Phone home maybe?
Phone home maybe?
Hôm nay mình có chat với một người bạn làm trong lĩnh vực công nghệ, là người có tài năng và có nhận thức rất tốt về công nghệ. Bạn có nói thích cái xe nào kiểu cũ, không có nhiều bộ phận ghi lại nhật ký, không thích cái xe nào thông minh có kết nối internet làm gì. Nếu chịu khó để ý thì sẽ thấy nhiều mặt trái của những xe thông minh. Những việc đó nhiều bài báo, thông tin, những hiệp hội bảo vệ người dùng đã nói. 
Những mặt trái tiềm tàng có thể kể đến ít nhất mấy việc sau. Thứ nhất là quyền sở hữu của khách hàng: Cái xe "nghe theo" nhà sản xuất hay khách hàng. Ví dụ, nếu khách hàng không trả nợ hay post review nói xấu trên Youtube thì nhà sản xuất có thể và có xu hướng khoá cái xe lại không. Thứ hai là quyền được sửa - right to repair: nhà sản xuất có phải là người duy nhất có phần mềm, công cụ và các bộ phận để sửa xe hay không. Với các xe thông minh, phần mềm có thể từ chối làm việc với phần cứng mà không phải chính hãng, hoặc phần cứng của họ có thể có chip mà không ai mua được. Việc này làm cho nếu ai muốn sửa thì chỉ có cách đến chính hãng chứ không được tự sửa hoặc thuê ông sửa xe đầu ngõ sửa. Như thế sẽ làm cho việc sửa chữa xe đắt đỏ và nhiêu khê so với cái xe cứ cắm bộ phận nào vừa là nó chạy. Thứ ba, quyền riêng tư: Nhà sản xuất làm gì với thông tin họ thu thập từ khách hàng. Nếu như cái xe ghi lại tất cả các thông tin một cách vô tội vạ, gửi cho nhà sản xuất một cách vô tội vạ, không biết cách bảo mật mà để lộ cho ai đó thì rất nguy hiểm. Ví dụ, cái xe mà ghi lại nhật ký GPS vô tội vạ mà đến khi thông tin này lộ ra, người ta biết ai có xe số VIN nào đều có thể tra được xe nào hôm nào đi đâu làm gì thì sẽ là một việc hoạ khôn lường. Thứ tư, bảo mật: cái xe bị hack thì nó có bị trộm từ xa hay tệ hơn là tự đâm vào tường không. Còn nhiều việc khác nữa, nhưng những mặt trái đó không phải không có, ta phải để ý khi mua một cái xe chạy phần mềm phức tạp, thông minh. 
Nghe những việc như vậy thì có thể bạn sẽ cũng đưa đến kết luận như người bạn của mình và tự nhủ một chiếc xe thông minh có rất nhiều vấn đề. Nhưng mình tin rằng các vấn đề tiềm tàng kia đều có câu trả lời, và những nhà sản xuất nghiêm túc đều đang có câu trả lời cho từng vấn đề một. Chuyện kiểm soát cái xe chẳng hạn, thì chúng ta nên tự xem từng nhà sản xuất họ làm gì với người họ không thích. Không phải ai cũng đùng đùng muốn đi trừng phạt khách hàng bằng cách khoá cái xe lại khi họ nghe thấy có người nói xấu mình trên Youtube nếu/khi họ có thể. Không phải công ty nào cũng đi khoá cái xe hay từ chối trách nhiệm hay lỗi của mình khi chủ xe dùng linh kiện ngoài. Việc này mỗi nhà sản xuất có một cách xử lý, trả lời khác nhau -- phải xem ai có cách xử lý hay làm việc mà mình cảm thấy có trách nhiệm nhất. Việc những nhà sản xuất có câu trả lời với từng vấn đề đó thế nào phải là cái chúng ta để ý để chọn bạn mà chơi -- chứ không phải là cứ nghe nhãn hiệu hay quảng cáo thông minh là tự dưng nghĩ nó sẽ tốt hơn.
Nhưng mặt khác, phần lớn các nhà sản xuất và người tiêu dùng đều đang đi theo hướng làm và tiêu thụ xe thông minh. Vậy nếu làm đúng, thì xe thông minh có những lợi ích gì? 
Để mở đầu cho việc này thì mình xin trích lục một câu nói của một người làm sai, bị hack, và không biết ai hack mình và tại sao mình bị hack: "(... Từ 2020 không có nhật ký ghi lại nên đang hơi khó tìm lại) Cân nhắc chủ động đưa ra nói rằng Đồng chí X xác nhận đúng đây là dữ liệu rò rỉ của cty đã nắm được cách đây hơn 1 năm, từ hành vi của nhân viên cũ [...] Cho các báo viết nhưng mình kiểm soát được." Xin hãy khoan nói về hành vi "cho các báo viết," hoặc bịa ra chuyện để đánh lận con đen (là lỗi 100% của con người). Một lỗi kỹ thuật không thể bỏ qua, gốc rễ ở vấn đề ở đây là đồng chí X không có nhật ký ghi lại chuyện gì đã diễn ra nên giờ mù tịt đành bịa chuyện ra để chữa thẹn. 
Vậy việc này liên quan gì đến chiếc xe? Một chiếc xe giờ là một cỗ máy khổng lồ, nó có nhiều máy tính hơn là bạn tưởng. Một chiếc xe hiện đại bình thường có ít nhất 80 cái máy tính - bộ điều khiển (ECUs) trong nó. Mỗi bộ điều khiển đó chứa hàng trăm nghìn dòng lệnh phức tạp. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy lỗi phần mềm ước tính là cứ 1000 dòng lệnh thì có 15-50 lỗi lớn nhỏ khác nhau. Vì vậy, việc xảy ra lỗi không thể nói là không có, tài thánh cũng không tránh khỏi có lỗi. Lỗi khó là những lỗi mà rất hiếm khi gặp, cả triệu km mới có một người gặp. Nhưng như lời Ông Cụ dặn là mỗi chiến sĩ đều phải phê bình và tự phê bình, chiếc chiến mã trên đường cũng phải tự biết phê bình khi có lỗi xảy ra. Khi phê bình thì phải biết viết bản kiểm điểm là nhật ký. Khi một người khách hàng đi phàn nàn về chuyện cái xe có cái lỗi này lúc này (ví dụ xi nhan không kêu), nếu phần mềm làm việc tốt, người thợ máy sửa sẽ lôi cái nhật ký của xe ra. Từ nhật ký đó, người thợ sẽ xác định được từ nhật ký những gì khách hàng nói là có chính xác không. Từ đó khi người thợ máy nói cho người làm phần mềm rằng có lỗi, người làm phần mềm sẽ cũng lấy nhật ký làm gốc để mà xác định mình làm sai ở đâu. Như đã nói ở trên, lỗi khó là những lỗi rất rất hiếm xảy ra, và xảy ra rất khó hiểu tại sao. Nếu như làm kiểu truyền thống xe không có nhật ký, chỉ ngồi đoán mò dựa theo triệu chứng của khách hàng mô tả thì xu hướng của nhà sản xuất sẽ không phải là thật sự cởi mở xem mình sai ở đâu, mà là đi bịa chuyện (hay đổ cho khách hàng bịa chuyện) để chữa thẹn như đồng chí X. Như vậy, một chiếc xe thông minh, có đủ bộ nhớ để ghi lại nhật ký để phê bình và tự phê bình là một điều rất tốt. Đó là bước tiến rất lớn để có những chiếc xe mà được hàng triệu triệu người dùng, đi hàng tỉ tỉ km mà không gặp những lỗi hiếm.
Một việc khác là sự chủ động sửa lỗi của nhà sản xuất khi gặp những lỗi hiếm này. Trước kia, khi có lỗi thì người sử dụng phải đưa đến nhà sản xuất, đại lý để họ cập nhật phần mềm của xe cho. Trước kia, các hãng xe bắt người tiêu dùng trả tiền để cập nhật phần mềm lỗi của họ -- vì việc này tốn thời gian, tốn công sức, tốn tiền của đại lý. Nếu như lỗi quá nguy hiểm, gây chết người thì toà án - luật pháp (ở Mỹ và các nước tân tiến) sẽ can thiệp và bắt nhà sản xuất triệu hồi xe về đại lý để thay thế bộ phận có lỗi. Vì thế các nhà sản xuất ít có động cơ để mà chủ động sửa các lỗi hiếm gặp, mà chỉ sửa những gì họ bắt buộc phải sửa. Việc này sẽ không còn là vấn đề của các xe thông minh vì nó được tự cập nhật theo chu trình của nhà sản xuất, tự động và nhanh gọn.
Một việc nữa là nếu làm đúng, các lỗi mà một chiếc xe thông minh gặp lỗi sẽ được cái xe thông báo lại với nhà sản xuất. Khi đó, nếu nhà sản xuất có một quy trình để theo dõi lỗi sẽ nhận ra mình có vấn đề nhỏ, trước khi vấn đề nhỏ trở thành vấn đề lớn hoặc tệ hơn là gây tai nạn. Việc này nhà sản xuất xe truyền thống nhiều khi không thể biết, vì nếu bạn chỉ đi phàn nàn với đại lý, hoặc phàn nàn trên Youtube hoặc bốt trên Facebook thì đó là cha chung không ai khóc. Đại lý họ bán được xe cho bạn rồi, họ nghe bạn phàn nàn tai nọ sang tai kia, chứ sẽ có ít thông tin chính xác để phản ánh lại được với nhà sản xuất và nhà phát triển phần mềm. Nhà sản xuất bán được xe rồi, họ cũng có ít lý do để bỏ công sức ra để chữa lỗi cho riêng mình bạn, vì các xe khác họ đâu có tự cập nhật được, nếu muốn cập nhật thì phải triệu hồi rất khổ. Mình quen một người bạn có một chiếc xe mua 30 ngàn đô, có lỗi làm không nghe được audiobook trong xe, lúc mua 3 năm trước thế nào giờ vẫn y nguyên như thế không ai sửa cho. Cũng may là ông ấy không post review trên Youtube không bị kiện vu khống là bỏ mẹ.
Còn một việc cuối cùng là nếu như khách hàng và nhà sản xuất không đồng ý với nhau về những chuyện đã xảy ra thì việc có nhật ký cũng là một điều tốt. Vì như thế ít ra sẽ có trọng tài là cái nhật ký xem khách hàng có nói đúng sự thật hay không - ví dụ, nếu khách hàng nói "bật máy là cần nước tự gạt" hay "bấm phanh không ăn" thì ít ra ta có thể kiểm chứng được họ có bật máy không hay họ đang đi với tốc độ nào. Những thông tin nhật ký này được ghi vào hộp đen của xe. Tuy nhiên, bạn có thể nghĩ rằng với một nhà sản xuất tự phê bình như thế ắt là họ có thể giả mạo thông tin của hộp đen. Có hai lý do họ không làm việc này, một - việc giả mạo thông tin của hộp đen không chỉ làm tổn hại vĩnh viễn đến uy tín của hãng, mà còn vi phạm luật pháp vô cùng nghiêm trọng. Thứ hai, thường khi có kiện tụng thì toà án có thể yêu cầu một bên độc lập và báo chí truy xuất và kiểm chứng các thông tin liên lạc, email nội bộ của hãng về vấn đề có thể liên quan đến vấn đề kiện tụng. Nên một hãng làm ăn nghiêm túc họ sẽ ít có khả năng đi giả mạo thông tin của nhật ký trong hộp đen của xe.
Như vậy mình chỉ nói những thứ sơ qua chấm phá như vậy cho các bạn thấy là không phải ai cũng làm xe thông minh để mà đi bắt lỗi khách hàng. Xe thông minh nếu làm nghiêm túc là một thứ rất có lợi cho khách hàng để có những chiếc xe an toàn, tiện nghi, có nhiều tính năng và ít lỗi hơn. Chỉ khi người ta lấy cái internet hay thông minh hay 4.0 để nói nhăng cuội nhằm bán được hàng, còn khi có lỗi là đổ tội cho thằng nhân viên 1 năm trước thì đấy mới là kẻ nên tránh. Nói thế để mọi người có được cách nhìn tốt hơn về xe thông minh, cũng là kết luận cho TED talk của mình. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.