20/6/2021 - Đọc 3 quyển truyện ngắn, hồi ký 🕮 Tổng số sách đã đọc được: 35 quyển 🕮
1.✤ Tâm Thành Và Lộc Đời - THÀNH LỘC
2.✤✤ MÙI HƯƠNG TRẦM - Nguyễn Tường Bách
3.✤✤✤ Đúng Việc - Giản Tư Trung

MÙI HƯƠNG TRẦM của Nguyễn Tường Bách

"...Chỉ vài ngày sau khi đến Ấn Độ người ta đã biết đây là một xứ sở mang nặng đầu óc tôn giáo. Trong taxi tài xế thắp nhang liên tục, họ khẩn cầu một vị thần nào bảo hộ cho họ, cho họ nhiều khách và ít tai nạn....Xuất phát từ một cấu trúc xã hội có tính đẳng cấp, người Ấn Độ rất khó thân cận. Lạ thay, đối với thú vật thì họ gần gũi mà đối với người thì họ xa cách. Hình như mỗi người Ấn Độ khi gặp người khác, việc đầu tiên là họ định nghĩa ai hơn ai, về đẳng cấp huyết thống ai ưu việt hơn ai. Đi Ấn Độ hàng chục lần, tôi kết luận rằng đó là một xứ sở của sự phân biệt giai cấp. Người giàu có thì hợm hĩnh khinh người, người nghèo khổ thì yên phận chịu đựng. Những người mà tôi gặp và làm việc đều là kỹ sư hay thương nhân, họ thuộc thành phần có học và có tiền, trong nội bộ xã hội, họ coi khinh người khác, đối với chúng tôi ở nước ngoài đến thì họ e dè và phức tạp. Đối với người nước ngoài, người Ấn Độ vừa có mặc cảm tự ti vừa tự tôn.

"..Nhà văn Mỹ Mark Twain, người có nhiều nhận xét sâu sắc hóm hỉnh, thăm Ấn Độ năm 1896, viết về xứ này như sau: “Mỗi khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những tính cách lạ lùng của nước này và muốn cho nó một danh hiệu nào đó... xứ sở của dịch hạch, xứ sở của nghèo đói, xứ sở của những ảo giác khủng khiếp, xứ sở của những ngọn núi ngất trời..., thì lại sớm hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần những danh hiệu mới”. Cuối cùng Mark Twain thấy hay nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và đặt tên Ấn Độ là “xứ sở của sự kỳ diệu”..."

" Tại Ấn Độ, chúng tôi lại càng ít quan hệ với dân chúng. Tại một nơi mà khách sạn như một ốc đảo nằm giữa cảnh đời khốn khổ, thương nhân lại càng ngại ra ngoài. Buổi tối họ chỉ biết uống rượu với nhau cho hết giờ và nội dung câu chuyện cũng lại quanh quẩn về những gì bàn bạc ban ngày. Thế nên con đường đẹp nhất của Delhi là con đường dẫn từ khách sạn ra lại sân bay để về nước..."

"...Ấn Độ của thời quá khứ không hề thiếu vua chúa, đó là xứ sở của các tiểu vương cai trị nhiều khi không quá “vài vạn nóc nhà”, như cách đếm dân ngày xưa hay nói. Vua chúa Ấn Độ cũng không hề dè sẻn trong các công trình xây dựng, họ cần lâu đài cho mùa hè và mùa đông, cho chính hậu và thứ phi, cho con trai và con gái. Dân Ấn Độ thì đông và sẵn sàng chịu đựng, cát đá thì nhiều và dễ khai thác, nhất là loại cẩm thạch trắng. Nghệ nhân Ấn Độ khéo tay, thông minh, ham tưởng tượng và sẵn sàng quên mình cho các vị thần của Ấn Độ giáo. Vì những lẽ đó mà các công trình xây dựng của Ấn Độ ở đâu cũng có, ở đâu cũng là những kỳ quan, thu hút rất đông du khách..."

Đúng Việc - Giản Tư Trung)

    ✤ Mỗi người có thể có một "hệ quy chiếu" (chính là tư tưởng, hệ thống quan niệm, "hệ điều hành") riêng để dựa vào đó mà "vạch lằn ranh" cho mình. Tuy nhiên, có một hệ quy chiếu chung để minh định được đúng - sai, phải - trái, đó là, người ta thường sẽ dựa vào sự phù hợp với 4 cái "đạo" sau đây: "Đạo luật" (hiến pháp của nhân dân, pháp luật của nhà nước, luật pháp quốc tế) "Đạo lý" (của gia đình, của tổ chức, của địa phương, của dân tộc, của thế giới tiến bộ) "Đạo thiêng" (nếu theo một tôn giáo nào đó, như đạo Phật, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa...) "Đạo sống" (của bản thân - chính là "con người bên trong" của mình)Còn đạo nào khác nữa không? Đạo quân thì sao? Đạo hàm? Đạo Đức? Đạo ôn? Đạo lộ??  Đạo hữu??!?

    ✤ Có thể tạm chia những người có ảnh hưởng trong xã hội ngày nay thành năm nhóm sau đây: có quyền, có tiền, có tiếng, có bằng, và có chữ.!!!??? ➜ Có số má thì sao??  Có gì thì có, quan trọng nhất là Có Mạng

    ✤ Con người tự do/ tự trị sẽ hành động theo "tiếng gọi bên trong" của mình, họ sẽ không hành xử theo kiểu bầy đàn (mọi người sao thì mình vậy, luôn giống mọi người), họ sẽ không hành động theo kiểu khuôn mẫu (hồi trước sao thì bây giờ sẽ như vậy), họ sẽ không hành xử theo kiểu luôn khác (tôi phải luôn khác biệt với mọi người), và họ cũng không ỷ lại cho người khác (nếu đó là trách nhiệm cá nhân của mình thì mình sẽ làm, không cần biết là người khác có làm hay không).

    ✤ Như vậy, có thể hiểu điều giúp cho con người trở nên khác biệt chính là lẽ sống – là thứ mà anh ta luôn muốn hướng tới, là thứ mà thiếu nó thì anh ta chỉ là một sinh vật vô hồn trong hình hài của giống người. Có một “lẽ” khác mà chỉ con người mới hiểu và mới chiến đấu vì nó, đó là “lẽ phải”. Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch Bí mật Lệ Chi Viên: “Con thú có thể cắn chết con người, nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hạt vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người”.

    ✤ Do đó, lãnh đạo hoàn toàn không phải là "cái chức" hay "cái ghế", mà là một công việc; thậm chí đó còn là một công việc khó khăn và nhiều trọng trách. Có thể phác họa chân dung một nhà lãnh đạo đích thực bằng một số nét chính sau đây: 
(1) giúp cho quốc gia, cộng đồng, tổ chức, cá nhân mà mình lãnh đạo hiểu được những tinh thần, tư tưởng, giá trị tiến bộ, biết tự do lựa chọn và sống với những tinh thần, tư tưởng, giá trị tiến bộ đó, 
(2) giúp cho quốc gia, cộng đồng, tổ chức, cá nhân đó đạt được những thành tựu đề ra và có sự thay đổi đáng kể 
(3) đó là những thành tựu, thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ. Hay đơn giản hơn, để xác định một nhà lãnh đạo có đang "đúng việc" hay không, hãy thử đặt câu hỏi: Người đó đang "quản trị" hay đang "cai trị" cộng đồng, tổ chức của mình?

    ✤ Còn một lãnh đạo vĩ đại thì không chỉ tạo ra những thành tựu vĩ đại, mà quan trọng là họ sẽ "tìm thấy bản thân mình trong sự phục vụ những người khác", như một câu nói của Mahatma Gandhi. Với một nhà lãnh đạo vĩ đại, không phải là địa vị quyền lợi hay được người khác công nhận, mà là niềm hạnh phúc lớn lao ở bên trong khi được cống hiến, được giải quyết một vấn đề nào đó cho xã hội của mình mới là động lực thôi thúc nhất!

    ✤ Công việc của nhà lãnh đạo đúng nghĩa không phải là trở thành vĩ đại hay trở thành người hùng, mà là tạo ra người hùng, không phải là duy trì đám đông mà là kiến tạo đội ngũ. Bởi nếu không quy tụ được một ê-kíp tài năng có trái tim nóng và cái đầu sáng, sẵn sàng cùng nhau chiến đấu vì chính mình và vì mục tiêu chung, nhà lãnh đạo khó có thể tự mình đi đến cùng cái đích đã vạch ra. 

    ✤ Người tài có thể dễ dàng rời bỏ một ông sếp, nhưng khó mà rời bỏ một nhà lãnh đạo. Người tài có thể dễ dàng rời bỏ một công việc, nhưng khó mà rời bỏ một sứ mệnh. Người tài có thể dễ dàng rời bỏ một tổ chức, nhưng khó mà rời bỏ một đội ngũ/ ê-kíp".

    ✤ Như vậy, với một người tài (có tài năng về một chuyên môn hay công việc nào đó) có cái đầu khai phóng và có trái tim có hồn, khi đi làm họ không chỉ cần tiền và những thứ mà ai cũng cần, mà họ còn cần ba thứ nữa, đó là: lãnh đạo, sứ mệnh và ê-kíp.

    ✤ Nếu một nhà lãnh đạo trông giống một ông sếp hơn một người dẫn dắt, quanh mình có một đám đông hơn là một đội ngũ, và không thấy một ý nghĩa nào trong những việc mình đang làm, rất có thể người đó đang "cai trị" hơn là "quản trị"!

    ✤ Nếu ai đó "có trí" (sự hiểu biết) nhưng lại "không thức" (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội "ngủ" thì bị gọi là "trí ngủ", chứ không phải là trí thức. Nếu ai đó thích làm cái việc của trí thức là "đánh thức xã hội" nhưng lại "thiểu trí", "lệch trí" hay "vô trí" thì gọi là "trí dỏm" (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng, hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ấu trĩ). Và nếu ai đó "có trí", "có thức", nhưng "thiếu tâm" (thiếu động cơ trong sáng) thì gọi là "trí gian" (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả hai loại "trí dỏm" và "trí gian" đều là "ngụy trí thức", còn "trí ngủ" là "trí thức vô trách nhiệm". Và có thể gọi chung nhóm này bằng một cái tên khác là "trí nô" (nô lệ cho bằng cấp, cho tiền bạc, quyền lực, danh vọng và những động cơ không trong sáng). ➜ Phải có Trí não trước đã
    ✤ Có thể hình dung 3 điều kiện để hình thành một con người "trí thức", đó là: 
(1) “sự hiểu biết” (có trí);Có tài trước
(2) "thức tỉnh xã hội";  trước khi thức tỉnh thì phải kiếm ra gạo cho xã hội trước
(3) "vì mục đích cao quý" (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân - thiện - mỹ).  Vì lợi ích số đông
    Nếu không hội đủ cả ba điều kiện này (mà chỉ có một hay hai trong ba điều kiện) thì hoặc là "trí ngủ", hoặc là "trí dỏm", hay "trí gian", chứ không phải là "trí thức". Hay nói một cách nôm na, trí thức là người "có trí", "có thức" và "có tâm"; hoặc nói một cách văn vẻ hơn, trí thức là một người có hiểu biết sâu sắc, là một con người tự do và là một công dân có trách nhiệm. Trí khôn trước

Tâm Thành Và Lộc Đời - THÀNH LỘC

    Bạn có tin không khi tôi sắp kể cho bạn nghe một dấu ấn lớn trong khúc đời thơ ấu đầy mộng tưởng nầy, một câu chuyện mà tôi chưa từng kể với ai trong gia đình, bạn bè và càng chưa kể cho các phóng viên nghe, một câu chuyện mà bây giờ khi nói ra, tôi vẫn không thể khẳng định nó là mộng hay thực. Hãy hình dung vào giờ nửa khuya, cái thế giới nhỏ bé bên trong đình Cầu Quan của đại gia đình gồm nhiều tiểu gia đình của chúng tôi, bàn thờ Tổ nằm ngay sau lưng phông hậu của sân khấu, bàn thờ Thần Đình nằm sau lưng hàng ghế cuối cùng của khán phòng, đối diện với sân khấu. Đặc biệt nơi đó còn có hai tượng Thần Mã, bên Bạch Mã sơn trắng, bên Xích Thố mang sắc đỏ và đen. Ban ngày bọn trẻ con chúng tôi thích chạy qua, chạy lại dưới bụng hai tượng ngựa đó với mong cầu được khỏe mạnh. Nằm sát phông hậu của sân khấu còn là một chiếc bục cao hình hộp chữ nhật dài mà trong chuyên môn vẫn gọi đó là Sân Khấu Giả.

    Bấy giờ tất cả mọi người đều an giấc, chị Bạch Lê nằm bên cạnh tôi ngủ rất say. Tôi thì đang bị sốt nên giấc ngủ không tròn, cứ chập chờn... Và rồi tôi đã nghe tiếng lục lạc khua vang cùng tiếng ngựa hí vang lừng, tiếng gươm đao khua lẻng xẻng cùng tiếng hô vang: “Quân sĩ đâu, hãy rượt theo vây bắt cho ta”. Tôi ngồi dậy, vén mùng chui ra ngồi nhìn ra mà lòng không hề thắc mắc hay sợ hãi. Một nhóm “Người Bí Ẩn” lừng lững trào ra từ dưới đền thờ Thần Đình, tràn lên sân khấu đâu khoảng mấy chục mạng. Tại sao tôi gọi là “mạng” mà không gọi là người, vì thân thể của họ hoàn toàn không giống người, mà giống y như những vòng nhang khoanh khổng lồ mình vẫn thấy ở các chùa trong Chợ Lớn, đờn ông hình ống trụ, đờn bà hình nón lá. Từ các tấm thân ấy mọc ra đầy đủ đầu và tứ chi với lông trĩ, lông công cắm khắp lưng, đầu theo vai chánh, phụ. Nhóm “Người Bí Ẩn” ấy ca hát, thoại, múa võ y như trong các vở tuồng Tàu mà tôi vẫn được coi, có từ Tiết Đinh San, Tiết Ứng Luông đến Phàn Lê Huê, Thần Nữ và mọi nhân vật phụ khác. Bạn có tin không, ngay lúc tôi đang kể đây mà trong mắt tôi vẫn rõ mồn một hình ảnh của họ, trong tai tôi vẫn nghe rõ ràng âm thanh của những thứ binh khí họ chạm vào nhau nghe loảng xoảng và cả tiếng vó ngựa lộp cộp chạy đầy trên sân khấu chung quanh tôi. Tôi ngồi coi say mê cho đến khi các các hình bóng âm binh thần tướng ấy rút lui biến hết vào lòng sân khấu giả, tôi ngồi dậy chạy theo luôn vào gầm sân khấu giả đó và rồi họ biến mất để tôi ngồi một mình trong bóng tối. Tôi biết mình có giác quan thứ sáu rất nhạy và chính xác, nếu là ma chắc chắn lưng tôi sẽ lạnh. Nhưng không, tôi thấy ấm cả người, tôi biết chắc đó không phải là ma, mà là Thần. Từ đó, mọi thứ đã không còn bình thường trong lòng tôi được nữa. Những đêm sau đó tôi cứ cố canh xem có còn được gặp lại họ nữa không, nhưng có lẽ cái gì thiêng quá thì chỉ xảy đến có một lần. Tôi không nghĩ đây là chuyện tình cờ mà họ đã cố tình cho tôi thấy, họ đã cố tình để tôi đi theo con đường của họ, con đường mà ba má và các anh chị tôi đang đi. Với tất cả lòng biết ơn cùng ý thức mình là Người Được Chọn. Và cho đến hôm nay, khi ngồi kể lại chuyện nầy, giựt mình khi thấy mình sống đã hơn nửa thế kỷ, mà riêng tuổi vào nghề đến đây có tới gần bốn mươi năm miệt mài không ngưng nghỉ, so ra, đã dài hơn tuổi nghề của ba má và các chị rồi. Tại sao thế? Có lẽ tại vì chỉ có mình mới có được sự dẫn đường trong cơn mộng du nên phải “chịu nghiệp” dài hơn!!? Các Chư vị đã dẫn tôi đi rồi để tôi lại trong bóng tối, như một dự báo: trên con đường mình đi, tôi là người cô độc.