Nhắc đến Lê Thánh Tông (1442 – 1497), hẳn không còn ai trong chúng ta xa lạ với vị vua vĩ đại này. Tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của ông dưới thời Lê Sơ đã gắn liền với giai đoạn cường thịnh bậc nhất của nước Đại Việt. Ông là bậc vĩ nhân của đất nước; là vị vua anh minh, văn võ tài lược, nhà cách tân vĩ đại, là đại diện của sự ấm no và an lành, của thái bình và thịnh trị... Đại Việt Sử ký Toàn thư đã có lời ca ngợi rằng:
“Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi, mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng tinh thông...” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XIII, Bản kỷ, Kỷ nhà Lê, mục Thánh Tông Hoàng đế -
Tượng vua Lê Thánh Tông.
Tượng vua Lê Thánh Tông.
Tượng vua Lê Thánh Tông.
Tượng vua Lê Thánh Tông.
Ấy thế nhưng, hẳn không ít người chưa biết rằng ngoài là một bậc cai trị vĩ đại, Lê Thánh Tông còn là một tác giả truyện chí dị vô cùng tài năng, với tác phẩm tiêu biểu nhất chính là chủ đề của loạt bài viết này: THÁNH TÔNG DI THẢO.
"Thánh Tông di thảo" (聖宗遺草), hay "Thánh Tông di thảo nguyên ủy" là một thủ cảo Hán văn (bản chép tay) gồm 2 quyển, đóng thành 1 tập dày 198 trang, khổ 31x21cm, có 1 tựa, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 19 từ, do Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm đầu thế kỉ XX. Hiện nay, chỉ còn lại một bản được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), mang ký hiệu A.202. Tác phẩm thuộc thể loại chí quái tùng thư, bao gồm 19 truyện riêng biệt:
- Quyển I (thượng) có:
(1) Mai Châu yêu nữ truyện (Truyện yêu nữ châu Mai)
(2) Thiềm thừ miêu duệ ký (Bài ký dòng dõi con Thiềm thừ)
(3) Lưỡng Phật đấu thuyết ký (Bài ký hai Phật cãi nhau)
(4) Phú cái truyện (Truyện người hành khất giàu)
(5) Nhị thần nữ truyện (Truyện hai gái thần)
(6) Sơn quân phả (Bản phả về thần núi)
(7) Giao thư lục (Bức thư của con muỗi)
(8) Hoa quốc kỳ duyên (Duyên lạ ở Hoa quốc)
(9) Vũ môn tùng miếu (Trận cười ở núi Vũ Môn)
(10) Ngư gia chí dị (Truyện lạ nhà thuyền chài)
(11) Lũng cổ phán từ (Lời phán xử của anh điếc và anh mù)
(12) Ngọc Nữ quy chân chúa (Ngọc nữ về tay chân chủ)
(13) Hiếu đễ nhị thần ký (Truyện ký về hai thần hiếu đễ)
- Quyển II (hạ) có:
(14) Dương phu truyện (Truyện chồng dê)
(15) Trần nhân cư thủy phủ (Người trần ở thủy phủ)
(16) Lãng Bạc phùng tiên (Gặp tiên ở Hồ Tây hồ Lãng Bạc)
(17) Mộng ký (Truyện ký về một giấc mộng)
(18) Thử tinh truyện (Truyện chuột tinh)
(19) Nhất thư thủ thần nữ (Một dòng chữ lấy được gái thần)
So với các tác phẩm Hán văn Việt Nam khác, "Thánh Tông di thảo" đến với người đọc hiện đại khá muộn. Tác phẩm đã được Bùi Văn Nguyên và Nguyễn Ngọc San tuyển dịch 4 truyện là "Hoa quốc kỳ duyên", "Thử tinh truyện", "Phú cái truyện" và "Lưỡng Phật đấu thuyết ký"; in trong "Hợp tuyển thơ văn Việt Nam - Thế kỷ X đến thế kỷ XVII" của NXB Văn hóa và Viện Văn học năm 1962. Đến năm 1963, NXB Văn hóa, Viện Văn học đã cho in bản dịch toàn bộ "Thánh tông di thảo" do Nguyễn Bích Ngô thực hiện. Mãi tới năm 1987, tác phẩm mới được công bố trên ấn bản hiện đại, có thêm phần dịch Việt văn và bổ chú. Tháng 4 năm 2017, ấn bản thương mại của tác phẩm đã được phát hành bởi NXB Hồng Đức và công ty sách Nhã Nam.
Ấn bản thương mại của "Thánh Tông di thảo" được phát hành bởi NXB Hồng Đức và công ty sách Nhã Nam năm 2017.
Ấn bản thương mại của "Thánh Tông di thảo" được phát hành bởi NXB Hồng Đức và công ty sách Nhã Nam năm 2017.
Ấn bản thương mại của "Thánh Tông di thảo" được phát hành bởi NXB Hồng Đức và công ty sách Nhã Nam năm 2017.
Ấn bản thương mại của "Thánh Tông di thảo" được phát hành bởi NXB Hồng Đức và công ty sách Nhã Nam năm 2017.
Tên của tác phẩm, "Thánh Tông di thảo", nghĩa đen tức bản thảo còn sót lại của Thánh Tông. Tuy vậy, bản thảo gốc lại không đề tên tác giả, không ghi năm biên soạn. Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào lối xưng hô trong sách (dùng đại từ nhân xưng "dư" = tôi), cho rằng cách gọi này phù hợp với lối tự xưng của Lê Thánh Tông trong "Thiên nam dư hạ". Và vì tác phẩm "Thiên nam dư hạ" đã được xác định là của Lê Thánh Tông, nên "Thánh Tông di thảo" chắc chắn cũng phải là của ông.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác dựa vào tên đất như địa danh "Hà Nội" xuất hiện trong truyện "Duyên lạ ở Hoa quốc", hay sự kiện lịch sử như nạn lụt năm Quý Tỵ trong truyện "Truyện hai Phật cãi nhau", hoặc các danh từ chỉ học vị Phó bảng, Cử nhân trong truyện  "Người trần ở thủy phủ", đi đến kết luận rằng nhiều truyện trong tác phẩm này không phải do Lê Thánh Tông viết và việc chúng được tổng hợp lại thành sách chỉ có thể xuất hiện vào cuối đời Nguyễn, có khả năng sau năm Quý Tỵ (1893).
Lại có những nhà nghiên cứu dựa vào văn phong một số truyện mang tính khẩu khí thiên tử hoặc nội dung tư tưởng phản ánh sự thịnh trị thời Lê Sơ bên cạnh một số truyện khác có nội dung tư tưởng xa lạ với tư tưởng của Lê Thánh Tông, nên đã đi đến kết luận trong "Thánh Tông di thảo" có một số truyện của nhà vua, có một số truyện của người đời sau thêm vào (khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX). Nam Sơn Thúc, một học giả thời trung đại đã có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu "Thánh Tông di thảo" vào thời điểm ấy cũng đã có những nhận xét tương tự. Tất cả các truyện trong tác phẩm này theo bản sao chép tay còn lưu lại tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) đều có đi kèm lời bình của Nam Sơn Thúc. Theo vị học giả ấy, thì 8 truyện sau trong tổng số 19 truyện của tác phẩm là của Lê Thánh Tông: "Truyện Yêu nữ châu Mai", "Truyện dòng dõi con thiềm thừ", "Truyện hai Phật cãi nhau", "Bức thư của con muỗi", "Lời phán xử của anh điếc anh mù", "Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc", "Truyện một giấc mộng" và "Truyện chuột tinh".
Tóm lại, dù có nhiều luồng ý kiến về danh tính tác giả thực sự của tác phẩm, xong hầu hết mọi người đều đồng thuận với ý kiến rằng tác phẩm được viết một phần bởi vua Lê Thánh Tông, một phần được bổ sung thêm trong những thời kì sau bởi người khác. Dĩ nhiên, việc được một số tác giả đời sau viết bổ sung thêm cũng không phải là điều gì tai hại, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của tác phẩm. Trái lại, hiện tượng này cũng là một tồn tại phổ biến đương thời, hay nói đúng hơn thì việc một tác phẩm được bổ khuyết, bồi đắp bởi người đời sau xảy ra khá thường xuyên suốt chiều dài lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà một số tác phẩm văn học, sử học nổi tiếng được bổ sung, hoàn thiện ở thời kỳ sau như "Đại Việt sử ký toàn thư" do Ngô Sỹ Liên viết vào năm 1479 (Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10) được bổ sung, hiệu chỉnh lần thứ nhất trong khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1663 - 1671) đời vua Lê Huyền Tông và lần thứ hai trong khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời vua Lê Huy Tông; hay như Vũ Quỳnh đã thực hiện hiệu đính "Lĩnh Nam chích quái" vào năm Nhâm Tý (1492);... Vậy nên việc "Thánh Tông di thảo" được người đời sau viết bổ sung thêm cũng có thể xem điều bình thường. Các truyện được bổ sung thêm vẫn là những truyện ý nghĩa, không bị chênh lệch về độ chất lượng so với những truyện gốc quá nhiều. Bởi vậy suy cho cùng, đây vẫn là một tuyển tập truyện giá trị.
Không như "Lĩnh Nam chích quái", "Truyền kì mạn lục" hay "Thiên Nam ngữ lục",... thường ghi lại những tích có sẵn, ở đây vua Lê Thánh Tông đã hoặc dựa vào truyện dân gian, hoặc dựa vào những sự kiện lịch sử, hoặc dựa vào văn liệu hay thực tế cuộc sống mà cấu tạo nên truyện mới. Vì vậy có thể nói "Thánh Tông di thảo" là một sáng tác, trong đó có phỏng tác, có tái tạo và có cả hư cấu hoàn toàn. Năm 1958, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi trong cuốn "Sơ khảo lịch sử văn học - Quyển 2" đã đánh giá rất cao về giá trị nội dung và nghệ thuật của "Thánh tổng di thảo". Ông cho rằng: “Thánh Tông di thảo đã mở đầu cho lối văn tiểu thuyết trong văn học Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam nói riêng".
Trong cuốn "Văn học Việt Nam thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII" do Đinh Gia Khánh chủ biên năm 1979, khi nghiên cứu về phần văn tự sự, truyện kỉ thế kỉ XV, các tác giả cuốn này đã rất chú trọng nghiên cứu về "Thánh Tông di thảo". Tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở việc chỉ ra sự phức tạp về nội dung của tác phẩm mà chưa đi sâu vào thành công về nghệ thuật. Và các tác giả đã đi đến nhận định: “Những truyện trong Thánh Tông di tháo... có thể được coi như một bước tiến từ Lĩnh Nam chích quái sang Truyền kỉ mạn lục, nếu xem xét sự phát triển của thể loại tự sự từ những sự tích cũ phỏng tác ra những truyện mới."
Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân trong cuốn "Từ diễn văn học - Tập 2" (1979) đánh giá: "Thánh Tông di thảo là tập truyện ki văn học không phải nhằm ghi lại những sự tích có sẵn như Linh Nam chích quái, Thiên Nam vẫn lục... mà là một sáng tác trong đã có phóng tác, có tái tạo và có hư cấu. Nhiều truyện kí được viết với bút pháp vững vàng, hình tượng sinh động, lời văn trau chuốt, súc tích,.. có nhiều truyện kĩ viết hay, đọc rất hấp dẫn."
Năm 1989, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên trong cuốn "Văn học Việt Nam thể kỉ X – nửa đầu thế kỉ XVIII" cho rằng những nhận định trong Thánh Tông di thảo đã "mở đầu cho lối viết truyền, lời văn nhiều đoạn khá nhuần nhuyễn, dáng dấp văn truyền kì."
Cuốn "Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - Tập 1" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đang Na ra mắt năm 1989 cũng đề cao "Thánh Tông di thảo" bên cạnh "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ. Ông cho rằng: “Lê Thánh Tông và Nguyễn Dữ đã phóng thành công con tàu văn xuôi tự sự vào quỹ đạo nghệ thuật văn học lấy con người làm đối tượng và trung tâm phản ánh". Đồng thời, nhà nghiên cứu này còn khẳng định có một tiến bộ lớn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của "Thánh Tông di thảo", đó là lấy con người làm trung tâm và đề cao con người.
Năm 2005, trong cuốn "Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam", nhà nghiên cứu Trần Đình Sử khi viết về đặc trưng của thể loại truyền kì đa nhận xét: "Truyện truyền kì Việt Nam như: Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông. Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyền kì tàn phá của Đoàn Thị Điểm đánh dấu sự chín muối của nghệ thuật tự sự Việt Nam". Khác với các tập truyện thần linh, ma quái nêu trên, nhân vật ở đây chủ yếu là nhân vật lịch sử, nhân vật của "Thánh Tông di thảo" và "Truyền kì mạn lục" đều là những người rất đỗi bình thường. Tác giả đã đi vào nghiên cứu cốt truyện, nhân vật của Thánh Tông di thảo trên cơ sở của sự so sánh với "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ.
Tổng kết lại, các công trình nghiên cứu của các tác giả về "Thánh Tông di thảo" đều đưa ra được những nhận định đúng đắn về giá trị và đặc biệt là vị trí của tác phẩm và nếu có bàn đến nội dung và nghệ thuật thì đều cho rằng Lê Thánh Tông đã rất thành công cả về nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm. Có thể ví tập sách như ngôi sao phát ra nhiều ánh sáng lạ trong bầu trời văn học trung đại và còn sáng mãi tới mai sau, ở giá trị nội dung như vừa giới thiệu sơ lược ở trên. Còn là ở hình thức viết đa dạng, hiện thực có, kỳ ảo, hoang đường có, quái lạ, quái dị có… Còn là mẫu mực ở lối kể một truyện ngắn hàm súc, cô đọng, giàu chất thơ mà đa sắc thái ý nghĩa; ở cách xây dựng nhân vật thông qua đối thoại nhanh, gọn và rất hoạt… Tập truyện đã trở thành một tác phẩm mang tính kinh điển để chúng ta ngày hôm nay vẫn có thể kế thừa và phát huy những giá trị của nó.
Sau đây, xin được trích lại phần Lời tựa của "Thánh Tông di thảo" để mọi người có thể cùng nắm được tinh thần chung của tác phẩm này:
TỰA "Khổng Tử không bao giờ nói những chuyện quái dị, thần kỳ vì những chuyện ấy mắt không trông thấy, mọi người sinh ra ngờ vực. Nhưng thử nghĩ xem: trong bốn bể, biết bao núi thẳm, đầm to, thì những truyện quái dị, thần kỳ kể sao hết được? Kìa như những truyện Bá Hữu nước Trịnh, khi chết hóa thành quỷ dữ [1], Hoàn Công nước Tề trông thấy yêu quái trong núi [2], ông bạc đầu ăn thịt con trai, con gái [3], không phải là truyện lạ hay sao? Lại như hải khách với chim âu [4], Đinh Lệnh Uy cưỡi hạc [5], gió của Liệt Tử [6], bè của Trương Khiên [7], không phải là truyện dị thường hay sao? Nào nuốt trứng chim huyền điển rồi sinh ra ông tổ nhà Thương [8], nào ướm chân vào vết chân lớn rồi sinh ra ông tổ nhà Chu [9], nào nằm mộng thấy đi lại với thần rồi sinh ra ông tổ nhà Hán [10], những truyện ấy không phải là thần kỳ cả sao? Những truyện ta chép ra đây như Hoa quốc kỳ duyên (Duyên lạ Hoa Quốc), Ngư gia chí dị (Truyện lạ nhà thuyền chài)... đều là những truyện có kê cứu, không giống những loại truyện Tề Hài [11]. Những người chấp nhấtcho những truyện ấy là có sự việc mà không có lý, hoặc có lý mà không có sự việc. Đó chỉ là kiến thức của bọn người ngồi đáy giếng, không đủ bàn đến những sự vật trong bầu trời rộng lớn. Nay tựa."

Chú thích:

[1] Đời Xuân Thu, Bá Hữu làm đại phu nước Trịnh, tính tàn bạo, bị người ta giết. Sau hóa làm ma dữ báo mộng sẽ giết hai người là Tử Đới và Công Tôn Đoạn. Quả nhiên hai người ấy đều chết, nên người nước Trịnh rất sợ, thường lấy tên Bá Hữu dọa
[2] Đời Xuân Thu, Tề Hoàn Công đi săn, trông thấy con ma to, về sợ sinh ốm. Sau có người bầy tôi vào thăm, nói rằng: Ai trông thấy con ma to ấy thì sẽ nên nghiệp bá vương. Hoàn Công mừng rồi khỏi bệnh.
[3] Chưa rõ điển tích.
[4] Liệt Tử: có người ở gần bể, cứ sáng sáng xuống bể chơi với chim âu. Chim âu xúm xít đến gần, không sợ hãi gì. Người cha thấy vậy, bảo con bắt chim âu về. Hôm sau người con đến bể thì chim âu chỉ bay lượn bên trên mà không xuống nữa.
[5] Đinh Lệnh Uy đời Hán bỏ nhà đi tu tiên. Sau hóa thành con hạc bay về thăm nhà, lượn ở trên không, đọc một bài thơ rồi lại bay đi (Sách Sưu thần hậu ký).
[6] Sách Trang Tử nói: Liệt Tử cưỡi gió mà đi.
[7] Trương Khiên đời Hán đi bè ra bể, đi mãi không ngờ lên đến sông Vân Hán, tới chỗ Chức Nữ dệt cửi (Bác vật chí).
[8] Sử ký chép Giản Định vợ vua Đế Cốc nuốt trứng chim huyền điểu, đẻ ra Tiết là thủy tổ nhà Thương.
[9] Sử ký chép Khương Nguyên, vợ Cao Dương, ướm chân mình vào vết chân lớn thấy ở ngoài đồng, cảm động rồi có thai, sinh ra Hậu Khí là thủy tổ nhà Chu.
[10] Sử ký chép vợ Thái Tông thường nghỉ ở bờ đầm, mộng giao hợp với thần, sinh Hán Cao Tổ.
[11] Tề Hài: nguyên là tên người chuyên chép truyện quái dị. Về sau người ta dùng danh từ đó để đặt tên sách chép truyện quái dị, như sách Tề Hài ký của Vô Nghi Tiên Sinh đời Tùy.

(Hết phần 1)

#Backturn