"Trẻ trâu" là gì ?

Mạng xã hội phát triển một cách chóng mặt. Ngày xưa chỉ mới cách đây khoảng 10 năm, 20 năm, thời mà các thiết bị thông minh vẫn chưa được phổ biến, giới trẻ bấy giờ chưa tiếp cận sớm với các nền tảng mxh. Các anh các chị cũng phải có thu nhập hoặc có điều kiện thì mới dễ dàng truy cập mxh như Facebook hay Yahoo. Các em nhỏ tuổi thiếu niên hay nhi đồng thì hẳn là ngầu lắm mới được chơi mấy thứ game trên "cục gạch". Còn thời đại bây giờ, bất cứ nền tảng mxh nào, không quá khó để bắt gặp các thanh thiếu niên, thậm chí là các bé thiếu nhi tuổi đời còn rất nhỏ nhưng lại có rất nhiều hoạt động trên các nền tảng mxh ấy. Bởi vì tuổi đời còn nhỏ, các bạn ấy chưa thể suy nghĩ được thấu đáo về hành động mà bản thân mình đang làm, hay nhận thức được hậu quả của nó. Với những hành động, phát ngôn gây tranh cãi, người ta gán cho những người trẻ bồng bột ấy cái danh "trẻ trâu". Tuy nhiên "trẻ trâu" không hẳn là danh từ chỉ người nhỏ tuổi. Nó phát triển và dùng để chỉ chung những kẻ có suy nghĩ, hành động như những đứa trẻ chưa lớn.

Các vấn đề gây tranh cãi được tạo ra bởi "trẻ trâu" ?

Luật pháp Việt Nam có quyền tự do ngôn luận. Và cũng không có luật nào cấm truy cập vào các nền tảng mxh. Facebook, Tik Tok, Twitter, ..., có rất nhiều nơi để mọi người thoải mái chia sẻ, viết, tạo ra các nội dung giải trí và cả các vấn đề. Bản thân mình thì hay lướt Facebook, coi Youtube, trước đây mình cũng lướt Tik Tok nhưng vì quá mất thời gian nên đã ngừng. Chính vì không ai có thể ngăn cấm việc sáng tạo hay đăng tải nội dung (miễn là nó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng) nên mỗi ngày luôn có những bài viết, video, hay comment gây ra những làn sóng tranh cãi. Chúng thường là những quan điểm của một cá nhân nào đó khiến nhiều người bất bình, phẫn nộ. Mình có thể nêu ra vài vấn đề mà mình bắt gặp trên mạng thời gian nghỉ dịch này. Đầu tiên là trên các nhóm về cộng đồng học sinh xuất hiện các bài viết cà khịa các thì sinh xét đại học bằng điểm học bạ. Các bài viết đó cho rằng xét học bạ là ... " hạ đẳng" và những con người ..."ngu dốt" mới đi xét học bạ. Rồi tiếp đến là các bài viết về việc điểm thi đại học không cao là những kẻ ..." thất bại ", phải được 28-29 điểm thì mới là giỏi (thì tất nhiên là giỏi thật). Rồi gần đây thì có các clip tik tok của các bạn nữ về việc các bạn nam phải thế nọ thế kia, đòi bình đẳng... (mình lười giải thích vì nó rầm rộ trên mạng mấy ngày nay chắc hẳn ai cũng biết). Mình không muốn bàn luận thêm về các vấn đề ấy nữa, ở đây, cái mình muốn nói đến là : " những người tạo ra những bài viết hay clip như thế, liệu rằng họ có nhận thức được việc mình đang làm hay không ? Liệu họ cố tình làm "trẻ trâu" hay họ thực sự là "trẻ trâu" ?". Tuy nhiên chắc chắn những người "trưởng thành" sẽ đánh giá những người viết, tạo ra nội dung gây tranh cãi là "trẻ trâu". Nhưng mình xin lưu ý một điều nho nhỏ, "vấn đề gây tranh cãi" mà mình đề cập đến ở đây là những vấn đề nhỏ về tầm ảnh hưởng, nó thường là quan điểm của cá nhân, không phải các vấn đề trọng đại của quốc gia, dân tộc, hay vũ trụ và nó thường có tính chất hài hước nữa (kiểu mình không hiểu tại sao người ta lại phát ngôn như vậy nữa, có khi họ đang tạo trò hề để mọi người cãi nhau chơi vậy thôi).

Vậy tại sao họ lại thích tạo nội dung gây tranh cãi ?

Như đã nói ở trên, mình tạm chia những người có hành động đăng tải các nội dung ấy thành 2 loại.
Loại 1 là "trẻ trâu" thực sự. Đó là những người chưa trưởng thành, họ chưa nhận thức được rõ ràng về chiều sâu của việc mình làm. Họ chưa hiểu được sự ảnh hưởng của câu nói ấy đối với người khác, chưa hiểu được nó gây sát thương như thế nào, thậm chí là chưa hiểu được tính logic của câu nói ("10 tỉ fan BTS chấp hết mấy thằng antifan"). Các 8x 9x hẳn vẫn nhớ về tuổi thơ, khi mà mấy thằng bạn chả có hiểu biết gì vẫn "gáy", "nổ" cho nhau nghe, và chúng ta khi nghe tụi nó nói cũng làm gì biết chính xác mà cãi lại hay bắt bẻ. Giống như việc dân số thế giới là bao nhiêu thì mãi đến lớp 10 mình mới biết. Thế nhưng thời ấy công nghệ chưa phổ biến, những câu "gáy" đó cũng chỉ là "gáy" cho nhau nghe, tôi nghe bạn nghe, bạn biết tôi xạo thì bạn cười tôi, tôi biết bạn biết tôi xạo thì tôi xấu hổ với bạn, hoặc không :)) . Còn thời đại nay, trẻ em ở nhiều lứa tuổi, từ tiểu học đến cấp 3, các bạn tiếp cận công nghệ rất dễ dàng, các bạn có thể "gáy" xuyên mxh. Bạn nói tôi nghe, mọi người đều nghe, tôi không biết bạn xạo nhưng hàng triệu người dùng khác thì biết, rồi họ chửi bạn xạo, chửi bạn "trẻ trâu". Có thể chúng ta, một giang cư mận rất bình thường đang lướt Tik Tok rất bình thường thì gặp 1 clip, trong clip là một cậu nhỏ nhìn rất "non", cậu ấy nói rằng : "mấy anh mấy chị lớn mà chưa có người yêu là dở rồi", sau đó một cô bé trạc tuổi xuất hiện và cậu bé khoác vai cô bé đó và nhạc nền giật giật nổi lên. Hẳn là nhiều người mà có lỡ gặp cái video mà mình tưởng tượng ra thì chắc là cay cú lắm dù cho có người yêu hay không. Mình chỉ tưởng tượng ra thôi nhưng cũng không khó để bắt gặp các nội dung tương tự. Các nhân vật chính trong các video như thế chắc hẳn không thể hiểu được cảm giác của những thanh niên FA. Họ chỉ thấy việc đăng video như thế rất "ngầu" và có được nhiều tương tác, có được sự nổi tiếng. Và hẳn là các bạn nhỏ ấy cũng không biết mình có nhiều tương tác để làm gì hay có được sự nổi tiếng như thế để làm gì. Họ làm thế đơn giản vì "ngầu". Trở lại câu chuyện của các thế hệ trước ngày bé, cái việc "gáy" với anh em mà tụi nó không biết đến chuyện ấy thì cũng hẳn là rất "ngầu", ai cũng từng cảm thấy thế thôi, thấy mình hiểu biết hơn người, thấy được anh em nể vì "kiến thức" của mình. Nhưng trong mắt người lớn, hành động ấy thật "nhảm nhí". Bản thân ta khi lớn lên, nhớ lại những câu chuyện mà mình với hội anh em tường bàn luận, hẳn cũng thấy nó thật "nhảm", "xàm", và "hề hước" nữa. Do đó, những nội dung mà các bạn thấy trên mxh của các bạn trẻ suy nghĩ còn chưa được thấu đáo cũng chỉ như những lời bàn luận của bạn với hội anh em ngày xưa thôi, chúng ta không nên quá khắt khe hay đôi co với những người đáng tuổi em, tuổi cháu. Đơn giản là "không chấp trẻ con". Ta có thể coi như đó là những clip giải trí, xem để cáu chơi thôi, không vấn đề gì cả bởi tụi nó còn nhỏ có biết gì đâu. Và vấn đề tại sao phụ huynh không kiểm soát con cái để chúng có thể phát ngôn như thế? Hay tại sao cha mẹ không giáo dục con họ về những ảnh hưởng của việc dùng mxh sớm ? Ở đây mình xin không bàn đến. Nó nằm ngoài tầm của bài viết nhỏ này.
Loại 2 mà mình muốn nói đến là những người "thích làm trẻ trâu". Họ là những người lớn, về mặt thể xác, có thể là cả tâm hồn cũng đã lớn nhưng lại có những hành động như một đứa trẻ. Họ biết cách "cứa lòng" người khác. Họ biết cách cà khịa nhưng lại cà khịa theo cách gây phẫn nộ. Mình thấy hai bài viết trên mạng có nội dung khá tương tự nhau nhưng cách trình bày lại khác nhau. Bài thứ nhất như sau:
Giữa trai đi Mec của mẹ mua và trai đi xe Wave tự mua thì mình sẽ chọn trai đi Mec màu xanh.
Bài thứ hai:
Con trai thời bây giờ mà lương có 10 củ một tháng thì đừng làm khổ con gái nhà người ta.
Trước hết mình không đi sâu vào bàn cãi gì về tính đúng sai nữa, nếu muốn bày tỏ quan điểm của bạn thì bạn có thể viết một bài viết riêng. Ở đây mình muốn chỉ ra là điểm giống nhau và khác nhau trong hai status như trên. Đầu tiên về nội dung, đọc qua là thấy nó đều nói về việc con gái thích trai giàu, đi Mec hay lương tháng mấy ngìn đô. Vậy điểm khác nhau là gì? Hãy nhìn giọng văn ở bài thứ nhất, đọc lên sẽ thấy chút hài hước, dù rằng chủ bài viết nói bạn ấy thích trai đi Mec hơn trai đi Wave. Còn bài thứ hai, chủ bài viết như đang chỉ trích những chàng trai có lương thấp, không xứng với con gái. Nếu đọc qua, những người bth sẽ thả "haha" ở bài viết thứ nhất và sẽ thả "phẫn nộ" ở bài thứ hai (các bạn có thể tự thử nghiệm nhé!). Qua hai bài viết trên ta thấy được người viết ra nó là "trẻ trâu" hay người "bình thường" (mình sẽ không nói là trưởng thành vì nó chưa đủ để gọi như thế). Cách mà "trẻ trâu" bày tỏ quan điểm sẽ nói lên đấy là "trẻ trâu", vì nghe qua sẽ thấy sự thiếu suy nghĩ trong các viết, cách nói, chưa nghĩ 10s trước khi làm, chưa uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, và chưa khởi động tay 5 lần trước khi gõ. Và những người muốn làm " trẻ trâu " cũng đơn giản là nói ra những điều mà người khác đọc xong nghe càng tức càng tốt. Không như loại 1 là "trẻ trâu" thực sự, những "trẻ trâu giả" này không vô tư mà "gáy", và cái họ muốn thực sự là "sự cay cú" của người khác. Tuy nhiên thì loại 2 cũng như loại 1 vì hẳn họ cũng không hiểu mục đích mình làm thế để được gì. Loại 1 vô tư gây tiếng cười, loại 2 cố tình gây sát thương. Bản thân mình chưa bao giờ có những phát ngôn tầm phào trên mạng nên mình không rõ làm như thế sẽ được gì. Có thể là hàng ngàn lượt phẫn nộ, hàng ngàn comment chửi rủa sẽ giúp người đó trong việc gì đó. Chẳng ai hiểu lý do họ gây tranh cãi, và chắc là cũng không muốn biết để làm gì.

Cách chúng ta tiếp nhận những nội dung ấy như thế nào ?

Trước hết mình muốn nói 2 điều. + Thứ nhất: Việc người khác nêu ra các quan điểm của họ trên mxh là quyền của họ dù đúng hay sai. Nó chẳng ảnh hưởng lớn đến bạn. + Thứ hai: Việc bạn thả phẫn nộ, comment chửi rủa hay cãi lại họ, nêu nhận định "đúng đắn" của bản thân chưa chắc đã ảnh hưởng đến họ, khiến họ nhận định lại vấn đề. Các câu nói ấy có thể đụng đến nỗi đau của bạn (như việc bạn nghèo hay FA), khiến bạn tự ti vào bản thân, khiến bạn trầm cảm. Không đâu! Tự bạn làm bạn thành ra như thế. Tự bạn thấy tủi thân, rồi trầm cảm. Rồi bạn comment chửi rủa, giáo dục lại họ như một cách an ủi, biện hộ cho bản thân thôi. Bạn có thể chọn cách mỉm cười, tự nhủ người ta giỏi thật ("bạn là nhất, tiêu chuẩn của bạn là nhất"), mình không thể hoặc chưa thể như thế (chưa có ngiu thôi chứ FA đâu ra ?). Cách bạn tiếp nhận vấn đề quan trọng hơn cách bạn xử lý nó. Bạn chỉ cần thấy nó hài hước rồi nhẹ nhàng thả "phẫn nộ", xong lướt đọc comment của các anh hùng bàn phím khác, như thế đủ để bạn thấy hả hê và không việc gì phải trầm cảm. Bạn chẳng cần phải nghiêm túc suy nghĩ về câu nói của người ta để làm gì cả. Bạn cũng chẳng cần phải lao vào phán xét họ (vì người khác làm hộ bạn rồi còn gì ). Túm cái quần lại, bạn không phải là "trẻ trâu", bạn không cần phải hiểu việc làm của "trẻ trâu", bạn chỉ cần xem nó như một hình thức giải trí, một nội dung "xàm" thường thấy trên mạng. Quan điểm của họ chứ không phải của bạn nên việc bạn cố chửi rủa họ trên comment là vô nghĩa (hoặc làm bạn hả hê thôi chứ cũng chẳng thay đổi được gì).

Lời kết

Mình cũng là một giang cư mận, cũng có những quan điểm của mình như tất cả mọi người, trên đây là cách mình nhìn nhận về những nội dung mang tính chất gây tranh cãi của một bộ phận giới trẻ. Và cách nhìn, góc nhìn của mình có thể không giống với mọi người. Mình chỉ muốn chia sẻ chút với mọi người. Mong bạn đọc bỏ qua những sai sót. Cảm ơn mọi người đã đọc !