Âm nhạc phụ họa bài viết
Cơn gió thổi trên dòng sông, mặt nước xáo động như đang ngân lên những giai buồn, da diết và bất tận. Ở cuối con sông là nơi vô cực xa thẳm, ở đầu con sông cũng là chốn khôn cùng. Tôi tự hỏi lòng và tự hỏi cuộc đời :
- Vậy đâu mới là điểm bắt đầu của con sông ? Đâu mới là nơi cuối cùng con sông chảy tới ? Liệu đến khi nào tôi mới biết được đây?
Không gian vắng lặng như tờ. Quán nước đầu đường của bác Ba cũng ế ẩm chẳng khá hơn là bao. Tôi nhìn vẻ mặt bác ấy và điệu quạt trong vô thức, bác đang chán nản công việc. Hàng lông mày nhíu lại, có vẻ như bác Ba đang suy tư điều gì đó. Bác cũng nhìn ra con sông như thể muốn nói gì với nó. Có lẽ, bác sẽ nói rằng :
- Sông ơi, nếu tao bỏ nghề này,  mày sẽ nhớ tao chứ ? Mày sẽ nhớ tao chứ? Sẽ không còn ai hát cho mày nghe nữa. Sẽ chẳng còn ai ngồi tâm sự với mày nữa.
Sẽ chẳng còn ai nữa. Chỉ còn tôi và bác mà thôi. Bác lấy cây đờn kìm cũ kĩ, dạo mấy khúc nhạc cho đỡ buồn, càng dạo lại càng buồn, và tôi với bác như thể không còn kìm được nước mắt. Đôi tay bác co ro, môi mím chặt, mắt rưng rưng như sắp khóc. Từng câu hát, có hồn và âm sắc thật lạ lùng.
- Hò ơi... Có duyên duyên nợ thở dài... Dù hai là một vẫn nhọc nhằn bậu ơi. 
Được một lúc, Bác quay qua nhìn tôi. Tôi cứ thế mà nhìn chú mãi, nhìn mãi cho đến khi chú cất lời :
- Hôm nay không đi bán sao ngồi hoài vậy con. Mày không đi bán thì hai anh em nhịn đói nữa nha !
Tôi cười, cười nhưng lòng buồn. Tiếng gõ lắc cắc của xe hàng xáo như thể đánh thức tôi khỏi cơn mê. Nỗi buồn lâng lâng và len lõi qua mạch máu, thấm đẫm trong tâm hồn cô đơn lạc loài. Mùi cà phê mới rang sức nức lúc chiều tà và tiếng hát buồn bã của bác Ba. Tất cả như hòa quyện vào nhau khi hoàng hôn xuống.
- Tao hỏi sao mày không trả lời.
Tiếng hát quen thuộc từ máy cát-xét đặt trên kệ tủ, nơi mọi người ngày xưa vẫn thường tụ tập để nghe tin tức thời sự, nay chỉ còn tôi và bác ngồi nghe.
"Xổ số kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta..."
Bác ba nhìn tôi chằm chằm, nét mặt hoảng hốt. Từng vết nhăn và vết chân chim tuổi tác hiện rõ trên khuôn mặt bác.
- Chết cha tới giờ xổ rồi... rồi mày còn nhiêu tờ vậy ?
- Dạ hôm nay con không có bán bác ba ơi.
Bác ba thở dài. Trông bác bình thản hơn ban nãy. Bác lại nhìn ra bờ sông như thể đang chờ ai đó. Chú đang chờ mặt trời. Mặt trời soi mình trên dòng nước chảy xiết, mãi mãi không thể nhận ra hình bóng của mình đang ở đâu.
Ánh nắng chạy ngang mặt sông như một tấm lụa đỏ lấp lánh phù sa, ngọt ngào và cao cả, bao lấy chúng tôi là một quầng sáng rực rỡ như tranh sơn dầu. Bức tranh mà tôi đã nhìn thấy lúc nhỏ, vẽ cảnh hoàng hôn trên biển và mặt trời như hòn lửa đỏ rực rọi thẳng xuống biển. Tất cả những gì tôi nhớ về tuổi thơ mình chỉ có thế mà thôi.
Bác ba nhẹ nhàng xoa đầu tôi. Đôi mắt của bác cũng rực rỡ vô cùng.
- Sao hôm nay không bán vậy con ?
- Con không muốn bán nữa. Không còn ai ở đây nữa. Còn ai mua nữa hả bác ?
Bác lặng thinh. Chắc nhẽ bác đang nhớ lại những ngày tháng đông đúc, sum vầy bên gia đình, bên hai đứa con trai mà yêu quý và coi là báu vật của đời mình. Mà bác coi là... báu vật của đời mình.
Mọi người bỏ lên Xì phố đi làm hết rồi. Chỉ còn có con với bác thôi. Và anh Tùng. Chẳng ai còn ai nữa, để nhớ, để mong, để chờ, để đợi, để hy vọng...
Cuộc đời là thế. Chẳng có lúc nào chúng ta chắc nịch rằng sẽ không có chuyện gì nữa xảy ra, hay nếu xảy ra thì cũng theo những gì chúng ta đã định sẵn.
Hoàng hôn buông xuống trong khoảnh khắc. Tôi chợt nhận ra cuộc đời mình cũng đã héo tàn từ bao giờ. Một ngọn lửa bé nhỏ giữa ánh nắng rực rỡ của mặt trời, cuối cùng cũng sẽ tan biến và chẳng có ai nhận ra được sự hiện diện của chúng nữa.
Tôi. Bé nhỏ và lạc lõng giữa cuộc đời.
Tôi bỏ đi vì anh Tùng vẫn còn chờ tôi. Anh ấy cần lắm một chén cơm, một bó rau luộc hay một chén kho quẹt. Một chút tình thương còn sót lại của loài người. Bác ba cho tôi hai bó rau muống. Tôi cười với bác. Ấm áp đến vô cùng.
***
Anh Tùng ngồi trên chiếc sập nhỏ. Tôi dọn cơm và anh ăn từng chút một. Anh cũng chẳng còn thiết đến chuyện ăn uống nữa. Tôi gấp cho anh vài miếng rau với mắm kho quẹt. Anh ăn mà miệng không nhai nổi một hạt cơm, rớt đầy trên áo và miếng lấm tấm trắng.
- Anh phải ăn để em vui. Vì trước khi mất ba mẹ đã dặn em phải chăm sóc cho anh rồi. Anh phải ăn, vì em và ba mẹ nữa chứ.
- Anh không nỡ làm vậy. Mấy ngày nay anh đâu có đi bán với em đâu. Để em đi bán một mình vậy anh chịu cầm lòng không đặng.
Không đặng thì cũng phải ăn. Ăn để sống, ăn để nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp ngày xưa đã không còn nữa. Anh Tùng đã hi sinh ánh sáng cuối cùng của đời mình vì tôi, vì tất cả cho đứa em trai của mình. Anh ấy đã cho tôi tất cả những gì anh có, và giờ tôi dùng cuộc đời còn lại của mình để đền đáp lại những gì đã qua, những gì đã mất, những gì mà tôi đã lấy từ anh.
Tiếng mưa lất phất. Tiếng mái tôn đập mạnh vào thanh  gỗ dựng tạm trên mái nhà. Tôi sợ mưa lấm. Bão tố, lũ lụt, mái nhà dột, ngập trong dông tố. Những điều tồi tệ đã xảy ra. Nhiều cơn mưa đi qua, và tôi đã ướt đầm cả người.
Tôi thay cho anh Tùng chiếc áo sơ mi màu xanh lơ, còn tôi thì mặc áo màu nâu đất. Anh Tùng vuốt đầu tôi. Anh nói phải cố gắng học thật tốt, anh nói :
- Mày là gió. Gió là màu của hy vọng. Gió mang đến niềm vui, sự tươi mới, những điều may mắn, điềm lành đến mọi người. Mày phải sống, nghe tao dặn chưa !
Anh Tùng cười to. Tiếng cười của anh vang lên trong căn nhà bé nhỏ. Giữa ngọn đèn dầu và đập vào những vách cây, đầy ấp niềm vui, sự hy vọng, niềm khát khao đong đầy trong từng giọt nước mắt. Anh cười mà mắt khóc. Giọt nước mắt của niềm vui, giọt nước mắt hạnh phúc khi em mình đã lớn khôn, khi tôi đã trưởng thành.
Bọn con nít xóm trong chạy đến ngồi dưới mái hiên. Chúng chờ tôi để nghe nốt câu chuyện về cuộc đời của gió, cuộc đời đầy ấp tiếng cười nhưng cũng lắm đắng cay.
- Mấy đứa nghe cho kĩ đoạn cuối cùng nha !
Tôi dặn bọn nhỏ giữ trật tự. Tôi bắt đầu kể, những trang cuối cùng trong câu chuyện trường kì. Những khoảnh khắc cuối cùng mà tôi đã góp nhặt được trong suốt cuộc đời của mình.
- Đó là một ngày mưa lớn, lớn lắm. Lớn đến nổi cây dừa trước nhà Gió cũng đỗ sập lúc nào không biết. Gia đình Gió đang lênh đênh trên bờ sông thì cơn bão ấp tới. Gió đang chơi với anh thì bị ngã xuống thuyền, rơi vào tâm bão. Ba mẹ nghe tiếng anh của Gió, liền nhảy xuống cứu nhưng thật không hay, họ cũng bị cuốn trôi theo dòng nước. Anh Gió hoảng quá, nhảy xuống cứu Gió lên. Được một lúc, anh cũng nắm được tay Gió nhưng có một đợt gió dữ dội xô anh đập mạnh vào mạng thuyền.
- Rồi họ có sống không chú ?
Bé Út hỏi tôi. Tôi cười và bảo nó chờ nghe tiếp câu chuyện.
- Họ tỉnh dậy bên bờ sông. Gió vẫn còn sống, nhưng anh Gió thì đã bị mù cả hai mắt. Họ cũng đã trở thành những đứa trẻ mồ côi, vì cha mẹ của họ đã chết trong giông bão mất rồi.
Bọn con nít tỏ vẻ rầu rỉ, mặt buồn như thể chẳng còn thiết nghe diễn biến tiếp theo của câu chuyện nữa. Có vài đứa đòi bỏ về, nhưng tôi thuyết phục nó ngồi lại với tôi để nghe hết câu chuyện. Chắc nhẽ bọn nhỏ không thể tiếp nhận một biến cố quá bất ngờ đến với cuộc đời của Gió, trên dòng sông bạt ngàn và đầy ắp tiếng cười, nay lại trở thành  ngày đại tang của cả một gia đình.
Vài năm sau, anh dẫn Gió vào thành phố bán vé số. Hai anh em buôn bán kiếm sống qua ngày. Một hôm, anh của Gió được cô tiên ban cho một phép lạ...
- Phép lạ gì vậy chú ? Bọn nhỏ reo hô.
- Là được sáng mắt trở lại như người bình thường. Cô tiên nói vì anh của Gió là người tốt, yêu thương và sẵn sàng hi sinh vì em mình nên sẽ ban tặng cho anh một món quà, và anh đã ước sẽ được sáng mắt trở lại.
Bọn nhỏ treo vui mừng rỡ khi cuối cùng anh của Gió cũng nhận được một kết xứng đáng, nhưng có lẽ, đó chỉ mãi là những câu chuyện vẩn vơ không có thật. Liệu sự thật đang nằm ở đâu ? Tôi tự hỏi.
Mưa ngày một lớn hơn. Tôi cho bọn nhỏ vài bịch bánh men mà bác Ba đưa tôi hôm qua. Tôi hứa sẽ kể cho bọn nhỏ nhiều câu chuyện còn hay hơn nữa, nếu có cơ hội. Từ “nếu” nghe có vẻ mông lung quá ! Tôi không dám chắn chắn bất kì điều gì, bởi cuộc đời là một mớ hỗn mang, chẳng ai có thể lường trước được.
Tôi mở chiếc tủ gỗ đã mục nát và thấm đẫm nước mưa. Ngọn đèn dầu được thắp sáng giữa ngôi nhà vắng vẻ, ẩm thấp. Một chút ấm áp còn sót lại trong chúng tôi, những người khốn khổ và bất lực trước số phận. Tim đèn đã gần hết, và tôi đang cố níu kéo từng giây từng phút như để tự sưởi ấm lòng mình.
Tôi đỡ anh Tùng lên ghế. Giữa ánh đèn chập chờn, tiếng mưa xáo động cả không gian, bóng tối như muốn nuốt chửng chúng tôi và ngọn đèn bé nhỏ kia. Sự sống sắp kết thúc. Đèn dầu hắt bóng lên bàn, bóng loan lên tường, lên mặt đất và lớn dần, lớn đến nổi tôi đứng cũng chỉ tới chân đèn.
- Sao mấy ngày nay mày không chịu bán vậy ?
- Em cũng không biết nữa. Em thấy mình bất lực.
Ngọn đèn vụt tắt. Tim đèn đã hết. Tất cả đã hết. Chỉ còn tôi, anh tôi và bóng tối mịt mờ. Sự sống cuối cùng cũng đã kết thúc.
Anh Tùng, nếu như có người nói sẽ giúp anh sáng mắt, anh sẽ đồng ý chứ !
Anh Tùng cười sặc sụa. Anh nói :
- Tất nhiên là tao chịu rồi, nhưng tao chỉ dám ước thôi. Làm gì có chuyện tao sẽ được sáng mắt chứ.
Ngồi lúc, tôi bỏ ra ngoài, trên tay là tờ giấy đã ố vàng và cây bút bi gần hết mực. Tôi khẽ đặt tờ giấy lên ống cống, viết vài dòng xem như là kỉ vật, là những gì cuối cùng mình cũng làm được, mình cũng ước mơ được như bao người. Giữa cơn mưa, tôi và những vì sao lấp lánh trên trời cao. Dịu dàng và thanh khiết.
"Gửi anh, 
Em hy vọng với đôi mắt này, anh sẽ sống những ngày tháng ý nghĩa nhất của cuộc đời mình. Anh xứng đáng được như vậy. Cách đây vài tháng, em phát hiện ra mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ban đầu, em tuyệt vọng lắm. Em chẳng còn thiết sống nữa nhưng khi được một người bạn giới thiệu cách hiến xác cho y học, em mới nhận được cuộc sống của mình ý nghĩa vô cùng. Em đã dành cho anh giác mạc của em. Em mong cuộc phẫu thuật ghép giác mạc sẽ thành công. Đến lúc đó, anh hãy nhớ đến em, hãy sống thật tốt vì đứa em trai của mình. Người anh trai yêu quý của em !"
Tôi dừng bút. Nước mắt thắm đẵm trong cơn mưa bất tận. Cơn mưa của đời người, cơn mưa của niềm tin, sự hy vọng, của những điều tươi mới nhất sẽ đến với chúng tôi. Tôi nghe bên tai mình tiếng xe buýt tấp nập, tiếng chợ cá những buổi hừng đông, tiếng tàu hỏa dồn dập như thoi đưa, tiếng nhạc tiếng hát tiếng đọc thơ và cả tiếng cười bình dị, hồn nhiên.
Tôi nhìn lên bầu trời bao la. Tôi hét thật lớn. Cơn gió thổi qua, mang giọt nước mắt của Gió tôi đi đến những miền xa. Cơn gió cuốn trôi tất cả nỗi buồn, sự tuyệt vọng hay sự cô đơn.
Giọt nước mắt sẽ bay trong trời. Làm cơn mưa ướt trên chăn gối. Lời cỏ cây hát trên da người.
Tôi nhìn vào khe tường, giữa những vách đá cũ kĩ là những chồi non tươi mới. Tôi nhìn anh Tùng. Anh đã ngủ từ khi nào không biết, chỉ biết là anh sắp bắt đầu một cuộc đời mới, vững chãi như cây tùng giữa rừng sâu, còn tôi thì chỉ như cơn gió. Cuối cùng tôi cũng được trở về với gia đình của mình, với nguồn cội của mình, với nơi mà tôi mang niềm vui, sự hy vọng và đức tin đến cho mọi người.
Hoài Dạ Vũ
13/08/2018
Tp. Hồ Chí Minh