc máy cùng tiếng nhạc opera dồn dập với bối cảnh từ đường phố London dẫn đến căn hộ của Anthony cho thấy tâm trạng đầy bất an, lo lắng của nhân vật Anne- con gái ông, nhưng cũng đồng thời tạo nên cảm giác tò mò với không khí bối cảnh và các nhân vật ở nơi khán giả theo dõi.Đặt dưới góc nhìn của Anthony, thoạt đầu mọi việc có vẻ diễn ra khá yên bình khi Anne tới thăm ông và thông báo về việc sẽ có người giúp việc mới đến chăm sóc cho ông vì cô sẽ sang Pháp định cư. Chuyển biến của phim dần thay đổi khi Anthony cảm nhận được sự bỏ rơi từ chính cô con gái của mình với câu hỏi đầy đau lòng rằng:
 “ Vậy là, nếu ta hiểu đúng, con đang rời bỏ ta có phải vậy không?”
Nhịp điệu của phim sau đó bắt đầu có sự chuyển biến khi các nhân vật và bối cảnh liên tục thay đổi. Anthony quên dần những vật dụng nhỏ của bản thân, ông mơ hồ về chính căn hộ mình đang sống, thậm chí nhầm lẫn gương mặt của những người thân quen như Anne và Paul. Ngay lúc này, khán giả theo dõi cũng rơi vào tình trạng giống ông, hoàn toàn không lý giải được những thay đổi và sự kiện đang xảy ra. Tuy nhiên, những thay đổi đó lại chính là điểm nhấn của phim khi khéo léo truyền tải sự hỗn độn trong tâm trí của nhân vật.
Bên cạnh việc tái thiết lập cấu trúc thời gian phi tuyến tính, đạo diễn Zeller còn xây dựng sự mất phương hướng trong không gian với những khung hình biến đổi không ngừng nhằm minh hoạ một cách rõ nét sự đổ vỡ trong kí ức của Anthony. Căn hộ đổi mới, phòng khách được trang trí lại, những vật dụng trong nhà bếp hay những bức ảnh treo tường đều được sắp xếp một cách khác biệt… Tất cả đều tạo nên sự hỗn độn khó có thể nhận thức được trong tâm trí ông.
Càng về sau, những cảnh lặp càng xuất hiện nhiều hơn, sự thay đổi diện mạo của tuyến nhân vật như Anne và Paul càng trở lên khó phân biệt. Chúng đều mang một dụng ý vô cùng đặc biệt của Zeller khi đặt người xem vào sự nhập nhằng giữa thực và mộng mà Anthony phải trải qua. Từ đó, họ có thể dễ dàng đồng cảm cho sự bối rối, hoảng loạn chực bùng phát trong tâm trí của ông.
“ Đồng hồ của cha đâu?”
Là câu Anthony hỏi con gái mình nhiều nhất, dù ông vẫn cất giữ nó ở một chỗ quen thuộc trong nhà tắm. Làm sao mà một kẻ đang bị thời gian lãng quên lại luôn tìm cách níu kéo thời gian về mình? Anthony cứ lặp đi lặp lại câu hỏi ấy ở mỗi phân đoạn. Ông cố gắng vớt vát thì giờ, cố gắng nắm bắt mọi thứ đang diễn ra, nhưng…. càng nắm giữ thì càng dễ xa, bởi thời gian vô tình nào có chờ đợi ai bao giờ. Câu hỏi đó của Anthony cũng chính là câu hỏi giúp người xem phần nào tìm ra manh mối cho các sự kiện biến đổi không ngừng. Mỗi phân cảnh thay đổi là một lần ông tìm kiếm nó, Anthony nhận ra sự trôi chảy của thời gian, và cũng chính nó khiến ông cảm thấy ám ảnh với chiếc đồng hồ của bản thân.
Một trong những cảnh đặc biệt của phim, khi Anne đánh rơi chiếc cốc trong nhà bếp, nó nhẹ nhàng rơi xuống, vỡ toang trên sàn nhà. Cô quỳ gối nhặt từng mảnh vỡ đặt vào lòng bàn tay, máy quay sau đó hướng lên gương mặt người phụ nữ. Cô bất chợt òa khóc một mình giữa đêm, rồi nghẹn ngào kìm nước mắt và cố gắng đứng dậy. Chiếc cốc thuỷ tinh vỡ vụn ấy cũng giống như kí ức của Anthony, vô cùng mong manh, dễ vỡ, và khi nó đã vỡ, không còn cách nào có thể hàn gắn chúng lành lặn lại được.
Những thay đổi đau lòng trong nhận thức của ông đã khiến khán giả có một trải nghiệm khó khăn và phần nào cảm thấy đồng cảm, bi thương. Còn gì đau đớn hơn khi ta dần đánh mất những kí ức tuyệt đẹp của chính mình và lãng quên cả những người mà ta yêu dấu. Sau cùng, chỉ là do tên trộm thời gian đã quá khắc nghiệt với một người.

Chúng ta, ai rồi cũng phải đối mặt với tuổi già.

Trong một cuộc trò chuyện trên tờ Interview Magazine, Anthony Hopkins đã hỏi Brad Pitt rằng: “ Anh có hay khóc không?”. Brad Pitt trả lời anh rất ít khi khóc, thậm chí đến 20 năm anh chẳng khóc đến một lần. Thế nhưng Anthony thì ngược lại, ông chia sẻ rằng mình là một người dễ rơi nước mắt, ông khóc khi xem một bộ phim tài liệu về Marlon Brando, thậm chí đến cả một chiếc mũ bị rơi vào đúng hoàn cảnh, ông cũng khóc. Ông bảo, lí do cho việc mau nước mắt ấy của mình là do ông đã già.
Phải chăng, cũng chính vì vậy mà ở cảnh cuối của phim, khi nhân vật Anthony do ông thủ vai khóc nấc lên như một đứa trẻ, hoang mang không biết mình là ai và khao khát muốn gặp mẹ để quay trở về nhà, Anthony đã thực sự là chính ông. Những giọt nước mắt cuối là những giọt nước mắt chân thật nhất, khi toàn bộ cuộc đời bị bóc trần chỉ để lại những cảm xúc nguyên sơ của con người. Chúng ta bắt đầu cất tiếng khóc khi được sinh ra để rồi khi kết thúc cuộc đời dài vẫn là tiếng khóc nấc nghẹn.
Có ai đó từng nói rằng, cảm xúc của con người “ thật" nhất là khi họ khóc. Bởi lúc ấy, khi lý trí không còn đủ sức ngăn nổi xúc cảm bên trong, nó sẽ thực sự bộc lộ ra bên ngoài, và những giọt nước mắt chính là biểu hiện của nó. Chúng ta khóc vì thất bại, khóc vì đau lòng, đôi khi là cả thất tình hay bị điểm kém,...thậm chí ta khóc cả khi đối mặt với cái chết. Dù vì lí do gì đi chăng nữa, những giọt nước mắt ấy cũng thật đáng quý, bởi nó cho ta thấy mình đã thành thật với bản thân như thế nào.
“Tôi thấy mình như mất hết lá.”
Anthony đã nói như vậy khi không còn chút kí ức nào về chính mình nữa. Nó làm ta liên tưởng đến mẩu truyện ngắn nổi tiếng của O- Henry về hình ảnh “ Chiếc lá cuối cùng”, rằng khi chiếc lá ấy rụng xuống, cuộc đời của một người cũng sẽ kết thúc. Bi kịch của nhân vật cũng chính là bi kịch mà mỗi người chúng ta phải trải qua lúc về già, rằng ai rồi cũng sẽ đối mặt với cái chết.Màn trình diễn của Anthony ở cảnh cuối của phim có lẽ chính là màn trình diễn xuất sắc nhất ở độ tuổi 83 của nam diễn viên người Anh. Sẽ chẳng ai hiểu được những cảm xúc đau lòng khi tuổi già ập đến nếu họ không phải đối mặt với chính hoàn cảnh ấy.
Cảnh phim được xem là xúc động nhất The Father của Anthony Hopskin.
Cảnh phim được xem là xúc động nhất The Father của Anthony Hopskin.
Từng đoạt giải Oscar cho vai diễn tên sát thủ hàng loạt ăn “ não người" trong tựa phim “ sự im lặng của bầy cừu", 30 năm sau khi hóa thân vào vai một lão già “ bị não ăn" khốn đốn với mái tóc bạc, làn da nhăn nheo cùng đôi mắt mờ đục, Hopkins lại một lần nữa khiến khán giả bất ngờ và không khỏi rùng mình trước tài năng diễn xuất tuyệt vời của ông. 9 phút cuối của bộ phim là 9 phút mà người xem cảm nhận được rõ nhất tinh thần của Hopkins, khi đó ông không còn là một diễn viên nữa, ông là chính ông với những cảm xúc thật của mình. Và như người ta nói, khi tới cùng của nghiệp diễn, người ta diễn như chính cuộc đời của họ. 
Có người từng ví, điện ảnh và kí ức có một điểm chung về cách hoạt động rất đặc biệt. Nếu chúng ta hồi tưởng về những kí ức của mình, nó giống như một thước phim quay chậm trong chính khối óc của ta, cho ta trải nghiệm lại những phút giây tuyệt vời mình từng có. Tuy nhiên, khi bản thân dần mất đi những kí ức quý giá, chúng ta sẽ rất khó để lấp đầy khoảng trống về nó. Và đó là cách mà đạo diễn Zeller đã truyền tải thành công trong The Father. Bằng cách đan xen mối liên hệ giữa điện ảnh và kí ức với lần đầu tiên làm đạo diễn của mình, anh đã đem đến cho người xem những trải nghiệm tuyệt vời trong bộ não hỗn độn của một người, để hòa mình vào cùng một cảm xúc và chiêm nghiệm về những ý niệm đặc biệt của cuộc sống.