Trong trí nhớ của tôi, đôi khi việc thu nạp những kiến thức và dữ liệu thật không giống ai, rất tức thời và cảm tính. Lần ấy, vị giáo sư bước vào lớp, câu đầu tiên ông nói với chúng tôi là: “Thưa các chị, các anh…”. Chỉ bấy nhiêu thế thôi nhưng lại khiến cho tôi có một cảm xúc rất lạ. Mối thiện cảm đầu tiên đối với người thầy này bỗng nhiên được tăng lên rõ rệt. Tôi cảm thấy ở thầy toát ra một phong cách vô cùng lịch lãm và văn hoá. Nói đến đây, có lẽ nhiều người vẫn còn ngờ ngợ, chả hiểu vì sao, đơn giản chỉ vì thông thường người ta hay nói theo một “trật tự thế giới” cố định, thưa các anh rồi mới đến các chị chứ không phải thưa các chị, rồi mới đến các anh. Cú “đảo cực” nho nhỏ của thầy đã gây ấn tượng sâu sắc. Và điều đó khiến cho tôi nhớ mãi.
Nếu mở sách Quốc văn giáo khoa thư xuất bản từ đầu thế kỷ XX, chắc hẳn bạn sẽ thấy lạ bởi vì phần bài tập bao giờ cũng là “Các anh hãy cho biết…”. Nghĩa là chỉ có anh chứ không hề có chị. Rất đơn giản thôi, vì hồi đó con gái – một nửa của thế giới, hiếm khi được đi học. Lều chõng, đèn sách là chuyện của các đấng mày râu, nam tử hán đại trượng phu.
Hình ảnh người mẹ tần tảo mưu sinh cho cuộc sống thường nhật
Hình ảnh người mẹ tần tảo mưu sinh cho cuộc sống thường nhật
Cho đến ngày nay, trong các đề thi, kiểm tra, từ “chị” đã được xuất hiện nhưng “chị” vẫn thường đứng sau “Các anh”, hoặc nép ở trong dấu ngoặc đơn dù rằng trong lớp ấy có thể là phe chị em chiếm đa số đi chăng nữa.
“Bằng hiểu biết của mình, anh (chị) hãy chứng minh…”
Để có được sự bình đẳng về giới tính, loài người đã phải trải qua hàng chục năm nhận thức, tiến hoá và văn minh. Chiều nay, trên chiếc radio bé nhỏ ở góc bếp sau nhà, lại vang lên tiếng quảng cáo “Người đàn ông hãy chia sẻ với vợ công việc nhà” … Thỉnh thoảng, lại có những tổ chức quốc tế đến những vùng sâu vùng xa để thành lập những dự án lên tiếng kêu gọi chia sẻ về bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, tránh tảo hôn, tránh nạn xâm hại các bé gái vị thành niên, tránh bạo hành gia đình. Những dự án ấy còn là nơi lên tiếng kêu gọi chia sẻ với những nỗi vất vả của những người chị, người mẹ, người vợ mà đôi khi chính chúng ta là những người anh, người cha, người chồng trong gia đình, cậy cái quyền gọi là “trụ cột gia đình” mà quên đi hết ý nghĩa sâu sắc của nó.
"Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra."
Nếu các bạn vẫn còn lấy một tài sản to lớn, “một người mẹ”, hãy gượng nhẹ với mẹ ta để người ấy còn đưa ta ra tới bờ biển rộng lớn. Ai cũng sẽ chỉ có duy nhất một người mẹ trên đời.