Lần đầu tôi biết đến Goodreads tầm cuối năm 2017, đầu năm 2018 nhờ đọc cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của Rossie Nguyễn – một đầu sách từng gây nhiều tranh cãi thời điểm đó. Tò mò về trang này nên tôi có tìm hiểu và ai ngờ cũng nghiện ngập một chút nếu không muốn nói là nhiều chút về một trang mạng xã hội thú vị.
Goodreads là một mạng xã hội về sách có lượng người dùng đông đảo khắp thế giới với đa dạng tính năng nhưng ở Việt Nam nó vẫn chưa được sử dụng nhiều cho lắm. Tuy nhiên, đối với những người yêu việc đọc thì trang này thực chất không xa lạ gì. Cùng tìm hiểu sơ qua về trang này nhé, còn nếu bạn master goodreads rồi thì vào trao đổi suy nghĩ xem có thấy hữu ích không nhé.
1. Goodreads là cái gì?
Đây là một mạng xã hội về sách, người dùng có thể chia sẻ sách đã đọc, review và đánh giá về những quyển sách ĐÃ XUẤT BẢN trên thế giới và ở Việt Nam. Tại đây người dùng có thể giới thiệu, kết nối với những người cùng sở thích, tác giả hoặc nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới. Mọi người đều bình đẳng trong việc cho điểm hoặc đánh giá các tác phẩm hay tham gia các hội nhóm cùng gu hoặc tham gia bình chọn cho top Sách trong tháng hay cả một năm theo chủ đề.
2. Dùng để làm gì?
Mạng xã hội thì tất nhiên để lướt thôi, nhưng cụ thể hơn thì có thể:
- Tham khảo trước khi mua hoặc định đọc một quyển sách mới: thay vì lên tiki xem nhận xét của những người từng mua hay lên facebook xin ý kiến trong nhóm đọc nào đó thì bạn có thể xem điểm trung bình đánh giá trên Goodreads hoặc bình luận chấm điểm nói chung của tất cả mọi người trên thế giới, ở đây có lợi thế về số người đọc nên tổng số ý kiến và điểm trung bình cũng cao hơn so với ở các platform khác. Không dám nói là khách quan hơn, nhưng có thể nói là đa dạng góc nhìn hơn nhiều.
- Để đọc tốt hơn, nhiều hơn và hữu ích hơn nhờ tiết kiệm thời gian tìm kiếm cũng như lựa chọn một cuốn sách từ kinh nghiệm của số đông, tất nhiên là cũng không thể tin vào kinh nghiệm của người khác thay bản thân, nhưng với một cuốn sách được chấm điểm trung bình kém thì ví dụ lỡ ta có đọc phải cũng không thấy thất vọng mà ít nhất đã được cảnh báo trước. Hoặc giả nếu nó hay thì hi vọng bạn sẽ cho em nó một cơ hội bằng bình luận của bản thân, giúp ích cho người khác cũng biết đến (hoặc nên tránh) tác phẩm đó.
3. Goodreads có tính năng gì hay ho?
Ngoài các lợi ích kể trên thì Goodreads vẫn còn nhiều điều thú vị khác có thể kể đến như:
– Phân loại thể loại, gợi ý đầu sách dựa vào sở thích và những quyển sách bạn đã đọc, tạp ra nhiều “giá sách” thú vị cho riêng bạn hay cuối mỗi năm dương lịch thì bình chọn ra cuốn sách thú vị/được yêu thích nhất.
Dựa vào lịch sử đọc của bạn, nó còn lập hẳn 1 bảng năm phát hành sách những cuốn bạn đã đọc để xây một bảng Data cho riêng bạn. Nghe thú vị phết chứ?
Ngoài ra, tính năng tôi thích nhất ở đây là reading challenge. Đầu năm mới (hoặc bất kì thời điểm nào bạn thích), bạn hãy lựa chọn mục tiêu về số lượng sách bạn muốn chinh phục trong năm đó và Goodreads sẽ giúp bạn theo dõi cũng như tổng kết vào cuối năm cho bạn. Tính năng này có thể đếm số sách sau khi bạn đọc xong và báo cho bạn đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm (%) của thử thách cũng như lọc ra những thể loại bạn thường xuyên đọc nhất hay mấy cái linh tinh như số trang sách bạn đã đọc năm vừa rồi, quyển dài nhất bạn đã đọc là gì, ngắn nhất là gì, trung bình đọc hết bao nhiêu lâu,…
4. Có gì thú vị hơn không?
Kết nối và kết nối.
Một số tác giả (còn sống) nổi tiếng thường có tài khoản trên Goodreads và thường xuyên giao lưu với độc giả qua những bình luận, trao đổi hay bài viết. Đôi khi chỉ là giới thiệu các tác phẩm mới của họ hoặc share link Amazon gì đó, tùy mục tiêu truyền thông của từng ông bà.
Bạn cũng có thể làm quen với bạn bè bốn phương qua các nhóm đọc về đủ thể loại hoặc từ chính những bình luận cùng ý kiến hoặc khác ý kiến của bạn. Những điều này đều phụ thuộc hoàn toàn vào mong muốn của bạn.
Về mặt cá nhân thì tôi đã sử dụng mạng xã hội này 5 6 năm gì đó rồi, dùng chủ yếu để note các quyển đã đọc, ghi chú, kiểm soát số lượng đã đọc hay chia sẻ một số ý kiến. Tôi không nghĩ nó quá tuyệt đâu nhưng nó hữu ích phết, và dùng loại này thì không sợ gây nghiện như Facebook hay tiktok vì đến cuối cùng thì bạn vẫn phải quay lại với cuốn sách của bạn thôi.
Mặt khác thì tôi nghĩ nếu ai quan tâm hẳn cũng biết đến trang này lâu rồi, nhưng dành cho ai chưa biết thì thêm một bài giới thiệu hẳn cũng không thừa.
Chúc mọi người đọc sách vui.