Bài viết lấy cảm hứng từ "Thằng Nam Khóc" của Thái Vũ.
Xem bài viết gốc tại đây :
Thằng Nam ngồi khóc. 
Nó vừa bị bạn gái đá. Nghĩa là bị chia tay. Anh nó bảo vậy. 
Bạn gái (cũ) đá nó vì cái lí do mà nó cho là rất mất mặt cũng rất là tréo ngoe - ba mẹ cả hai đứa phát hiện ra chúng nó là người yêu! 
Nó vừa ấm ức vừa buồn. Bạn bè cùng lớp nó như thằng Trung, thằng Kiên, cả thằng Lộc béo ục ịch cũng có bạn gái để mà “yêu thương chiều chuộng” hết cả rồi. Dòm tụi nó hạnh phúc dung dăng dung dẻ với nhau mà nó thèm! Nhưng ít ra lúc đó nó chỉ thèm, và cơn thèm được thoả mãn ngay khi đến cái giờ nó và nhỏ Ngọc lớp bên “hẹn hò". 
Bây giờ bị đá đau như thế này, cơn thèm thành cái khao khát cháy bỏng và sự ghen tị! Vả lại, nó làm gì còn có mặt mũi mà nhìn anh em! 
.
Chỗ đầu ngõ nhà thằng Nam có một quán sửa xe ngày nào cũng mở cửa bất kể nắng mưa. Chủ quán là ông Dần khòm trong xóm. Bạn thân của nó. Ông Dần luôn chỉ có một mình, thằng Nam cũng nhiều lần thắc mắc rằng sao gia đình ông không có giống như nhà nó, nhưng ba mẹ chỉ chê nó lắm mồm, còn ông Dần chỉ cười. Riết, nó chẳng dám hỏi, cũng quên mất phải hỏi gì. 
Chuyện gì nó cũng chia sẻ với ông. Nó thấy nó oách xà lách và may mắn hơn đứa trẻ con nào ở cái xóm Máy này vì nó có một người “bạn thân lớn tuổi" - ai bảo người lớn toàn giao tiếp với tụi nó bằng mấy cái roi đâu! Còn ông Dần của nó biết nghe nó nói nhé! 
.
Thằng Nam chạy một mạch về quán nước ông Dần giữa trời nắng. Ngồi buồn buồn ôm mặt tâm sự, như bao lần nó vẫn làm với ông. 
Phà ra một hơi thuốc lào, nhấp một ngụm nước chè. Ông dùng cái giọng lơ lớ Nghệ An cười cười bảo nó : “Mi ngu rứa! Mai mốt mi lớn, mi yêu như nào chẳng được! Giờ mi nhỏ như cái móng tay ni, u thầy mi nỏ lo nỏ lắng hở?” 
Thế là hôm đó thằng Nam được học một khoá “u thầy nghĩ gì” miễn phí. Mà kì lạ, nó chẳng nghe ai ngoài ông Dần. 
.
Trên thực tế, có rất là nhiều cái lần thằng Nam khóc rưng rức đến tìm ông Dần. Dù ông ở quán hay ở cái căn nhà xập xệ mà nó mới chỉ vào đến phòng khách và phòng bếp. 
Nó có rất là nhiều bất mãn với gia đình, từ bố mẹ đến ông bà đến thằng anh trai “trời đánh" của nó. Mà ông Dần lại như một nơi để nó trút bỏ những sự giận dữ, thật sự ngồi xuống nghe để mà ngẫm mà nghĩ; một cái cầu nối nó tự mình phong để nó đi đến “vùng đất cha mẹ". 
Mà cái câu cửa miệng ông Dần luôn nói là : “Mi chắc sau mi nỏ hối hận vì hôm ni mi không yêu u yêu thầy?” 
Đương nhiên, nó vẫn mãi chẳng có đến được cái vùng đất ấy. Còn xa. 
Cho đến một năm định mệnh làm thay đổi cuộc đời của nó. 
Lần này thằng Nam lại ngồi khóc ở chỗ ông Dần.
Nhưng không như những lần trước, lần này nó khóc xé cả tâm can. Khóc rồi lại ngồi trống rỗng. Rồi lại khóc. 
Ông Dần cũng khóc cùng nó. 
Thằng Kiên, thằng Trung, thằng Đạt cũng khóc cùng nó. 
Và ở trước linh cữu của ba mẹ, anh trai nó cũng khóc cùng nó. 
Ba mẹ nó là hai trong những người ra đi vì dịch bệnh. 
Thằng Nam vừa khóc vừa hận mình. Vì cái câu cửa miệng của ông Dần đã linh nghiệm. Giờ nó hối hận. Hối hận hơn bao giờ vì những lần cãi vã và những lần bất mãn với ba mẹ. Nhưng nó còn làm gì được nữa đâu? Thời gian chẳng thể quay về, ba mẹ nó đã mất, anh trai nó giờ phải đảm đương những trọng trách lớn lao trên đôi vai nom còn gầy guộc hơn cả nó, nó còn làm gì được nữa? 
Nó phải trưởng thành. 
Thằng Nam nín khóc. Quay về nhà với anh trai, nó biết giờ chỉ còn hai anh em dựa dẫm vào nhau mà sống. 
Mặc cho ông Dần và tụi bạn nhìn nó bằng ánh mắt nghi hoặc xen lẫn lo lắng. 
.
Thằng Nam nín khóc được vài tháng. Ai cũng nghĩ nó ổn. Chú dì nó còn hay vỗ vai nó thở dài, khá lắm thằng cu, mày lớn rồi. 
Và rồi, 49 ngày, 100 ngày, đến ngày đầu tiên nó và anh trai lại phải về quỹ đạo sinh hoạt như bình thường, nghĩa là không còn họ hàng lui tới hay bạn bè thăm hỏi, thằng Nam lại khóc như ngày đầu tiên ba mẹ nó đi. 
Thằng Nam ngồi khóc thu lu một mình. Nhớ về ba, nhớ về mẹ. 
Thằng Nam ngồi khóc thu lu một mình. Chẳng biết trong nhân gian ai làm nó đau đớn đến như vậy. Nó hỏi. Nhưng làm gì có ai trả lời đâu? Vì từ cái ngày nó biết mình phải trưởng thành, nó đâu có khóc trước mặt người khác đâu? Anh trai nó không, ông Dần cũng không, ba mẹ nó lại càng không. 
Rồi thằng Nam chợt nhớ ra đống quần áo đang phơi trên mắc. Nhớ ra nó chưa kịp cắm cơm trước khi anh trai nó đi làm về. Nó định đứng dậy, nhưng lại ngồi thụp xuống. Nhìn lên trần nhà, nó nghĩ, hay thôi, đi gặp ba mẹ, chứ như này khổ quá. Làm gì có tiền mà sống. Anh trai sao gồng gánh được nó ăn nó học, sao lấy được vợ khi mang vác cả nó trên lưng. 
Thằng Nam bật cười trong những dòng nước mắt. Giờ mới thấy nó bắt đầu suy nghĩ giống ba, giống mẹ. 
Ý nghĩ ấy như một loại hạt giống ác quỷ len lỏi vào trong tâm trí nó, xua mãi không đi, không tưới nước cũng tự nảy mầm thành đại thụ. 
.
Rồi đến lúc thằng Nam chẳng thèm khóc nữa. Nó viết vài dòng trên tờ giấy kẹp vào khe cửa rồi đạp xe lao vút đi. 
Hôm nay, nó đứng trên cái nóc của một khu tập thể bỏ hoang mà nó và tụi bạn hay lui tới chụp ảnh. Như có một cái gì đó hút nó, điều khiển trí não nó, đi đến rìa. 
“Hẳn là một cái chết xấu xí và đau đớn" - nó tự nhủ. 
Càng đến gần thì thế giới xung quanh nó càng im lặng. Nó chẳng còn nghe thấy, hay cả nhìn thấy bất cứ cái gì. Chợt một tiếng xô mạnh bồn cây cạnh cầu thang và tiếng quát tháo tràn vào tai nó làm thằng Nam bừng tỉnh : “MI ĐANG LÀM CÁI CHI RỨA!?” 
Ông Dần! Nó quay đầu lại, đồng tử co rút mạnh, rồi chợt ngồi thụp xuống. Người nó run lẩy bẩy liên tục cho đến khi được ông ôm vào lòng. Vừa ôm vừa run rẩy gọi tên nó với giọng nói gần như tuyệt vọng. 
Thằng Nam lại khóc. Nó không biết vừa rồi mình vừa nghĩ đến điều gì, cũng vừa định làm điều gì. 
Mà ông Dần có vẻ như còn sợ hãi hơn nó. Ông cứ lẩm bẩm hoài những câu từ đứt quãng nối tiếp nhau : “Vy à… thầy mi ni… Vy à… thầy xin lỗi mi… Vy…Vy… Đừng nhảy mà con…” 
.
Từ cái ngày đó thằng Nam được anh nó phó thác hẳn cho ông Dần để yên tâm đi làm mà không lo nó lại nghĩ đến chuyện gì ngu dại. Nó vĩnh viễn chẳng thể quên ánh mắt sợ hãi cùng vòng tay siết chặt đến ngạt thở của anh trai lúc chạy đến bệnh viện mà vội vàng rơi cả một bên dép. Cũng như thái độ nâng niu sợ sệt làm nó tổn thương của hội anh em cây khế và hàng xóm láng giềng, hay cái nhìn nặng nề cùng mùi thuốc lá từ ông Dần - ân nhân của nó, người đã chạy như điên đi tìm nó vì đọc được mảnh giấy tuyệt mệnh nó để lại. 
Và nó cũng biết rằng hoá ra lý do ông Dần không có gia đình kề bên, là vì vợ ông mất sớm, và con gái ông - “Vy” - vì thương tâm quá độ, cũng như thấy thầy mình vất vả ngược xuôi, đã lựa chọn đi theo u, thả mình xuống dòng nước chảy xiết. 
.
Giờ đây, thằng Nam gọi cái thế hệ của mình và của ông Dần là thế hệ “gắn mất" - những thế hệ được gắn kết bởi những sự mất mát. Nó và ông, và anh trai nó, cũng như vô vàn những người đã mất đi người thân vì một lý do nào đó ngoài kia, trên mảnh đất hình chữ S này, hay trên thế giới này, đều có chung một nỗi đau khi phải từ biệt những người thân yêu nhất của mình khi sự sống và cái chết chia lìa tất cả. 
Và bằng chính những sự mất mát mà bản thân đã trải qua, ông Dần đã cứu nó khỏi cái chết. Và có thể trong tương lai, cũng bằng chính những sự mất mát ấy, nó sẽ lại có thể cứu một, hay nhiều người nữa, khỏi những cách chết đi như nó đã từng định thực hiện. 
Mà điều làm thằng Nam không thể không ngừng khóc, là giờ đây, nó nhận ra nó được yêu thương như thế nào. Từ ông Dần, từ anh trai nó, từ bọn bạn chí cốt, từ những cô chú bác hàng xóm. Nó được yêu thương bởi đủ mọi độ tuổi. Dù đôi lúc đúng là họ chẳng có hiểu nó. Nhưng họ là những người luôn luôn lắng nghe, và tha thứ, và bao bọc một đứa trẻ ngây dại, một thế hệ ngây dại - là nó. 
Luôn luôn lắng nghe - lâu lâu mới hiểu. 
Vậy á! 
.
Năm nay thằng Nam và anh trai ăn Tết cùng ông Dần. Tự nhiên cái xóm Máy lại có một gia đình được hình thành từ hai gia đình đã khuyết. Cả xóm vừa vui mà như cũng vừa buồn. 
Mùa dịch bệnh, kinh tế ai cũng yếu kém, khó khăn. Và còn chưa đến Tết Âm lịch, nhưng nhà thằng Nam đã được cả xóm lên kế hoạch hết từ đầu đến cuối. 
“Mấy nữa cô muối dưa. Lúc nào chua cô mang!”
“Củ hành củ kiệu lấy của nhà bên này nha ông.”
“Nam, mẹ tao cho mày ít quần áo Tết, mẹ kêu mua lố mà tao béo quá mặc không có vừa.”
“Ông Dần đó hở, lão Liêm kêu ông đừng có sắm sửa gì vội nghen! Tết qua đây gói bánh đun chung. Dịch dã thế này hai nhà một nồi, không tập trung đông người ông hén!”
“Anh trai thằng Nam! Qua đây chú cho mấy hộp khẩu trang với vài chai nước sát khuẩn. Đi làm ngược xuôi dễ sinh bệnh, bệnh rồi đón Tết sao!” 
.
Bạn thấy đó. Đúng là thế hệ nào cũng đều có khoảng cách hết. Nhưng vẫn sẽ có những sợi dây, hay những cầu nối đến từ những cử chỉ, hành động, những nếp sống đầy tình người; hay từ cả những mất mát và đau thương như những vết sẹo sâu hoắm ở trong trái tim.
Hôm nay thằng Nam lại ngồi khóc. Nhưng khác với bao lần trước. Hôm nay thằng Nam khóc vì lâu lắm rồi nó mới thấy ôi cuộc đời sao mà hạnh phúc ghê! 
__________________________________
Bài viết lấy cảm hứng từ "Thằng Nam Khóc" của Thái Vũ.
Xem bài viết gốc tại :