TẾT KHÔNG SAI, CHÚNG TA SAI
Năm mới, công việc và gia đình có làm bạn cảm thấy đuối sức vì cứ mãi phải chạy theo những sự vội vàng của cuộc sống? Vậy bài viết này sẽ giống như miếng dưa hành trong mâm cơm Tết, giúp bạn có thể thư giãn và có thêm những góc nhìn mới về ngày Tết.
Đi chúc Tết, hội họp gia đình hay lướt mạng, xem một chiếc video hài Tết, vài chương trình sale sập sàn, dường như ngày Tết gói gọn trong một bầu không khí bận rộn, một chút sôi động, một chút náo nhiệt hơn ngày thường. Thế nhưng, liệu bạn có cảm thấy đuối sức vì cứ mãi phải chạy theo những dòng cảm xúc vội vàng như vậy? Để rồi, khi kì nghỉ Tết kết thúc, chúng ta nhận ra mình lại bị cuốn vào vòng quay của deadline và bài tập. Vậy hôm nay, hãy thử thả mình trong một ít phút và để mình giúp bạn được lắng đọng lại sau những ngày Tết đầy tất bật bằng một bài viết nhẹ nhàng, thảo luận những câu chuyện rất đời thường về Tết. Mình hy vọng, bài viết này sẽ giống như miếng dưa hành trong mâm cơm Tết, giúp các bạn có thể thư giãn và có thêm những góc nhìn mới về ngày Tết.
Những năm gần đây, mọi người dường như không còn quá “mặn nồng” với Tết. Và, bạn có cảm thấy cảm xúc của mình về ngày Tết cũng đã thay đổi rất nhiều khi mình lớn lên không? “Tết đang nhạt dần”, “Tết tẻ nhạt”, “Đã nghỉ dịch lại còn phải nghỉ Tết”,… Mình biết, mình biết, bạn đã đọc rất nhiều bài viết về điều này rồi, mình cũng vậy. Chúng ta đều giống nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là bài này cũng như thế và hãy để mình chứng minh cho bạn bằng cách đọc tới cuối nhé.
Mọi người nói rằng “Tết chán”, “Tết tẻ nhạt”, vậy thì Tết đang sai hay sao? Theo mình thì không, Tết không sai, nhưng chúng ta sai. Thay vì đặt câu hỏi “Vì sao Tết chán?”, giờ hãy thử lật ngược câu hỏi ấy rằng: “Như thế nào thì gọi là một cái Tết vui?”
Bạn đã bao giờ nghe về “Ảo tưởng của sự tập trung”? Ảo tưởng tập trung được trình bày bởi nhà tâm lí học người Do thái – Daniel Kahneman: “Không có thứ gì trong cuộc đời quan trọng như bạn đang nghĩ”. Hay có thể hiểu đơn giản là bạn càng nghĩ về điều gì, điều đó sẽ càng trở nên quan trọng. ‘’Ảo tưởng của sự tập trung’’ ám chỉ những thành kiến nhận thức làm sai lệch tầm quan trọng của các giá trị trong cuộc sống hàng ngày. Điều này được hình thành do giới hạn từ ba quá trình nhận thức của chúng ta: sự chú ý, nhận thức và trí nhớ. Chúng ta càng tập trung sâu vào một khía cạnh cụ thể nào đó của cuộc sống thì tác động của nó càng rõ ràng.
Lý thuyết này được áp dụng rất nhiều trong kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực Marketing. Chúng ta có thể hiểu điều này thông qua xu hướng thời trang của các năm. Mỗi năm, các nhà mốt như Chanel, Prada, Louis Vuitton, Dior,… sẽ tạo ra hai collection: Một cho mùa Thu – Đông, một cho mùa Xuân – Hè để định hướng xu thế thời trang hay còn gọi là “mốt”. Các doanh nghiệp thời trang nhanh có thể làm việc thông qua các chu kỳ sản xuất để đưa các mặt hàng mới được thiết kế dựa trên các “mốt” vào cửa hàng.
Vậy, “ảo tưởng của sự tập trung” trong quá trình này là gì? Nó nằm trong chính quá trình truyền thông. Một bộ phận trong ngành truyền thông hằng ngày cứ khéo léo in vào đầu bạn những thông điệp rằng sự thành công đến từ sự bắt kịp với xu hướng, dẫn đến việc mua sắm, từ đó thừa thãi trong đồ đạc. Bạn cần phải mua nhiều hơn, vứt đi nhanh hơn, để tiếp tục tìm kiếm niềm vui ở những mốt mới hơn nữa. Như vậy, đây chính là quá trình các doanh nghiệp tạo ra “ảo tưởng của sự tập trung” đến với nhận thức của khách hàng: “Hoặc là mua mới hoặc sẽ bị gọi là “lỗi thời”, “nhà quê”. Truyền thông đã khai thác rất tốt “ảo tưởng của sự tập trung” để nâng giá trị cho sản phẩm của họ. Họ muốn bạn tin rằng bạn không thể có cuộc sống hạnh phúc nếu không sở hữu sản phẩm đó.
Hay như bản thân chúng ta thường tin rằng “có được điều mình muốn thì thật hạnh phúc”; khi đi tìm việc thì nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc nếu tìm được công việc mà mình mong muốn; khi gặp người mình yêu thì nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc nếu có thể kết hôn; còn khi thường xuyên phải đi thuê hết căn hộ này đến căn hộ khác thì bạn sẽ nghĩ rằng mình có thể hạnh phúc nếu sở hữu căn nhà của riêng mình.
Khi luôn tập trung vào một thứ và cho rằng mình sẽ hạnh phúc khi điều kiện đó được đáp ứng thì hiện tượng đó gọi là ảo tưởng của sự tập trung. Thực tế thì ngay cả khi bạn có được những gì mình muốn, làm công việc mình thích, đã kết hôn hay có nhà riêng đi chăng nữa thì không phải lúc nào cũng có thể hạnh phúc đâu. Niềm hạnh phúc mà bạn có sau khi đạt được thứ bản thân mong muốn sẽ chỉ kéo dài trong chốc lát mà thôi. Theo thời gian nó sẽ nhanh chóng trôi qua. Sau đó, bạn sẽ lại tập trung vào một thứ khác và quên đi niềm hạnh phúc kia cho đến khi bạn hài lòng.
Tuy nhiên, chúng ta ở đây không thảo luận về câu chuyện của ngành thời trang, hay câu chuyện về nhà cửa và hôn nhân, mà về vấn đề “Ảo tưởng của sự tập trung” đang ảnh hưởng như thế nào đối với nhận thức của chúng ta về Tết?
Khi nhắc đến Tết, bạn thường nghĩ tới niềm vui, đoàn viên, nghỉ ngơi và sắm sửa. Như vậy, vì có đoàn viên, nghỉ ngơi và sắm sửa cho nên Tết là một dịp để vui mừng. Hay Tết vui mừng vì có đoàn viên, nghỉ ngơi và sắm sửa? Hiểu đơn giản thì: Việc bạn đặt trọng tâm giá trị của ngày Tết ở đâu sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn về nó. Hãy cùng phân tích kỹ hơn về các yếu tố này nhé.
1. Đoàn viên:
Tết là dịp để cả gia đình sum họp với nhau, quây quần bên nồi bánh chưng. Con cháu về thăm ông bà, cha mẹ. Họ hàng, làng xóm mời nhau mâm cỗ, đưa đẩy những câu chuyện một năm qua. Đấy là những gì mình được nhận thức về Tết. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, (ở đây, mình không có ý vơ đũa cả nắm) thì đây dường như chẳng phải là điểm hấp dẫn của Tết nữa, khi chúng ta đã có hai năm ở nhà vì Covid-19 và Nhà nước đã khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người.
2. Nghỉ ngơi:
“Tết là dịp để nghỉ ngơi.” dường như dành cho trẻ em nhiều hơn là với người lớn. Những ngày cuối năm, lượng công việc thậm chí còn nhiều hơn mức bình thường do tư tưởng “làm cố cho nốt việc trước tết”. Thời gian một ngày không thay đổi, nhưng chúng ta lại phải phân chia ra cho nhiều công việc hơn, vừa phải hoàn thành deadline, vừa phải dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa,…
3. Sắm sửa:
Theo truyền thống, Tết là dịp sắm sửa quần áo mới, trang trí nhà cửa sau một năm làm việc vất vả. Nhưng trước sự phát triển kinh tế, hàng hoá, quần áo rẻ hơn cùng với các chương trình sale diễn ra hàng tháng từ các sàn thương mại điện tử thì dường như Tết cũng chẳng có gì hấp dẫn.
Như vậy, nếu rơi vào những trường hợp phổ biến trên, nói “Vì có đoàn viên, nghỉ ngơi và sắm sửa cho nên Tết là một dịp để vui mừng” thì quả thật Tết chẳng có gì là đặc biệt và vui mừng nữa.
Nhưng mình vẫn sẽ nói rằng: “Tết vui lắm!” Hãy đảo ngược tư duy một chút nhé. Thay vì nói: “Vì có đoàn viên, nghỉ ngơi và sắm sửa cho nên Tết là một dịp để vui mừng”, tại sao chúng ta không nói: “ Tết vui mừng vì có đoàn viên, nghỉ ngơi và sắm sửa.”?
Mọi người thường dễ dàng để “ảnh hưởng của sự tập trung” tác động tới suy nghĩ, cảm xúc về Tết. “Vì năm nay dịch bệnh, chẳng được đi đâu, chẳng được gặp ai nên tôi thấy thật nhàm chán.” “Vì năm nay đã nghỉ dịch nhiều rồi nên Tết chẳng có gì đặc biệt.” Hay: “Vì đã săn sale cả một năm nên Tết cũng không còn tiền nữa.” Tuy nhiên, “Tết không sai, chúng ta mới sai”. Niềm vui ngày Tết không nằm ở công việc đoàn viên, nghỉ ngơi hay sắm sửa,… Mà niềm vui ấy nằm trong cách chúng ta cảm nhận về sự đoàn viên, nghỉ ngơi và sắm sửa.
Nói dễ hiểu thì, bạn có cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vì được gặp ông bà, cha mẹ không? Mình nghĩ rằng ai cũng sẽ hạnh phúc vì được gặp người thân yêu của mình. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.” Cho dù có gặp gỡ bao nhiêu người, mình không nghĩ rằng có ai có thể yêu thương mình hơn chính ông bà, cha mẹ.
“Tết là dịp nghỉ ngơi” không có nghĩa là nghỉ ngơi hoàn toàn chỉ có ăn và ngủ mà nghỉ ngơi tức là gác lại những công việc kiếm tiền hằng ngày để được bận rộn những công việc gia đình. Hiếm có dịp nào để nhà mình có thể đoàn kết bỏ lại hết những deadline, công việc sau lưng để cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm tết và xem Táo quân,…
Hay là cảm giác đi mua sắm ngày Tết cũng rất khác biệt vì mình được làm cùng với mọi người trong gia đình. Đôi khi, niềm vui đơn giản xuất phát từ những điều giản đơn, không cầu kì như vậy.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, mình lại càng biết ơn vì năm nay mình vẫn có một cái Tết bình an với đầy đủ người thân. Mình biết, có nhiều người không được may mắn như vậy, có thể người thân của bạn đang bị kẹt trong vùng tâm bệnh, có những người mất người thân, thậm chí là cả gia đình. Nhưng cuộc sống không dừng lại ở đó, bạn vẫn đang tiếp tục sống và đang bước đi trên con đường của chính bạn. Những sự mất mát xảy ra không phải để đánh gục bạn mà đó là bài học để bạn biết trân trọng những gì mình đang có hơn nữa. Nhờ có Covid-19, mình mới biết hoá sự sống mỏng manh đến thế, mới biết hoá ra không khí mình đang thở chẳng phải miễn phí (vì có rất nhiều người bệnh đã không có Oxy để thở). Cho nên, hãy biết ơn vì hôm nay chúng ta vẫn đang sống, và cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Mình đã rất mong chờ Tết năm nay, có lẽ, đây sẽ là một khởi đầu mới cho thật nhiều câu chuyện mới và mình tin là như vậy.
Hãy đừng đặt quá nhiều “ảo tưởng của sự tập trung” hay là những thành kiến đối với Tết, giá trị ngày Tết không nằm ở những cuộc vui chơi, chẳng nằm ở những bộ quần áo đắt đỏ, mà nằm ở niềm vui khi được ở bên người mình thương, làm việc với người mình yêu. Và hãy tận hưởng niềm vui ấy một cách nhẹ nhàng và sâu sắc hơn bằng sự thoả lòng và biết ơn.
Trên đây là những suy nghĩ, quan điểm của mình về “Tết không sai, chúng ta sai”, hy vọng rằng nó đã giúp bạn có được giây phút lắng đọng sau những ngày Tết nhộn nhịp. Mình rất mong sẽ nhận được những ý kiến, những góc nhìn khác từ các bạn để chúng ta được thảo luận nhiều hơn.
Happy new year!
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất