"TẤT CẢ LỖI TẠI MÌNH"
Bạn đã bao giờ tự hỏi, bạn sẽ phản ứng thế nào khi một sự việc không mong đợi xảy đến? Kiểu như làm bài được điểm thấp, đi trễ bị trừ...
Bạn đã bao giờ tự hỏi, bạn sẽ phản ứng thế nào khi một sự việc không mong đợi xảy đến? Kiểu như làm bài được điểm thấp, đi trễ bị trừ lương, bị người yêu cắm sừng,...
Bạn sẽ có xu hướng đổ lỗi? (Tại bà giám thị coi chặt, tại thời tiết nắng mưa, tại thằng kia mất dạy,...).Hay bạn sẽ chủ động nhận tất cả trách nhiệm về mình?
---
Hôm trước mình có thấy một đứa trẻ ngã trước cổng nhà mình, nó khóc toáng lên rồi mẹ nó đến và nói: Con xin lỗi viên gạch chưa.Mình kiểu… ầu wow=)). Vì mình thấy phần lớn phụ huynh thường sẽ đến đánh chừa viên gạch để dỗ trẻ nín khóc. Chắc do bố mẹ nào cũng thương xót đứa con của mình thôi. Và cũng vì chữ "thương" nên khi con nghịch láo với người khác thì phụ huynh hay bênh "Con nít nó biết cái gì đâu"... , đi học đánh bạn, ăn cắp đồ thì bảo "Cháu nó ở nhà ngoan lắm"...
Và cứ như thế mỗi ngày đứa con nó càng ỉ lại vì nó nghĩ nó bé nó không biết cái gì, nó luôn có cớ để viện lý do cho cái lỗi lầm của mình và cái tâm lý được bao bọc sinh ra đổ thừa cho ngoại cảnh. Coi bản thân mình luôn đúng, là số một, là siêu sao nhưng tại vì cái này cái kia nên mới phải chịu khổ.
---
Có lẽ ai trong số chúng ta cũng đã hoặc vẫn đang có tâm lý đổ thừa luôn ấy=)). Vì việc làm này có thể tạo ra sự giải thoát tức thời khỏi nỗi thống khổ. Là cách dễ dàng để thoái thác trách nhiệm, giúp chúng ta bảo vệ được hình ảnh cá nhân, không bị xấu hổ, giúp chúng ta thỏa mãn cảm xúc hơn, giải phóng được sự đau đớn, buồn phiền, giận dữ hay nỗi lo lắng, tội lỗi, rồi giảm áp lực căng thẳng hơn,...
Đấy là cái được. Thế còn cái mất thì sao?
Là một cái nhìn tiêu cực về xã hội nơi mà mình tốt mà mọi thứ sao cứ tệ với mình mãi vậy, sao lòng người tàn nhẫn ích kỷ xấu xa quá vậy.
Là bản thân cuối cùng vẫn chẳng được thanh thản trong lòng vì vấn đề vẫn còn ở đó mà chưa diệt được tận gốc, là tham sân si ngày càng chồng chất, sự hiểu biết của bản thân dậm chân tại chỗ, định kiến trong đầu ngày càng nặng nề hơn…
Bởi vì cái sai của mình mình còn không nhận ra hoặc có nhận ra thì cũng cách đổ lỗi cho người khác thì khó mà tiến bộ được lắm…
Bạn thuyết phục bản thân mọi chuyện là do lỗi của người khác hay lỗi do hoàn cảnh, nhưng cuối cùng, sâu trong thâm tâm, bạn tự biết mình đang nói dối.
---
Nếu bạn để ý thì việc đổ lỗi diễn ra hàng ngày hàng giờ luôn=)).
"Công việc bận quá nên không có thời gian tập thể dục".
"Đường tắc nên tao đi trễ".
"Trời mưa nên tao mới không giặt đồ".
"Tao thông minh mà tại tao lười thôi… Tao mà chăm chỉ thì làm bộ trưởng bộ giáo dục rồi".
"Bố mẹ mà đầu tư cho tao thì tao giờ đâu phải khổ".
"Tao hút thuốc tại bị bạn bè lôi kéo thôi".
"Tao hư tại bị người yêu dụ dỗ".
"Tao sinh ra trong gia đình giàu thì tao đang làm CEO rồi".
"Nhà trường định hướng kỹ hơn thì tao đã chọn đúng ngành rồi".
Vậy, có chắc là nếu có thời gian thì bạn sẽ đi tập thể dục không? Có chắc đường không tắc thì bạn sẽ không đi trễ không? Có chắc được bố mẹ đầu tư mà bạn học giỏi không? Chắc không?:))
---
Mình cũng không để ý cái này quá nhiều vì nó dường như đã được hình thành thói quen ngay từ bé.
Nhưng sau thì mình thấy việc đổ lỗi gây ra nhiều hậu quả xấu quá nên mình mới học cách "Đổ lỗi tất cả là do mình".
"Tất cả" luôn nhé.
Nghe khá điên đúng không.
Ở đây, đổ lỗi hết cho chính mình không hẳn tất cả lỗi đều do mình gây ra.
Đây chỉ là cách để bản thân mình có thể kiểm soát được cảm xúc tốt hơn, giảm khả năng bị ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực từ người khác hay từ những việc không may xảy ra, học cách là người có trách nhiệm hơn, biết nhìn nhận sâu vào một vấn đề và học được rất nhiều từ tất cả những con người xấu, sự việc xấu và những lần thất bại.
Đổ lỗi hết cho chính mình để chỉ tập trung vào thứ duy nhất mình "có thể kiểm soát được", đó là "chính bản thân". Còn tất cả mọi thứ xung quanh mình "không thể kiểm soát được", mình không kỳ vọng. Không kỳ vọng thì không thất vọng=)).
Mình muốn thay đổi mọi thứ xung quanh thì có lẽ cách duy nhất là mình tự thay đổi chính mình thôi.
Mình ví dụ như này nhé.
Thay vì suốt ngày tỏ vẻ ngán ngẩm việc bố mẹ không hiểu mình, cứ ép mình làm cái này cái kia, không cho mình tự quyết định lựa chọn mọi việc, thì mình sẽ nhận đó là lỗi của mình chưa biết kết nối sâu với bố mẹ, chưa biết cách khiến cho bố mẹ tin tưởng vào khả năng của bản thân, lỗi do mình còn chưa thực sự hiểu nỗi niềm của bố mẹ…
Từ đó thì mình học cách giao tiếp với bố mẹ tốt hơn để hiểu sâu hơn tại sao bố mẹ lại có những suy nghĩ là hành động như vậy. Nếu bố mẹ không tin tưởng vào khả năng của mình thì mình chứng minh bằng việc chăm chỉ cố gắng nỗ lực hay tạo ra nhiều kết quả tốt đẹp. Như vậy bản thân mình tự nhiên học hỏi và phát triển được thêm nhiều thứ hơn. Vì để chứng minh cho bố mẹ thấy mà=)). Mình sẽ biết cách kiên trì, nhẫn nhịn, không còn có cái nhìn tiêu cực về bố mẹ nữa, không biết giận dỗi hay trách móc bố mẹ nữa…
Một ví dụ khác.
Mình là đứa ghét ai hay có kiểu im lặng hoặc hay để mình phải chờ đợi. Tại tính mình khá thẳng thắn thích rõ ràng nên mình muốn ai có chuyện gì không hài lòng thì có thể nói cho mình biết và mình cũng rất thoải mái lắng nghe, chứ cứ im lặng để bụng thì mình cảm thấy khó chịu lắm.
Hay việc người khác trễ hẹn thì mình không trách, bảo mình chờ 1-2-5 tiếng cũng được chỉ cần báo cho mình biết trước thôi, chứ đừng cứ bảo "Tao sắp đến rồi" xong cả tiếng trời vẫn chưa thấy đâu làm mình cứ phải ngóng chờ, lỡ nhiều việc khác rồi rất làm mất thời gian của mình.
Ngày trước gặp những chuyện trên thì mình sẽ than trời trách đất tại sao lại sinh ra những con người như vậy=)). Đầu mình sẽ nổ tung lên vì tức giận…
Nhưng giờ thì nếu việc đó xảy ra thì mình sẽ đổ lỗi cho mình luôn:)).
Đổ lỗi cho mình là chưa biết cách khiến người khác cảm thấy thoải mái khi tâm sự với mình hay lỗi tại mình chưa biết cách linh hoạt xoay chuyển tình thế.
Từ đó mình sẽ học cách làm sao để mọi người sẵn sàng nói ra nỗi lòng của họ, không ngại nói ra những việc họ không thích ở mình, điểm xấu của mình:v. Hoặc giờ mình đã có 1 list những hoạt động để tránh thời gian trôi vô nghĩa khi đang phải chờ đợi người khác hay khi bị bùng hẹn (đọc sách, học ngôn ngữ, đi hẹn với người khác luôn=)),...).
Khi mình nắm thế chủ động trong mọi việc thì tâm trạng mình sẽ không còn buồn phiền vì bất kỳ ai khác hay chuyện gì khác bên ngoài nữa, mình sẽ bớt căng thẳng hơn rất nhiều...
Hay có rất nhiều sự việc xấu xảy ra như trời mưa, tắc đường khiến mình trễ giờ, đi grab mà bị ngã xe, người yêu cắm sừng,...
Thôi thì mình cứ nhận là do lỗi của mình hết đi. Biết trời mưa tắc đường thì mình phải đi sớm hơn 2 tiếng vậy. Đi grab bị ngã xe thì sau mình tự đi xe mình vậy, vì khi mình đã đi grab là chính mình đã giao phó sự an toàn cho họ rồi còn gì, mình đâu kiểm soát được. Người yêu cắm sừng thì…
---
Như mình nói ở trên đổ lỗi hết cho chính mình không hẳn tất cả lỗi đều do mình gây ra. Nên các bạn cũng nên lưu ý việc này không thì sẽ gây ra sự tự ti hay sự đau khổ không cần thiết. Kiểu như việc gì cũng thấy bản thân làm sai thì bạn sẽ thấy mình bị vô dụng, cảm thấy xấu hổ, mất niềm tin vào khả năng của mình và phát triển một tâm trạng thất bại. Vậy nên hãy coi việc đổ lỗi là một cách để mình cải thiện bản thân từ những sai lầm, từ những việc không như ý, chứ không phải để mình tuyệt vọng, tiêu cực rồi tự ti.
Và cũng không phải mình cổ xuý thêm cho những việc làm sai của người khác. Những việc người khác đổ lỗi xấu cho mình hay có những hành động không tốt, thiếu tôn trọng hay làm tổn hại đến mình thì mình cũng phải nhắc nhở, cần phải lên án hay phải tránh xa đi chứ.
Việc mình muốn nói đổ lỗi ở đây là để bản thân làm chủ được cuộc sống. Nghĩa là cuộc sống xấu hay đẹp, buồn hay vui, hạnh phúc hay bất hạnh đều là do mình hết nên mình sẽ phải là người kiểm soát và điều hướng nó, chứ không muốn bị phụ thuộc hay giao phó cho bất kì ai hay bất kì hoàn cảnh sự việc nào.
Việc tập trung vào bản thân trước nó dễ và tốt hơn là việc bạn cứ chăm chăm vào việc than trời trách đất, trách số phận, trách người này người kia.
Nó sẽ chẳng có gì thay đổi nếu chính bạn không thay đổi cả.
Theo mình thì không có sai người hay sai thời điểm bao giờ hết. Tất cả chúng ta đều sinh đúng vị trí và đúng thời điểm, mọi thứ xảy ra dù tốt hay xấu thì đều có lý do của nó và nó cần phải xảy ra.
Thay vì bảo tại công việc nhiều quá tao không có thời gian tập thể dục thì hãy bảo tao lười và cần phải biết sắp xếp công việc để có thời gian đi tập.
Bạn bè tính cách khác biệt không chơi được thì bạn hay đổ cho chính mình là không biết cách kết giao hay giao tiếp kém đi.
Người có tính cách nóng giận hay chửi mắng mình thì hãy đổ cho mình không biết cách chế ngự họ hay do mình không đủ khéo đi.
Tiếp xúc với những người cùng tính cách, cùng năng lượng, cùng tần số thì nó dễ lắm. Còn bạn có thể hoà hợp và ứng xử được với tất cả các kiểu người thì mới xịn=)).
"Xã hội đồi bại, bất công, lòng người tệ bạc".
Thôi, kệ đi, mình cứ trở thành người công bằng, không đồi bại và không tệ bạc trước đi đã.
Giáo dục Việt Nam dạy nhàm chán, toàn lý thuyết.
Thì thôi, mình thích thực hành thì tự mày mò, tự tìm kiếm cơ hội trải nghiệm thực tế đi.
Hay trong chuyện yêu đương. Không yêu nữa thì thôi đừng cố giữ hình ảnh hay an ủi bản thân bằng việc đem cái xấu của đối phương ra để đổ lỗi rồi kể khổ nữa. Bạn cứ đổ lỗi hết cho mình đi rồi mới thấy rõ được bản ngã và cái tham sân si của mình nó lớn cỡ nào. Kể cả là cái việc bạn tốt và yêu họ nhiều chưa chắc đã đúng với người ta đâu. Kiểu như bạn tốt và yêu họ mà quên không hỏi họ có cần không á.
---
Việc đổ lỗi cho chính mình, nói hay hơn là biết nhận trách nhiệm về mình, không phải chỉ nghĩ là sẽ làm được mà nó rất khó và cần nhiều thời gian để thành phản xạ. Thậm chí có khi phải mất cả đời.
Đến giờ thì mình vẫn cứ nhận hết tất cả lỗi về mình thôi:v. Vì đây là cách giúp bản thân mình dường như ít bị ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực từ bất kỳ ai khác hay điều gì xấu bất cập xảy đến. Và mình còn học được rất rất nhiều điều mới mẻ khác nữa, những điều tưởng chừng như đúng 100% nhưng cuối cùng vẫn sai lè lè=)).
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất