Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên văn chữ Hán

山君譜

山君山君,白色者,其正宗也。上列天星,居西方之宿,與青龍、朱雀、玄武,並鎮乎西方。春秋時,下 乳子文以相楚,楚人諱之曰「於菟」。唐貞觀末,爲薛仁貴,佐太宗,討平高麗;薛剛、薛强,其苗裔也。朱 色者,初發迹於虞朝,見推於九官,末世有朱三者,其耳孫也。他如相周宣王,以平淮南; 爲五將軍,以 復漢室。據巴蜀以視中原,相秦穆以伯諸夏。宋太宗得其步,而爲天下之主; 漢班超得其頭,而封萬 里之侯; 此其善類也。譖文王之崇侯,盗大龜之陽貨; 疏防閑即出於神,作妖夢以食同曹,乳臥有 名,此其惡類也。
雖然類别甚繁,而仁義勇猛則一而已。生子則父勤乳哺,非仁乎? 政善則渡河而北,非義乎? 所 居則藜藿爲之不採,非勇猛乎? 是以天下皆畏之,屏風上塑其像,道士家畫其形,帥曰虎將,兵曰虎賁, 虎牌、虎符,取其武也; 虎帳、虎門,取其威; 虎力,取其猛也; 虎嗽,取其聲也。其文炳也,天下亦皆 愛之。魯馬蒙之以退師,横渠坐之以講《易》; 秦君借爲弓帳,周王以錫韓侯; 畏愛兼得如此,故上帝封之爲「山君」,而呼之曰「大人」。革卦曰:「大人虎形。」 受封之日,伏而嘯曰:「有君無臣,可乎?」上帝沈思良久,呼風伯命之曰:「敕爾爲山君之臣。 第彼之爲人,喜也則爲龍之弟,擾而馴之;怒也則爲狼之兄,角而翼,不可同居也。必俟他一嘯而即 至。」山君聞命,拜稽首,咆哮得意而出,逢人便多咬傷之。民皆深宫閉門,以避其害; 陳機設罟,以戕 其生。一離山之後,君勢已孤,爲卞莊所刺,爲馮婦所擒; 共叔段暴之以獻公,宋江賊騎之而不下,狄 梁公躡其尾而不驚,李膺等抹其吻而莫憚。故《易》曰:「不晊人,亨。」
山南叔曰: 前段派别支分,正合譜記之體。中段畏愛,竟有贊揚之詞。風伯一段,無中生有,洵斗起之奇文。末段筆力森 嚴,山君有神,必潛匿而不敢肆其虐矣。

Phiên âm:

Sơn Quân phổ

Sơn Quân Sơn Quân, bạch sắc giả, kỳ chính tông dã. Thượng liệt thiên tinh, cư Tây phương chi túc, dữ Thanh Long, Chu Tước, Huyền Vũ, tịnh trấn hồ Tây phương. Xuân Thu thời, hạ nhũ Tử Văn dĩ tương Sở, Sở nhân húy chi viết “Vu thố”. Đường Trinh Quán mạt, vi Tiết Nhân Quý, tá Thái Tông, thảo bình Cao Ly, Tiết Cương; Tiết Cường, kỳ miêu duệ dã. Chu sắc giả, sơ phát tích vu Ngu triều, kiến thôi vu cửu quan, mạt thế hữu Chu Tam giả, kỳ nhĩ tôn dã. Tha như tương Chu Tuyên vương, dĩ bình Hoài Nam; vi ngũ tương quân, dĩ phục hán thất. Cư Ba Thục dĩ thị Trung Nguyên, tương Tần Mục dĩ bá chư hạ. Tống Thái Tông đắc kỳ bộ, nhi vi thiên hạ chi chủ; Hán Ban Siêu đắc kỳ đầu, nhi phong vạn lí chi hầu; thử kỳ thiện loại dã. Trấm Văn Vương chi Sùng Hầu, đạo đại quy chi Dương Hóa; sơ phòng nhàn tức xuất vu thần, tác yêu mộng dĩ thực đồng tào, nhũ ngọa hữu danh, thử kỳ ác loại dã.
Tuy nhiên loại biệt thậm phồn, nhi nhân nghĩa dũng mãnh tắc nhất nhi dĩ. Sinh tử tắc phụ cần nhũ bộ, phi nhân hồ? Chính thiện tắc độ hà nhi Bắc, phi nghĩa hồ? Sở cư tắc lê hoắc vi chi bất thải, phi dũng mãnh hồ? Thị dĩ thiên hạ giai úy chi, bình phong thượng tố kỳ tượng, đạo sĩ gia họa kỳ hình, soái viết hổ tương, binh viết hổ bí, hổ bài, hổ phù, thủ kỳ võ dã; hổ trướng, hổ môn, thủ kỳ uy; hổ lực, thủ kỳ mãnh dã; hổ thấu, thủ kỳ thanh dã. Kỳ văn bỉnh dã, thiên hạ diệc giai ái chi. Lỗ mã mông chi dĩ thối sư, Hoành Cừ tọa chi dĩ giảng 《 Dịch 》; tần quân tá vi cung trướng, Chu Vương dĩ tích Hàn Hầu; úy ái kiêm đắc như thử, cố Thượng Đế phong chi vi “Sơn Quân”, nhi hô chi viết “Đại nhân”. Cách quái viết: “Đại nhân hổ hình.” Thụ phong chi nhật, phục nhi khiếu viết: “Hữu quân vô thần, khả hồ?” Thượng Đế thẩm tư lương cửu, hô phong bá mệnh chi viết: “Sắc nhĩ vi sơn quân chi thần. Đệ bỉ chi vi nhân, hỉ dã tắc vi long chi đệ, nhiễu nhi tuần chi; nộ dã tắc vi lang chi huynh, giác nhi dực, bất khả đồng cư dã. Tất sĩ tha nhất khiếu nhi tức chí.” Sơn Quân văn mệnh, bái kê thủ, bào hao đắc ý nhi xuất, phùng nhân tiện đa giảo thương chi. Dân giai thâm cung bế môn, dĩ tị kỳ hại; trần cơ thiết cổ, dĩ tường kỳ sinh. Nhất ly sơn chi hậu, quân thế dĩ cô, vi Biện Trang sở thứ, vi Phùng Phụ sở cầm; Cung Thúc Đoạn bạo chi dĩ hiến công, Tống Giang tặc kỵ chi nhi bất hạ, Địch Lương Công niếp kỳ vĩ nhi bất kinh, Lý Ưng đẳng mạt kỳ vẫn nhi mạc đạn. Cố 《 Dịch 》 viết: “Bất chí nhân, hanh.”
Sơn Nam Thúc viết: Tiền đoạn phái biệt chi phân, chính hợp phổ ký chi thể. Trung đoạn úy ái, cánh hữu tán dương chi từ. Phong bá nhất đoạn, vô trung sinh hữu, tuân đấu khởi chi kỳ văn. Mạt đoạn bút lực sâm nghiêm, sơn quân hữu thần, tất tiềm nặc nhi bất cảm tứ kỳ ngược hĩ.

Dịch:

Sơn Quân[1] phả ký

Sơn Quân! Sơn Quân! Mình sắc trắng là giống chính tông. Đứng bày hàng với các vì tinh tú trên trời; trấn ngự ở phương Tây[2]. Cùng với các sao Thanh Long, Chu Tước và Huyền Vũ trấn thủ bốn phương trời[3]. Đời Xuân Thu[4] xuống cho Tử Văn[5] bú, sau Tử Văn làm tướng nước Sở. Vì vậy người Sở đặt húy là "Ô Đồ" [6]. Cuối niên hiệu Trinh Quán[7] đời Đường, thác sinh làm Tiết Nhân Quý [8], giúp Thái Tông bình định Cao Ly[9]. Tiết Cương, Tiết Cường[10] đều là dòng dõi.
Sơn Quân sắc đỏ phát tích ở triều Ngu[11], dự hàng cửu quan [12]. Đời sau có Chu Tam[13], tức là cháu xa. Lại như giúp Chu Tuyên Vương bình định Hoài Nam[14], làm Ngũ tướng [15] khôi phục nhà Hán[16], giữ đất Ba Thục[17] để trông vào Trung nguyên[18], giúp Tần Mục công[19] làm bá chủ chư hầu[20]. Tống Thái Tông[21] giống được bước đi mà làm chủ thiên hạ [22]. Hán Ban Siêu[23] giống được cái đầu mà được phong làm hầu muôn dặm [24]. Đó là loài hổ thiện.
Còn như Sùng Hầu[25] thì gièm Văn vương[26]. Dương Hóa thì trộm rùa lớn[27], nhãng đề phòng thì phá cũi ra[28], làm mộng gở để ăn cùng bọn[29]; hổ đẻ[30], hổ ngồi[31] đều có tiếng là hổ dữ. Đó là loài hổ ác.
Tuy rằng phân loại có nhiều giống khác nhau, nhưng nhân nghĩa dũng mãnh thì cùng chung một tính. Sinh con thì chăm nom nuôi nấng, há không phải là nhân? Chính sự tốt thì sang sông lánh lên phía Bắc[32], há không phải là nghĩa? Ở đâu thì đến rau lê, rau hoắc cũng không ai dám hái[33], há không phải là dũng mãnh ư?
Vì vậy, thiên hạ đều sợ; trên bình phong đắp tượng hổ, nhà đạo sĩ vẽ hình hổ, tướng xưng là hổ tướng, quân gọi là hổ bôn. Bài hổ, ấn hổ là lấy nghĩa về võ; trướng hổ, cửa hổ là lấy nghĩa về uy; sức như hổ là lấy nghĩa về mạnh, gầm như hổ là lấy nghĩa về tiếng. Da hổ có vằn rực rỡ, thiên hạ đều rất ưa thích; ngựa nước Lỗ đội vào mà đánh lui quân thù[34], Hoành Cừ[35] ngồi lên mà giảng dạy "Kinh dịch"[36], vua nhà Tần lấy để khâu túi đựng cung[37], vua nhà Chu dùng để phong cho Hàn hầu[38]. Thế là vừa được người sợ vừa được người yêu.
Bởi vậy, Thượng Đế phong làm Sơn Quân và gọi là đại nhân[39]. Ngày thụ phong, hổ phủ phục kêu rằng:
- Có vua, há lẽ không có bầy tôi?
Thượng Đế ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi gọi thần gió[40] đến truyền rằng:
- Sắc cho ngươi làm bầy tôi Sơn Quân. Nhưng, tính nết của y, khi mừng thì là em con rồng, mà giận thì là anh con sói[41]. Bởi vậy, khi y mừng thì ngươi nên lượn vòng quanh mà dỗ dành ve vuốt, khi y giận thì ngươi chớ làm sừng làm cánh[42] cho y, chớ có ở chung với y. Phải đợi khi y cất tiếng gầm hãy đến.
Sơn Quân nghe mệnh lệnh ấy lấy làm đắc ý, cúi đầu lạy tạ rồi gầm thét bước ra, gặp người thì cắn hại. Bởi vậy người ta phải ở sàn cao và đóng kín cửa để lánh hại, đặt cạm, giăng lưới để trừ nó đi. Hổ rời khỏi núi là mất uy thế ngay: bị Biện Trang đâm chết[43], bị Phùng Phụ bắt sống[44]; Cung Thúc Đoạn tay không mà bắt được hổ dâng vua[45], Tống Giang cưỡi lưng không nhảy xuống[46]; Địch Lương công giẫm lên đuôi mà không kinh[47], bọn Lý Ưng tát vào mõm mà chẳng sợ[48]. Cho nên Kinh Dịch có câu: "Không cắn người, tốt [49]".
LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC: Truyện này đoạn đầu phân tích từng chi từng phái, chính hợp thể lệ chép phả ký. Đoạn giữa nói những điều đáng sợ, đáng yêu, lại có lời bàn tán, khen ngợi. Một đoạn nói thần gió, không mà thành có, thật là văn hay kiệt xuất. Đoạn cuối lời lẽ thật là nghiêm nghị. Sơn Quân có linh chắc cũng phải ẩn náu, không dám càn rỡ, bạo ngược nữa.

Chú thích:

[1]: Sơn Quân (山君), nghĩa đen là “vua của núi”, ở đây chỉ loài hổ.
[2]: Ở đây ý chỉ cung sao Bạch Hổ. Trong thiên văn học Á Đông truyền thống, Bạch Hổ chỉ cung gồm 7 chòm sao phía Tây trong Nhị thập bát tú. Các chòm này xuất hiện giữa trời vào mùa thu.
[3]: Trong thiên văn học Á Đông truyền thống thì Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ lần lượt đại diện cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong Nhị thập bát tú, Tứ Tượng tương ứng với bốn cung để phân chia các vì sao. Mỗi cung Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước được hợp từ bảy chòm sao.
(1) Đông ứng với Thanh Long, bao gồm: Giác (cá sấu), Cang (rồng), Đê (cu li), Phòng (thỏ), Tâm (cáo), Vĩ (cọp) và Cơ (báo). (2) Tây ứng với Bạch Hổ, bao gồm: Khuê (sói), Lâu (chó), Vị ( chim trĩ), Mão (gà), Tất (quạ), Chủy (khỉ) và Sâm (vượn). (3) Nam ứng với Chu Tước, bao gồm: Tỉnh (bò), Quỷ (dê), Liễu (hoẵng), Tinh (ngựa), Trương (nai), Dực (rắn) và Chẩn (giun). (4) Bắc ứng với Huyền Vũ bao gồm: Đẩu (cua), Ngưu (trâu), Nữ (dơi), Hư (chuột), Nguy (én), Thất (heo) và Bích (nhím).
[4]: Thời Xuân Thu ( 春秋时代) là tên gọi một giai đoạn lịch sử từ 771 TCN đến 476 TCN trong lịch sử Trung Quốc. Tên của nó bắt nguồn từ cuốn Kinh Xuân Thu (Biên niên sử Xuân Thu), một cuốn sử mà theo truyền thống thường được coi là của Khổng Tử. Ở giai đoạn Xuân Thu, quyền lực được tập trung hoá. Giai đoạn này xảy ra rất nhiều các trận chiến và sự sáp nhập khoảng 170 nước nhỏ. Sự sụp đổ dần dần của giới thượng lưu dựa trên quan hệ huyết thống thị tộc thời kì trước dẫn tới sự phát triển của việc học hành để tiến thân; trí thức gia tăng lại thúc đẩy tự do tư tưởng và tiến bộ kỹ thuật. Tiếp sau giai đoạn này là thời Chiến quốc.
[5]: Tử Văn (子文), tức Đấu Cấu Ô Đồ (鬬穀於菟) là một lệnh doãn nước Sở thời Xuân Thu. Ông họ Mị (tức Hùng), thuộc thị tộc Đấu, là con của lệnh doãn Đấu Bá Tỷ. Khi mới sinh ông bị đem vứt đi, nhờ có hổ cho bú nên khỏi chết, sau lại được cha mẹ mang về.
[6]: Tiếng bản địa của Sở thời Xuân Thu thuộc ngữ hệ Taika-Dai nên có nhiều khác biệt với ngôn ngữ Trung Nguyên thuộc hệ Hán-Tạng, trong đó hổ được gọi là "ô đồ" và việc cho bú được gọi là "cấu", nên cha mẹ Tử Văn đặt tên cho ông là Đấu Cấu Ô Đồ (người tộc Đấu được hổ cho bú).
[7]: Trinh Quán (貞觀) là niên hiệu duy nhất của Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong suốt thời gian trị vì. Năm 626, ngày 4 tháng 9, Lý Thế Dân lên ngôi, tức là hoàng đế Đường Thái Tông, sử dụng niên hiệu là Trinh Quán (貞觀), mở đầu cho thời kỳ Trinh Quán chi trị (貞觀之治) thịnh vượng cho triều đại Nhà Đường. Năm 649, Đường Thái Tông băng hà, niên hiệu Trinh Quán cũng kết thúc từ đó.
[8]: Tiết Nhân Quý: tức Tiết Lễ (薛禮), tự Nhân Quý (仁貴) là một danh tướng thời nhà Đường, phục vụ qua 2 triều vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông. Ông lập được nhiều chiến công nên được Đường Thái Tông rất yêu quý, gọi là "Hổ tướng".
[9]: Cao Ly, ở đây chính xác phải là Cao Câu Ly (高句麗) là một vương quốc của người Triều Tiên ở phía bắc bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu, tồn tại từ khoảng năm 37 TCN đến năm 668 CN. Đây là một trong Tam Quốc Triều Tiên đương thời, cùng với Bách Tế, Tân La. Cao Câu Ly là một cường quốc ở khu vực Đông Á cho đến khi bị liên minh Tân La-Đường đánh bại. Sau khi bị diệt vong, lãnh thổ của nó bị chia sẻ giữa Tân La, Bột Hải và nhà Đường.
[10]: Tiết Cương và Tiết Cường là các nhân vật hư cấu trong văn hóa dân gian Trung Quốc, nổi tiếng với tác phẩm tạp kịch "Tiết Cương phản Đường". Hai người này thường được xác định là hậu duệ của Tiết Nhân Quý, được hư cấu dựa trên một phần cuộc đời của người cháu nội có thật của Tiết Nhân Qúy là Tiết Tung (薛嵩).
[11]: Tức thời đại Đế Ngu/Nghiêu (帝堯), một triều đại trong huyền sử Trung Quốc.
[12]: Tức Chu Hổ (朱虎), một người cùng với Hùng Bi (熊罴) được Bá Ích (伯益) tiến cử cho Đế Ngu, giúp việc cai quản núi rừng. Chu Hổ nghĩa đen là con hổ màu đỏ, nên bài này viết
[13]: Chu Tam (朱三), ý chỉ tổ tiên trực hệ ba đời của Hậu Lương Thái Tổ Chu Ôn (朱温).
[14]: Thiệu Hổ là bầy tôi của Chu Tuyên Vương (周宣王), có công bình định đất Hoài Nam (淮南).
[15]: Theo dã sử hư cấu thì thời Tam Quốc (三國), Thục Hán (蜀漢) có chức Ngũ hổ tướng (五虎將). Đây gọi là Ngũ tướng, giấu chữ hổ đi, có ý coi như hổ làm những chức ấy.
[16]: Thời Tam Quốc, nhà Thục Hán được xem như kế tục nhà Đông Hán (东汉), có nhiệm vụ tiếp nối và khôi khục huyết mạch cai trị của Hán triều (汉朝).
[17]: Ba Thục (巴蜀) là tên gọi cũ của vùng Tứ Xuyên (四川), do trước đây nơi này là đất của 2 tiểu quốc Ba (巴) và Thục (蜀).
[18]: Trung Nguyên (中原), nghĩa đen là vùng đất trung tâm, ý chỉ khu vực tương ứng với vùng trung tâm của Trung Quốc ngày nay. Tương truyền nhà Thục Hán chiếm cứ được đất Ba Thục là có thế như hổ dòm vào Trung Nguyên.
[19]: Tần Mục công (秦穆公), còn gọi là Tần Mâu công (秦繆公), tên thật Doanh Nhậm Hảo (嬴任好), là vị vua thứ 14 của nước Tần - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 659 TCN đến năm 621 TCN, tổng 38 năm, đưa nước Tần từ vị trí một chư hầu xa xôi hẻo lánh ở phía Tây bắc Trung Quốc vươn lên địa vị bá chủ thời Xuân Thu.
[20]: Không rõ tích này. Bầy tôi Tần Mục Công có người tên là Phi Báo, không có ai tên là Hổ.
[21]: Tống Thái Tông (宋太宗), tên húy Triệu Quýnh (趙炅), là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc, ở ngôi từ năm 976 đến năm 997, tổng cộng 21 năm. Ông là người có công thống nhất Trung Nguyên, khuyến khích khai hoang và xây dựng các công trình thủy lợi. Về mặt đối nội thì dốc lòng giải quyết công việc chính trị, quan tâm đến đời sống của nhân dân, hoàn thiện chế độ thi cử và cho biên soạn nhiều sách vở.
[22]: Tương truyền, Tống Thái Tông có dáng điệu “long hành hổ bộ”, nghĩa là đi như rồng, bước như hổ, có phong thái của một bậc đế vương cai trị thiên hạ.
[23]: Hán Ban Siêu, tức Ban Siêu (班超) là nhà quân sự và cũng là nhà ngoại giao thời Đông Hán. Ban Siêu làm quan cai trị Tây Vực trong 31 năm, đánh dẹp nhiều cuộc nổi loạn, khai thông con đường tơ lụa và buộc các xứ tiểu quốc vùng này phải thần phục nhà Hán.
[24]: Hán Ban Siêu lúc còn hàn vi có người xem tướng đoán rằng: "Hàm như én, đầu như hổ, có thể bay mà ăn thịt, đó là tướng phong hầu muôn dặm". Quả nhiên sau Ban Siêu có lập nhiều công ngoài biên cương, được phong tước Đinh Viễn hầu.
[25]: Sùng Hầu, tức Sùng Hầu Hổ (崇侯虎), tên thật là Sùng A Hổ (崇阿虎) là vua của nước Sùng giai đoạn cuối nhà Thương đầu nhà Chu. Hành trạng ông được chép sớm nhất trong Sử ký (史記), thiên Ân bản kỷ (殷本紀). Đến thời trung đại, Sùng Hầu Hổ trở thành một nhân vật phản diện trong tạp kịch và các huyền tích dân gian có yếu tố Đạo giáo, nhưng mãi tới sơ kỳ triều Thanh mới có trứ tác Phong thần diễn nghĩa của tác gia Hứa Trọng Lâm thể hiện phong phú nhất hình tượng này. Theo đó, Sùng Hầu Hổ đã gièm pha Chu Văn vương với Trụ vương, khiến Chu Văn vương phải giam ở ngục Dữu Lý.
[26]: Văn vương, tức Chu Văn vương (周文王), tên thật là Cơ Xương (姬昌). Ông là một thủ lĩnh bộ tộc Chu cuối thời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã giúp nước Chu trở nên lớn mạnh, tạo tiền đề cho con trai ông là Chu Vũ Vương (周武王) lật đổ nhà Thương, xây nền móng cho triều đại nhà Chu sau này.
[27]: Dương Hóa (陽貨) tên thật là Dương Hổ (陽虎), tự là Hóa, là người nước Lỗ thời Xuân Thu. Tuy thuộc dòng dõi đại phu, bản thân chức cao vọng trọng thế nhưng Dương Hóa lại tính mưu phản đại nghịch, khi thất bại thì lấy trộm rùa lớn và những đồ quí báu khác (rùa được người xưa dùng để bói toán) rồi bỏ chạy tới nước Tấn.
[28]: Sách "Luận ngữ" (論語) có tích Khổng Tử (孔子) trách mắng người học trò là Nhiễm Cầu (冉求) rằng: "... Để cho hổ hủy xổng ra khỏi cũi là lỗi tại ai?".
[29]: Có lẽ là đề cập đến hình tượng hổ nuôi ma trành trong văn hóa dân gian bản địa, theo đó thì những người bị hổ giết sẽ hóa thành ma trành do hổ chế ngự, khi cần thì hổ có thể sai ma trành làm ra mộng cảnh dẫn dụ người tới để mà bắt.
[30]: Các giống thú đến ngày đẻ con đều có tính dữ hơn ngày thường, nên hổ đẻ là hình tượng dữ dằn. "Hán thư" (漢書) có câu: "Thà gặp hổ đẻ còn hơn Nịch Thành đang giận". Vậy nên bọn quan lại ác, người ta ví là hổ đẻ.
[31]: Từ Hoành tức Thái giám Từ Hoành (徐璜) đời Hán Hoàn Đế (漢桓帝). Thời kì này hoạn quan chuyên quyền, thường gây tai nghiệt, phóng túng hung ác, tàn ngược dân chúng. Nổi bật hơn cả là Đan Siêu (單超) Tả Quản (左琯), Cụ Viện (具瑗), Đường Hành (唐衡) và Từ Hoành, được người trong thiên hạ gọi là Ngũ Hầu (五侯). Từ Hoành được Hán Hoàn Đế vô cùng sủng ái nên luôn ra vẻ, người trong thiên hạ kinh sợ gọi là "Từ Ngọa Hổ" (徐卧虎), nghĩa đen là "hổ ngồi".
[32]: "Hậu Hán thư" (後漢書) chép rằng thời Hán Quang Vũ Đế (漢光武帝) có Lưu Côn (劉昆) làm chức Giang Lăng lệnh. Trong huyện có hỏa tai, Lưu Côn tới vái lạy ngọn lửa, lúc sau lửa tắt dần. Về sau Côn chuyển làm Thái thú Hoằng Nông. Dân tình bảo thấy hổ dữ cõng con vượt sông Hoàng Hà (黃河) bỏ đi. Hàn Quang Vũ Đế hỏi chuyện vì sao lại thế, Lưu Côn thưa rằng đó là điều ngẫu nhiên không sao biết được. Hán Quang Vũ Đế lấy làm cảm phục bảo sử quan chép lại chuyện này.
[33]: "Hán thư" có câu: "Núi có thú dữ (ý nói hổ) thì rau lê rau hoắc không ai dám hái; trong triều có người trực thần thì những kẻ gian tà không dám mưu việc càn."
[34]: "Tả truyện" (左傳) chép khi nước Tề (齊國) và nước Lỗ đánh nhau, tướng Lỗ lấy da hổ khoác cho ngựa ra trận. Ngựa của quân Tề tưởng là hổ thật, quay lại chạy. Quân Tề vì thế thất bại, phải rút lui.
[35]: Trương Hoành Cừ, tức Trương Tái (張載) là bậc đại danh nho thời Tống. Người đời gọi ông là Hoành Cừ tiên sinh (橫渠先生) bởi ông dạy học ở trấn Hoành Cừ, Mi huyện.
[36]: "Kinh dịch" (易經) là bộ sách kinh điển của Trung Quốc thời cổ đại, là một trong "Ngũ Kinh" (五經). Cuốn sách này chứa đựng hệ thống tư tưởng triết học của người Trung Quốc cổ đại, dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và chuyển dịch. Ban đầu, "Kinh dịch" được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các nhà triết học Trung Hoa.
[37]: Túi đựng mũi tên làm bằng da hổ.
[38]: Chưa rõ điển tích, sẽ bổ sung ngay khi tra cứu hoàn tất.
[39]: Trong "Kinh dịch", quẻ thứ 49 là quẻ Cách (革) có nói: "Đại nhân hổ biến". Ở đây dùng điển ấy rồi phiên ý cho đẹp câu văn.
[40]: Ngày trước người ta cho rằng mây theo rồng, gió theo hổ, hễ hổ gầm là gió đến.
[41]: Ý câu này nói chữ "hổ" đi sau chữ "long", như "long hổ bảng" "long bàn hổ cứ", thì là việc tốt, mà đứng trước chữ "lang" thành "hổ lang" thì là việc ác.
[42]: Hổ vốn không có sừng, cũng không có cánh mà vẫn là bậc đứng đầu muông thú núi rừng. Câu này chỉ là câu giả thiết một vật đứng trên đỉnh cao như hổ mà lại có sừng, có cánh, thì liệu còn nguy hiểm tới mức nào?
[43]: Biện Trang, tức Biện Trang Tử (卞庄子), là bậc đại phu nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông có sức rất khỏe, lại mưu trí hơn người, có lần nhờ tài trí mà đâm chết hai con hổ.
[44]: Sách "Tận tâm hạ" (尽心下) của Mạnh Tử (孟子) chép rằng Phùng Phụ (冯妇) là người nước Tấn, có tài bắt hổ. Sau này Phùng Phụ tu chí lập thân, không đi bắt hổ nữa mà chăm chỉ học hành, trở thành một danh sĩ. Thế nhưng một ngày nọ gặp đám người đang bắt hổ, Phụng Phụ liền nhận lời tham gia giúp.
[45]: "Thúc vu điền" (叔于田) trong "Kinh thi" (诗经) có chép rằng Cung thúc Đoạn (共叔段) là quý tộc tông thất nước Trịnh (鄭國), em trai ruột của vua Trịnh Trang công (鄭莊公). Cung thúc Đoạn có sức rất khỏe, có khi tay không bắt được hổ đem dâng tặng anh trai.
[46]: Tống Giang (宋江) là một thủ lĩnh khởi nghĩa dưới thời vua Tống Huy Tông (宋徽宗). Chính sử ít nhắc đến Tống Giang, nhưng các tác phẩm văn học dân gian thì ngược lại. Theo đó, Tống Giang là lãnh tụ của bậc hảo hán, cát cứ ở vùng Lương Sơn Bạc(梁山泊), chống lại sự bạo ngược của triều đình. Sau này, Tống Giang lại muốn quy thuận nhà Tống, nhưng các bậc hảo hán khác không muốn nghe. Người ta bảo đấy là Tống Giang ở vào thế cưỡi hổ, khó xuống được.
[47]: Địch Lương công, tức Lương Quốc công (梁国公) Địch Nhân Kiệt (狄仁傑). Ông tự là Hoài Anh, còn gọi là Lương Văn Huệ công, là một quan lại của nhà Đường cũng như của triều đại Võ Chu do Võ Tắc Thiên lập ra. Ông là người làm quan có tiếng là liêm minh. Đương thời có Trương Quang Phụ nhờ lập công mà được làm tới chức Tể tướng, nhưng khi nắm quyền lại để cho quân sĩ hoành hành. Địch Nhân Kiệt thấy thế mới bảo Quang Phụ rằng: "Ước gì được thanh gươm "thượng phương" đưa vào đầu ông, dẫu có chết cũng không oán". Người đời ca ngợi Địch Nhân Kiệt "giẫm vào đuôi hổ mà không sợ".
[48]: Đời Đông Hán, bọn hoạn quan chuyên quyền làm nhiều điều xằng bậy. Lý Ưng (李膺) là một quý tộc đại thần trong triều, theo phái Thanh lưu, rất ghét hoạn quan. Ông cùng với một số quý tộc khác không ngừng công kích phe hoạn quan, khiến bọn này rất sợ. Người ta bảo là Lý Ưng "tát vào mõm hổ mà không sợ".
[49]: Kinh dịch có câu: "Giẫm vào đuôi hổ mà nó không cắn người là tốt".
- Theo Thánh Tông di thảo -

(Hết phần 7)

#Backturn