Bạn có thể xem đầy đủ video tại đây, vì có một số câu nói trong video mình đã lược bỏ đi (nhưng yên tâm nhé, bạn có đầy đủ những gì bạn muốn biết trong bản dịch này).
Có ai trong số các chúng ta từng phải unfriend một (hoặc vài) người chúng ta trên facebook chỉ vì họ có những ý kiến bất đồng quan điểm, thậm chí phản cảm về tôn giáo, chính trị hoặc bất kỳ vấn đề nhỏ nhặt nào trong cuộc sống như cách chăm sóc con cái, thú cưng, thậm chí là cách ăn uống?
Có một lời khuyên kinh điển về cách trò chuyện lịch sự với người khác từ nhân vật Henry Higgins trong phim "My fair Lady" thế này: khi phải nói chuyện với người khác mà chẳng biết nói gì, hãy cứ bắt đầu từ chủ đề thời tiết và sức khỏe. Rồi từ từ chúng ta sẽ tìm được lối dẫn dắt vào một cuộc trò chuyện tử tế và thú vị hơn.
Cơ mà lời khuyên ấy đã trở nên quá lỗi thời trong thời đại ngày nay, khi mà chẳng ai quan tâm đến chuyện nắng mưa và các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe nữa (ở Việt Nam mà bắt chuyện kiểu đấy thì lại chẳng bị chê ‘nhạt’ ngay còn gì).
Ngày nay, mọi cuộc trò chuyện đều có tiềm năng biến thành một trận cãi vã, mọi vấn đề dù là nhỏ nhặt nhất cũng dễ dàng khơi lên tinh thần bất diệt của biết bao anh hùng bàn phím trên mạng; đây là thời đại mà một cá nhân rất dễ bị tấn công, và nếu họ phản bác lại các "giang cư mận" thì ngay lập tức tiến triển thành một trận võ mồm chẳng biết hồi kết.
Do đó, có một kỹ năng thực sự quan trọng cần được học, dù khi nghe đến tên, ai cũng cho rằng nó quá đơn giản để đem vào giảng dạy trong nhà trường: kĩ năng nói chuyện với người khác một cách trực tiếp (trực tiếp đó nhé, không phải kiểu giao tiếp qua màn hình điện thoại đâu).
Trung tâm nghiên cứu Pew Research tại Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu trên 10.000 người trưởng thành Hoa Kỳ và phát hiện ra rằng ngày nay con người dễ dàng bị phân cực và đối đầu thay vì hợp tác và thỏa hiệp với nhau hơn bao giờ hết.
Cũng có nghĩa là: chúng ta thực sự chẳng biết lắng nghe nhau. Tất cả những gì chúng ta quyết định làm (sống ở đâu, cưới ai, kết bạn với ai…) đều dựa trên những ý kiến cảm tính, chủ quan đến từ tư tưởng đã được hình thành sẵn qua những gì chúng ta tin trước đó.
Do đó chúng ta luôn đa nghi và ít thông cảm cho người khác, chẳng bao giờ thực sự lắng nghe ý kiến của nhau và thiếu kỹ năng phân tích vấn đề trầm trọng (thế nên chẳng biết đúng sai là gì).
Cũng dựa trên nghiên cứu của Trung tâm Pew Research, 1/3 thanh thiếu niên Hoa Kỳ gửi nhiều hơn một trăm tin nhắn một ngày, và hầu hết những cô cậu này đều thích nhắn tin để trò chuyện hơn là có một cuộc trò chuyện thực sự, mặt đối mặt. Và thanh thiếu niên Việt Nam thì cũng y chang có khác gì đâu.
Có một đoạn rất hay trong bài báo được viết bởi một giáo viên trung học tên Paul Barnwell đăng tải trên tạp chí The Atlantic: khi ông muốn dạy học trò của mình cách trình bày một vấn đề cụ thể mà không sử dụng giấy ghi chú, ông đã đưa cho chúng một dự án để làm chung.
Sau đó, ông nhận ra rằng năng lực giao tiếp, trò chuyện chính là kỹ năng mà chúng ta đã bỏ qua nhiều nhất trong việc giảng dạy. Bởi vì lũ trẻ của ông chỉ biết trao đổi ý tưởng với nhau qua màn hình điện thoại mà hiếm khi tạo cho mình cơ hội để nâng cao năng lực trình bày vấn đề trực diện với đồng đội (để tránh phiền hà chăng?).
Điều này nghe có vẻ buồn cười, nhưng chúng ta cần phải thừa nhận rằng: không có kỹ năng nào quan trọng hơn việc duy trì được một cuộc trò chuyện mạch lạc và tự tin trực tiếp với người đối diện trong thế kỉ 21 – kỷ nguyên kĩ thuật số, hay như tôi thường định nghĩa – kỷ nguyên ‘screen’ (màn hình), vì mọi thứ đều được thực hiện thông qua một màn hình nho nhỏ hiện những lệnh bấm quyết định đơn giản và nhanh chóng.
Tác giả buổi thuyết trình – Celeste Headlee – là người ‘kiếm sống bằng việc trò chuyện’ (make my living talking to people). Cô ấy đã nói chuyện với đủ thể loại người: từ tác giả Nobel, tài xế xe tải, nhà triệu phú, giáo viên mẫu giáo, thậm chí thợ sửa ống nước… Có những người cô ấy thích và cả không thích, nhưng cô ấy vẫn luôn có những kĩ năng để duy trì cuộc trò chuyện của mình tốt nhất có thể.
Có một vài kĩ năng mà có lẽ chúng ta đã nghe tới mòn lỗ tai (còn thực hành hay chưa thì…tùy):
- nhìn thẳng vào mắt đối phương khi trò chuyện;
- nghĩ về những chủ đề hay ho để cùng thảo luận;
- chăm chú nhìn đối phương, gật đầu và cười để ra vẻ như chúng ta đang rất quan tâm tới những gì họ nói;
- lặp lại những gì họ vừa nói và cố gắng tóm tắt nó như thể chúng ta đã nghe cả câu chuyện và hiểu hết mọi sự.
Vân vân và mây mây.
Nhưng Headlee muốn chúng ta quên hết nó đi vì tất cả đều là tào lao (It is crap).
Nên nhớ một điều rằng: ai cũng có khả năng tạo ra một cuộc trò chuyện vô cùng thú vị và truyền cảm hứng cũng như kết nối chặt chẽ với đối phương. Chỉ là chúng ta chưa biết cách mà thôi.
Thế nên, Headlee muốn chia sẻ với chúng ta 10 cách hữu ích để tạo được một cuộc trò chuyện tử tế và ý nghĩa, không lãng phí thời gian, không cảm thấy nhàm chán, và nhất là không xúc phạm người khác, giúp cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, hoặc ít nhất không làm nó xấu đi.
10 cách nghe có vẻ nhiều, nhưng thực tế chỉ cần chúng ta chọn ra một phương pháp và cố gắng thực hành nhuần nhuyễn nó (master it), chúng ta thực sự đã trở thành một người trò chuyện tốt hơn rồi đó.
1. Dừng đa nhiệm.
Tôi hiểu vì sao lời khuyên này được đưa lên đầu tiên. Trong một thời đại mà điện thoại dường như là nguồn sống của mỗi người, việc có được một cuộc trò chuyện trọn vẹn với người khác dường như quá khó khăn khi chúng ta liên tục bị làm cho phân tâm vì những tiếng ting ting trên điện thoại báo tin nhắn mess, zalo, momo, instagram, tiktok và đủ thứ trò khác.
Chúng ta không thực sự chú tâm vào những gì người khác nói. Chúng ta tưởng rằng mình có thể làm được nhiều việc cùng một lúc: tai nghe họ nói, mắt nhìn điện thoại, đầu óc thì điều gì thú vị hơn sẽ tập trung vào.
Muốn chứng kiến điều này chứ? Chỉ cần ra một quán cà phê, chú ý quan sát là chúng ta sẽ bắt gặp vô số hội nhóm rủ nhau đi chung nhưng chẳng nói gì với nhau, vì mỗi người còn đang mải dán mắt vô điện thoại của mình.
Làm ơn đi, hãy sống cho thực tại – be present, be in that moment. Đừng vừa trò chuyện vừa nghĩ đến trận cãi vã vừa rồi với sếp, hay nghĩ đến món ăn mà chúng ta dự định nấu cho bữa tối, hay theo dõi tin tức trên điện thoại. Ôi không, nếu muốn nghĩ đến chúng, hãy ‘ra khỏi cuộc trò chuyện đi’ – 'get out of the conversation’.
2. Đừng giáo điều, phô trương.
Nếu chúng ta muốn bất kỳ lời gì mình nói ra sẽ không có lời phản hồi, tranh cãi hay bị chà đạp, hãy viết blog đi – nơi riêng tư nhất mà chúng ta có thể có trên mạng đấy :D
Chúng ta cần hình thành một tư tưởng tốt đẹp về mọi cuộc trò chuyện: rằng chúng ta sẽ luôn học được một điều gì đó từ người khác (hãy có tinh thần khiêm nhường lắng nghe để học hỏi).
Nhà trị liệu nổi tiếng M. Scott Peck từng nói rằng: người biết lắng nghe thực sự là người biết đặt bản thân sang một bên khi trò chuyện, đặt ý kiến cá nhân, cái tôi của bản thân qua một bên khi lắng nghe người khác nói. Vì mỗi người một ý thì có mà cãi nhau to.
Nếu chúng ta làm được điều này, chúng ta dễ dàng khiến cho đối phương thổ lộ nhiều thứ từ sâu bên trong tâm hồn họ, và qua đó chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được họ hơn.
Nhà khoa học Bill Nye từng nói: “Everyone you will ever meet knows something that you don’t” (Bất kỳ ai chúng ta gặp cũng đều biết thứ gì đó mà chúng ta không biết”). Cho dễ hiểu hơn thì: Tất cả mọi người đều là chuyên gia trong một lĩnh vực gì đó. Thế nên, khi nói chuyện với ai đó, chúng ta hoàn toàn có thể học được một thứ gì đó mới mẻ từ họ.
3. Hãy dùng câu hỏi mở.
Hãy bắt đầu câu hỏi của mình với các mẫu câu hỏi ‘Ai?’, ‘Cái gì?’, ‘Ở đâu?’, ‘Khi nào?’, ‘Tại sao?’ hoặc ‘Bằng cách nào?’.
Đừng hỏi mấy câu chung chung dạng Yes-No vì người nghe sẽ trả lời chúng ta Yes hoặc No và thế là hết chuyện.
Hãy để họ mô tả về cái Yes hoặc No đó của họ.
Ví dụ: Thay vì hỏi “Mày có sợ phải làm việc đó không?”, hãy hỏi họ “Sao mày sợ?”; “Mày thấy việc đó thế nào?”; “Việc đó đáng sợ thế nào?”… Vì những câu hỏi thế này sẽ phải khiến họ dừng lại đôi chút và nghĩ về đáp án, thế nên sau đó chúng ta sẽ có thể nhận được những phản hồi hay ho thú vị hơn (bớt ‘nhạt’ đáng kể).
4. Trôi theo dòng chảy.
Cái gì trôi theo dòng chảy?
Đó chính là những suy nghĩ bộc phát của chúng ta khi đang nghe người ta trò chuyện.
Bạn có biết điều ngu ngốc nhất trong một cuộc giao tiếp là gì không? Đó là hỏi lại những gì mà người ta đã nói. Có thể khi họ nói câu đó, chúng ta đang mải miết trôi theo những dòng chảy suy nghĩ miên man trong đầu mất rồi.
Do đó, có thể có những câu chuyện, những ý tưởng…sẽ đến bất chợt khi chúng ta đang trong vai trò một người nghe. Nhưng cứ để chúng đến, và quan trọng nhất, là cứ để chúng đi đi. Việc gì ra việc nấy. Đang nghe mà cứ phân tích rồi hồi tưởng đủ thứ trong đầu thì những gì chúng ta thốt ra sau đó có khả năng cao trở nên vô nghĩa và đần độn vô cùng.
5. Nếu không biết thì cứ nói không biết.
Hãy cứ tưởng tượng rằng mình đang được ghi hình đi ha. Những người biết mình đang ghi hình luôn có xu hướng cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói. Họ chỉ nói những gì họ thực sự biết và chắc chắn về nó chứ không nói linh tinh, không khéo thì bị "giang cư mận" đả kích tấn công thì mất mấy đêm không ngủ lại khổ.
Thế nên, ‘Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ’ – một câu trích dẫn Kinh Thánh hay ho đủ để chúng ta hiểu mình cần làm gì rồi đúng chứ?
6. Đừng đánh đồng trải nghiệm của mình cũng giống như của mọi người.
Khi người ta tâm sự với chúng ta về một người thân vừa qua đời, đừng ngay lập tức nói về lúc chúng ta cũng mất người thân và chúng ta đã vượt qua nó thế nào. Khi người ta than thở với chúng ta về ông sếp khó tính suốt ngày la mắng nhân viên, đừng ngay lập tức cho rằng đó là việc nhỏ nhặt chả cần để tâm vì chúng ta cũng từng trải qua như thế.
Chung quy lại là nói về bản thân mình ít đi. Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, mang tính cá nhân, đừng tỏ vẻ dạy đời vì chúng ta đã trải qua điều đó và nhất là đừng đem câu chuyện trong quá khứ của chúng ta ra để nói với họ. Đừng tận dụng thời gian đó để chứng minh bản thân mình xuất sắc ra sao, biết cách vượt qua những nỗi buồn và mất mát như thế nào … Lố bịch! Những cuộc trò chuyện không phải là dịp quảng cáo bản thân đâu nhé!
7. Đừng cố lặp lại những gì mình có.
Làm thế là khinh thường người khác, và cũng nhàm chán vô cùng. Mỗi khi có một ý hay ho cần khoe ra, cần chỉ ra cho đối phương thấy, tìm cách để nói một lần rồi thôi, chứ cứ nhai lại mãi thì nhạt nhẽo vô cùng.
8. Hãy bỏ qua những điều không quan trọng.
Thực tế chẳng ai quan tâm đến các loại tên tuổi, các loại số má, các buổi hẹn hò và ti tỉ những chi tiết nhỏ nhặt khác trong cuộc đời của chúng ta đâu. Tất cả những gì họ quan tâm là chúng ta thôi. Họ quan tâm chúng ta như thế nào, chúng ta ra sao. Thế nên, quên ba cái chi tiết nhỏ nhặt đi nhé. Cơ mà có người nào suốt ngày hỏi chúng ta về những chi tiết ấy thì cũng…quên họ luôn đi cho xong. Dòng thứ tiểu nhân ấy mà.
9. Hãy lắng nghe.
Và đây là điều quan trọng nhất. Chúng ta nên tập trung phát triển kĩ năng quan trọng này.
Đức Phật từng nói rằng: Nếu miệng chúng ta mở, chúng ta đang không học (If your mouth is open, you’re not learning). Nghĩa là nếu chỉ biết nói, chúng ta chẳng học được gì. Mọi thứ ta học và trau dồi đều đến từ việc nghe.
Cơ mà vì sao chúng ta thường không lắng nghe người khác?
Thứ nhất, chúng ta thích nói hơn. Khi nói, ta được tự do, ta làm chủ vấn đề, ta không phải nghe bất cứ thứ gì ta không thích. Ta là trung tâm của sự chú ý. Ta có thể khẳng định bản thân.
Thứ hai, chúng ta bị phân tâm. Trung bình một người nói khoảng 225 từ một phút, nhưng chúng ta có thể lắng nghe khoảng 500 từ một phút. Thế nên 275 từ còn lại, chúng ta lấp đầy tâm trí bằng những câu chuyện khác. Thực sự là chúng ta luôn cần nỗ lực và năng lượng để tập trung lắng nghe những gì người khác nói. Nhưng nếu chúng ta không làm được, chúng ta chẳng bao giờ có được một cuộc trò chuyện ý nghĩa và đầy đủ.
Stephen Covey từng nói một câu rất hay: Chúng ta thường lắng nghe với mục đích để phản hồi lại mà thôi, chứ không lắng nghe vì mục đích cao cả hơn – đó là thấu hiểu.
10. Hãy nói ngắn gọn.
Headlee trích dẫn một câu nói vô cùng hài hước và hay ho từ em gái của mình, một câu nói khiến cả khán phòng cười ồ:
Một cuộc trò chuyện tốt giống như một chiếc váy ngắn; đủ ngắn để thu hút sự quan tâm, nhưng đủ dài để che đi thứ cần che (và ai cũng hiểu là thứ gì).
Hãy để người khác tự quan tâm đến chúng ta, không cần phải khoe khoang dài dòng. Giữ cho miệng đóng lại, còn tâm trí thì mở mang. Ai trong chúng ta cũng có những điều tuyệt vời mà không cần phải bộc lộ. Cứ là chính mình, phát triển bản thân theo cách tốt nhất. Hãy tốt đến mức người khác phải truyền tai nhau về những điều tốt đẹp ấy của chúng ta với sự nể phục, và chúng ta cũng chẳng mang tiếng khoe khoang kệch cỡm làm gì.
Hãy cứ im lặng, chinh phục các mục tiêu và sẵn sàng để được tung hô vì những điều tuyệt vời mình tạo ra nhé.