Nguyên văn chữ Hán:

蟾蜍苗裔記
蝦蟆子、野雞子,二子皆出於蟾蜍。處清虚府,食玉兔[1]之藥, 染仙桂之香,不知幾萬春者。偶於 十五夜,下望人寰,愛山水高清,美人物繁麗,遂萌塵想焉。固請於姮娥,姮娥乃許之。於是舒股舞掌, 躍然降於人寰。
二子既降之後,蝦蟆子守得天真,著粗帛之衣,住深密之處。惡蟻羣之螫人,則舒舌銛之; 見蚯蚓 之飲泉,則開口吞之。不然則兀坐含頤,他無所好。雞鴨輩或侮之者,即噴出青火以拒之。毒之所染, 皮膚浮裂,以故醜類咸遠之。每見有癰疽深毒者,則以身塗之,立愈,或以酥滴之。小兒爲五疳所瘦者, 則割股食之,遂肥。以故人不忍食之。性又安土,敦乎仁。或取石灰塗其衣,送去遠地,數日復還。天久 旱,則切齒以感動之,風雨立至,其得天又如此。
Ảnh minh họa con Thiềm thừ.
Ảnh minh họa con Thiềm thừ.
野雞子則操白帝之見,產沈竈之中,著襖錦衣,淫虐無度,呼羣引類,遍居於江湖田野之中。魚蝦昆 蟲,多爲所害。横海公子,恃有交刀,行則舉之,自謂莫敢我何。他以掌撫公子之甲,以騙之,公子不意遽收利刀,即吞之而不疑,其肆虐致如此。五六月,天大雨,田間水漲,則呷呷交鳴,雙雙相狎,以火照 之,尚貪歡不醒,其淫荒又如此。人多惡之,傳相去首離皮,調以五辛,稱爲佳味。由是狎於雨中者,點 燭以捉之; 坐於畔岸者,結網以獵之。其深藏穴居曲處者,則鐵鈎、木梗以勾出之。其沈浮於萍水葦 汀者,則絲緡翟竹以弭致之。舉凡平日之貪縱肆毒以肥其身者,盡供乎庖厨之品矣。
夫乃知先哲有云:「其爲人也寡慾,其所不存焉者寡矣; 其爲人也多慾,其所存者寡矣。」詎不信然。
山南叔曰: 此特《蟾蜍苗裔記》耳。就中發出寡慾者存身,多慾者喪身,層層析剖,細細入神,何嘗不是《蝦蟆野雞記》邪? 大矣哉! 聖王之言乎? 言乎近而指遠。

Phiên âm:

Thiềm thừ miêu duệ ký
Hà mô tử, dã kê tử, nhị tử giai xuất vu Thiềm thừ. Xử Thanh Hư phủ, thực Ngọc Thố chi dược, nhiễm tiên quế chi hương, bất tri kỉ vạn xuân giả. Ngẫu vu thập ngũ dạ, hạ vọng nhân hoàn, ái sơn thủy cao thanh, mỹ nhân vật phồn lệ, toại manh trần tưởng yên. Cố thỉnh vu Hằng Nga, Hằng Nga nãi hứa chi. Vu thị thư cổ vũ chưởng, dược nhiên hàng vu nhân hoàn.
Nhị tử kí hàng chi hậu, hà mô tử thủ đắc thiên chân, trứ thô bạch chi y, trụ thâm mật chi xử. Ác nghĩ quần chi thích nhân, tắc thư thiệt tiêm chi; kiến khâu dẫn chi ẩm tuyền, tắc khai khẩu thôn chi. Bất nhiên tắc ngột tọa hàm di, tha vô sở hảo. Kê áp bối hoặc vũ chi giả, tức phún xuất thanh hỏa dĩ cự chi. Độc chi sở nhiễm, bì phu phù liệt, dĩ cố sửu loại hàm viễn chi. Mỗi kiến hữu ung thư thâm độc giả, tắc dĩ thân đồ chi, lập dũ, hoặc dĩ tô tích chi. Tiểu nhi vi ngũ cam sở sấu giả, tắc cát cổ thực chi, toại phì. Dĩ cố nhân bất nhẫn thực chi. Tính hựu an thổ, đôn hồ nhân. Hoặc thủ thạch hôi đồ kỳ y, tống khứ viễn địa, sổ nhật phục hoàn. Thiên cửu hạn, tắc thiết xỉ dĩ cảm động chi, phong vũ lập chí, kỳ đắc thiên hựu như thử.
Ảnh minh họa con cóc.
Ảnh minh họa con cóc.
Dã kê tử tắc thao Bạch Đế chi kiến, sản thẩm táo chi trung, trứ áo cẩm y, dâm ngược vô độ, hô quần dẫn loại, biến cư vu giang hồ điền dã chi trung. Ngư hà côn trùng, đa vi sở hại. Hoành hải công tử, thị hữu giao đao, hành tắc cử chi, tự vị mạc cảm ngã hà. Tha dĩ chưởng phủ công tử chi giáp, dĩ phiến chi, công tử bất ý, cự thu lợi đao, tức thôn chi nhi bất nghi, kỳ tứ ngược trí như thử. Ngũ lục nguyệt, thiên đại vũ, điền gian thủy trướng, tắc hạp hạp giao minh, song song tương hiệp, dĩ hỏa chiếu chi, thượng tham hoan bất tỉnh, kỳ dâm hoang hựu như thử. Nhân đa ác chi, truyện tương khứ thủ ly bì, điều dĩ ngũ tân, xưng vi giai vị. Do thị hiệp vu vũ trung giả, điểm chúc dĩ tróc chi; tọa vu bạn ngạn giả, kết võng dĩ liệp chi. Kỳ thâm tàng huyệt cư khúc xử giả, tắc thiết câu, mộc ngạnh dĩ câu xuất chi. Kỳ thẩm phù vu bình thủy vĩ đinh giả, tắc ti mân địch trúc dĩ nhị trí chi. Cử phàm bình nhật chi tham túng tứ độc dĩ phì kỳ thân giả, tẫn cung hồ bào trù chi phẩm hĩ.
Phu nãi tri tiên triết hữu vân: “Kỳ vi nhân dã quả dục, kỳ sở bất tồn yên giả quả hĩ; kỳ vi nhân dã đa dục, kỳ sở tồn giả quả hĩ.” Cự bất tín nhiên.
Sơn Nam Thúc viết: Thử đặc "Thiềm thừ miêu duệ ký" nhĩ. Tựu trung phát xuất quả dục giả tồn thân, đa dục giả tang thân, tằng tằng tích phẩu, tế tế nhập thần, hà thường bất thị "Hà mô dã kê ký" tà? Đại hĩ tai! Thánh vương chi ngôn hồ? Ngôn hồ cận nhi chỉ viễn.

Dịch:

Bài ký dòng dõi con Thiềm thừ
Cóc và ếch, hai con đều là dòng dõi con Thiềm thừ[2], ở phủ Thanh Hư[3], ăn thuốc Ngọc Thố[4], nhiễm hương quế tiên[5], không hiểu đã trải qua mấy vạn năm.
Một đêm rằm kia, chúng nhìn xuống nhân gian, bỗng sinh lòng yêu non xanh nước biếc, mến người đông cảnh đẹp, bèn nảy ra ý muốn xuống ở cõi trần, nài xin với Hằng Nga[6]. Hằng Nga thuận cho. Bấy giờ hai con cùng duỗi đùi, múa tay, nhảy xuống trần gian.
Từ khi xuống trần, cóc vẫn giữ được bản tính trời sinh: mặc áo vải thô, ở nơi kín đáo. Ghét đàn kiến đốt người ta, thì thè lưỡi đớp liền; thấy giống giun uống nước mạch, thì há miệng nuốt ngay. Khi không làm những việc ấy, cóc ngậm miệng ngồi yên không thích chi cả. Cóc phun nọc xanh để chống lại lũ gà vịt đến trêu ghẹo. Nọc ấy nhiễm vào chỗ nào thì da chỗ ấy phồng lên, rồi nứt vỡ ra. Vì vậy các loài vật không tốt đều không dám đến gần cóc. Người ta bị mụn nhọt độc, lấy thịt cóc đắp lên thì khỏi ngay; trẻ em mắc chứng ngũ cam gầy yếu, cắt đùi cóc mà ăn sẽ béo tốt. Vì thế không ai nỡ giết cóc. Tính cóc hay quyến luyến chỗ ở; nếu ai lấy vôi bôi vào mình nó rồi đem tống đi xa, thì chỉ vài ba ngày sau, nó lại trở về nơi cũ. Cóc lại chăm lo làm việc thiện: những khi hạn hán, nó nghiến răng cho cảm động trời đất, mưa gió đến ngay. Cóc được lòng trời đến như thế.
Ảnh minh họa con ếch.
Ảnh minh họa con ếch.
Ếch thì khác hẳn: nó cứ giữ mãi kiến thức của Bạch Đế[7]: sinh trong hang lỗ bùn lầy, mặc áo gấm hoa, dâm dục và bạo ngược vô chừng. Rủ nhau đàn đúm khắp chốn sông hồ đồng nội. Cá, tôm, sâu bọ, nhiều con bị ếch sát hại. Ngay đến cua cậy có đôi gươm, khi đi thường giương thẳng lên, tự đắc không ai làm gì được mình. Thế mà ếch chỉ vỗ tay vào mai cua để đánh lừa, cua ta mắc mẹo, thu hai càng lại, liền bị ếch đớp nuốt ngay. Đấy, ếch ngông cuồng bạo ngược đến như thế. Vào khoảng tháng năm, tháng sáu, trời hay mưa rào, ruộng đồng đầy nước, ếch cứ ồm ộp đua nhau mà kêu, lại bắt đôi với nhau, đuốc soi đến nơi vẫn không tỉnh. Đấy, nó hoang dâm đến như thế.
Người ta ghét ếch lắm, rủ nhau đi bắt, đem về chặt đầu, lột da, dùng các vị cay nấu thành món ngon. Bởi vậy, ếch ở trong mưa, thì người ta dùng đuốc soi bắt; ếch ngồi tại bờ bãi, thì người ta dùng lưới mà vơ. Con nào rúc sâu trong hang lỗ thì người ta dùng lưỡi câu sắt và cành cây mà lôi ra; con nào lặn lặn bơi bơi ở ao bèo, vũng lau thì người ta dùng cần trúc, dây tơ, móc mồi mà nhử. Thế là bao nhiêu cái tham lam, tàn bạo thường ngày nuôi cho ếch béo tốt, đều làm món ăn ngon cho người.
Ôi! Thế mới hiểu rõ câu nói của tiên triết: "Phàm những người ít lòng tham dục mà không bảo toàn được tấm thân thì xưa nay ít có; còn những kẻ nhiều lòng tham dục mà vẫn bảo toàn được tấm thân, xưa nay cũng hiếm". Thật đúng là vậy!
Lời bàn của Nam Sơn Thúc: Đây chỉ là bài ký dòng dõi con Thiềm thừ. Nhưng trong đó vạch rõ người ít dục vọng thì giữ được thân, kẻ nhiều dục vọng thì thân phải mất. Phân tích từng chữ, thần diệu tinh vi, mà câu nào cũng vẫn là lời ghi truyện cóc và ếch. Lớn lao thay lời nói của thánh vương: nói gần mà ý xa.
Nhận xét của tập thể admin Thế Giới Thần Thoại: "Truyện dòng dõi con thiềm thừ" là một câu chuyện ngụ ngôn lấy sự tương phản của hai con vật để nói lên một bài học đạo đức. Ở đây, Lê Thánh Tông muốn tuyền tải tới người đọc về hai phong cách sống khác nhau và những kết quả từ hai phong cách sống ấy. Cóc thì "bản tính trời sinh" chăm chỉ lao động lại hay làm việc thiện. Ếch luôn "mặc áo gấm hoa, dâm dục và bạo ngược vô chừng", lười biếng nên thường đánh lừa kẻ khác kiếm ăn. Kết cục, cóc được trọng vọng còn ếch bị con người ghét bắt về "lột da" ăn thịt. Truyện nêu lên một quy luật: "Những kẻ nhiều lòng tham dục mà vẫn bảo toàn được tấm thân, xưa nay cũng hiếm". Truyện ngắn gọn súc tích, nhưng lại rất ý nghĩa.

Chú thích:

[1]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "miễn" (免) nghĩa là tránh, trừ, khỏi...; tuy nhiên từ này đặt vào trong câu lại vô nghĩa. Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại thành "thỏ" (兔) cho phù hợp logic.
[2]: Thiềm thừ (蟾蜍) hay Kim thiềm (金蟾) là một linh vật được ưa chuộng sử dụng để cầu tài lộc trong phong thủy Á Đông. Theo truyền thuyết, Thiềm thừ vốn là yêu tinh, được Tiên ông Lưu Hải thu phục, theo tiên ông Lưu Hải tu hành nên không làm hại nhân gian như trước, mà ngược lại dùng phép thuật của mình đi khắp nhân gian để nhả tiền bạc giúp đỡ mọi người để thể hiện sự phục thiện.
Tạo hình của Thiềm thừ thường là một con cóc có 3 chân ngồi trên thỏi vàng, trên lưng đeo xâu tiền vàng, thân thể béo tròn, miệng ngậm châu báu hoặc đồng tiền… nói chung là toàn thân toát lên vẻ phú quý sung túc với ngụ ý "thổ bảo phát tài, tài nguyên quảng tiến" (gia chủ phát tài, tiền bạc lũ lượt chảy vào). Cho nên dân gian còn có câu: "Đắc kim thiềm giả tất phú quý" (người có Kim thiềm tất được phú quý).
Ngoài ra, còn có câu "Thiềm cung triết quế" dựa theo truyền thuyết trong Nguyệt cung (cung trăng) có con cóc ba chân, mà theo một số bản kể rằng là do chính Hằng Nga hóa thành. Cũng bởi thế mà một số người người gọi cung trăng là Thiềm cung.
[3]: Phủ Thanh Hư, tức cung trăng hay cung điện trên Mặt Trăng. trong tác phẩm Long Thành lục (龍城錄), phần Minh Hoàng mộng du Quảng Hàn cung (明皇夢游廣寒宮) của Liễu Tông Nguyên (柳宗元) nhà Đường kể rằng tương truyền vào một ngày Rằm tháng Tám nọ, khi vua Đường Huyền Tông (玄宗) được một đạo sĩ tên La Công Viễn (có sách chép là Diệp Pháp Thiện) đưa lên trên Mặt Trăng du ngoạn thì chợt thấy một cung phủ lớn, có tấm bảng ghi Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ (廣寒清虛之府), nghĩa đen là phủ lạnh lẽo trống không. Do đó mà cung trăng còn có một tên gọi ít phổ thông hơn là Thanh Hư cung.
[4]: Ngọc Thố (玉兔), tức Thỏ Ngọc là một con/loại thỏ thần kì trong văn hóa dân gian các nước Á Đông. Tương truyền Thỏ Ngọc sống trên cung trăng, có nhiệm vụ giã bánh/thuốc để tạo ra bánh/thuốc tiên có những công dụng thần kì. Tại Trung Quốc, truyền thuyết về Thỏ Ngọc bắt nguồn từ thời kỳ Chiến quốc và dần dần lan ra khắp các nước Á Đông khác. Theo đó, Thỏ Ngọc là người bạn luôn đồng hành bên nàng Hằng Nga và thường dùng cái chày để giã thuốc trường sinh và trông coi cung trăng. Cùng với truyền thuyết về Thỏ Ngọc, xuất hiện quan niệm rằng mọi người có thể nhìn thấy hình ảnh Thỏ Ngọc trên cung trăng (tức các vết đen trên Mặt Trăng) trong ngày trăng tròn và sáng nhất năm - ngày Rằm tháng Tám âm lịch.
[5]: Quế tiên, tức cây quế hoa (mộc hương) thần trên cung trăng. "Dậu dương tạp trở" (酉陽雜俎) của Đoàn Thành Thức (段成式) thời Đường có ghi lại rằng trên mặt trăng có cây quế tiên cao 500 trượng, dưới gốc có một người cầm búa chặt mãi, nhưng chặt xong thì dấu chặt dính liền lại như cũ. Người ấy tên Ngô Cương quê ở Tây Hà, phạm vào tội lỗi tày trời nên bị phạt phải mãi mãi chặt cây như vậy.
[6]: Hằng Nga (姮娥), cũng gọi Thường Nga (嫦娥/常娥), người Việt Nam hay gọi Chị Hằng, là một nữ thần Mặt Trăng của Thần thoại Trung Quốc. Trong nghệ thuật Đông Á, Hằng Nga thường xuyên là đề tài của nhiều tác phẩm hội họa, ca kịch, văn xuôi…
[7]: Bạch Đế: tức Công Tôn Thuật. Cuối đời Tây Hán, Công Tôn Thuật chiếm cứ một khu vực, tự xưng là Bạch Đế. Vì Thuật kiến thức hẹp hòi, nên người đương thời ví Thuật như ếch ngồi đáy giếng. ở đây nói: "giữ mãi kiến thức của Bạch Đế" là nói giữ cái kiến thức của con ếch dưới đáy giếng.
-Theo Thánh Tông di thảo -

(Hết phần 3)

#Backturn