Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên văn chữ Hán:

二神女傳

順天四年,承大定之後,行旅者願出於其途,商賈者願藏於其市——上京一大都會也,河内初名上京。 忽有二女坐列肆中,以賣卜算數爲藝,但朝青春而夕椰市,去京邑而回長安,靡所定居,似有上下求之之 意。詳看其人,老女則年過四旬,青絲間染秋霜,玉面漸消紅粉,而嫵媚肥艷,猶可動人。少女則年方及 笄,雪花貌——趙燕同車多愧色,崔鸞並坐帶羞容; 雖釵荆布裙,衣裳質素,而光可以鑑,漁色者多 心欲焉。第或萌玩弄之心,則神亂頭疼,以故人不能近。每於市肆絕早時,布二蒲席,席間置斗書半部, 及徑寸一龜,上樹一方紅布,墨寫云:「算卜無神,何人買者受三文。」無神者言有神奇於此。陳布訖,即並 坐而歌。
其老女歌云: 無鱗馬! 無鱗馬! 奇馬也,意者其魚乎? 子復父讎,詎云不可,冉冉甲花將半過。母也母也,扶 摇不可借,羽翼不可假,甲花將半過。金鱗底怒倒江河,白髮幽思無日夜。無鱗馬! 無鱗馬!
其少女歌云: 東隅東隅,已歷三秋,三秋快滿毒之讎。「毒」字是生母字。山有框,妾有夫,如何如何! 鳴珂遊 帝都,未能絕粒升天衡。升天衝,相懽虞,君不見,蘇氏座山頭。
萬轉千迴,聲甚凄楚。市人環而聽之,至有泣下者。歌罷,然後接人。其算數也,微微運掌,而富貧、 壽夭、生前事後盡神奇。其賣卜也,略略灼龜,而得喪、死生、年月日時都巧中。頃刻間,剖斷已畢,乃微 啓朱唇,謂其人曰:「如受三文,幸還之於席末。」俟其人去,見貧餒過者,呼而指與之,固未曾手接而親 授也。一市人亦不曾見,其爲飲食何如。日落而歸,好事者跟隨,欲窺其住宿之處,行僅數步,即暈然倒 臥[1],終不能從。
如此者纔三月餘,忽一日,老女雖則同行,然不歌,亦不賣卦,惟愁容滿面。少女則歌聲如故,不知 或指以爲狂。然時有老儒屋居大利坊,因家貧,設馬帳於東英地,遠聞書信,知得親父病重,遽解館,步 行獨歸。孝念匆忙[2],忘其爲夜,至五更初,僅抵菩提津次。於落月微光中,望見二人,從菩提樹高杖 而下,步履安閒,不同緣木之狀。老儒素有正氣,疑彼爲妖,遂急趨把二人之袖,欲格殺之。近視之,乃 市問賣算法人也。老儒曰:「日居市中,夜棲木上,汝等寧非妖耶?」二女語猶支吾,老儒心異之,遂低 聲謂曰:「我非五陵年少之輩,係是老儒,才高學博,但厭逢時之亂,故不仕耳。今天子當陽,衆樂爲 用,我又嫌其年老。古人云:「斜陽無限好,只是惡斜陽。故勉裁成於後進,思以流澤乎將來。目今功 臣二百餘人,半出吾門之下。細察汝等之情,决非賣藝人,若有所求人也。如何如何,宜以實告。」
二女 聞「功臣」一句,動到本相,老女乃掩淚而言之:「我是龍王之從子婦也。去年,我良人愛白蓮花之香, 爲金鳞郎所惑,掉尾並游於霪潭。不意王通適於此日觀魚,獲而殺之。妾癡兒乃請於龍王,爲父復讎。於是乘無鱗馬,涸江而上之。我於癡子離宫之時,謂之曰:「子復父仇[3],可謂孝矣。念母年老,晨昏 無人,當以何時爲歸?」癡兒垂淚對之曰:「此行若報得父仇,則花甲半週,北堂再得侍養。不然,則歸 期無日矣。』計自去日之日,至今日之日,已三十六歲矣。倚門而望,身將疇依,故托名以求子耳。適於 客日,接聞知癡子托塵之後,事黎主,甚得信幸。屢爲刺客,潛入王宫之中,乃三起而三不中。及聞黎主 與王通講和,許以全身歸國。癡兒念君命之重,既不敢違,則先父之仇,無時可復。遂向水宫望拜我畢, 即爲珠樹之懸魚,於今已四年矣。事既無奈,我欲歸溟,但念口繫同行,焉能驟絕,勉爲山姑淹留旬日 耳。」老儒聞畢,爲之惻然。
問及少女,少女反袂拭面,細開雁齒,低頭而言曰:「妾非異人,東隅子山神之偶也。黄福鎮守時, 爲人扦鑿,傷母山之脉,母山因是枯悴。妾夫怒甚,常使人伺黄福之車,則飛石折輪以雪之。彼預知,永 不敢來。妾夫乃乘虎神,上南曹星官,問以人間事,圖復母仇。星官以太乙書算之曰:「黄福歸朝,王 通出鎮。然十餘年後,有姓黎名利起義藍山,福再提兵來援。至梨關,反爲黎利所獲,自此天下大定。 妾夫大喜,遂降神於裴家。臨别,妾請從,泣曰:「夫婦如一 [4],郎君冒死爲乎親,妾將針線請從軍。」 郎君顧謂妾曰:「古人曰: 婦人在軍中,兵器恐不揚。此江山,此臣庶,卿卿姑主之。俟大定後三年, 枕衾如故,何從爲?」言訖,遂别。妾每於石室之中,屢屈指籌之,迨今已四己矣。妾恐郎君爲人間富貴 所移,或錯過者,故借算卜誦歌聲,處處求之,庶幾哉聞歌聲而感動耳。奈之何三四月來,没無蹤迹。敢 問老儒知之乎?」老儒曰:「功臣多矣,皆賜國姓,是難以姓字求也。山姑試言其狀貌,令我熟認之。」 少女曰:「妾夫身高而首銳,隱然山形也。耳輪有二點紅色,甚光亮,終日静坐不自言。依然山性也。左掌心有一『人』字紋,右掌心有一『九』字紋,是托生時,恐或忘之,故志之掌紋,合成『仇』字也。敢問老儒知 之乎?」
老儒沈思良久曰:「勞子遠來,是乃前軍統制府參贊軍務裴可嘉,即吾之門子也。聞知黄福下 馬羅拜時,他大笑數聲,親縛獻功。及大定後二年,他自陳從征勞倦情,願回三島山祠養病。聖上優恤, 賜以國姓,曰黎可嘉,爵明字,歸老纔一週星,於前月十七日酉牌已命故矣,復向求焉!」少女遽回顏微 笑曰:「婦去夫便回,行迹何參商。料得山翁意,應爲妾心忙。」遂整衣長揖老儒,顧盼間,忽不見二女 所在。
山南叔曰: 山青水豁,事事憑虛。筆海詞鋒,鑿鑿皆實。讀此文,然後知忠孝之念,恩愛之情,貫幽明而如一也。所謂老 儒者,其文中子之前身歟?

Phiên âm:

Nhị thần nữ truyện

Thuận Thiên tứ niên, thừa đại định chi hậu, hành lữ giả nguyện xuất vu kỳ đồ, thương giả giả nguyện tàng vu kỳ thị - Thượng Kinh nhất đại đô hội dã, Hà Nội sơ danh Thượng Kinh. Hốt hữu nhị nữ tọa liệt tứ trung, dĩ mại bặc toán sổ vi nghệ, đãn triều Thanh Xuân nhi tịch Da thị, khứ Kinh ấp nhi hồi Trường An, mĩ sở định cư, tự hữu thượng hạ cầu chi chi ý. Tường khán kỳ nhân, lão nữ tắc niên quá tứ tuần, thanh ti gian nhiễm thu sương, ngọc diện tiệm tiêu hồng phấn, nhi vũ mị phì diễm, do khả động nhân. Thiếu nữ tắc niên phương cập kê, tuyết hoa mạo: Triệu Yến đồng xa đa quý sắc, Thôi Loan tịnh tọa đái tu dung; tuy thoa kinh bố quần, y thường chất tố, nhi quang khả dĩ giam, ngư sắc giả đa tâm dục yên. Đệ hoặc manh ngoạn lộng chi tâm, tắc thần loạn đầu đông, dĩ cố nhân bất năng cận. Mỗi vu thị tứ tuyệt tảo thời, bố nhị bồ tịch, tịch gian trí đấu thư bán bộ, cập kính thốn nhất quy, thượng thụ nhất phương hồng bố, mặc tả vân: “Toán bặc vô thần, hà nhân mãi giả thụ tam văn.” Vô thần giả ngôn hữu thần kỳ vu thử. Trần bố cật, tức tịnh tọa nhi ca.
Kỳ lão nữ ca vân: "Vô lân mã! Vô lân mã! Kỳ mã dã, ý giả kỳ ngư hồ? Tử phục phụ thù, cự vân bất khả, nhiễm nhiễm giáp hoa tương bán quá. Mẫu dã mẫu dã, phù diêu bất khả tá, vũ dực bất khả giả, giáp hoa tương bán quá. Kim lân để nộ đảo giang hà, bạch phát u tư vô nhật dạ. Vô lân mã! Vô lân mã!"
Kỳ thiếu nữ ca vân: "Đông Ngu Đông Ngu, dĩ lịch tam thu, tam thu khoái mãn độc chi thù. “Độc” tự thị sinh mẫu tự. Sơn hữu khuông, thiếp hữu phu, như hà như hà! Minh kha du đế đô, vị năng tuyệt lạp thăng thiên cù. Thăng thiên cù, tương hoàn ngu, quân bất kiến, Tô thị tọa sơn đầu.
Vạn chuyển thiên hồi, thanh thậm thê sở. Thị nhân hoàn nhi thính chi, chí hữu khấp hạ giả. Ca bãi, nhiên hậu tiếp nhân. Kỳ toán sổ dã, vi vi vận chưởng, nhi phú bần, thọ yêu, sinh tiền sự hậu tẫn thần kỳ. Kỳ mại bặc dã, lược lược chước quy, nhi đắc tang, tử sinh, niên nguyệt nhật thời đô xảo trung. Khoảnh khắc gian, phẩu đoạn dĩ tất, nãi vi khải chu thần, vị kỳ nhân viết: “Như thụ tam văn, hạnh hoàn chi vu tịch mạt.” Sĩ kỳ nhân khứ, kiến bần nỗi quá giả, hô nhi chỉ dữ chi, cố vị tằng thủ tiếp nhi thân thụ dã. Nhất thị nhân diệc bất tằng kiến, kỳ vi ẩm thực hà như. Nhật lạc nhi quy, hảo sự giả cân tùy, dục khuy kỳ trụ túc chi xử, hành cận sổ bộ, tức vựng nhiên đảo ngọa, chung bất năng tòng.
Như thử giả tài tam nguyệt dư, hốt nhất nhật, lão nữ tuy tắc đồng hành, nhiên bất ca, diệc bất mại quái, duy sầu dung mãn diện. Thiếu nữ tắc ca thanh như cố, bất tri hoặc chỉ dĩ vi cuồng. Nhiên thời hữu lão nho ốc cư Đại Lợi phường, nhân gia bần, thiết mã trướng vu Đông Anh địa, viễn văn thư tín, tri đắc thân phụ bệnh trọng, cự giải quán, bộ hành độc quy. Hiếu niệm thông mang, vong kỳ vi dạ, chí ngũ canh sơ, cận để bồ đề tân thứ. Vu lạc nguyệt vi quang trung, vọng kiến nhị nhân, tòng bồ đề thụ cao trượng nhi hạ, bộ lí an nhàn, bất đồng duyên mộc chi trạng. Lão nho tố hữu chính khí, nghi bỉ vi yêu, toại cấp xu bả nhị nhân chi tụ, dục cách sát chi. Cận thị chi, nãi thị vấn mại toán pháp nhân dã. Lão nho viết: “Nhật cư thị trung, dạ tê mộc thượng, nhữ đẳng ninh phi yêu gia?” Nhị nữ ngữ do chi ngô, lão nho tâm dị chi, toại đê thanh vị viết: “Ngã phi Ngũ Lăng niên thiếu chi bối, hệ thị lão nho, tài cao học bác, đãn yếm phùng thời chi loạn, cố bất sĩ nhĩ. Kim thiên tử đương dương, chúng nhạc vi dụng, ngã hựu hiềm kỳ niên lão. Cổ nhân vân: “Tà dương vô hạn hảo, chỉ thị ác tà dương. Cố miễn tài thành vu hậu tiến, tư dĩ lưu trạch hồ tương lai. Mục kim công thần nhị bách dư nhân, bán xuất ngô môn chi hạ. Tế sát nhữ đẳng chi tình, quyết phi mại nghệ nhân, nhược hữu sở cầu nhân dã. Như hà như hà, nghi dĩ thật cáo.”
Nhị nữ văn “công thần” nhất cú, động đáo bổn tương, lão nữ nãi yểm lệ nhi ngôn chi: “Ngã thị Long Vương chi tòng tử phụ dã. Khứ niên, ngã lương nhân ái bạch liên hoa chi hương, vi kim lân lang sở hoặc, điệu vĩ tịnh du vu Dâm Đàm. Bất ý Vương Thông thích vu thử nhật quan ngư, hoạch nhi sát chi. Thiếp si nhi nãi thỉnh vu Long Vương, vi phụ phục thù. Vu thị thừa vô lân mã, hạc giang nhi thượng chi. Ngã vu si tử ly cung chi thời, vị chi viết: “Tử phục phụ cừu, khả vị hiếu hĩ. Niệm mẫu niên lão, thần hôn vô nhân, đương dĩ hà thời vi quy?” Si nhi thùy lệ đối chi viết: “Thử hành nhược báo đắc phụ cừu, tắc hoa giáp bán chu, bắc đường tái đắc thị dưỡng. Bất nhiên, tắc quy kỳ vô nhật hĩ." kế tự khứ nhật chi nhật, chí kim nhật chi nhật, dĩ tam thập lục tuế hĩ. Ỷ môn nhi vọng, thân tương trù y, cố thác danh dĩ cầu tử nhĩ. Thích vu khách nhật, tiếp văn tri si tử thác trần chi hậu, sự Lê chủ, thậm đắc tín hạnh. Lũ vi thứ khách, tiềm nhập Vương cung chi trung, nãi tam khởi nhi tam bất trung. Cập văn Lê chủ dữ Vương Thông giảng hòa, hứa dĩ toàn thân quy quốc. Si nhi niệm quân mệnh chi trọng, kí bất cảm vi, tắc tiên phụ chi cừu, vô thời khả phục. Toại hướng thủy cung vọng bái ngã tất, tức vi châu thụ chi huyền ngư, vu kim dĩ tứ niên hĩ. Sự kí vô nại, ngã dục quy minh, đãn niệm khẩu hệ đồng hành, yên năng sậu tuyệt, miễn vi Sơn cô yêm lưu tuần nhật nhĩ.” Lão nho văn tất, vi chi trắc nhiên.
Vấn cập thiếu nữ, thiếu nữ phản mệ thức diện, tế khai nhạn xỉ, đê đầu nhi ngôn viết: “Thiếp phi dị nhân, Đông Ngu tử Sơn thần chi ngẫu dã. Hoàng Phúc trấn thủ thời, vi nhân thiên tạc, thương Mẫu Sơn chi mạch, Mẫu Sơn nhân thị khô tụy. Thiếp phu nộ thậm, thường sử nhân tý Hoàng Phúc chi xa, tắc phi thạch chiết luân dĩ tuyết chi. Bỉ dự tri, vĩnh bất cảm lai. Thiếp phu nãi thừa hổ thần, thượng nam tào tinh quan, vấn dĩ nhân gian sự, đồ phục mẫu cừu. Tinh quan dĩ thái ất thư toán chi viết: “Hoàng Phúc quy triều, Vương Thông xuất trấn. Nhiên thập dư niên hậu, hữu tính Lê danh Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, phúc tái đề binh lai viện. Chí Lê Quan, phản vi Lê Lợi sở hoạch, tự thử thiên hạ đại định. Thiếp phu đại hỉ, toại hàng thần vu Bùi gia. Lâm biệt, thiếp thỉnh tòng, khấp viết: “Phu phụ như nhất, lang quân mạo tử vi hồ thân, thiếp tương châm tuyến thỉnh tòng quân.” Lang quân cố vị thiếp viết: “Cổ nhân viết: Phụ nhân tại quân trung, binh khí khủng bất dương. Thử giang sơn, thử thần thứ, khanh khanh cô chủ chi. Sĩ đại định hậu tam niên, chẩm khâm như cố, hà tòng vi?” Ngôn cật, toại biệt. Thiếp mỗi vu thạch thất chi trung, lũ khuất chỉ trù chi, đãi kim dĩ tứ kỷ hĩ. Thiếp khủng lang quân vi nhân gian phú quý sở di, hoặc thác quá giả, cố tá toán bặc tụng ca thanh, xử xử cầu chi, thứ kỉ tai văn ca thanh nhi cảm động nhĩ. Nại chi hà tam tứ nguyệt lai, một vô tung tích. Cảm vấn lão nho tri chi hồ?” Lão nho viết: “Công thần đa hĩ, giai tứ quốc tính, thị nan dĩ tính tự cầu dã. Sơn cô thí ngôn kỳ trạng mạo, lệnh ngã thục nhận chi.” Thiếu nữ viết: “Thiếp phu thân cao nhi thủ duệ, ẩn nhiên sơn hình dã. Nhĩ luân hữu nhị điểm hồng sắc, thậm quang lượng, chung nhật tĩnh tọa bất tự ngôn. Y nhiên sơn tính dã. Tả chưởng tâm hữu nhất 『nhân』 tự văn, hữu chưởng tâm hữu nhất 『cửu』 tự văn, thị thác sinh thời, khủng hoặc vong chi, cố chí chi chưởng văn, hợp thành 『cừu』tự dã. Cảm vấn lão nho tri chi hồ?”
Lão nho thẩm tư lương cửu viết: “Lao tử viễn lai, thị nãi Tiền quân Thống chế phủ Tham tán Quân vụ Bùi Khả Gia, tức ngô chi môn tử dã. Văn tri Hoàng Phúc hạ mã la bái thời, tha đại tiếu sổ thanh, thân phược hiến công. Cập đại định hậu nhị niên, tha tự trần tòng chinh lao quyện tình, nguyện hồi Tam Đảo Sơn từ dưỡng bệnh. Thánh thượng ưu tuất, tứ dĩ quốc tính, viết Lê Khả Gia, tước Minh Tự, quy lão tài nhất chu tinh, vu tiền nguyệt thập thất nhật dậu bài dĩ mệnh cố hĩ, phục hướng cầu yên!” Thiếu nữ cự hồi nhan vi tiếu viết: “Phụ khứ phu tiện hồi, hành tích hà tham thương. Liêu đắc Sơn ông ý, ứng vi thiếp tâm mang.” Toại chỉnh y trường ấp lão nho, cố phán gian, hốt bất kiến nhị nữ sở tại.
Sơn Nam Thúc viết: Sơn thanh thủy khoát, sự sự bằng hư. Bút hải từ phong, tạc tạc giai thật. Độc thử văn, nhiên hậu tri trung hiếu chi niệm, ân ái chi tình, quán u minh nhi như nhất dã. Sở vị lão nho giả, kỳ văn trung tử chi tiền thân dư?

Dịch:

Truyện hai nữ thần

Hồi ấy là năm thứ tư niên hiệu Thuận Thiên[5]. Sau khi đại định, khách bộ hành sung sướng được đi trên đường sá xứ ta, người buôn bán vui mừng được bày hàng hóa ở chợ xứ ta:
Thượng Kinh[6] bậc nhất phồn hoa
Hà Nội[7] tên cũ gọi là Thượng Kinh.
Bỗng một hôm có hai người đàn bà đến ngồi trong một quán chợ để xem bói và đoán số. Hai người này, sáng ở chợ Thanh Xuân[8], chiều ở chợ Dừa[9], khi ra Kinh ấp[10], lúc về Tràng An[11], không nhất định ở nơi nào, hình như có ý ngược xuôi để dò xét sự gì. Nhìn kỹ hình dung thì thấy một người ước ngoài bốn mươi, tóc xanh đã điểm sương trắng, mặt ngọc đã nhạt màu hồng, nhưng cái vẻ phương phi thùy mị còn đủ làm cho thiên hạ xiêu lòng. Còn cô gái trẻ thì đương tuổi cập kê, mặt hoa da tuyết. Thực là:
Triệu Yến[12] cùng xe hờn kém sắc,
Thôi Oanh[13] đối diện thẹn thua xinh.
Tuy ăn mặc mộc mạc, quần nâu áo vải, mà gương mặt sáng sủa ưa nhìn. Nhiều chàng trai ham sắc sinh lòng mơ tưởng. Nhưng hễ kẻ nào mang tâm trêu ghẹo, thì tự nhiên rối trí nhức đầu. Bởi vậy không ai dám đến gần cả.
Ngày ngày họ đến quán chợ từ sáng sớm, trải hai chiếc chiếu cói, trên đặt nửa bộ sách số và một con rùa bề ngang độ một tấc, trên treo mảnh vải đỏ, có hai câu viết chữ mực: "Bói toán không thần - Ba đồng một quẻ". Bày xong, hai người cùng ngồi xuống chiếu, cất tiếng hát.
Người nhiều tuổi hát rằng:
Ngựa không vảy[14]! Ngựa không vảy,
Con báo thù cha, ai rằng không phải?
Thấm thoắt giáp hoa gần nửa đấy! [15]
Mẹ vậy, mẹ vậy!
Gió cuốn không thể nhờ,
Cánh bay không thể cậy.
Mối giận Kim Lân[16] dốc sông ngòi,
Đêm ngày tóc bạc lo ngay ngáy.
Ngựa không vảy! Ngựa không vảy.
Cô gái trẻ thì hát:
Đông Ngu[17]! Đông Ngu!
Đã trải ba thu,
Ba thu chữ "độc" nặng căm thù[18].
Núi có cây dâu, thiếp có hiền phu.
Thế nào ru? Thế nào ru?
Khua ngọc chơi đế đô, chưa thể tuyệt thực lên thiên cù[19].
Lên thiên cù[20], cùng hoạn ngu[21].
Mịt mờ đỉnh núi tượng nàng Tô[22].
Khúc hát chuyển nghìn vạn đoạn, tiếng rất thảm buồn. Người đi chợ đứng nghe xung quanh, có kẻ phải sa nước mắt.
Họ hát xong mới tiếp khách. Cách đoán số thì chỉ khẽ bấm đốt ngón tay mà đoán được giàu, nghèo, thọ, yểu, việc sinh tiền, việc tử hậu... rất thần tình; cách xem bói chỉ hơ qua mai rùa mà tính rõ năm, tháng, ngày, giờ, chuyện còn mất, chuyện tử sinh... đều đúng cả. Đoán xong, hé môi son, bảo nhỏ khách rằng:
- Trả tôi ba đồng tiền và đặt xuống cạnh chiếu cho tôi.
Khi người xem đã đi khuất, họ trông thấy người nghèo đói nào đi qua là gọi lại chỉ cho tiền, không từng thò tay cầm của người hay tự tay cầm đưa cho người khác. Cả chợ chưa ai trông thấy họ ăn uống ra sao. Hễ mặt trời lặn là họ ra về. Có kẻ hiếu kỳ dò theo, có ý muốn xem họ trú ngụ nơi đâu, nhưng chỉ được vài bước là chóng mặt ngã lăn, không theo được nữa. Cứ như thế đến hơn ba tháng. Thốt nhiên một hôm kia, người nhiều tuổi tuy cùng đi với cô gái trẻ, nhưng không hát, cũng không xem bói, đoán số, mà nét mặt buồn rười rượi. Cô gái trẻ thì vẫn hát như mọi hôm. Người không biết thì cho là điên.
Hồi ấy có một nhà nho già, quê ở phường Đại Lợi[23], vì nhà nghèo, ngồi dạy học ở đất Đông Anh[24], tiếp được tin cha ốm nặng, cho học trò nghỉ rồi một mình đi bộ về nhà. Vì lòng hiếu thúc giục, nhà nho đi không kể đêm tối. Đầu canh năm vừa đến bến đò Bồ Đề[25]. Trong ánh trăng tàn, cụ nhác trông thấy hai người ở trên ngọn cây bồ đề đi xuống, bước đi ung dung, không ra dáng leo cây. Nhà nho vốn có chính khí, nghi là ma, vội chạy lại túm lấy áo hai người ấy, định giết. Té ra chính là hai cô thầy bói thường ngày ở chợ. Nhà nho già quát:
- Ngày ở trong chợ, đêm ở ngọn cây, các ngươi há không phải là yêu tinh ư?
Hai người đàn bà ấp úng nói không ra lời. Nhà nho lấy làm lạ ôn tồn mà rằng:
- Ta không phải là bọn thiếu niên ở Ngũ Lăng[26] mà vốn là một nhà nho tài cao học rộng, buồn vì thời loạn không ra làm quan. Ngày nay thiên tử đã lên ngôi, nhiều người vui vẻ ra phò vua giúp nước, thì ta lại già rồi. Người xưa có câu: "Bóng chiều đẹp vô hạn, chỉ tiếc sắp hoàng hôn!”[27]. Vì vậy, ta cố gây dựng cho lũ hậu tiến, mong để lại chút ơn nhỏ về đời sau. Hiện nay, trong số hơn hai trăm công thần thì một nửa là học trò của ta. Xét tình hai người, quyết không phải là kẻ bán nghề kiếm ăn, mà là người đang muốn tìm kiếm sự gì. Sự thể ra sao, nên nói cho thật.
Hai người nghe lão nho nói hai tiếng "công thần" thì động đến bản tướng của mình. Người có tuổi che mặt khóc và nói:
- Tôi chính là cháu dâu Long Vương[28]. Năm xưa vì chồng tôi thích hương sen trắng, bị chàng Kim Lân rủ rê cùng bơi đến hồ Dâm Đàm[29] chơi, không ngờ gặp phải ngày Vương Thông[30] xem đánh cá ở đó, bị nó bắt được, đem giết đi. Con trai tôi xin với Long Vương đi báo thù cha. Bấy giờ nó cưỡi ngựa không vẩy, rẽ nước lên trần. Khi con tôi rời thủy cung ra đi, tôi bảo nó rằng: "Con báo thù cha là con có hiếu. Nhưng mẹ đã già, khuya sớm thiếu người chăm nom, con phải hẹn cho đúng ngày về". Con tôi khóc mà thưa rằng: "Con đi chuyến này, nếu báo được thù cha thì đúng nửa hoa giáp sẽ về phụng dưỡng mẹ. Nếu thù kia không trả được, thì con sẽ không có ngày về!". Từ bấy đến nay, đã qua ba mươi sáu năm, tựa cửa chờ con, không nơi nương tựa, tôi đành giả tiếng đi bói để chờ con. Hôm mới đây, tôi đã được tin: sau khi lên cõi trần, con tôi thờ vua Lê[31], rất được tin yêu. Nó đã từng làm thích khách, lẻn được vào dinh Vương Thông, nhưng ba lần đâm đều không trúng cả. Khi vua Lê giảng hòa với Vương Thông, cho Thông được toàn thân về nước, con tôi nghĩ mệnh vua là trọng, đã không dám trái mệnh vua thì thù cha không bao giờ báo được. Nó bèn trông về thủy cung, bái vọng tôi, rồi treo cổ lên cây tự sát, cách đây đã bốn năm rồi. Việc đã chẳng ra làm sao, tôi muốn về ngay thủy phủ. Nhưng nghĩ đến cái nghĩa cùng đi với nhau, sao nỡ vội dứt, tôi nán ở lại mươi ngày nữa với Sơn cô.
Nhà nho già nghe, động lòng thương xót. Cụ hỏi đến người thiếu nữ. Thiếu nữ kéo vạt áo lau nước mắt, hé bộ răng nhỏ, cúi đầu thưa rằng:
- Thiếp không phải là người quái dị mà là vợ Sơn thần Đông Ngu. Khi Hoàng Phúc[32] làm quan trấn phủ, tính hay đào xẻ núi non, đã làm đoản thương long mạch núi Mẫu Sơn[33]. Vì thế, mạch Mẫu Sơn khô cạn. Phu quân thiếp giận lắm, thường sai người rình đợi xe Hoàng Phúc đi qua thì quăng đá cho gãy nát bánh xe để báo thù. Phúc đoán biết việc ấy, không dám qua núi nữa. Phu quân thiếp bèn cưỡi hổ thần lên hầu Tinh quan tòa Nam Tào[34], hỏi việc dưới nhân gian để mưu toan trả thù cho mẹ. Tinh quan đem sách Thái Ất[35] ra tính và nói: "Rồi đây Hoàng Phúc về triều, Vương Thông ra trấn, nhưng sau hơn mười năm nữa sẽ có người họ Lê tên Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Phúc sẽ cầm quân sang cứu viện, đến ải Lê Quan[36] thì bị Lê Lợi bắt sống. Từ đấy thiên hạ đại thịnh". Phu quân thiếp mừng lắm, liền thác sinh vào nhà họ Bùi. Lúc chia tay, thiếp khóc xin theo: "Vợ chồng hai người như một, lang quân liều chết vì mẫu thân, thiếp đem kim chỉ xin tòng quân". Phu quân thiếp ngoảnh lại bảo: "Người xưa nói: "Nếu có đàn bà trong quân đội, tinh thần binh sĩ khó lên cao"[37], giang sơn này, thần dân này, khanh hãy ở lại một mình làm chủ. Đợi ba năm sau khi đại định, lại sẽ cùng nhau chăn gối như xưa. Nay đi theo làm gì?". Nói xong, đi ngay. Thiếp hằng ở trong thạch động, bấm đốt tay, đến nay đã hai mươi bốn năm. Lòng những e chồng mắc mối phú quý ở trần gian mà quên lời ước cũ, thiếp mới mượn cớ bói toán, ca hát, tìm khắp nơi nơi, may ra phu quân thiếp nghe thấy tiếng ca mà động lòng chăng. Thế mà đã ba bốn tháng nay, vẫn không dò được tung tích. Dám hỏi lão nho có biết gì về việc này chăng?
Nhà nho già nói:
- Công thần nhiều lắm, lại đều được ban quốc tính[38]. Vì thế, khó thể theo họ tên cũ mà dò tìm. Sơn cô hãy nói hình dạng con người để tôi nhận kỹ xem sao?
Thiếu nữ nói:
- Phu quân thiếp thân cao, đầu nhọn, tựa như hình ngọn núi. Vành tai có hai chấm đỏ, sắc rất sáng tươi; tính tình ít nói, thường khi cả ngày ngồi yên, không cất tiếng. Lòng bàn tay trái có ngấn chữ "nhân” lòng bàn tay phải có ngấn chữ "cửu". Hai chữ ấy chắp lại thành chữ "cừu"[39]. Do khi thác sinh, sợ có quên thù chăng, nên phải ghi hai chữ ấy vào lòng bàn tay để nhớ. Dám hỏi lão nho có biết người nào như thế chăng?
Nhà nho già ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Cô từ xa đến thực phí công. Người ấy chính là quan Tham tán quân vụ[40] Bùi Khả Gia[41] ở phủ Tiền quân Thống chế[42] và cũng là môn sinh của tôi đấy. Nghe nói khi Hoàng Phúc xuống ngựa rập đầu xin hàng, anh ta cười lớn mấy tiếng rồi tự tay trói Phúc giải về dâng công. Sau khi đại định hai năm, anh ta tâu bày vì tòng chinh nhọc mệt, xin về dưỡng bệnh ở Tam Đảo Sơn[43], Hoàng thượng ưu đãi, ban cho quốc tính, gọi là Lê Khả Gia, tước Minh Tự[44]. Được một năm, giữa giờ Dậu, ngày mười bảy tháng trước, anh ta đã bị bệnh mất, còn tìm làm gì?
Thiếu nữ đang buồn hóa tươi, mỉm cười nói rằng:
Vợ đi, chồng lại về,
Tìm nhau như Sâm, Thương [45].
Biết lòng ông thần núi,
Vì thiếp phải vội vàng.
Đoạn, sửa lại khăn áo, chắp tay vái chào nhà nho già. Chớp mắt, hai người thần nữ đã biến mất.
LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC: Núi xanh nước rộng, sự tích mơ màng; bể bút làm văn, tả nên sự thật. Đọc bài này mới biết lòng trung hiếu, tình ân ái, dương gian, âm phủ cũng giống nhau. Cái người gọi là nhà nho già, có lẽ tiền thân là Văn Trung Tử [46] chăng?

Chú thích:

[1]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "đảng" (黨) nghĩa là băng nhóm, đảng phái...; tuy nhiên từ này đặt vào trong câu lại khiến câu trở nên vô nghĩa. Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại thành một từ đồng âm khác là "vầng" (暈) nghĩa là quầng sáng, hào quang... cho phù hợp logic.
[2]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "mang" (芒) nghĩa là cỏ gai; tuy nhiên từ này đặt vào trong câu lại khiến câu trở nên tối nghĩa. Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại thành một từ đồng âm khác là "mang" (忙) nghĩa là vội vã, gấp gáp, thúc giục... cho phù hợp logic.
[3]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "phục" (服) nghĩa là quần áo hoặc làm việc hoặc phục dịch; tuy nhiên từ này đặt vào trong câu lại khiến câu trở nên tối nghĩa. Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại thành một từ đồng âm khác là "phục" (復) nghĩa là trở về cho phù hợp logic.
[4]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "nhất nhất" (一一) nghĩa là "lần lượt từng cái một, đặt vào trong câu lại khiến câu trở nên tối nghĩa. Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại , bỏ bớt một chữ "nhất" đi cho phù hợp logic.
[5]: Thuận Thiên, là niên hiệu của Lê Thái Tổ Lê Lợi (1385-1433) trong suốt thời gian cai trị Đại Việt. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, từ điện Tranh ở Bồ Đề vào thành Đông Quan, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh (nay là Thành phố Hà Nội) làm thủ đô, xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, hiệu là Lam Sơn Động chủ, sử gọi là Thái Tổ Cao Hoàng đế, lập nên triều Lê (sử Việt Nam hiện đại gọi là nhà Hậu Lê để phân biệt với tiều Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập).
Bối cảnh truyện là năm thứ tư niên hiệu Thuận Thiên, tức là vào năm 1431.
[6]: Thượng Kinh (nghĩa đen là "đi lên kinh") là một tên gọi không chính thức khi xưa của khu vực tương ứng trung tâm Thành phố Hà Nội ngày nay, tương đối phổ biến trong xã hội đương thời.
[7]: Hà Nội (nghĩa đen là ở "được bao quanh bởi sông") là một tên gọi chính thức khi xưa của khu vực tương ứng trung tâm Thành phố Hà Nội ngày nay, bắt đầu kể từ thời vua Minh Mạng (1831 - 1902) triều Nguyễn. Cũng bởi sự xuất hiện của tên gọi này mà các nhà nghiên cứu cho rằng truyện này được viết (hoặc sửa đổi) bởi người đời sau thay vì là nguyên tác của Lê Thánh Tông.
[8]: Chợ Thanh Xuân, một chợ ở khu vực tương ứng với quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội ngày nay.
[9]: Chợ Dừa, một chợ ở khu vực tương ứng với Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội ngày nay.
[10]: Kinh ấp (京邑), ý nói khu vực thành đô.
[11]: Tràng An, tức Trường An (常安), ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nơi đây là kinh đô của 13 triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Trường An có nghĩa là "bình yên bền lâu" trong tiếng Hán. Suốt thời Thịnh Đường, Trường An đạt đến giai đoạn cực thịnh và trong quãng thời gian hoàng kim này, nơi đây từng là thành phố lớn nhất và đông dân nhất thế giới.
Vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Đại Đường, người dân An Nam đôi khi cũng gọi kinh đô của mình với cái tên không chính thức là Tràng An (một cách đọc của từ Trường An).
[12]: Triệu Yến, tức Triệu Phi Yến (趙飛燕), còn gọi Hiếu Thành Triệu Hoàng hậu (孝成趙皇后), là Hoàng hậu thứ hai của Hán Thành Đế Lưu Ngao - vị Hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Triệu Phi Yến được xem là đệ nhất mỹ nhân thời Hán bên cạnh người đẹp Vương Chiêu Quân, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa. Bà nổi tiếng với dung mạo tuyệt thế, thân thể nhẹ nhàng tựa như chim yến, nên gọi Phi Yến (có nghĩa là chim yến đang bay). Sử sách ghi về bà rất ít, song dã sử thì nhiều, vì vậy bà trở thành một trong những mỹ nhân phổ biến trong dân gian thần thoại từ rất sớm, như "Tây Kinh tạp ký " (西京杂记) hay "Phi Yến ngoại truyện" (飞燕外传). Trong văn học dân gian Trung Hoa, Triệu Phi Yến thường được so sánh một cách đối lập với Qúy phi Dương Ngọc Hoàn của thời Đường với câu ví nổi tiếng "Hoàn phì Yến sấu" (環肥燕瘦) ý nói đến Dương Qúy Phi xinh đẹp đẫy đà, trong khi Triệu Phi Yến thì thân hình thanh mảnh, uyển chuyển bay lượn tựa tiên nữ trên trời.
[13]: Thôi Oanh, tức Thôi Oanh Oanh (崔鶯鶯), một số bản thảo chép thành Thôi Loan Loan (崔鸞鸞) là một nữ nhân vật trong vở tạp kịch "Tây sương ký" ( 西廂記) hay "Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký" (崔鶯鶯待月西廂記) của Vương Thực Phủ dưới thời niên hiệu Đại Đức (1297-1307) của Hoàng đế Nguyên Thành Tông (1265- 1307). Tác phẩm miêu tả Thôi Oanh Oanh là một vị tiểu thư đài các vô cùng xinh đẹp, con gái của một vị tướng quốc.
[14]: Ngựa không vảy, ở đây chỉ thú để cưỡi của cư dân thủy phủ, có lẽ là một loại cá da trơn nào đó.
[15]: Giáp hoa, tức Lục thập Hoa giáp (六十花甲) là một vòng tuần hoàn của chu kì can chi , ý chỉ 60 năm.
[16]: Kim Lân (金鱗) nghĩa đen là vảy vàng, ở đây ý chỉ cá hoặc cá chép, cá vàng.
[17]: Núi Đông Ngu , còn gọi là Đông Ngung, một núi ở Lạng Sơn.
[18]: Chữ "độc" ( 毒 ) do chữ "sinh" ( 生 ) và chữ "mẫu" ( 母 ) ghép lại. Cả câu này là chơi chữ, ý nói báo thù cho mẹ.
[19]: Câu này lấy ý dựa trên câu thơ "Bất nhiên tuyệt lạp thăng thiên cù/ Bất nhiên minh kha du đế đô." (不然绝粒升天衢,不然鸣珂游帝都。) thuộc bài thơ Trường ca hành (长歌行) của Lý Bí (李泌) (722-789) thời Thịnh Đường. Câu đầu tiên ý nói việc tu hành đắc đạo (người xưa có hình thức khổ tu chỉ uống nước không ăn), câu thứ hai ý nói việc trở nên phú quý (ngày xưa các nhà phú quý lấy ngọc (kha) làm nhạc ngựa).
[20]: Thiên cù: tức cõi trời, cõi tiên.
[21]: Hoạn ngu: ý nói vui sướng, hạnh phúc.
[22]: Tượng nàng Tô, tức chỉ hòn đá đặc biệt trên núi Vọng Phu (ngày nay là núi Tô Thị, tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đó là một tảng đá tự nhiên giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa, theo truyền thuyết là do nàng Tô thị đứng ngóng chồng mà hóa thành.
[23]: Phường Đại Lợi là tên một phường thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương xưa; nay là khu vực Phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
[24]: Đông Anh, ban đầu là huyện Đông Khê, trấn Kinh Bắc. Ngày 10 tháng 4 năm 1903, huyện Đông Khê lại được chia tách thành 2 huyện là Kim Anh và Đông Khê đổi tên thành huyện Đông Anh. Như vậy, tên gọi này chỉ có từ thời nhà Nguyễn, nên hẳn là truyện này đã được viết (hoặc chí ít là sửa đổi) sau tháng 4 năm 1903.
[25]: Bồ Đề, tức khu vực ứng với phường Bồ Đề, quận Long Biên ngày nay. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Bồ Đề là một thôn thuộc xã Lâm Hạ, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc.
[26]: Ngũ Lăng, tức một vùng đất phía Tây kinh thành Trường An (Trung Quốc) xưa. Các đời Hán, Đường ở đó có lăng mộ của 5 vị vua nhà Hán, về sau vùng này tập trung nhiều quan lại quý tộc cấp cao. "Ngũ Lăng niên thiếu" chỉ đám con nhà quyền quý, giàu sang .
[27]: 2 câu này lấy ý dựa trên 2 câu thơ "Tịch dương vô hạn hảo,/Chỉ thị cận hoàng hôn." (夕陽無限好,只是近黃昏。) thuộc bài thơ "Đăng Lạc Du nguyên" (登樂遊原) của đại thi hào Lý Thương Ẩn (李商隱) thời Vãn Đường, ý chỉ rằng thời điểm người ta trở nên chín muồi nhất cả về tư tưởng lẫn học thức thì lại cũng là lúc đã trở nên già yếu, không còn có thể làm được việc quá to tát.
[28]: Long Vương (龍王) là tên gọi chung cho các vị thần cai quản các vùng biển và đại dương trong thần thoại. Ở đây có lẽ ám chỉ Long Vương của Biển Đông.
[29]: Dâm Đàm (霪潭), nghĩa đen là đầm mù sương, là một tên gọi cũ của Hồ Tây (thuộc quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội) ngày nay. Khi xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam lẫn Trung Quốc (trong thời gian thiết lập ách đô hộ) thường xuyên thực hiện việc nghỉ dưỡng ven hồ, kèm theo đó là các hoạt động vui chơi như bơi thuyền, đánh cá.
[30]: Vương Thông (王通) là một tướng nhà Minh từng nắm giữ chức Tổng binh quân Minh tại An Nam, sau bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại, phải xin hàng Lê Lợi để có thể rút quân về phương Bắc trong hòa bình.
[31]: Vua Lê ở đây là Lê Thái Tổ Lê Lợi, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân đô hộ nhà Minh khỏi An Nam.
[32]: Hoàng Phúc (黃福) là một đại thần triều Minh, từng làm tán quân vụ ở An Nam thời kì thuộc Minh. Khi quân Minh bước đầu thiết lập ách đô hộ tại An Nam, Hoàng Phúc được giao cho nhiệm vụ quản lý các vấn đề về dân sự. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Hoàng Phúc, lúc này đã trở về phương Bắc được một thời gian, tiếp tục cùng Liễu Thăng dẫn binh sang An Nam thực hiện chiến dịch đàn áp, nhưng đại bại và bị bắt sống. Sau này, Hoàng Phúc cùng nhiều tù binh khác được nhà Lê trao trả cho nhà Minh.
[33]: Mẫu Sơn là một ngọn núi ở Lạng Sơn.
[34]: Tinh quan tòa Nam Tào, tức Quan Nam Tào, một vị thần trong văn hóa dân gian ứng với chòm sao Nam Đẩu (còn gọi là chòm sao Thập tự). Tương truyền, ông là người ghi sổ sinh, đứng bên trái (phương Nam) của Ngọc Hoàng.
[35]: Sách Thái Ất, tên đầy đủ là Thái Ất Thần kinh (太乙神经), ở đây ý chỉ một sách huyền học theo trường phái lý số phương Đông, chuyên về mảng về bói toán, xem tử vi con người và đoán biết biến đổi hưng vong của các triều đại, tương truyền là của danh sĩ Lương Đắc Bằng trao lại cho Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
[36]: Ải Lê Quan (梨關), tức ải Chi Lăng (支棱), ngày nay là một địa điểm thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Tên gọi Lê Quan cho địa danh này chỉ được phổ biến dưới thời Nguyễn.
[37]: 2 câu này lấy ý dựa trên 2 câu thơ "Phụ nhân tại quân trung, Binh khí khủng bất dương." (婦人在軍中,兵氣恐不揚。) thuộc bài thơ "Tân hôn biệt" (新婚別) của đại thi hào Đỗ Phủ (杜甫) thời Trung Đường, ý chỉ rằng một khi đã động tới việc nhà binh thì không nên để vướng bận việc nữ nhi thường tình, nếu không sẽ bị ảnh hưởng xấu.
[38]: Quốc tính, tức họ của vua. Thời quân chủ tập quyền, vua đồng nhất với nước, cho nên họ của vua được xem là "quốc tính". Hiện tượng ban quốc tính xuất hiện lẻ tẻ từ thời Lý, Trần dành cho những người có công lớn. Năm 1428, sau khi hoàn thành cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhà Lê thành lập, Lê Thái Tổ phong thưởng tước phẩm, ruộng đất cho 221 công thần, nhân đó ban quốc tính cho họ. Năm 1467, theo đề nghị của thượng thư Bộ Lễ, vua Lê Thánh Tông bỏ lệ ban quốc tính và cho phép con cháu các công thần được trở lại họ gốc của mình.
[39]: Chữ "cừu" (仇), nghĩa đen là thù, do chữ "nhân" (人) và chữ "cửu" (九) ghép lại.
[40]: Tham tán quân vụ (參贊軍務) là một chức quan tồn tại thời từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đây là một chức vụ quân sự do một quan văn đảm nhiệm, làm nhiệm vụ tham mưu cho một thống lĩnh quân đội. Chức vụ này chủ yếu chỉ duy trì trong thời gian diễn ra các chiến dịch quân sự.
[41]: Không rõ là ai trong số các công thần được ban quốc tính. Sẽ bổ sung ngay khi tra cứu hoàn tất.
[42]: Tiền quân Thống chế phủ (前軍統制府), tức bộ chỉ huy của tiền quân. Thời xưa, quân được chia thành các cánh lớn như tiền quân - trung quân - hậu quân hay tiền quân - trung quân - hữu quân - tả quân và hậu quân.
[43]: Tam Đảo Sơn, tức vùng Tam Đảo ngày nay. Đây là một dãy núi đá ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội và ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
[44]: Tước Minh Tự: Hiện tại chỉ còn ghi chép về tước này được Lê Thái Tông ban phong cho Đạo Miện châu Nam Mã năm 1439 với hàm ý khen ngợi sự “sáng suốt” của người đứng đầu vùng đất trước đây thuộc Ai Lao nhưng tình nguyện quy thuận Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép sự kiện Lê Nhữ Tổ được ban tước Minh Tự vào tháng Tư năm 1434 nhưng không cung cấp thông tin về tước phong này, vậy nên nên có thể tạm phỏng đoán rằng hai tước Minh tự này về ý nghĩa thì gần giống nhau.
[45]: Sao Sâm và sao Thương là  hai ngôi sao ở hai chòm sao khác nhau, không bao giờ hiện ra cùng một lúc trên bầu trời. Nói Sâm, Thương ý chỉ tình trạng hai người ở xa cách nhau và không gặp được nhau.
[46]: Văn Trung Tử, tức nho gia Vương Thông (王通) thời Tùy, tự là Trọng Yêm, thụy hiệu Văn Trung Tử, ngoại hiệu Vương Khổng Tử. Đời sau xưng tụng ông là "đại nho của một thời", có địa vị nhất định đối với đương thời và hậu thế. Ông suốt đời ở nhà dạy học, học trò ông, nhiều người về sau là danh thần.
- Theo Thánh Tông di thảo -

(Hết phần 6)

#Backturn