Vì đây là bài viết về cảm nhận của mình sau khi xem chứ không phải một bài review nên sẽ spoil một vài tình tiết có trong phim. Mọi người nên cân nhắc trước khi đọc tiếp.
Đến thời gian hiện tại, hẳn mọi người ai cũng đã biết đến bộ phim The Fabelmans của vị đạo diễn Steven Spielberg. Đối với mình, đây là món ăn ngon dành cho ai có niềm ham thích mãnh liệt với những câu chuyện được kể trên màn ảnh. 
Bộ phim thuộc thể loại chính kịch - tuổi mới lớn, kể về những lát cắt trong hành trình bén duyên của Sammy Fabelman với bộ môn nghệ thuật thứ 7, song hành với đó là những mâu thuẫn trong gia đình của nhân vật chính. Là một khúc tự sự của huyền thoại Steven Spielberg, bộ phim đã cho ta thấy hình ảnh vị đạo diễn lúc thiếu thời thông qua nhân vật Sammy, hoá thân xuất sắc bởi Gabriel LaBelle, và được nghe ông kể về cảm xúc khi lần đầu tiếp xúc với phim ảnh, về mối quan hệ của ông với gia đình, và về tình yêu không thể đóng đếm với điện ảnh. 
The Fabelmans có lối kể chuyện nhẹ nhàng, hài hước, nhưng vẫn có những phân cảnh khiến người xem phải lặng đi, bộ phim đã thành công khiến khán giả phải tập trung lắng nghe lời tâm sự của một vị đạo diễn tài ba.
Điều mình thích nhất…
Đó là điểm nhìn của nhân vật chính Sammy. Không giống như những bộ phim khác, nhân vật chính là một phần của câu chuyện, là người sẽ thay khán giả trải nghiệm thế giới được tạo ra; Ở The Fabelmans, nhân vật chính lại nhìn mọi thứ dưới con mắt ngoài cuộc, giống như một nhà làm phim đang nhìn những gì diễn ra trên phim trường vậy.
Trong các bộ phim khác, nhận vật chính là người sẽ thay khán giả trải nghiệm thế giới được tạo ra trong phim.
Trong các bộ phim khác, nhận vật chính là người sẽ thay khán giả trải nghiệm thế giới được tạo ra trong phim.
Trong phần lớn thời lượng bộ phim, Sammy xuất hiện luôn gắn chặt với những dụng cụ làm phim, với chỗ đứng gần như tách biệt với những người còn lại. Cậu không trực tiếp tham gia những hoạt động vui chơi cùng gia đình và bạn bè, mà lại cầm chiếc máy quay 8mm đứng ngoài và ghi hình mọi thứ; cậu cũng không ngồi cùng mọi người để chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình mà đứng giữa khán phòng, vị trí của máy chiếu phim, và lặng lẽ ngắm nhìn biểu cảm của khán giả. Đối với Sammy, cuộc sống là một sân khấu lớn nơi mọi người xung quanh cậu là những diễn viên, và nhiệm vụ của cậu là giơ máy quay lên và ghi lại tất cả.
Nói thêm về góc nhìn của người ngoài cuộc của nhân vật chính, ta phải nói đến phân cảnh theo mình là đắt giá nhất của bộ phim, đó là cuộc cãi vã của cả gia đình Fabelmans trước thông tin ông bà Michelle và Mitzi Fabelman sẽ ly hôn. Trong khung cảnh hỗn loạn ấy, nơi những người chị em mình đang khóc, la hét và oán trách còn bố mẹ đang đau khổ cùng cực với quyết định của bản thân thì Sammy, một lần nữa, lại tách mình ra khỏi mọi thứ, ngồi trên bậc thềm cầu thang và quan sát với vẻ mặt không buồn cũng không vui. Thậm chí, cậu còn tưởng tượng mình sẽ cầm máy quay mà ghi lại những gì đang diễn ra, như thể bi kịch của chính gia đình cậu là một tình tiết trong phim, không hơn, không kém. Thực tại mà Sammy sống khác hẳn với thực tại nơi cả gia đình cậu ở, đó không phải thực tế diễn ra trước mắt, mà là những thước phim phía sau ống kính máy quay. Phân cảnh này để lại trong mình nhiều suy ngẫm, và phải tự hỏi bản thân rằng: “Liệu để dấn thân vào nghệ thuật, ta phải đánh đổi đi bao nhiêu phần trong linh hồn của mình?”
Sammy chưa bao giờ trực tiếp tham gia mọi thứ. Cậu chỉ đứng ngoài cuộc, cầm trên tay chiếc máy quay 8mm và để ống kính thay cho đôi mắt của mình.
Sammy chưa bao giờ trực tiếp tham gia mọi thứ. Cậu chỉ đứng ngoài cuộc, cầm trên tay chiếc máy quay 8mm và để ống kính thay cho đôi mắt của mình.
…Và ngược lại
Điểm mình không thích nhất ở bộ phim, là sự không nhất quán trong cách thể hiện tính cầu toàn của cậu trai trẻ Sammy. 
Để bắt đầu, chúng ta sẽ đến với bộ phim về cao bồi viễn tây của cậu. Trước khi công chiếu, Sammy đã xem đi xem lại khung cảnh bắn súng trong phim vô số lần, để rồi nhận ra cảnh đó trông thật giả tạo. Và để giải quyết vấn đề đó, cậu lấy đinh ghim chọc thủng cuốn phim, tạo hiệu ứng chớp nháy khi nổ súng. Đây là một chi tiết vô cùng thú vị và tạo được ấn tượng mạnh khi vừa thể hiện tính cầu toàn của nhà làm phim trẻ, vừa thể hiện sự thông minh của Sammy, vốn thừa hưởng từ người cha làm kỹ sư khoa học điện tử.
Sang bộ phim tiếp theo với chủ đề chiến tranh. Chúng ta lại một lần nữa phải bất ngờ thích thú với sự sáng tạo của nhân vật chính với những hiệu ứng tự tạo thô sơ nhưng hiệu quả, đó là những bịch máu giả trông như thật, hay để diễn viên đạp lên thanh gỗ để hất tung cát lên, tạo hiệu ứng bom nổ. Sammy khi này thông minh hơn, nhưng không còn cầu toàn như trước nữa. Khi xem, mình nhận thấy những hiệu ứng bắn súng không còn những chớp nháy như bộ phim trước, mà chỉ là những động tác rung lắc nòng súng thiếu chân thật.
Có thể có nhiều bạn sẽ cho rằng mình “bới lông tìm vết”, nhưng điều đó thật sự ảnh hưởng đến trải nghiệm phim của mình. Mình đã mong chờ lời giải thích cho điều trên, nhưng đến cuối phim, đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Mặc dù có tìm nhiều giả thiết để tự trả lời thắc mắc, nhưng việc đạo diễn không giải đáp điều này khiến mình phải day dứt đến tận sau khi bộ phim kết thúc.
Sự cầu toàn của Sammy không còn được thể hiện trong bộ phim tiếp theo.
Sự cầu toàn của Sammy không còn được thể hiện trong bộ phim tiếp theo.
Kết
Mặc dù có vài thiếu sót như vậy, nhưng đối với bản thân mình, The Fabelmans vẫn là một bộ phim đáng xem. Nó đáng xem vì đây là lời tâm sự của một vị đạo diễn huyền thoại; vì đây là một câu chuyện nhân văn sâu sắc về tình cảm gia đình; và vì đây là một góc nhìn khác về nghệ thuật, rằng để thấy được sự đẹp đẽ của ảo mộng, cần trả giá bằng sự cô đơn và tách biệt.