TÂM LÝ NẠN NHÂN LÀ GÌ MÀ NHIỀU NGƯỜI “NGHIỆN” ĐẾN THẾ?
Ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của mình, nhưng tại sao việc đóng vai nạn nhân lại gây nghiện tới thế?
Disclaimer:
Bài viết được thực hiện với mục đích cung cấp thông tin dựa trên nghiên cứu và góc nhìn cá nhân tôi, không nhằm việc phủ nhận những nguyên nhân hình thành nên tâm lý nạn nhân.
“Tại sao những chuyện tồi tệ cứ đến với tao thế, sếp tao thì hãm còn đồng nghiệp thì khó ưa, chưa kể người yêu tao thì cũng chẳng thèm quan tâm gì cả. Tao thấy số tao cứ khổ thế nào ý, không được thuận lợi như mày.” Và đây là cách người mang tâm lý nạn nhân thường bắt đầu một cuộc trò chuyện.
Trong bài viết này, hãy cùng tôi sẽ phân tích xem tâm lý nạn nhân là gì và tại sao nó lại gây nghiện đến thế nhé!
Dẫn nhập
Đã bao giờ bạn trong hoàn cảnh này: Rối bời và mệt mỏi vì gặp nhiều chuyện không như ý trong công việc, bạn hẹn một người bạn đi ăn để trút bầu tâm sự, mong họ có thể lắng nghe và cho mình chút lời khuyên.
Nhưng ngay sau khoảnh khắc cả hai cùng gọi đồ, bạn bắt đầu cảm thấy choáng ngợp vì người bạn ấy chỉ toàn kể về nỗi khổ của mình và chốt lại một câu tỉnh bơ:
“Như này mà đã buồn, mày mà là tao thì mày sống sao, tao gặp mấy chuyện tệ hơn nhiều. Ít ra mày còn may mắn hơn, bố mẹ tao còn không ủng hộ…….”.
Từ đây, cuộc trò chuyện sẽ chỉ toàn xung quanh họ với những sự bất mãn không hồi kết.
Thử tạm dừng lại một giây để suy ngẫm lại, tình huống trên có khiến bạn chột dạ khi thấy mình cũng có những lúc cướp quyền được chia sẻ của người khác, và chỉ thao thao bất tuyệt về muộn phiền của bản thân?
Nếu bạn thấy tình huống trên sao quen thuộc đến thế, rất có thể bạn đã gặp phải (hoặc chính là) một người mang tâm lý nạn nhân.
Tin tốt rằng tâm lý nạn nhân không phải một căn bệnh, nó là một cơ chế tâm lý phòng vệ hoàn hảo được thiết kế từ bộ não nhằm bảo vệ bạn khỏi những sang chấn đau thương trong quá khứ, và đương nhiên, cả những rủi ro trong tương lai. Nhưng tin xấu là đây, nó cũng là con đường nhanh nhất đưa bạn tới trầm cảm nặng nề, đi kèm với nhiều căn bệnh tâm lý phức tạp khác.
Đầu tiên tôi muốn nói rằng sang chấn tâm lý - thứ được cho là nguyên nhân chính của tâm lý nạn nhân không phải là đống giấy lộn trên bàn có thể vò đi và ném vào sọt rác là hết. Nó phức tạp, tinh vi và cần nhiều thời gian để bóc tách.
Vậy nên dù bạn là nạn nhân thật sự hay là đang là người đóng vai nạn nhân, thì nó đều nói lên một điều: Chúng ta có những tổn thương sâu sắc tới nỗi ghi đè vào trong não bộ, và nó đã âm thầm thay đổi cách ta nhìn nhận về bản thân và thế giới lúc nào không hay.
Rõ ràng ta không thể điều chỉnh việc nên phản ứng ra sao, thay đổi nó khác đi thế nào với những chuyện trong quá khứ. Song, có người luôn nỗ lực tìm giải pháp để thoát ra hoàn cảnh hiện tại (dẫu không dễ dàng), thì cũng có những người chọn cách trở thành nạn nhân, liên tục đổ lỗi cho hoàn cảnh/người khác để bảo vệ mình.
A. Tâm lý nạn nhân - Con dao hai lưỡi của cơ chế tự vệ trước sang chấn
1. Tâm lý nạn nhân là gì?
Khái niệm “tâm lý nạn nhân” bắt nguồn từ công trình của nhà tâm lý học Alfred Adler. Mặc dù không trực tiếp sử dụng thuật ngữ này, nhưng ông đã mô tả về một dạng cơ chế phòng vệ tâm lý giúp những người tự ti đối phó với những cảm xúc tiêu cực dễ dàng hơn, bao gồm những hành vi như:
- Tự đặt mình vào vị trí nạn nhân
- Sử dụng sự yếu đuối/thiệt thòi của mình để thu hút sự đồng cảm
- Đổ lỗi cho người khác và từ chối nhận trách nhiệm cho các vấn đề của mình
Sau này, nhà tâm lý học Martin Seligman đã phát triển thêm khái niệm “tâm lý nạn nhân” với lý thuyết “Learned Helplessness”, mô tả trạng thái tâm lý của một người tin rằng họ không thể kiểm soát được những gì xảy ra với mình, bất kể họ có nỗ lực như thế nào
Để minh họa cho lý thuyết trên, Seligman đã thực hiện một thí nghiệm trên hai nhóm chó.
Nhóm chó thứ nhất được đặt vào trong một căn phòng có hai vách ngăn - nơi chúng bị điện giật và bị trói dây, không cho phép chúng nhảy qua khu vực bên kia để tìm cách trốn thoát.
Nhóm chó thứ hai cũng trong căn phòng ấy, cũng bị điện giật nhưng không bị trói, lại dễ dàng thoát khỏi bằng việc nhảy qua khu vực bên kia và tìm cách ấn cần gạt bằng mũi để thoát ra.
Sau đó, ông đặt cả hai nhóm chó này vào chung một căn phòng và chúng đều không bị trói. Kết quả cho thấy sau khi bị giật điện, nhóm chó thứ hai nhanh chóng học được cách nhảy qua vách ngăn, ấn cần gạt bằng mũi để thoát ra. Trái lại, nhóm chó thứ nhất lại nằm thu mình chịu đựng cơn sốc điện mà không hề cố gắng nhảy qua vách ngăn, chứng minh rằng nó đã hình thành mô thức bất lực trước hoàn cảnh mặc dù chúng hoàn toàn có thể thoát ra.
Có thể thấy thí nghiệm trên phần nào giải thích cách “tâm lý nạn nhân” hoạt động, khi mà những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ khiến họ cảm thấy mình không có quyền kiểm soát, không thể thay đổi và cách duy nhất có thể làm là chịu đựng. Bất kỳ một cảm xúc tiêu cực kéo dài nào cũng có thể khiến bạn đầu hàng trước sự tuyệt vọng và chấp nhận số phận
Trong tâm lý học hiện đại, giờ đây tâm lý nạn nhân (victim mentality) được hiểu là một kiểu tư duy mà người ta cảm thấy:
- Mình luôn là nạn nhân trong mọi hoàn cảnh
- Đổ lỗi, than vãn, và cảm thấy bất lực trong việc tìm giải pháp thay đổi
- Tìm kiếm sự chú ý, quan tâm từ người khác bằng vai trò nạn nhân
- Có niềm tin mình không thể thay đổi được gì hết, mình luôn kém may mắn so với những người khác
Tuy nhiên cần nhớ, khái niệm tâm lý nạn nhân có mục đích nhằm chỉ ra mô thức phản ứng tiêu cực của não bộ khi nó cản trở sự phát triển của một cá nhân. Nó không nên được sử dụng nhằm phủ nhận những sang chấn nghiêm trọng của những người từng là nạn nhân thật sự.
Điều này dẫn chúng ta tới câu hỏi quan trọng:
2. Đâu là sự khác biệt giữa người đóng vai nạn nhân với nạn nhân thật sự?
Không dễ dàng để đưa ra đánh giá một người là nạn nhân thật sự hay chỉ đơn giản là đóng vai nạn nhân khi chúng ta không phải là những chuyên gia tâm lý/tâm thần. Để có đủ “dữ liệu” chẩn đoán một ai đó, ta cần thời gian quan sát cẩn thận với kiến thức vững vàng. Việc nhận biết cũng không nhằm mục đích phân loại người mắc bệnh đáng được cảm thông, còn người đóng vai thì bị lên án. Mà hướng tới giải pháp phù hợp, nhằm giúp đối phương thoát khỏi tình trạng hiện tại.
Dưới đây là một vài hiểu biết của tôi khi tiếp xúc với một nạn nhân thật sự:
- Họ bị đẩy vào tình huống bị xâm phạm nghiêm trọng về quyền được bảo vệ thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của mình
- Họ là người chịu hậu quả trực tiếp từ những hành vi sai trái do người khác gây nên và không thể phản kháng (bạo hành, quấy rối, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức xâm phạm thể chất/tinh thần nào khác)
- Trái với nhiều người nghĩ, họ có khả năng đồng cảm rất mạnh mẽ với người khác
- Thường rất kín đáo về những tổn thương mình phải chịu đựng
- Khao khát được thoát ra khỏi tình huống hay trạng thái tiêu cực
- Biết ơn sự giúp đỡ chân thành từ những người xung quanh
Còn với những người đóng vai nạn nhân, có thể thấy một vài điểm chung như:
- Đổ lỗi cho người khác vì những điều không như ý trong cuộc sống của mình
- Thoải mái với việc được người khác cảm thương cho mình
- Chia sẻ về khó khăn, tổn thương tâm lý của mình cho nhiều người
- Khó đồng cảm, hay gạt người khác đi để nói về bản thân
- Trong các mối quan hệ thường chủ yếu nhận nhiều hơn là cho đi, và họ coi sự giúp đỡ từ người khác là đương nhiên
3. Biểu hiện của người mắc chứng tâm lý nạn nhân?
Nếu bạn muốn kiểm tra xem liệu những người bạn quen (hoặc chính mình) có bị mắc vào bẫy của tâm lý nạn nhân hay không, thì dưới đây là một số dấu hiệu tiềm ẩn cần để ý:
3.1. Về suy nghĩ và cảm xúc
- Luôn cảm thấy cuộc đời người khác dễ dàng và êm đẹp hơn mình
- Gắn danh tính của bản thân đi liền với sự tổn thương trong quá khứ và dùng nó như cách bao biện cho tình trạng hiện tại của bản thân
- Duy trì cái nhìn tiêu cực về thế giới, cản trở họ tìm ra cách giải quyết hiệu quả cho các vấn đề trong cuộc sống
3.2. Về hành vi
- Gặp khó khăn khi đối mặt với thất bại, sự từ chối
- Phủi đi những sự giúp đỡ của người khác và cho rằng không có ích gì
- Luôn điều hướng về bản thân mình trong mọi cuộc trò chuyện
- Thích đi chơi với những người cho mình sự đồng cảm, an ủi, công nhận cảm xúc
- Bi kịch hóa mọi thứ diễn ra trong đời, thích than vãn
- Nhận định mọi thứ theo hệ nhị nguyên trắng đen, tốt xấu và không thấy được vùng xám giữa các vấn đề
- Thiếu thấu cảm cho vấn đề của người khác và nghĩ rằng không ai khổ bằng mình
4. Nguyên nhân hình thành nên tâm lý nạn nhân
Giống như thí nghiệm của Seligman tôi có nhắc bên trên, suy nghĩ mình là nạn nhân và không thể thay đổi được gì đến từ sang chấn tâm lý, phải chịu đựng nỗi đau vượt quá ngưỡng của bản thân dẫn đến sự méo mó trong tư duy. Nguồn cơn của việc này có thể đến từ:
4.1. Trải nghiệm tổn thương trong quá khứ
Có muôn ngàn lý do khiến tâm lý của một người bị lỗ chỗ, trống rỗng hay thậm chí là hoại tử bên trong. Nó không hữu hình như những tổn thương thể chất. Nỗi đau tâm lý như một con ký sinh trùng bám rễ lâu ngày, từ từ vươn ra làm tê liệt đi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chủ thể. Vậy nên, việc một người mang góc nhìn nạn nhân ở trong mọi vấn đề thì đằng sau đó là cả một quá trình dài bị những trải nghiệm tiêu cực ám thị lên.
Tuy hình hài của nỗi đau là khác nhau nhưng việc “điểm mặt gọi tên” và phân loại chúng là bước đầu để người trong cuộc nhận thức được vấn đề của mình, còn người ngoài cuộc có thêm kiến thức để cảm thông hơn.
Theo Psychology Today, có 3 kiểu sang chấn tâm lý điển hình:
(1) Chấn thương cấp tính
Chấn thương cấp tính là một dạng sang chấn có tính đột ngột, chỉ diễn ra một lần nhưng sẽ đánh thẳng ngay lập tức vào tâm lý của chủ thể. Những người đã từng bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, bị tấn công thể chất, chứng kiến sự ra đi bất ngờ của người thân đều gặp phải loại sang chấn này.
Dù chỉ là một sự kiện đơn lẻ nhưng hậu quả nó để lại lại rất sâu sắc, có thể thay đổi toàn bộ hệ thống niềm tin, hành vi của người chịu đựng. Về ngắn hạn, chủ thể sẽ cảm thấy sốc và bàng hoàng, luôn trong trạng thái lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, đây là giai đoạn vàng để tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các nhà tham vấn tâm lý, trị liệu tâm thần…Bởi nếu không được điều trị kịp thời, sang chấn cấp tính có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn như rối loạn nhân cách, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, trầm cảm.
(2) Chấn thương mãn tính
Ngược lại với chấn thương cấp tính, chấn thương mãn tính không nhất thiết phải nghiêm trọng như việc phải trải qua một tai nạn lớn hay mất mát nghiêm trọng. Nó được hình thành từ một chuỗi những trải nghiệm tiêu cực nhỏ lẻ được lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Mới đầu, có thể nó chỉ là “sự cố không mong muốn”, như việc chứng kiến bạo lực gia đình, bị lăng mạ/xúc phạm hay cảm giác bị cô lập, phớt lờ khỏi cộng đồng.
Tuy nhiên nếu liên tục bị đẩy vào các tình huống tiêu cực như trên trong một thời gian dài, cảm giác đau đớn, tổn thương sẽ dần dần được tích tụ gây nên căng thẳng kéo dài, làm suy yếu hệ miễn dịch và sức đề kháng với những thách thức khác trong đời. Nghiêm trọng hơn, những trải nghiệm trên sẽ để lại dấu ấn trong hệ thần kinh, làm thay đổi cách họ cảm nhận và phản ứng với thế giới xung quanh. Và việc mang tâm lý nạn nhân là một trong những hệ quả đó.
(3) Chấn thương phức tạp
Chấn thương phức tạp là một khái niệm phức tạp khó để khoanh vùng cụ thể, nhưng có thể hiểu đơn giản nó là sự kết hợp của các sự kiện cấp tính và mãn tính. Ví dụ như một người đã từng bị quấy rối trong thời thơ ấu, sau đó khi trưởng thành lại thường xuyên gắn bó với những mối quan hệ bạo lực sẽ mang trong mình những tổn thương tâm lý chồng chéo, đan xen lên nhau tạo nên một mạng lưới phức tạp khó tách rời.
4.2. Môi trường giáo dục, văn hóa xã hội
Những người lớn lên trong một môi trường hà khắc, bị bao quanh bởi sự chỉ trích sẽ hình thành nên tâm lý tự ti, mang những niềm tin giới hạn về bản thân. Khi tinh thần liên tục bị tra tấn, nó sẽ hình thành nên nỗi đau khiến chủ thể cảm thấy bị mắc kẹt, bất lực và từ đó chọn từ bỏ việc tìm giải pháp thay đổi.
Ngoài ra, còn có những trường hợp như bị phản bội niềm tin nặng nề dẫn đến việc không thể tin tưởng thêm một ai khác, hay quá nhiều tình huống tiêu cực xảy ra cùng một lúc khiến chủ thể mất kiểm soát và từ đó chọn buông xuôi.
Nhìn chung, khi bạn phải trải qua một biến cố lớn trong đời, hoặc những tổn thương tâm lý vượt ngưỡng sức chịu đựng, tâm lý nạn nhân sẽ sinh ra như một cơ chế phòng vệ.
Nhất là khi chúng ta liên tục phải đối mặt với sự mất mát, thất bại, việc đổ lỗi cho người khác có thể giúp giảm bớt cảm giác đau khổ và tự trách bản thân. Nó giúp ta giữ được bình tĩnh, xoa dịu bản thân trong các tình huống khó khăn. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ mang tính chất tạm thời.
Mặc dù việc cảm thấy tiêu cực, trải lòng với người khác sau một chuỗi các sự kiện không mong muốn là điều dễ hiểu, nhất là khi bạn không thể thay đổi những gì tồi tệ đã xảy ra với mình trong quá khứ. Nhưng ở một mức độ nhất định, bạn vẫn có thể giành lấy “vai chính” cho cuộc đời mình bằng cách thôi mong chờ một ai đó đến cứu và bắt tay vào hành động ngay bây giờ. Nếu trượt dài trong việc đổ lỗi hay âm thầm chịu đựng, cảm giác bất lực và bất hạnh sẽ ám ảnh bạn suốt cuộc đời.
Tâm lý nạn nhân sẽ có chu kỳ vận hành tinh vi như vậy. Trong thời gian đầu, nó sẽ vỗ về an ủi bạn nhưng nếu đắm chìm vào việc than vãn quá lâu, nó sẽ cô lập bạn khỏi tất cả những cơ hội thay đổi giúp mọi chuyện tốt hơn ở phía trước. Sẽ có lúc bạn đúng là nạn nhân, nhưng không ai có thể bắt được bạn phải tiếp tục sắm vai trở thành nạn nhân ngoại trừ chính mình.
Sự thật là cuộc sống sẽ không bao giờ ngừng ném vào mặt chúng ta những mớ hỗn độn, những lần vấp ngã đau đớn, những lần bất công không thể lý giải. Nhưng đó là luật chơi hiển nhiên ai cũng phải chấp nhận. Nếu luôn nghĩ rằng mình chẳng thể làm gì và đắm chìm trong sự than vãn, đó là lúc ta tự tước đi cơ hội nhìn thấy những điều tốt đẹp hơn trong đời.
5. Tại sao tâm lý nạn nhân gây nghiện đến thế?
Không phải những người bị rơi vào bẫy tâm lý nạn nhân không nhận biết được vấn đề của mình. Bởi việc sống như một nạn nhân có những lợi ích tiềm ẩn tới mức gây “nghiện” cho người đóng vai.
Đầu tiên hãy xem xét cơ chế dẫn truyền thần kinh hoạt động thế nào sau mỗi lần than vãn.
Khi gặp những tình huống không mong muốn, hormone stress sẽ tăng cao tạo nên cảm giác căng thẳng tột độ, kích hoạt phản ứng “chiến hoặc chạy”. Rõ ràng việc chiến đấu - tức bình tĩnh tìm phương án giải quyết bao giờ cũng tốn nhiều năng lượng và tâm sức hơn là việc chúng ta gọi điện cho người bạn và tâm sự. Sau khi trút nỗi niềm, nhận được sự đồng cảm và an ủi từ người khác, não bộ sẽ được bơm một liều dopamine cực mạnh khiến ta cảm thấy dễ chịu khoan khoái. Quá trình này sẽ khiến não bộ ghi nhớ hành vi tạo ra dopamine mỗi khi gặp vấn đề như sau:
Than vãn -> Kể khổ -> Được an ủi -> Dopamine.
Đừng hiểu lầm, việc được trút ra nỗi lòng và nhận được sự hỗ trợ từ những người thân yêu là một điều cần thiết để duy trì sức khỏe tinh thần khỏe mạnh. Cả tôi và bạn đều là những sinh vật được lập trình bằng cảm xúc nhiều hơn lý trí, vậy nên sự lắng nghe và thấu cảm là món quà quý mà chúng ta có thể trao cho nhau.
Nhưng trong khi chúng ta nên tiếp cận phương pháp tâm sự như một cách để xoa dịu tổn thương tạm thời thì, những người đóng vai nạn nhân lại coi đây là giải pháp hữu hiệu cho mọi vấn đề, giúp họ né tránh thực tại.
Một khi não bộ ghi nhớ việc than vãn như cách để giảm stress, có dopamine miễn phí thì nó sẽ tự động tạo ra các đường dẫn ưu tiên cho hành vi này một cách vô thức. Mỗi lần lặp lại hành vi than thở, đường dẫn này sẽ càng hằn rõ hơn. Từ đó có thể biến một người có khả năng xử lý vấn đề chủ động trở thành một người mang tâm lý nạn nhân. Và cũng giống như mọi cơn nghiện khác, nó sẽ kéo theo một loạt hệ lụy về mặt sức khỏe tâm thần như:
- Nhu cầu tận hưởng dopamine một cách dễ dàng từ người khác ngày càng cao
- Trung tâm cảm xúc bị kích hoạt quá mức bởi sự căng thẳng, dẫn đến việc rối loạn lo âu, lưỡng cực….
- Khả năng suy nghĩ lý trí và sự chủ động bị suy giảm, khó đưa ra quyết định một cách dứt khoát
Nhưng không chỉ dừng ở việc tiết ra một lượng dopamine lớn sau mỗi lần than vãn, đóng vai nạn nhân còn có những lợi ích tinh thần khác như:
- Có được sự quan tâm, chú ý từ người khác một cách dễ dàng
- Có được “bản sắc cá nhân” khác biệt so với mọi người, vì nỗi đau tạo ra sự “đặc biệt” hơn so với người khác. Điều này đẩy họ vào tâm thế khó rời bỏ vai trò nạn nhân vì nó đã trở thành một phần danh tính mới của họ.
- Không phải đối mặt với những cảm giác khó chịu: Thất bại, hối hận hay cảm giác không đủ tốt. Điều này tạo nên một cảm giác an toàn giả tạo để tránh né những tình huống căng thẳng.
Ngoài ra, việc phê phán phàn nàn sẽ tạo cho người đóng vai có cảm giác được ở vị thế “cao” hơn người khác.
Theo Psychology Today, phàn nàn và phán xét người khác là một trong nhiều cách con người củng cố niềm tin về năng lực chính mình. Tuy vậy, việc hạ thấp người khác để nâng cao vị thế bản thân là bước đi lùi trong việc phát triển tư duy và nhận thức của bản thân.
Nhìn chung lại, khi ta càng đổ lỗi, ta càng cảm thấy bất lực và càng khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự bế tắc. Khi đóng vai nạn nhân quá lâu, bộ não đã được đóng khung khuôn mẫu tư duy cố định thì họ càng khó khăn hơn trong việc thoát ra và làm chủ đời mình.
6. Vậy làm sao để ngừng đóng vai nạn nhân?
Nếu tâm lý nạn nhân là kết quả của biến cố hay tổn thương bạn trải qua, thì điều đầu tiên bạn cần làm là thừa nhận mình đang gặp vấn đề. Từ đây bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp mình cần, bất kể từ người thân, bạn bè hay chuyên gia tâm lý.
Ai cũng có trận chiến của riêng mình và việc bị mắc kẹt, gây ra nhiều sai lầm là chuyện bình thường.
Việc thừa nhận và đối mặt không hề dễ dàng, và đây là một số gợi ý từ góc nhìn cá nhân của tôi để giúp hành trình này nhẹ nhàng hơn:
(1) Chấp nhận rằng mình đang có tâm lý nạn nhân và động viên bản thân đây là thói quen có thể thay đổi
Ví dụ thay vì: “Mình chẳng có vấn đề gì cả, chỉ là mình quá khác biệt nên không ai hiểu mình cũng đúng thôi”
Hãy tập nói rằng: “Mình thấy mình hay đổ lỗi cho người khác. Đây là thói quen không tốt nhưng mình tin mình có thể thay đổi được.”
(2) Nhìn nhận và đánh giá bản thân mình ở góc nhìn thứ ba một cách khách quan, xác định xem vai trò của mình ở đâu trong vấn đề toàn cảnh
Ví dụ thay vì: “Sếp luôn có ác cảm và chì chiết mình từ những cái nhỏ nhất, còn đồng nghiệp thì lúc nào cũng gây khó dễ cho mình”
Hãy tập nghĩ rằng: “Sếp không chỉ yêu cầu cao với mỗi mình mà với cả team, và có thể cách làm việc của mình và đồng nghiệp đang có vấn đề. Mình sẽ thử tìm cách trao đổi trực tiếp để cải thiện kỹ năng làm việc xem sao”
Hoặc thay vì: “Đồng nghiệp của mình thật tồi tệ, họ luôn nói xấu sau lưng mình”’
Bạn có thể chuyển hướng thành: “Mình có bằng chứng về điều này không hay chỉ là phỏng đoán?”
(3) Nhận diện cách nói chuyện của bản thân với chính mình và chú ý tới những suy nghĩ tiêu cực lặp lại. Trong trường hợp cần thiết, hãy ghi lại những lúc bạn bị vô thức đang than vãn, cảm thấy bất công…. Nhớ rằng việc đào sâu vào vấn đề không làm tình hình tốt hơn, hãy tập trung năng lượng để tìm ra giải pháp
Ví dụ thay vì: “Tại sao năm nào mình cũng gặp những chuyện tồi tệ, còn người khác thì lúc nào cũng gặp những chuyện may mắn thế? Số mình thật khổ”
Hãy tập ghi chép lại rằng: “Hôm nay mình đã than vãn 5 lần suốt 1 tiếng nói chuyện với bạn bè. Mình cần làm gì để cải thiện tình hình?”
(4) Tự chăm sóc và động viên bản thân, ngừng dựa dẫm vào sự đồng cảm từ người khác
Ví dụ thay vì: Đăng story buồn đời kể hết nỗi niềm và tin rằng không ai hiểu được nỗi khổ của mình
Hãy thử đi chơi một môn thể thao nào đó, đi dạo, đến một nơi mới, hoặc chỉ đơn giản là tự nấu một bữa ăn ngon cho mình những lúc tâm trạng không tốt thì sao?
7. Người ngoài cuộc có thể làm gì?
Trước khi bạn muốn hỗ trợ một ai đó thoát ra khỏi bẫy tâm lý nạn nhân, hãy đảm bảo hai điều
- Một: Giúp đỡ những người không muốn được giúp đỡ là vô ích
- Hai: Chấp nhận rằng sẽ có rủi ro đối phương thấy mất lòng và hiều lầm rằng bạn thiếu sự cảm thông. Bởi quá trình nhìn thẳng vào sự thật vốn không dễ chịu. Họ có thể đổ lỗi cho bạn về những cảm xúc tiêu cực này theo thói quen.
Tuy nhiên, nếu đối phương thật sự muốn thoát ra khỏi “điểm mù” của mình và cần sự giúp đỡ của bạn, dưới đây là một số gợi ý hữu ích để chúng ta có thể bắt đầu:
(1) Giúp họ nhận thức một cách toàn diện hơn về bản thân
Khi đối mặt với khó khăn, người đóng vai nạn nhân dễ quên đi bản thân mình mà chỉ tập trung vào những rào cản, thách thức họ gặp phải.
Vì vậy, điều bạn nên làm là giúp họ nhận thức mình là ai, có những thế mạnh gì. Đừng chỉ nói những câu động viên chung chung cảm tính bởi chúng sẽ không có sức nặng, thay vào đó bạn hãy tập trung chỉ ra dẫn chứng cụ thể, chứng minh rằng họ thực sự có những phẩm chất tích cực bất kể những nỗi đau họ phải chịu.
Đồng thời, mô phỏng lại những tình huống khó khăn cụ thể nhằm khuyến khích họ đưa ra giải pháp dựa trên điểm mạnh của mình, từ đó chỉ ra những điểm họ có thể cải thiện được hơn trong tương lai. Đây là những bước đầu tiên giúp họ bước ra khỏi tâm thế nạn nhân và thực sự bắt tay vào việc suy nghĩ mình có thể làm gì để thay đổi tình hình.
Lưu ý rằng, việc chỉ ra ưu và nhược điểm một cách trực diện nhằm khuyến khích họ hướng tới giải pháp, giúp họ tin rằng mình có khả năng thay đổi. Bạn cần tránh việc nói giảm nói tránh hoặc cho họ những “liều thuốc” giảm đau tạm thời như sự công nhận, xoa dịu.
(2) Động viên họ tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp từ các nhà tâm lý
Nếu những lời khuyên, sự cảm thông và kiên nhẫn có vẻ không hiệu quả, hãy động viên họ tìm đến những nhà trị liệu chuyên nghiệp. Sự giúp đỡ từ các nhà tâm lý sẽ giúp họ chữa lành một cách bền vững và hiệu quả hơn.
Bởi sau cùng, việc hàn gắn những nỗi đau tâm lý là trách nhiệm của chính chủ thể, không phải bất kỳ ai khác.
OUTRO
Đổi tâm thế nạn nhân sang “vai chính” là một hành trình dài vì mỗi người sẽ có một sức đề kháng tâm lý khác nhau. Bởi vậy, sẽ không sao cả nếu những người mắc kẹt trong tâm lý nạn nhân cần thêm thời gian để nhìn nhận lại mọi thứ một cách khách quan hơn. Suy cho cùng, việc than phiền sẽ luôn là một phần của cuộc sống, bởi nó là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu rằng ta đang có vấn đề cần giải quyết.
Tuy nhiên, việc đắm chìm trong cảm giác thoải mái nhờ việc đổ lỗi, từ chối chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ không đem lại một viễn cảnh tốt hơn. Mong chúng ta sẽ luôn ghi nhớ rằng, vẫn luôn có ánh sáng cuối đường hầm dù nó có tối tăm đến đâu. Bởi đó là bằng chứng cho việc chỉ cần kiên trì và tiếp tục tiến lên, ta sẽ luôn vượt qua được nghịch cảnh và tìm ra ý nghĩa đời mình, ngay cả khi phải đối mặt với nỗi đau sâu sắc.
Gửi tới những ai đang bị mắc kẹt trong tâm lý nạn nhân: Bạn không cô đơn và thừa nhận mình đang bị mắc kẹt không có gì đáng xấu hổ. Một khi vượt qua nó và giành lấy quyền chủ động trong đời, bạn sẽ thấy mình luôn có thể tự trao cho bản thân những điều tuyệt vời nhất mà chẳng cần đợi một ai đó khác.
Hy vọng bài viết của tôi sẽ mang lại cho các bạn thêm góc nhìn mới. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở những chủ đề thú vị tiếp theo. Goodbye!
Nguồn tham khảo
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất