Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên văn chữ Hán:

兩佛鬥說記
癸巳年,洪水逆行。凡水勢所及之處,游龍棲於木末,雞犬養於樹間,祠寺多漂流而倒壞。至八月 二十七日,水既降殺。予舟行,歷觀視受害諸處而給養之。夕抵文江津次,風雨冥晦,予乃命維舟於佛 寺前宿焉。
至丙夜,四顧寂寥,忽聞寺中有聲嘈雜。時侍從熟睡,予乃潛身上岸,依寺户前竊窺焉。見一土佛, 足蹅獸頭,手持利刀,鬚髯如戟,面方盈尺,腰闊三圍,怒色勃然,指中間上座木佛罵曰:「六七月間,馮 夷爲虐,爾身不能與水争,只見夫於沼於沚,載浮載沈,友魚蝦而棲萑葦,花冠也而爲塗鴉,文靴也而爲 泥涴。當是時,愚婦見之,認爲流蕉; 梓匠望之,疑爲漂木。曾幾何時,徒爲黑衣長袖輩之所依傍,人 安得搏得一樗蒲淡供哉! 幸爾真身尚在,寺主收還,再飭衣冠,重加金碧。念爾之前遭如許,復何面目 敢居吾右而受禄三品耶?」
木佛亦赩然起而言曰:「君不聞經云:『世間萬事不如常,又不驚人又久長。』夫水旱,天之行也。水至而同流,水消而返位。雖江湖寄迹,而何損乎真吾? 又豈非能爲萬象主,不逐四時凋乎? 噫! 吾在廻瀾時,顧瞻本寺,傷心哉爾之邅遇乎! 水及足而爾之足解,水及腹而爾之腹敗,水及背而爾之肩 背與之俱壞,額廣眉穠,於今安在? 嗚呼嘻噫! 身且不保,反笑人爲?」
二佛説猶未已,釋伽佛携壺醉容顛倒,出而言曰:「噫! 二子過矣。當大水之濛濛,二子不能 使六智、運五通,喝萬水而歸之東,乃土木其形,吃兹民之酒牲,不知愧恥,反相鬥說,曾不恐壁外之 聽?」然則釋伽佛有何功乎?
二佛爲釋伽所折,方欲修辭,忽聞寺邊有人語響,遂寂爾吞聲。予開户視之,唯燈火輝煌,二佛與釋 伽,依依然土木而已。
山南叔曰: 兩佛鬥說,其事奇; 釋伽折之,語尤奇。夫無功一也,而猶以上下厚薄爲嫌,釋伽佛譏之是矣[1]。然携壺 醉倒,亦有何功於民? 噫! 亦二佛類耳。聖天子闢邪拒談,記此奇文,語意針鏑,不惟無功而食禄者讀之汗顏,使出家輩讀 之,自能反正,必不爲他岐所惑也。洵所謂小小題目,發得大文章。

Phiên âm:

Lưỡng Phật đấu thuyết ký
Quý Tỵ niên, hồng thủy nghịch hành. Phàm thủy thế sở cập chi xử, du long tê vu mộc mạt, kê khuyển dưỡng vu thụ gian, từ tự đa phiêu lưu nhi đảo phôi. Chí bát nguyệt nhị thập thất nhật, thủy kí hàng sát. Dư chu hành, lịch quan thị thụ hại chư xử nhi cấp dưỡng chi. Tịch để văn giang tân thứ, phong vũ minh hối, dư nãi mệnh duy chu vu Phật tự tiền túc yên.
Chí bính dạ, tứ cố tịch liêu, hốt văn tự trung hữu thanh tào tạp. Thời thị tòng thục thụy, dư nãi tiềm thân thượng ngạn, y tự hộ tiền thiết khuy yên. Kiến nhất thổ Phật, túc tra thú đầu, thủ trì lợi đao, tu nhiêm như kích, diện phương doanh xích, yêu khoát tam vi, nộ sắc bột nhiên, chỉ trung gian thượng tọa mộc Phật mạ viết: “Lục thất nguyệt gian, phùng di vi ngược, nhĩ thân bất năng dữ thủy tranh, chỉ kiến phu vu chiểu vu chỉ, tái phù tái thẩm, hữu ngư hà nhi tê hoàn vĩ, hoa quan dã nhi vi đồ nha, văn ngoa dã nhi vi nê ô. Đương thị thời, ngu phụ kiến chi, nhận vi lưu tiêu; tử tượng vọng chi, nghi vi phiêu mộc. Tằng kỉ hà thời, đồ vi hắc y trường tụ bối chi sở y bàng, nhân an đắc bác đắc nhất xư bồ đạm cung tai! Hạnh nhĩ chân thân thượng tại, tự chủ thu hoàn, tái sức y quan, trọng gia kim bích. Niệm nhĩ chi tiền tao như hứa, phục hà diện mục cảm cư ngô hữu nhi thụ lộc tam phẩm gia?”
Mộc Phật diệc hách nhiên khởi nhi ngôn viết: “Quân bất văn kinh vân: "Thế gian vạn sự bất như thường, hựu bất kinh nhân hựu cửu trường." Phu thủy hạn, thiên chi hành dã. Thủy chí nhi đồng lưu, thủy tiêu nhi phản vị. Tuy giang hồ ký tích, nhi hà tổn hồ chân ngô? Hựu khởi phi năng vi vạn tượng chủ, bất trục tứ thời điêu hồ? Y! Ngô tại hồi lan thời, cố chiêm bổn tự, thương tâm tai nhĩ chi chiên ngộ hồ! Thủy cập túc nhi nhĩ chi túc giải, thủy cập phúc nhi nhĩ chi phúc bại, thủy cập bối nhi nhĩ chi kiên bối dữ chi câu phôi, ngạch quảng mi nùng, vu kim an tại? Ô hô hi y! Thân thả bất bảo, phản tiếu nhân vi?”
Nhị Phật thuyết do vị dĩ, Thích Ca Phật huề hồ túy dung điên đảo, xuất nhi ngôn viết: “Y! Nhị tử quá hĩ. Đương đại thủy chi mông mông, nhị tử bất năng sử lục trí, vận ngũ thông, hát vạn thủy nhi quy chi đông, nãi thổ mộc kỳ hình, cật tư dân chi tửu sinh, bất tri quý sỉ, phản tương đấu thuyết, tằng bất khủng bích ngoại chi thính?” Nhiên tắc Thích Ca Phật hữu hà công hồ?
Nhị Phật vi Thích Ca sở chiết, phương dục tu từ, hốt văn tự biên hữu nhân ngữ hưởng, toại tịch nhĩ thôn thanh. Dư khai hộ thị chi, duy đăng hỏa huy hoàng, nhị Phật dữ Thích Ca, y y nhiên thổ mộc nhi dĩ.
Sơn Nam Thúc viết: Lưỡng Phật đấu thuyết, kỳ sự kỳ; Thích Ca chiết chi, ngữ vưu kỳ. Phu vô công nhất dã, nhi do dĩ thượng hạ hậu bạc vi hiềm, Thích Ca Phật ki chi thị hĩ. Nhiên huề hồ túy đảo, diệc hữu hà công vu dân? Y! Diệc nhị Phật loại nhĩ. Thánh thiên tử tích tà cự đàm, ký thử kỳ văn, ngữ ý châm đích, bất duy vô công nhi thực lộc giả độc chi hãn nhan, sử xuất gia bối độc chi, tự năng phản chính, tất bất vi tha kỳ sở hoặc dã. Tuân sở vị tiểu tiểu đề mục, phát đắc đại văn chương.

Dịch:

Bài ký hai Phật cãi nhau
Năm Quý Tỵ[2] lụt to. Những nơi nước đến, rắn rết bò lên ngọn cây, người ta phải nuôi gà chó trên cành. Đền chùa phần nhiều bị nước cuốn đi hay là đổ nát.
Ngày hai mươi bảy tháng tám, nước rút, ta đi thuyền xem xét nơi nào bị thiệt hại thì chẩn cấp cho dân. Buổi chiều, đến bến đò Văn Giang, gió mưa mờ mịt. Ta cho buộc thuyền trước chùa rồi nằm ngủ. Đến canh ba, bốn bên im lặng như tờ, ta bỗng nghe trong chùa có tiếng nói xì xào. Lúc ấy, quan hầu đều ngủ say. Ta lén đi lên bờ, tựa cửa chùa dòm trộm, thấy một tượng phật bằng đất, chân đạp lên đầu một con thú, tay cầm kiếm, râu ria tua tủa như những ngọn kích, mặt vuông đầy thước, lưng rộng ba ôm, sắc mặt giận dữ, chỉ thẳng vào mặt một tượng phật gỗ ngồi ở bên trên, mắng rằng:
- Khoảng tháng sáu, tháng bảy, Hà Bá[3] gây ra tai vạ, chính thân ngươi cũng không thể chống nổi nước lũ, phải trôi dòng dạt bãi, lúc nổi lúc chìm, mũ hoa để lem nhem, hài vẽ để bùn lấm. Khi ấy, các mụ nhà quê trông thấy ngươi, ngờ là cây chuối nổi, thợ mộc trông thấy ngươi nghi là khúc gỗ trôi. Đã bao lâu, ngươi vẫn là chỗ để cho bọn áo nâu tay chùng nấp bóng, thế mà bây giờ ngươi không sao kiếm cho nổi bằng một ván bạc! Cũng may mà thân nhà ngươi hãy còn, được nhà sư đem về sửa lại áo mũ, tô lại vàng son. Ta nghĩ: trước ngươi đã gặp cảnh ngộ nhường ấy, nay còn mặt mũi nào dám ở trên ta mà hưởng lộc ba phẩm nữa?
Phật gỗ cũng phát khùng đứng lên nói:
- Ngươi không nghe trong kinh có câu: "Thế gian vạn sự bất như thường, hựu bất kinh nhân, hựu cửu trường"[4] hay sao? Ôi! Lụt và hạn là bởi thiên tai gây ra. Lụt thì ta cùng trôi theo nước, khi nước rút, ta lại trở về ngôi cũ, dẫu bị xiêu dạt giang hồ, nhưng có hại gì đến "chân thân" của ta? Vậy chẳng phải là "làm chủ muôn hiện tượng, không theo luật bốn mùa"[5] hay sao? Khi ở trên dòng nước lũ, ta trông về cảnh chùa nhà mà thương thay cho nhà ngươi gặp bước truân chuyên. Nước đến chân thì chân ngươi nát rữa, nước đến bụng thì bụng ngươi vỡ lở, nước đến lưng thì lưng và vai ngươi đổ sụp. Trán rộng, mi dài, thôi còn đâu nữa! Hỡi ôi, thương thay! Thân hình không giữ nổi, còn cười người chi?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hai Phật còn đương nói, chợt Phật Thích Ca[6] tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, bước ra mà rằng:
- Chao ôi! Hai ngươi đều có lỗi cả. Trong khi nước lớn mênh mông các ngươi đã không biết dùng lục trí[7], vận ngũ thông[8] thét lui muôn dòng nước về biển Đông, mà chỉ biết giữ cái hình hài bằng gỗ đất, ngồi hưởng rượu thịt của dân chúng, như thế đã không biết xấu hổ, lại còn đấu khẩu với nhau, không sợ "vách có tai"[9] ư?
Hai Phật bị phật Thích Ca bẻ lý, toan tìm lời chống chế, bỗng nghe bên chùa có tiếng người, ai nấy im thít.
Ta đẩy cửa trông vào, chỉ thấy đèn nến sáng choang, hai Phật cùng Phật Thích Ca đều trơ trơ ba khối đất và gỗ thôi.
Lời bàn của Nam Sơn Thúc: Hai phật cãi nhau là việc lạ, Phật Thích Ca bẻ hai Phật, lời nói lại càng lạ. Kể thì hai phật đều là vô công, mà còn đem việc ngồi trên ngồi dưới, lộc hậu, lộc bạc để tranh nhau, nên Phật Thích Ca chê là phải. Nhưng tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, thì có công gì với dân? Chẳng qua cũng như hai Phật kia thôi! Thánh thiên tử ruồng những lời nói tà, chống những việc làm lệch, chép nên bài văn lạ này, lời lẽ sâu sắc. Chẳng những kẻ ngồi không ăn lộc đọc đến phải toát mồ hôi trán, mà cả những người xuất gia đọc đến, cũng tự biết trở lại đường ngay. Thực là "đầu đề nho nhỏ, mà văn chương lớn lao".
Nhận xét của tập thể admin Thế Giới Thần Thoại: Suốt thời Lý-Trần, xã hội Việt Nam duy trì trạng thái tam giáo đồng nguyên, tức là Nho-Phật-Đạo nằm ở thế cân bằng, tương hỗ lẫn nhau. Tới thời Hậu Lê là giai đoạn đỉnh cao của văn hóa Nho học tại Việt Nam, vậy nên các đạo khác đều bị suy giảm sức ảnh hưởng lẫn uy tín. “Bài ký hai Phật cãi nhau” phản ánh thái độ bài xích Phật giáo trong nhãn quan của Lê Thánh Tông nói riêng lẫn giới Nho học bấy giờ nói chung. Chi tiết dễ nhận ra nhất của thái độ trong truyện, đó là sau khi trận lụt diễn ra: trong lúc triều đình – đại diện cho giới nho học, có thể tác động tích cực đến đời sống của nhân dân (đi thuyền xem xét nơi nào bị thiệt hại thì chẩn cấp cho dân) thì nhà Phật lại tỏ ra vô dụng (đền chùa phần nhiều bị nước cuốn đi hay là đổ nát). Ngay sau đó, câu chuyện đặt ta vào góc nhìn thứ nhất của tác giả Lê Thánh Tông trên đường đã tình cờ chứng kiến cuộc cãi lộn của ba Phật ngay gian Tam bảo, nơi vốn là chốn linh thiêng yên tịnh. Điều đáng nói là cả ba vị Phật này đều xuất hiện trong tư thế hoàn toàn không có chút nào ra dáng Phật: họ vi phạm các giới luật, đặc biệt là ba điều cơ bản tham-sân-si. Phật đất thì “sắc mặt giận dữ, chỉ thẳng vào mặt tượng Phật gỗ” mà mắng, Phật gỗ cũng “phát khùng” mắng lại, đặc biệt Phật Thích Ca là “báng bổ” Phật pháp hơn cả - “tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo” bước ra “bẻ lý” hai Phật đất và gỗ. Cả ba vị Phật đều hiện nguyên hình là những kẻ ngụy Phật, nhuốm bụi hồng trần với những thói đời dung tục phàm trần với đủ thứ tội lỗi: tham lam, đố kị và ngu ngốc. Phật Thích Ca ở ngôi vị cao nhất cũng lại là kẻ vi phạm nặng nhất giới luật, giữa lúc dân chúng nổi chìm vì thiên tai lũ lụt, cái ăn không có chỗ ở không yên thì ngài lại chìm đắm trong rượu, say sưa lảo đảo bất chấp sự thế. Đáng chú ý là theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì ngay đầu năm Quý Tỵ đó, Lê Thánh Tông đã ra sắc chỉ cho quan viên và nhân dân về việc cấm rượu và sắc dục. Đối chiếu với chi tiết này của Toàn thư chúng ta sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa châm biếm sâu cay của Lê Thánh Tông với Phật giáo thông qua hình tượng Phật Thích Ca:
"Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 [1473], (Minh Thành Hóa năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, vua thân hành cày tịch điền và đốc suất các quan cày. Cử hành lễ Giao. Cấm tửu sắc. Ra sắc chỉ cho quan viên và trăm họ rằng: "Kể từ nay, trong nhà không làm cỗ thết khách thì không được chè chén, người vợ không phạm tội thì không được ruồng bỏ. Kẻ nào dám rượu chè bừa bãi, gia đạo không nghiêm, kẻ nào không có mối lái mà dám vụng trộm tư thông thì phải trị tội." - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Lê, mục Thánh Tông Hoàng đế -
Trong ba lời đối thoại của ba Phật, giọng điệu giễu nhại kinh Phật thể hiện rõ nhất ở lời Phật gỗ. Hai câu kệ được nêu ra: “Thế gian vạn sự bất như thường, hựu bất kinh nhân, hựu cửu trường” và “Hữu vật tiên thiên địa, vô hình bản tịch liêu. Năng vi vạn tượng chủ, bất trục tứ thời điêu”, trong đó, câu thứ nhất có thể hiểu theo hai cách: “muôn việc trên đời không chi bằng bình thường, đã không làm cho người ta kinh sợ lại được lâu dài”; hoặc, “mọi việc ở trên đời thay đổi luôn luôn nhưng lại không làm cho ai kinh sợ và giữ nguyên được bản thể lâu dài”. Hiểu theo cách nào thì Phật gỗ cũng vẫn lái được ý nghĩa của hai câu kệ theo hướng bao biện bào chữa cho sự bất tài trôi dạt của mình. Thông qua lời lẽ trí trá của Phật gỗ cũng như lời lải nhải của Phật Thích Ca về “ngũ thông” “lục trí”, rõ ràng chúng ta có thể thấy mục tiêu hạ thấp vai trò Phật giáo của Lê Thánh Tông quyết liệt như thế nào khi đào sâu vào công kích tận căn gốc của giáo lý nhà Phật.
Ngoài ra, còn có hai chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng phản ánh thái độ của Lê Thánh Tông với dân chúng theo đạo Phật đương thời, đó là chi tiết Phật đất mắng Phật gỗ "không sao kiếm cho nổi bằng một ván bạc" và chi tiết Thích Ca trách mắng hai Phật còn lại “chỉ biết hưởng rượu thịt của dân chúng”. Trong giáo lý nhà Phật (cụ thể ở đây là Bắc Tông) thì việc đánh bạc và cúng dường rượu thịt cho nhà Phật là điều cấm kỵ. Thế nhưng việc đánh bạc lẫn việc dân chúng cúng rượu thịt cho chùa nơi của Phật gỗ và Phật đá lại được nhắc đến một cách thản nhiên, chứng tỏ rằng điều đó được giới Phật tử khi ấy xem là điều bình thường. Một lần nữa, Lê Thánh Tông lại công kích Phật giáo thông qua việc vạch trần hành động đồi trụy của giới Phật tử. Liên kết với chi tiết về lệnh cấm tửu sắc kể trên và cờ bạc là phạm pháp dưới thời Lê, chúng ta có thể thấy được thái độ khinh thường của Lê Thánh Tông dành cho giới Phật tử khi miêu tả họ chỉ là những kẻ thờ Phật mà chẳng nắm được giáo huấn của Phật, là con dân quốc gia mà chẳng biết tuân theo phép vua.

Chú thích:

[1]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "gia" (茄) nghĩa là cây cà, quả cà, cà tím...; tuy nhiên từ này đặt vào trong câu lại vô nghĩa. Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại thành "nhĩ" (你) nghĩa là "mấy người kia", "đám kia"... cho phù hợp logic.
[2]: Về bối cảnh, đối chiếu với Đại Việt Sử ký Toàn thư thì có thể xác định câu chuyện được đặt trong không-thời gian tại miền Bắc Việt Nam vào tháng 9 năm 1473:
Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 [1473], (Minh Thành Hóa năm thứ 9). […] Tháng 9, mưa to. Trước đó, cuối mùa xuân suốt ba tuần không có mưa, mùa hạ ít mưa. Đến đây mưa như trút, suốt đêm đến sáng chưa tạnh. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Lê, mục Thánh Tông Hoàng đế -
[3]: Hà Bá (河伯) vốn là tên gọi của vị thủy thần ở Hoàng Hà trong thần thoại Trung Quốc, sau được dùng để chỉ chung cho các vị thần cai quản các con sông lớn. Về lịch sử, tên ban đầu của Hà Bá là Băng Di (冰夷), Bằng Di (馮夷), Hà Thần (河神), Vô Di (無夷). Tên gọi Hà Bá phát xuất từ thời Chiến quốc. Có nhiều truyền thuyết về Hà Bá và hầu như không có sự thống nhất với nhau.
[4]: Đây là hai câu kệ ở sách Phật, trong phạm vi văn bản thì có hai cách hiểu. Theo cách hiểu thứ nhất: "Muôn việc ở trên đời, không chi bằng bình thường, đã không làm cho người ta kinh sợ, lại được lâu đài". Cắt nghĩa như thế, câu trên và câu dưới xuôi nghĩa với nhau một chiều. Cách hiểu thứ hai là: "Mọi việc ở trên đời thay đổi luôn luôn (bất như thường), nhưng lại (hựu) không làm cho ai kinh sợ và giữ nguyên được bản thể lâu dài (bất kinh nhân-cửu trường)". Phật gỗ đem câu này ra để chứng tỏ thân mình đã qua một phen trôi dạt, rồi lại trở về chốn cũ y nguyên như trước, như trong bài đã nói: "Lụt, thì ta cùng trôi theo với nước (bất như thường), khi nước rút, ta lại trở về ngôi cũ (bất kinh nhân-cửu trường). Dẫu bị xiêu dạt giang hồ (bất như thường), nhưng có hại gì đến chân thân của ta (bất kinh nhân-cửu trường)".
[5]: Đây cũng là một câu kệ. Nguyên văn chữ Hán là: "Hựu vật tiên thiên địa, vô hình bản tịch liêu. Năng vi vạn tượng chủ, bất trục tứ thời điêu". Dịch nghĩa: Có vật tồn tại từ trước khi có trời đất, không có hình mà vốn lại lặng lẽ, làm chủ muôn hiện tượng, không điêu tàn theo bốn mùa.
[6]: Phật Thích Ca: tức Siddhārtha Gautama (tiếng Phạn: सिद्धार्थ गौतम, chữ Hán: 悉達多瞿曇, phiên âm Hán-Việt: Tất-đạt-đa Cồ-đàm) hay Gautama Buddha, còn được gọi là Phật Shakyamuni (tiếng Phạn: शाक्यमुनि, chữ Hán: 釋迦牟尼, phiên âm Hán-Việt: Thích-ca Mâu-ni, trong khẩu ngữ thường gọi là Phật, Bụt, Phật Tổ hoặc Đức Phật) là nhà tu hành, nhà truyền giáo, nhà thuyết giảng, nhà triết học và đạo sư sống ở Ấn Độ cổ đại, người sáng lập ra Phật giáo.
[7]: Lục thông (六通), còn gọi là Thần thông (tiếng Phạn: अभिज्ञा, Abhijñā, Abhijna; tiếng Pali: abhiññā; tiếng Tạng chuẩn: མངོན་ཤེས mngon shes; tiếng Trung: 神通), Lục thần thông (tiếng Phạn: अभिज्ञा, Ṣaḍabhijña, Shadabhijna; tiếng Pali: chalabhiññā; tiếng Trung: 六神通) hay Thắng trí là một thuật ngữ Phật giáo dùng để chỉ những năng lực đặc biệt mà các tu sĩ Phật giáo có thể đạt được thông qua quá trình tu tập thiền định. Thuật ngữ này thường xuất hiện trong các kinh văn Phật giáo, cả trong Phật giáo Nam truyền (kinh văn Phật giáo sơ kỳ) lẫn Phật giáo Bắc truyền (Đại Tát-già Ni-kiền tử sở thuyết kinh, Lăng-nghiêm kinh). Theo các kinh điển Phật giáo sơ kỳ thì Lục thông bao gồm:
(1) Thần túc thông (tiếng Phạn: ऋद्धि, Ṛddhi, Iddhi; tiếng Pali: iddhi-vidhā; tiếng Trung: 神足通), còn gọi là Như ý thông (如意通) hoặc Thần cảnh thông (神境通); là năng lực di chuyển, hiện thân theo ý muốn một cách tự do, không giới hạn không gian và thời gian, không gặp trở ngại bởi vật cản nào. (2) Thiên nhĩ thông (tiếng Phạn: दिव्यश्रोत्र, Divyaśrotra, Divyashrotra; tiếng Pali: dibba-sota; tiếng Trung: 天耳通), là năng lực nghe được mọi âm thanh của thế gian, cả người cả vật, không giới hạn bất gì ngôn ngữ nào. (3) Tha tâm thông (tiếng Phạn: परचित्तज्ञान, Paracittajñāna, Paracittajnana; tiếng Pali: ceto-pariya-ñāṇa; tiếng Trung: 他心通), là năng lực hiểu được tất cả những gì vạn vật chúng sinh đang suy nghĩ. (4) Túc mệnh thông (tiếng Phạn: पूर्वनिवासानुस्मृति, Pūrvanivāsānusmṛti, Purvanivasanusmriti; tiếng Pali: pubbe-nivās anussati; tiếng Trung: 宿命通), là năng lực biết được vận mệnh và những việc làm của chính mình và của chúng sinh trong cả quá khứ, hiện tại và vị lai. (5) Thiên nhãn thông (tiếng Phạn: दिव्यचक्षुस्, Divyacakṣus, Divyacakshus; tiếng Pali: dibba-cakkhu; tiếng Trung: 天眼通), là năng lực nhìn thấy rõ vạn vật gần xa, nhìn thấy mọi bản chất sự vật của chúng sinh cũng như mọi hình sắc trong thế gian, không gì ngăn ngại. (6) Lậu tận thông (tiếng Phạn: आस्रवक्षय, Āsravakṣaya, Asravakshaya; tiếng Pali: āsavakkhaya; tiếng Trung: 漏盡通), là năng lực dứt hết mọi nghi hoặc trong tâm tưởng, phá trừ phiền não, thoát ly luân hồi, tinh tấn tu hành chứng được quả vị A-la-hán.
[8]: Ngũ thông ở đây có hai cách hiểu. Cách thứ nhất là bao gồm các phép thần thông phía trên ngoại trừ Lậu tận thông. Cách hiểu thứ hai được nêu ra trong tác phẩm Tông Kính lục (宗鏡錄) do Vĩnh Minh Diên Thọ (永明延壽) trước tác vào năm thứ 2 (961) niên hiệu Kiến Long (建隆) đời vua Thái Tổ nhà Tống. Theo đó thì Ngũ thông bao gồm:
(1) Đạo thông (道通) là thần thông của đạo pháp, nhờ chứng ngộ lý Thật tướng trung đạo, người ta được thứ thần thông ấy, như sức thần thông vô ngại của hàng Bồ Tát. (2) Thần thông (神通) là thần thông của tâm ý nhờ ngừng vọng tâm, tu Thiền định mà được thứ thần thông ấy, như sức thần thông tự tại của A La Hán. (3) Y thông (依通) là thần thông nương theo đồ vật, nhờ nương theo đồ vật như : chất thuốc, đồ ăn, bảo bối, linh phù, thần chú, mà được thứ thần thông ấy, như phép linh biến hóa tự tại của thần tiên hoặc của các đạo nhơn, của các tu sư. (4) Báo thông (报通) là thần thông của nghiệp báo, nhờ quả báo của nghiệp lực mà được thứ thần thông đó, như sự biến hóa của chư thiên sự ẩn biến của chư Thần, chư Long. (5) Yêu thông (妖通) là thần thông của yêu quái, như chồn già, cây cối lâu năm…. Thành tinh chúng có thuật biến hóa lạ lùng.
[9]: Vách có tai: tức "Tai vách mạch dừng", nghĩa là kín như dừng (các nan tre đan vào nhau để làm cốt vách) cũng có những khe có thể nhìn qua được và dày như vách (tường bằng nan tre đan vào nhau, trát nhiều lớp đất bùn lên) cũng có thể nghe xuyên qua, ý nhắc nhở người ta làm gì cũng phải bí mật, cẩn trọng.
- Theo Thánh Tông di thảo -

(Hết phần 4)

#Backturn