Thực ra thì đúng ra tối nay mình còn nhiều việc phải làm nữa. Nhưng mà những lúc nhiều việc như vậy, mình lại hay cố tình “lười trong sự bận rộn”, cố tình không làm mà làm việc khác khiến mình cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn, ví dụ ngồi gõ phím viết linh tinh như vầy nè.
Chủ đề lần này mình chọn là chủ đề khá hot hiện tại, do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi mà nhiều gia đình hay cá nhân lao đao vì khó khăn, thiếu tiền. Quản lý tài chính cá nhân, thực ra mình chỉ biết đến nó cách đây chừng 6 năm, lúc bắt đầu đi du học Thạc sĩ ở Pháp. Vì trước đó mọi thứ với mình rất màu hồng, rất suôn sẻ, tiền mỗi tháng mẹ cho dư xài, nếu thiếu có lý do hợp lý thì báo mẹ gửi thêm, đi chơi cũng xin tiền, học thêm cũng xin tiền, mua vé máy bay mua quần áo cũng xin tiền… Nhưng đến lúc đi học, nhờ các bạn học cùng mình chỉ bảo, mình đã dần dần biết cách quản lý hơn, biết cách tiết kiệm để có tiền mua vé về nước. Nghĩa là từ lúc rời đại học, mình đã tự lo mọi chuyện không cần xin tiền ba mẹ nữa. Dần dần, theo thời gian, những khái niệm này đến với mình thông qua nhiều cuốn sách… Ví dụ Cha giàu cha nghèo, Người giàu có nhất thành Babylon… Nhưng cuốn sách mà mình đọc đi đọc lại nhiều nhất, vừa đọc vừa áp dụng, tới giờ vẫn còn đọc lại mỗi lần rảnh rỗi để thấm thêm… là cuốn “Thịnh vượng tài chính tuổi 30” của tác giả Ko Deukseong. Thực sự, đó là một cuốn sách khiến mình ám ảnh, một cuốn sách đã làm mình trưởng thành hơn rất nhiều, một cuốn sách đã biến mình từ đứa vô lo vô tư thành một người biết lo xa, biết nhìn thấu nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề quản lý tài chính. Vậy nên, đúng là chúng ta nên đọc sách, và tìm được một cuốn sách đúng gu và hợp với chúng ta, tự nhiên mọi thứ sẽ thay đổi một cách tuyệt diệu.
Nói sơ qua về tài chính bản thân, vốn dĩ 5 năm đại học mình chỉ học, và tiêu tiền gia đình, lâu lâu có học bổng thì lấy tiền đó mua vài thiết bị điện tử cho bản thân, hoặc báo mẹ tháng đó không cần gửi tiền, vậy là xong, nên mình không có tích luỹ gì. Có bạn hỏi sao không đi làm thêm, mình có muốn đi làm, và đã từng dạy kèm, nhưng mẹ không cho mình làm, vì sợ an toàn của bản thân và sợ mình ham làm không lo học, nên mình chỉ có học và học. Sau đó, khi đi học thạc sĩ, mình có học bổng, đủ trang trải chi tiêu và du lịch châu Âu theo kiểu bụi giá rẻ, và mua vé về nước. Rồi cách đây 5 năm, mình bắt đầu đi làm. Lúc đó, may mắn mình đã đọc cuốn Cha giàu cha nghèo, cộng thêm cái xe máy tay ga mẹ mua cho vẫn phải lo trả góp lại cho mẹ, nên mình luôn ý thức vấn đề phải tiết kiệm. Và cũng trong năm đầu tiên đi làm đó, mình tự mua cho mình một cây đàn piano, một laptop,… và sau chỉ 6 tháng mình quen một người và chuẩn bị kết hôn với người đó, hiện người đó là chồng và cha của con mình. Nên trong vòng có 1 năm từ lúc bắt đầu đi làm, mình đã phải cùng chồng mình để dành tiền để lo cho đám cưới, mua vé máy bay nhiều lượt (vì quê mình ở Đà Nẵng còn mình và chồng ở và làm việc ở TPHCM). Chồng mình lúc lấy mình cũng chẳng có gì trong tay, hai đứa cứ góp ít ít rồi cùng nhau đặt ra các kế hoạch để cùng thực hiện, vậy mà tới giờ, ngẫm lại cuối cùng cũng xong.
Có lẽ kế hoạch lớn nhất của vợ chồng mình đặt ra là kế hoạch mua nhà. Chắc tới điểm này thì phải kể chi tiết rồi. Cưới xong, hai vợ chồng bán 3 cây vàng được cho được khoảng hơn trăm triệu (giá vàng thời đó khoảng 35 triệu/cây), rồi cộng thêm tiền mừng cưới và tiết kiệm nữa thì được 300 triệu (vét sạch!!). Thực sự đó là một con số lớn với cặp vợ chồng trẻ mới đi làm một năm. Nhưng mình và chồng mình từ cách đó nửa năm đã nung nấu ý định mua nhà, vì lúc đó cưới xong vẫn ở nhà chồng cùng mẹ và em chồng mình. Mình hỏi mượn mẹ ruột mình, và mẹ ngỏ ý cho vợ chồng mình mượn 300 triệu, là tiền tiết kiệm mồ hôi xương máu của mẹ. Và sau đó, vợ chồng mình đã mượn anh rể bên chồng hơn 700 triệu nữa, để đủ tiền mua một căn hộ officetel nền có 30 m2 và có cái gác be bé. Mua nhà xong mình cũng phấn khởi khoe khắp nơi, nhưng sau khi khoe thì chỉ nhận lại cái lắc đầu và ngầm chê bai mua gì mà nhỏ vậy, nhỏ vậy sao ở. Dạ vâng, với tụi con thì nó không nhỏ đâu ạ, nợ một đống như vậy mà nhỏ thì cũng không biết nói sao, nhưng có cái ổ để chui ra chui vào là thấy vui rồi. Sau đó, mình và chồng mình phải mất thêm nửa năm nữa mới có tiền làm nội thất (gom góp tiền lương từng đồng từng cắc), và bắt đầu chinh phục con đường tài chính gia đình bằng cách cho thuê lại căn hộ đó. Lúc đó làm nội thất xong khá đẹp, có khách vào thuê được giá là 11 triệu/ tháng (nhưng phải trả 1 tháng cho môi giới, và giá này bao phí QL là bên mình phải trả, nên thực nhận chắc chỉ 9 triệu/ tháng). Mình còn nhớ chồng mình vui lắm, có nói một câu là một cái nhà mà được thêm một đầu lương nữa rồi. Rồi vợ chồng mình đi mua thêm các vật dụng còn thiếu, dùng thẻ visa quẹt cho đã, rồi sau đó lấy tiền cọc 2 tháng của người thuê cộng với tiền lương tháng sau để trả cho mấy vật dụng đó. Nói mới nhớ, lúc đó còn mượn thêm tiền của mẹ để làm nội thất nữa. Vậy mà cuối cùng cũng xong.
Rồi từ lúc mua nhà đến lúc trả hết nợ cho anh rể là hơn 3 năm, nghĩa là từ đầu năm này. Trong thời gian đó, lương chồng mình thì tăng, còn lương mình thì lúc tăng lúc giảm (vì mình đổi việc), có lúc còn không có (vì mình xin nghỉ không lương lúc có thai, nhưng thực ra mình lúc nào cũng có việc để làm thêm, dù không nhiều). Vậy nhưng cứ từng 1 triệu, 5 triệu, 10 triệu, tiền nhà cho thuê… cứ gom, cứ góp, cuối cùng cũng trả xong. Còn mẹ mình thì tặng vợ chồng mình luôn số tiền cho mượn đó, nói để cho cháu. Cuối cùng thì vợ chồng mình cũng hoàn thành được ngôi nhà mơ ước. Và hiện tại, căn đó vẫn đang cho thuê, còn vợ chồng mình thuê một căn khác rộng hơn, vị trí ok hơn và thích hợp hơn. Kể ra thì, cảm giác được tự chủ thật là thích.
Tiếp đến, sau kế hoạch căn nhà xong, thì lúc này hai vợ chồng đã có một baby gần 1 tuổi rồi. Mình đã tham khảo cuốn Thịnh vượng tài chính tuổi 30 để xác định các sản phẩm tài chính tiếp theo cho phù hợp, bao gồm:
- Các loại bảo hiểm nhân thọ, sức khoẻ, bệnh hiểm nghèo, tai nạn, ung thư….
- Các quỹ mở: cổ phiếu, trái phiếu,…
- Vàng
- Gửi TK ngân hàng
- Quỹ lương hưu cho mình
- Quỹ giáo dục cho con
Bởi giờ thì tiền còn dư không phải gom trả nợ nữa, mình đã đủng đỉnh góp nhặt từng chút từng chút vào từng loại hình sản phẩm.
Ví dụ:
- Để có quỹ giáo dục cho con mình mua Bảo hiểm giáo dục, nếu giữa đường mình có chuyện gì mình sẽ không cần phải đóng phí tiếp, còn con mình sẽ vẫn được trợ cấp tiền học phí hằng năm tới 18 tuổi, và sau đó từ 18 tới 22 tuổi sẽ nhận được một khoản quỹ giáo dục đủ để học đại học hoặc làm vốn khởi nghiệp.
- Rồi các loại hình bảo hiểm kia cũng vậy, có vấn đề gì đã có một khoản tiền hỗ trợ cho nó, nên mình sẽ yên tâm là tài chính gia đình không bị ảnh hưởng.
- Vàng và gửi TK ngân hàng là cách tiết kiệm khá truyền thống và an toàn, mình vẫn chọn cách này là chính, nhưng theo cuốn sách đó thì nếu theo thời gian, lãi suất sẽ quá thấp so với tình trạng trượt giá, nên có thể tiền tiết kiệm của mình sẽ bị mất giá trị.
Do đó, với các dự định lâu dài như xây dựng quỹ lương hưu, tiết kiệm về già thì mình sẽ chọn các loại quỹ mở đầu tư, thiên về cổ phiếu hơn trái phiếu, vì rủi ro cao sẽ đem lại lợi nhuận cao. Việc đầu tư lâu dài góp dần mỗi tháng một chút sẽ trung hoà rủi ro và thời gian dài sẽ đủ để đem lại lợi nhuận trung bình như kỳ vọng, nên mình đang dần dần chuyển tiền qua các quỹ này, dù vẫn đang chuyển một cách thận trọng từng bước một.
Và bên cạnh đó, mình vẫn tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm tài chính khác, giúp đa dạng hoá việc phân bổ tài sản, tránh rủi ro đúng theo quy tắc “không để trứng vào cùng một giỏ”. Dù hiện tại, số tiền mỗi sản phẩm tài chính của mình không lớn, nhưng đúng là cứ tiết kiệm và đầu tư đúng kỉ luật, thì cuộc sống sau này của mình sẽ càng tự chủ và tự do hơn. Sẽ hạn chế việc sự cố bất ngờ nào có thể lấy đi hạnh phúc mà mình đang có.
Nhìn lại, mới 5 năm trôi qua từ lúc mình đi làm thôi. Nhưng mình mỗi thứ cứ có một chút vậy: 1 chồng, 1 con, 1 nhà,… rồi các sản phẩm tài chính mỗi thứ lại một chút, và sẽ tiếp tục phát triển bền vững như vậy theo thời gian. Hy vọng thời gian và tỷ suất lợi nhuận các sản phẩm của mình chọn thật là ổn, để lãi suất – kì quan thứ 8 của nhân loại giúp mình đạt tới ước mơ tự do tài chính.