Tại sao là "Ngẫu nhiên"?

Trong gia tài hàng trăm ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không phải ngẫu nhiên mà tôi chọn viết về “Ngẫu nhiên”.
Lý do thứ nhất, như tôi đã đề cập ngay ở tiêu đề bài viết này, đây là một trong số ít các ca khúc của nhạc sĩ, mà trong ca từ không hề chứa tên của nó. Cũng chính vì điều này mà trong suốt một thời gian dài, tôi vẫn bị nhầm tên bài hát này là “Hòn đá lăn trên đồi” cơ đấy.
Lý do thứ hai xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của tôi. Như mọi người cũng đã biết, gần đây có một bộ phim kể về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và ca khúc “Ngẫu nhiên” là một trong số những ca khúc đã xuất hiện trong phim với một phân cảnh giữa nhạc sĩ lúc trung niên và Michiko tại một con dốc ở Đà Lạt. Trong phân đoạn này, 02 nhân vật đã có những điệu nhảy, cử chỉ, hành động trên nền của ca khúc “Ngẫu nhiên” một cách rất “ngẫu hứng” và “hồn nhiên”. Cảm xúc của tôi khi xem phân đoạn này là một cảm xúc vừa thấp thỏm như điệu nhảy "xuất thần" của nhân vật nhạc sĩ trên bậc thang, vừa trôi tuột theo pha trượt cành thông "ngoạn mục" của Michiko. Và sau khi xem xong, tôi đã làm ngay 02 việc: Một là, xem lại bộ phim Lalaland của Mỹ; và hai là, tìm hiểu một cách sâu sắc hơn về ý nghĩa của ca khúc này. Và bài viết này là kết quả của việc thứ hai.
https://vnexpress.net/em-va-trinh-gay-tranh-cai-ve-hinh-tuong-trinh-cong-son-4476078.html
https://vnexpress.net/em-va-trinh-gay-tranh-cai-ve-hinh-tuong-trinh-cong-son-4476078.html

Cái chết

Trái ngược với giai điệu có phần vui tươi, ngay từ câu đầu tiên của bài hát, cái chết đã được nhắc đến:
“Không có đâu em này, Không có cái chết đầu tiên. Và có đâu bao giờ, Đâu có cái chết sau cùng”
Con người chúng ta tự bao đời nay đều không khỏi ám ảnh về cái chết. Có người sợ chết, cũng có người sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Có người ra đi từ khi còn rất nhỏ, cũng có người có thể sống trải qua đến 3 thế kỉ. Dẫu vậy, cái chết là điều không thể tránh khỏi. Có người từng nói, mỗi một ngày trôi qua là một ngày chúng ta bước đến gần hơn với nấm mồ của tôi. Vậy phải chăng, cái chết chính là sự kết thúc? Không, với việc gọi tên cái chết ngay từ đoạn mở đầu của bài hát, cố nhạc sĩ dường như đã gửi gắm cho chúng ta một quan niệm rằng cuộc sống là một vòng tuần hoàn, tái sinh, vô tận.
Cuộc sống sẽ không có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Khi một thứ bắt đầu cũng là lúc một thứ khác kết thúc. Khi một thứ kết thúc cũng là lúc một thứ khác bắt đầu. Loài người đang dần tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi lớn, hóc búa, nhưng sẽ không bao giờ chúng ta biết được cái chết nào là cái chết đầu tiên, và cái chết nào là cái chết sau cùng. Có ra đi ắt có trở về, có sinh ắt có diệt, vũ trụ vô thủy vô chung (không đầu không cuối).
https://nhacxua.vn/giai-thich-nhung-ca-tu-bi-hiem-va-gay-kho-hieu-trong-cac-bai-nhac-trinh-cong-son/
https://nhacxua.vn/giai-thich-nhung-ca-tu-bi-hiem-va-gay-kho-hieu-trong-cac-bai-nhac-trinh-cong-son/

Nghiệp

Và trong vòng tuần hoàn bất tận ấy, mỗi thực thể trong vũ trụ này đều chứa đựng một ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa ấy thường hay được gọi là “nghiệp”, tức là những hành động, thao tác của chúng ta thông qua ba cách thức là thân (cơ thể), khẩu (miệng) và ý (suy nghĩ). “Nghiệp” vừa thể hiện khả năng làm chủ bản thân của chúng ta, đồng thời, hàm chứa quan niệm rằng tất cả những gì chúng ta làm, nói và suy nghĩ đều dẫn đến một hệ quả nhất định tương ứng đối với chính bản thân chúng ta. Do đó, chúng ta có thể quan tâm, yêu thương hay thờ ơ, ghét bỏ bất cứ ai, nhưng tuyệt nhiên, chúng ta vẫn không thể nào tác động được đến cuộc sống của họ. Thay vì vậy, hãy:
“Tự mình biết riêng mình, Và ta biết riêng ta”
https://thienygroup.com/chi-tiet-bai-viet/nha-xinh-cua-em-gai-nhac-si-trinh-cong-son.html
https://thienygroup.com/chi-tiet-bai-viet/nha-xinh-cua-em-gai-nhac-si-trinh-cong-son.html

Vô thường, vô ngã

Cái chết là điều nhất định, nhưng thời điểm nó xảy ra lại một điều bất định. Mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều có quy luật riêng của nó, biến chuyển đa chiều và không bao giờ dừng lại. Khi muốn bày tỏ sự an ủi, chia buồn trước sự ra đi của một người nào đó, chúng ta vẫn thường nói rằng “Cuộc sống thật vô thường” là vì thế. Chúng ta hãy thật điềm nhiên đón nhận mọi sự thay đổi của cuộc sống này, đôi khi thật dễ chịu, lắm lúc lại quá đớn đau:
“Hòn đá lăn trên đồi, Hòn đá rớt xuống cành mai. Rụng cánh hoa mai vàng, Chim chóc hót tiếng qua đời.”
Hòn đá, cành mai, chim chóc tượng trưng cho cuộc sống xung quanh chúng ta. Ở đó, có những hòn đá thô kệch nhưng cứng cỏi. Ở đó, có những cành mai tươi đẹp, đầy sức sống nhưng cũng rất mong manh. Ở đó, có những chú chim tinh nghịch và luôn cất cao giọng hót. Và như đã nói ở trên, cuộc sống vốn dĩ vô thường, cho nên hòn đá dù nặng đến mấy cũng lăn và rớt, cánh hoa mai có đẹp đến đâu cũng rụng, chim chóc có hót hay đến dường nào cũng sẽ qua đời.
Hơn thế, những yếu tố trong Trời, Đất tồn tại tưởng chừng độc lập với nhau, không liên quan gì đến nhau, nhưng kỳ thực lại có một sự gắn kết nhiệm màu. Tại sao hòn đá lăn lại rớt trúng ngay cành mai? Tại sao cành mai lại nở hoa vào đúng lúc đó? Tại sao chim chóc lại hiện diện? Hòn đá lăn là do cái gì? Cánh hoa rụng phải chăng là hòn đá rớt trúng? Chim chóc hót tiếng qua đời là chúng hót lên tiếng cuối cùng trước khi qua đời, hay là một tiếng hót ai oán cho sự qua đời của cánh hoa mai? Tất cả là vì vạn sự vạn vật do nhân duyên mà sinh (duyên sinh) và cũng do nhân duyên mà hiện khởi (duyên khởi). Ngoài bản chất luôn vận động (vô thường) thì sự vật còn luôn mang tính không đồng nhất (vô ngã). Tức là, mỗi sự vật, hiện tượng đều do các điều kiện, nhân duyên kết hợp, tương tác lẫn nhau mà tạo thành, do vậy tuyệt nhiên không có tính chủ thể, đồng nhất, bất biến trong nó.
http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Van-hoa/478570/ngoi-nha-cuoi-cung-cua-trinh
http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Van-hoa/478570/ngoi-nha-cuoi-cung-cua-trinh

Khổ

Nói đến mối quan hệ giữa con người và vạn vật, có thể tóm gọn bằng câu hát tiếp theo:
“Người ôm lấy muôn loài, Nằm trong tiếng bi ai”
Loài người sinh ra từ trời đất, phát triển cùng trời đất và khi chết đi cũng hóa thành trời đất. Hiểu được điều đó, thân, tâm và trí của chúng ta sẽ hòa vào thế giới tự nhiên, bao trùm tất cả. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là ta vẫn đang quyến luyến với cuộc đời này, muốn “ôm lấy muôn loài”. Chính vì vậy, trong suốt quá trình sinh, lão, bệnh, tử, ta luôn “nằm trong tiếng bi ai”, luôn sống với cảm giác khổ đau, bức bách, bất toàn.
http://cauduongbkdn.com/f@rums/showthread.php?768-B%C3%BAt-t%C3%ADch-c%E1%BB%A7a-Tr%E1%BB%8Bnh-C%C3%B4ng-S%C6%A1n
http://cauduongbkdn.com/f@rums/showthread.php?768-B%C3%BAt-t%C3%ADch-c%E1%BB%A7a-Tr%E1%BB%8Bnh-C%C3%B4ng-S%C6%A1n
Ở một ca khúc khác cũng mang đậm tính triết lý về vòng tròn sinh tử, tử sinh, đó là ca khúc “Một cõi đi về”, Trịnh Công Sơn cũng đã tự vấn “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?”. Và ở bài “Ngẫu nhiên”, cái “mệt” lại được nhắc đến:
“Mệt quá thân ta này, Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi Mệt quá thân ta này, Nằm xuống với đất muôn đời”
Từng năm, từng tháng đi qua trong một kiếp người, cũng là từng bước đi của được và mất, của vay và trả, của hạnh phúc và bất hạnh, của vinh quang và tủi nhục, của thành công và thất bại. Có đấy, rồi mất đấy. Ra đời từ tay trắng, đến khi lìa đời cũng chỉ trắng tay. Cuối cùng khi tấm thân này đã “mệt quá”, ta tìm đến một nơi chốn để “nghỉ ngơi”, để “nằm xuống”. Nhưng như đã nói ở phần đầu, cuộc sống bất sinh bất diệt, “nghỉ ngơi” hay “nằm xuống” đều không phải việc dừng lại hay kết thúc. Khi ta chết đi, ta “về làm cát bụi”. Khi ta nằm xuống, ta "nằm xuống với đất muôn đời”. Cát bụi hay đất muôn đời chính là hình ảnh tượng trưng cho một thứ chất dưỡng sinh giúp cho muôn loài không ngừng tái sinh. Cũng giống như một chiếc lá khô rơi xuống đất, chúng sẽ phân hủy thành mùn, làm cho đất tơi xốp hơn. Để rồi, từ đất, những mầm xanh lại tiếp tục nảy chồi và phát triển. Con người sẽ mãi tái sinh cùng tự nhiên:
“Kìa còn biết bao người, Dìu dặt tới quanh đây”.
Ở câu cuối bài hát này, một số phiên bản ghi là “dìu dắt”. Tuy nhiên, phần lớn phiên bản vẫn ghi là “dìu dặt”. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê chủ biên, NXB. Hồng Đức, năm 2018, “dìu dắt” là động từ chỉ việc “dìu cho đi cùng với tôi, giúp cho tiến lên được theo cùng một hướng với tôi” còn “dìu dặt” là tính từ chỉ tình trạng “lúc nhanh lúc chậm một cách nhịp nhàng và êm nhẹ”. Xét theo sự giải nghĩa này, có thể thấy rằng “dìu dặt” mới thật sự hợp lý cả về ngữ pháp và ngữ nghĩa.
https://nguoi-noi-tieng.com/tieu-su/tieu-su-co-nhac-sy-trinh-cong-son-3605
https://nguoi-noi-tieng.com/tieu-su/tieu-su-co-nhac-sy-trinh-cong-son-3605

Thay cho lời kết

Quay lại câu hỏi tiêu đề của bài viết, tôi nảy ra thêm một câu hỏi khác. Đó là, tại sao nhạc sĩ lại đặt tên cho ca khúc này là “Ngẫu nhiên” chứ không phải “Tình cờ”? Thử làm rõ cùng tôi nhé.
Cũng theo quyển Từ điển Tiếng Việt nêu trên, “ngẫu nhiên” được giải nghĩa là “tình cờ sinh ra, xảy ra, chứ không phải do những nguyên nhân bên trong quyết định”. Trong khi đó, “tình cờ” được hiểu là “không liệu trước, không dè trước mà xảy ra”. Có thể thấy rằng, mặc dù đều diễn tả một việc xảy ra không thể lường trước được, nhưng “ngẫu nhiên” khác với “tình cờ” ở một điểm quan trọng, đó là yếu tố không chịu tác động của bất kỳ một nguyên nhân nào. Và chính sự khác nhau này, cũng đã lý giải tại sao nhạc sĩ lại chọn dùng từ “ngẫu nhiên” để đặt tên cho ca khúc này, một ca khúc thể hiện triết lý sâu sắc về cái chết, về cuộc sống vô thường, vô ngã và nhiều đau khổ. Ta chỉ có thể nói một cái chết ngẫu nhiên, chứ khó thể nói một cái chết tình cờ được.
Học hỏi những giá trị tinh thần của bài hát này, tôi cũng không muốn bài viết này thật sự kết thúc tại đây. Do đó, tôi sẽ kết lại tại đây bằng một cánh cửa hé mở:
Có phải ngẫu nhiên không, khi bạn vừa đọc hết bài viết này của tôi?
Photo by Irish
Photo by Irish