Tết năm nay là lần đầu tiên nhà tôi ăn Tết tại Tam Kỳ.
Mọi năm, Tết là thời điểm tôi thấy chán chường và mệt mỏi. “Tết” tồn tại như một huyền thoại. Nó không còn là một loại lễ tết để sum họp, quây quần, thoả mãn các nhu cầu tâm linh và tinh thần của người Việt như mọi người hay định nghĩa, hoặc đơn giản là chúc mừng năm cũ đã qua và năm mới đến. Mà theo tôi thì nó trở thành một thời điểm vàng để chúng ta act up, phô ra tài năng diễn xuất và ngoại giao, cho đàn ông cơ hội để ăn nhậu – phụ nữ cơ hội để rửa bát – cha mẹ để khoe con – và tụi trẻ con để kiếm chút lì xì, và cho bản thân tôi như một dịp để phỉ nhổ văn hoá làng xã Việt Nam (có lẽ tôi sẽ viết một bài khác nữa về chủ đề này ở dịp khác).
​​Và ở tầng nghĩa sâu hơn, “Tết” không chỉ là hình tượng đang bị bóp méo cả về mặt ngữ nghĩa và hình thức, nó còn trở thành một hệ giá trị hấp dẫn có-thể-bán-được. Người ta cảm thấy đỡ tội lỗi hơn, và thậm chí là cần thiết để mua đồ mới vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Cũng như những nhãn hàng để đưa ra nhưng “khuyến mãi khủng” nhằm tăng doanh thu và danh tiếng dịp Tết. Như Barthes nói : một công cụ để lan toả những giá trị tư sản.
Quay lại về Tam Kỳ.
Tôi chỉ từng đến nơi này vào mùa hè. Đương nhiên, nó vẫn làm tôi phát điên theo nhiều nghĩa. Tết này tôi lại nhìn thấy nó trong một hình dạng khác, và hình dạng đó vẫn làm tôi phát điên.
Thời tiết Tam Kỳ mùa này không nóng cũng chẳng lạnh. Vì khi viết những dòng này thì tôi đang mặc áo cộc tay quần đùi, ngồi đung đưa trên cái võng cạnh cửa sổ, hưởng nắng hưởng gió nhìn quần áo phơi trên dây chăng dọc bờ tường bay bay. Một loại thời tiết khá dễ chịu, nếu so sánh với miền Bắc lúc này đang lạnh cỡ 12 độ và mưa.
Hôm qua Sơn đã đèo tôi qua khắp các phố lớn ngõ nhỏ của Tam Kỳ. Chúng tôi đến biển. Biển vẫn đẹp, vẫn rì rào thầm bảo tôi điều gì đó mà tôi chẳng nghe rõ. Chắc vì nó nói tiếng Quảng nên tôi không hiểu. Thằng Sơn nói gì tôi còn chẳng hiểu nữa là.
Biển Tam Thanh
Biển Tam Thanh
Nếu nói cái cảm giác thành phố này mang đến cho tôi là gì, chắc tôi sẽ trả lời là “yên bình”. Yên bình lại là gì trong gốc gác và thực tại của nó, khi rũ bỏ những lịch sử, lớp nghĩa ở cái thực tại tôi đang ở, tôi không biết. Nhưng tôi biết tôi có thể ngồi lì ở cái võng này nhìn mây nhìn trời nhìn nắng, nghe tiếng xe máy và tiếng mấy con chó nhà bác tôi sủa cả ngày mà không thấy phiền.
Tôi cũng có thể ngồi hàng giờ sau xe thằng Sơn, nói liên miên lảm nhảm về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất tôi có thể nghĩ ra, cho gió luồn qua từng chân tơ kẽ tóc, nhìn và nghe. Chúng tôi nói về Tam Kỳ, nói về việc nhậu nhẹt, về ở đây có gì ở kia có gì, về cái cách chế biến gạo và miến tôi mang về, về mấy chuyện tâm linh chúng tôi chẳng tin nhưng vẫn sợ, rồi bàn về “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” như lời Marx, bàn về niềm tin,…
Tôi thấy mình vui vẻ hơn theo mọi nghĩa.
Chuyện ăn cơm tụ tập cũng đơn giản nhiều. Vì mọi người ở đây uống từ sáng đến tối. Lúc nào họ cũng đang trong trạng thái ăn cơm cả. Ai không muốn ngồi ăn nữa thì đứng lên. Và bạn cũng không cần phải có mặt điểm danh cho đủ quân số nếu không thực sự cần thiết. Không thích nói chuyện (như tôi) thì có thể ngồi im cười. Và cũng chẳng cần dậy quá sớm nếu không có kế hoạch đi chơi hoặc muốn đi chợ sáng.
Những thứ này tôi ít khi làm được ở những dịp Tết trước.
Hay nói theo một cách khác rõ ràng hơn, tôi cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Không còn cái cảm giác “Ôi, tự dưng lại Tết.” Cũng chẳng còn quá nhiều nỗi niềm, vì bằng một cách nào đó những sầu não và giận dữ – những gì tôi luôn là – trốn đi đâu mất chẳng biết.
Tết năm nay, hiện diện và tồn tại trong một cái hình thức và vỏ bọc khác cái mà tôi luôn nghĩ nó là.
Có lẽ, mục tiêu mới mà thời hiện đại phải đặt ra, đó là phải đối mặt can đảm với những mất mát về sự toàn vẹn, tính cộng hưởng và sự cân bằng của con người. Tết đã thay đổi, và bây giờ nó nên thay đổi thêm (nhiều) lần nữa. Ít nhất là đối với gia đình tôi.
Vì suy cho cùng, Tết là một kiến tạo xã hội – một kiến tạo cần thay đổi khi xã hội và thời đại thay đổi – đặc biệt là khi những huyền thoại xuất hiện ngày càng nhiều, và mỗi chúng ta lại trở thành một người tiếp thụ huyền thoại một cách bất đắc dĩ.
____________________________
PS : Bài này được viết ngay trước khi Sơn chở tôi lên hồ Phú Ninh. Ai bảo nó cho tôi trả tiền xăng với.
Bài viết gốc :
hoặc :