Photo by Oboreads
Photo by Oboreads
20 năm qua. tiếng Anh và ngôn ngữ lập trình đã chứng minh giá trị của mình ở Việt Nam. Việc ai đó thông thạo tiếng Anh cũng như biết lập trình đã đem tới cơ hội tiếp cận những công việc, môi trường và mức lương tốt hơn so với mặt bằng chung rất nhiều. Họ không chỉ có công việc tốt ở trong nước, mà ngay cả ở nước ngoài, những con người này cũng đều được chào đón ở những nơi đòi hỏi kỹ năng và trình độ cao như Mỹ, Úc, Nhật...
Còn bây giờ, có một thứ cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích như hai lựa chọn kia – đó là đọc sách và coi việc đọc này là một thói quen hay kỹ năng cần được thực hiện hàng ngày như ăn uống, làm việc hay tập luyện.
Nhưng hiện tại thì sách lại bị giới hạn và bó buộc vào những tư duy phổ biến và sai lầm về giá trị mà sách đem lại. Giống như lập trình trước đây vốn là ngành nghề bị đánh giá thấp hơn so với tài chính, ngân hàng cùng những lựa chọn khác.
Giờ đây việc tái định nghĩa lại giá trị của sách chính là cơ hội giúp cho chúng ta thay đổi tư duy và nâng cao kỹ năng của mình - Điểm mấu chốt để đem tới một cuộc sống tốt hơn trước khi tiếp cận một giá trị cao hơn như thành lập một doanh nghiệp và tham gia xây dựng cộng đồng xung quanh mình.
Để làm được điều đó thì bạn phải nhìn lại giá trị mà sách đem lại chứ không chỉ đơn thuần nhìn sách trên một địa hạt nhỏ bé như sự xoa dịu tình thần hay tìm kiếm những phút giây thư giãn từ sách. Còn hiện thực thì sẽ thấy này: Những gì tốt và có lợi thì nó tra tấn tinh thần bạn và nó cũng chẳng đem lại sự dễ chịu.
Tuy nhiên nó tốt cho bản thân bạn và thay đổi cuộc đời bạn từ vật chất lẫn tinh thần. Sách cũng vậy, nhất là những cuốn sách không thuộc về thể loại văn chương. Nói chính xác là tất cả mọi thể loại sách còn lại mà đa số chúng ta luôn bỏ qua khi đọc.
ĐỌC CHUYÊN SÂU LÀ TỐT NHƯNG VẪN CHƯA ĐỦ
Dựa trên quan sát của mình thì cho tới bây giờ đa số người đọc luôn coi sách là một hình thức giải trí, một lựa chọn trong những lúc khuây khoả, một món tráng miệng nhẹ nhàng cho tinh thần khi bạn quá rảnh rỗi trong Chủ nhật, cũng như thói quen, tư duy chỉ mua sách theo định hướng của truyền thông, nhà xuất bản, và việc đọc để nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho công việc của mình. Tuy nhiên chúng ta chỉ coi đây là một lựa chọn thứ yếu, có thể đọc trong những lúc rảnh rỗi hoặc công việc yêu cầu chứ không phải sự tự giác.
Vì thế việc mua sách và đọc gần như chỉ được coi là một hoạt động giải trí lành mạnh hơn lướt Facebook hay xem Tiktok chứ không phải là lựa chọn ưu tiên cần phải thực hiện mỗi ngày. Và vì đọc sách được gắn khái niệm giải trí thì quan điểm và gu đọc của chúng ta bị giới hạn lại trong văn học, thơ ca, tâm linh hay thể loại sách selfhelp, làm giàu không khó cùng thể loại thức tỉnh tâm linh đang được rào giảng như liều thuốc giải độc cho thời đại ngày nay.
Có rất nhiều người mua sách và có hàng tủ sách văn chương, nhưng đa số chỉ là dưới dạng sưu tập hay một đam mê cá nhân. Điều này khiến tinh thần chúng ta tốt hơn nhưng việc giới hạn trong một thể loại như văn chương thì xin lỗi mình khi phải nói thẳng rằng: trừ phi bạn có tham vọng ý định trở thành nhà văn (nhưng thực tế rất ít người đọc muốn trở thành nhà văn) thì việc chỉ đọc thuần văn học sẽ giới hạn rất nhiều tiềm năng mà bản thân bạn có thể khai thác nhiều lợi ích khác từ việc đọc đa thể loại. Văn chương có một ma thuật kỳ diệu nhưng nếu chỉ đọc mỗi thể loại sách này thì bạn sẽ không thể thay đổi cuộc đời mình.
Tương tự như thế, việc đọc quá nhiều sách selfhelp, làm giàu hay tâm linh mà thiếu đi trải nghiệm và hành động thực tế thì chẳng khác gì bạn vừa tự tiêm cho mình một liều ma tuý giúp bạn hưng phấn và kích thích trong chốc lát và ngay sau đó tất cả sẽ tan biến khi thực tại kéo bạn về những vấn đề thật, công việc thật trong cuộc sống của bạn.
Nhiều người có thể đáp trả rằng “Đọc đa thể loại chưa chắc đã tốt và đem lại giá trị khi tập trung vào một dòng sách duy nhất”. Có lẽ thế nhưng còn tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Và để chứng minh cho quan điểm cá nhân này, mình sẽ lấy một câu chuyện liên quan đến Jean Michel Basquiat – hoạ sĩ đường phố vĩ đại nhất của Mỹ, người được so sánh với Vincent Van Gogh về sự táo bạo lẫn sáng tạo trong hội hoạ.
Trước khi tuyên bố đầy ngạo mạn “I’m not a real person. I’m a Legend” ở tuổi 20 vào thời điểm bắt đầu sự nghiệp, thì Basquiat đã có những ngày tháng nằm trong bệnh viện khi anh bị gãy tay. Lúc đó Basquiat mới 6 tuổi. Khi ấy dù chỉ là một đứa trẻ, nhưng Basquiat đã bộc lộ khả năng nghệ thuật và được mẹ anh khuyến khích. Để giết thời gian, Basquiat đọc sách trong những ngày nằm viện. Tuy nhiên, khác với tất cả các hoạ sĩ trong tương lai, anh không chỉ đọc những cuốn sách liên quan đến nghệ thuật hay hội hoạ mà cả về y học. Cuốn sách thực sự gây chấn động với cậu bé Basquiat nhất là cuốn Giải phẫu học của Gray’s.
Đối với Basquiat, cuốn sách đó chẳng khác nào là Chén thánh giúp anh định hình phong cách đột phá của mình khi đưa Sullk- Sọ người vào trọng tâm những bức tranh sau này, cũng như nhiều dòng chữ, ghi chép dày đặc như thể là những chú thích mà Basquiat đã đọc nghiến ngấu từ cuốn giải phẫu học của Gray’s. Đối với Basquiat, văn chương cũn quan trọng không kém hội hoạ khi William Burroughs và Mark Twain là hai nhà văn anh yêu thích nhất.

Bức Vô đề của Basquiat có giá 110,5 triệu Đôla
Bức Vô đề của Basquiat có giá 110,5 triệu Đôla
Những bức tranh của Basquiat được vẽ không theo nguyên tắc hay trường phái nào, thậm chí chất liệu của những bức tranh ấy là các mẩu giấy báo, viên đá hay gạch tầm thường được nghiền nát thành màu vẽ mà Batquias nhặt ở đường phố đây thường đạt tới cả trăm triệu đô trong những cuộc đấu giá.
Dù chỉ sống tới năm 27 tuổi, nhưng phong cách và sự ảnh hưởng của Jean Michel Basquiat đến thế giới nghệ thuật ngày nay lớn đến mức từ các tên tuổi hội hoạ cho tới các nghệ sĩ hip hop đều tung hô anh là “Nhà vua của nghệ thuật đường phố”. Các tỷ phú đôla tranh giành nhau mua tranh của anh. Các hãng thời trang đưa những bức tranh của anh lên các mẫu thiết kế của mình. Các trường học nghệ thuật đưa anh vào top 10 hoạ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Sự thành công và phong cách vẽ tranh độc nhất vô nhị của Basquiat đến từ việc anh đã không giới hạn việc truy tìm kiến thức, cảm hứng và sự sáng tạo vượt ra khỏi giới hạn của hội hoạ. Anh tìm kiếm nó trong y học, trong cuộc sống lang thang trên đường phố, trong nghệ thuật graffiti và văn chương mà anh ưa thích rồi đem tất cả hoà lẫn vào nhau tạo thành một phong cách đột phá có thể so sánh với những gì Van Gogh đã làm.
Một lập luận phổ biến khác nữa là “Tôi chỉ đọc để tìm kiếm sự thư giãn chứ chẳng có tham vọng nào cả. Đây là cuộc đời và lựa chọn của tôi. Tôi thích đọc gì thì đọc chứ!”
Đồng ý thôi nhưng chúng ta đều nhận thức rõ ràng đời không như mơ và cuộc sống cũng chẳng giống như tiểu thuyết. Bạn có thể tìm kiếm sự nhẹ nhàng và cứu rỗi qua những tác phẩm văn học, selfhelp hay tâm linh thời hiện đại nhưng bạn đâu có thể lẩn tránh sự thật rằng cuộc đời về cơ bản tràn đầy khó khăn và đau khổ, đây mới thực tại mà bạn đang sống và trải nghiệm bằng cuộc đời mình, còn những cuốn sách dẫn dắt bạn đọc bằng cảm xúc chỉ như một liều thuốc tạm thời kéo bạn khỏi những phiền muộn.
Nhưng cuộc đời cũng cho chúng ta rất nhiều cơ hội để cải thiện bản thân, để tiến bộ hơn chính mình và chạm tới một cuộc sống đầy ắp ý nghĩa qua sách. Để đạt được điều này thì chúng ta phải chấp nhận bước qua giới hạn, mở rộng những lựa chọn của mình và tái cấu trúc lại hành vi và thói quen đọc.
Và để có thể đọc được nhiều thể loại hơn ngoài văn chương, selfhelp, làm giàu hay tâm linh thì bạn phải hiểu tại sao những thể loại này lại có sức hấp dẫn và thu hút sự chú ý của bạn hơn các thể loại khác, rồi từ đó bạn sẽ điều chỉnh lại tư duy của mình để có thể bắt đầu đọc những cuốn sách khô khan hơn, khó đọc hơn nhưng chính các cuốn sách này sẽ lấp đầy cái khoảng trống to đùng trong bạn.
CON NGƯỜI CÓ GIEN THÍCH NGHE KỂ CHUYỆN TỪ KHI KHAI THIÊN LẬP ĐỊA
Đồng sáng lập hãng phim Pixar - Ed Catmull chia sẻ trong cuốn Vương quốc sáng tạo của ông rằng “Câu chuyện/nội dung chuyện là yếu tố số 1 tạo nên sự thành công của Pixar”.
Còn đối với mình thì “Người kể chuyện sáng tạo nên tất cả những gì người khác muốn nghe, thao túng tâm trí họ bằng những yếu tố cao trào trong câu chuyện mình kể”.
Và sách văn chương, selfhelp, sách làm giàu và tâm linh là những thể loại sách có yếu tố kể chuyện. Đa phần tất cả những câu chuyện sẽ đi theo một mô tuýp kinh điển “Một nhân vật, một nhà kinh doanh sẽ trải qua một quá trình vật lộn với nhiều khó khăn và sự thăng trầm “Lên voi xuống chó” trước khi giải cứu công chúa,đạt được thành công hay thức tỉnh bản thân”.
Công thức này chẳng mới mẻ nhưng nó không phải là vấn đề vì vẫn chạm đến cảm xúc của người đọc, mà con người đường dẫn dắt bằng cảm xúc chứ không phải lý trí. Có thể chúng ta đều ý thức được rằng có những điểm mơ không, không đúng và dối trá hoàn toàn, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận các câu chuyện này vì nó hội tụ những giá trị mà chúng ta mơ ước nhưng cuộc sống thực tế lại không bao giờ ban cho chúng ta như sự thoả mãn về mặt cảm xúc và hy vọng về một phép màu sẽ thay đổi cuộc đời mình.
Do vậy trong bất cứ thể loại sách nào thì hai yếu tố để tạo nên sự hấp dẫn của nó là: Nội dung câu chuyện và Người kể chuyện. Cả hai điều này không phải là phát hiện hay phát minh của con người hiện đại mà đã có từ thời khai thiên lập địa. Khi con người bắt đầu ý thức về việc câu chuyện là cách duy nhất để lý giải về những gì mình không hiểu và cũng là cách tập hợp, gắn bó giữa các nhóm với với nhau thành một cộng đồng.
Những câu chuyện trong Kinh Thánh như Sáng Thế ký được truyền khẩu trước khi được ghi chép.
Những chiến tích của các anh hùng tham dự trận chiến thành Troy trong Illiad của Homer được ngân vang bằng những vẫn thơ trong hàng năm trước khi được viết lại trên miếng da.
Các thần thoại Ai Cập, Hy Lạp, các bộ kinh Vệ Đà, sử thi Mahabhrata của Ấn Độ lẫn kinh Phật dài hàng nghìn câu được ghi nhớ trong đầu những tín đồ trước khi được viết lại trên những trang giấy thô sơ.
Các câu chuyện xuất phát từ mọi quốc gia hay vùng đất khác nhau nhưng tất cả đều có yếu tố kể chuyện trong đó.
Câu chuyện xua tan đi sự đáng sợ và không thể thấu hiểu của các hiện tượng tự nhiên như sấm chớp, mưa bão, núi lửa... Câu chuyện cũng phần nào lý giải và trấn an cho việc “Chúng ta là ai?chúng ta đến từ đầu?chúng ta chết sẽ về đâu? Chúng ta nên giết người hay chung sống hoà bình với nhau?”. Đó là lúc các vị thần xuất hiện, đó là khi tôn giáo xuất phát và con người bắt đầu ý thức về bản ngã, cái tôi và tư duy của mình chứ không chỉ là kiếm ăn, làm tình hay chém giết.
Nói cách khác, kể chuyện và thích nghe kể chuyện chẳng khác nào một thứ gien được lập trình gián tiếp vào con người trong suốt hàng nghìn năm xây dựng nền văn minh của mình. Một câu chuyện có nội dung rõ ràng, có những tình huống điều khiển nhịp độ cảm xúc của chúng ta và nó là thứ đi thẳng vào tâm trí của chúng ta hơn bất cứ thông tin nào khác.
Nhưng các thể loại sách khoa học, toán học, tâm lý học thì lại không có nhiều hay không hề có yếu tố kể chuyện trong đó. Những cuốn sách được tập hợp và viết ra trên cấu trúc đánh vào tư duy và ý chí, còn chúng ta thì lại thích cái gì đó xoa dịu và thao túng cảm xúc hơn những thứ cần phải suy nghĩ quá nhiều. Việc suy nghĩ tốn kém nhiều calo và gây mệt mỏi, nó không cần thiết và không phù hợp với đại đa số con người.
Tuy nhiên cảm xúc lại là con dao hai lưỡi, nó đem tới cho bạn sự thăng hoa nhưng cũng dìm bạn trong khổ đau. Và cách để hiểu để kiểm soát cảm xúc thì lại nằm trọn ở việc hiểu về tâm lý, tư duy và chính bản thân bạn. Điều trớ trêu là những điều này lại nằm ở trong những cuốn sách thiếu vắng yếu tố kể chuyện và cảm xúc cao trào.
Các cuốn sách này đòi hỏi bạn phải liên tục tư duy nhưng đồng thời liên tục xuất hiện những câu hỏi trong khi đọc khiến bạn khó giúp được nhịp điệu theo dõi và thấu hiểu nội dung. Các dạng sách này không chỉ thiếu đi yếu tố kể chuyện mà còn chính là việc bạn phải tự học, tự trả lời, tự xâu chuỗi những thông tin và kiến thức lại thì mới có thể hiểu ra mình đang đọc cái gì và ý nghĩa của nó thực sự là gì. Trái ngược với câu chuyện được người kể chuyện dẫn dắt, nó đưa bạn vào ngay dòng chảy và một thế giới được điều chỉnh và sắp xếp đúng theo những gì bạn muốn nghe và muốn đưa vào đầu mình.
Câu chuyện là yếu tố bắt đầu những thần thoại và dẫn dắt con người ra khỏi bóng tối trong thời điểm đó họ cần được dẫn dắt bằng cảm xúc.
Còn trong thời đại ngày nay, nếu bạn chỉ tập trung vào cảm xúc, dành nhiều thời gian cho những câu chuyện thì bạn sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cuộc sống của mình.
Thể loại văn chương, thơ ca, selfhelp, tâm linh thức tỉnh đong đầy bản thân bạn bằng những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ.
Còn những thể loại khác sẽ khiến bạn cảm thấy bớt hứng thú và khó đọc hơn khi nó đòi hòi bạn sự tập trung và hành hạ tư duy của bạn chứ không dụ dỗ bạn.
Tuy nhiên mình không nói rằng những thể loại kể chuyện và dẫn dắt cảm xúc là vô giá trị cần phải bị loại bỏ. Thông tin và kiến thức mới vô cùng quan trọng, nó xác định bạn là ai, bạn sẽ làm được gì khi bên trong được lấp đầy bằng những chất liệu tốt nhất giúp bạn tạo ra công cụ, sản phẩm, giải pháp trong cuộc sống ngày nay.
Nhưng bạn không cần phải lựa chọn một trong hai, vì cảm xúc hay lý trí đều là những thứ tạo nên tính cá nhân của chúng ta. Thay vì lựa chọn hay loại bỏ thì giờ đây một số người viết tài năng đã kết hợp được cả cảm xúc lẫn kiến thức trong một cuốn sách mà nội dung trong đó vừa có yếu tố kể chuyện hấp dẫn lại chứa đứng vô số thông tin mới mẻ và cần thiết đối với người đọc.
Yoval Noah Harari, Michael Lewis, Nassim Nicholas Taleb, Cal Newport hay Jordan Ellebeng đều là những tác giả best seller trên toàn thế giới (Ở Việt Nam đã xuất bản những cuốn sách các tác giả và nhiều cuốn cháy hàng trên thị trường) dù chủ đề họ viết đều không dễ hiểu như lịch sử và triết lý nhân sinh, kinh tế học, phân tích thị trường kinh doanh, xây dựng thói quen và toán học thông kê.
Bản thân những tác giả này đều hiểu những nội dung mình viết đều khó nhằn với đa số người đọc nếu thiếu đi yếu tố kể chuyện. Và họ đã tìm thấy yếu tố quan trọng này để dẫn dắt người đọc tới thông tin, chủ để hay nội dung mính muốn bằng cách tạo ra một văn phong kể chuyện như đang đọc tiểu thuyết hay tiểu sử. Đặc điểm chung của những tác giả này là họ không chỉ là chuyên gia trong lĩnh vực của mình mà còn hiểu rõ những lĩnh vực khác thông qua số lượng sách mình đọc. Bạn có thể kiểm chứng điều này thông qua những cuốn sách của họ, rất nhiều thông tin và câu chuyên đủ mọi lĩnh vực nhưng được tổng hợp lại thông qua cách kể chuyện mang tới nhiều cảm xúc và thú vị khi đọc.
Thế giới đã thay đổi, người viết đã thay đổi và người đọc cũng phải thay đổi và mở rộng thói quen đọc của mình với các thể loại khác để tìm kiếm thông tin, kiến thức mới và làm giàu thêm sự phong phú và sâu sắc cho chính bản thân mình. Đây là thực tại, đây là điều tốt cho bạn dù ban đầu nó gây khó chịu và hành hạ trí óc của bạn. Nhưng để tiến bộ và trở nên tốt hơn chính mình thì không có cách nào khác cả.
VIỆC ĐỌC ĐA THỂ LOẠI GIÚP BẠN NHÌN NHẬN RA NHIỀU GIÁ TRỊ HƠN BẠN NGHĨ
Photo by IG
Photo by IG
Cái lợi đầu tiên của việc đọc đa thể loạ chính là giúp bạn có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn trong chính thể loại sách bạn ưa thích. Thậm chí việc đọc rộng ra khỏi sở thích của mình (ví dụ như văn chương) giúp bạn hiểu rõ về tác phẩm, tư tưởng và triết của tác giả.
Bản thân mình đọc cuốn Chiến tranh và hoà bình của Lev Toltsoy khi mới 11 tuổi. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một tiểu thuyết đồ sộ gây khó khăn cho người đọc, ngay cả những bạn đam mê văn học khi nội dung chính của nó liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Pháp với Nga dưới sự chỉ huy của Napoleon vào năm 1812. Ngay trong bản chú thích về đời tư Lev Toltsoy trong khi viết Chiến tranh và hoà bình thì ông cũng nhiều lần tự hỏi mình đang viết tiểu thuyết hay lịch sử, hoặc cả hai?
Nhưng mình đọc Chiến tranh và hoà bình không phải kiểu tình cờ cầm đại một cuốn để đọc mà qua những cuốn sách lịch sử chiến tranh và tiểu sử về các vị tướng lừng danh đã đưa mình đến bộ tiểu thuyết dài xấp xỉ 2000 trang kia. Vì thế bối cảnh, tâm lý hay các sự diễn tả của Lev Tolstoy về chiến tranh thời điểm đó mình đã nắm bắt được và đọc Chiến tranh và hoà bình một cách trôi chảy. Thậm chí mình có thể khẳng định rằng đọc những gì Lev Toltsoy viết đã đem tới cho mình cái nhìn chân thực nhất về cuộc chiến tàn khốc đó.
Nói cách khác, mình HỌC và ĐỌC lịch sử thông qua tiểu thuyết có yếu tố kể chuyện. Nhìn lại thì mình chắc chắn rằng nếu trước đó không đọc lịch sử về chiến tranh hay về bản thẩn Napoleon thì sẽ chẳng bao giờ dám chạm bộ Chiến tranh hoà bình – một tiểu thuyết dài tới bốn tập. Và vì mình đã biết tới Lev Tolstoy thì mình cũng không thể bỏ qua các nhà thơ/văn Nga vĩ đại như Pushkin, Gogol, Anton Chekhov (người có ảnh hưởng lớn tới Haruki Murakami, tiểu thuyết gia minh ưa thích) và Fyodor Dostoevsky (Đối với mình Dostoevsky cùng James Joyce là hai nhà văn vĩ đại nhất).
Nếu mình không đọc những cuốn lịch sử thì mình đã không biết tới Chiến tranh và hoà bình.
Nếu mình không đọc Chiến tranh và hoà bình và biết tới Lev Tolstoy thì mình không biết đến các tác phẩm tuyệt vời khác.
Việc đọc đa thể loại ngoài văn chương thực sự tạo nên một vòng tuần hoàn thú vị : đọc – nhận biết những điều mới mẻ - kết nối các thông tin với nhau – tạo ra các thông tin mới – mở rộng giới hạn và thể loại bạn đọc.
Cái lợi thứ hai là việc đọc đa thể loại giúp bạn hình thành KỸ NĂNG MỚI. Mình bắt đầu viết từ năm 14 tuổi, viết mỗi ngày khi 20 tuổi nhưng trước thời điểm đó thì mình chỉ viết và tưởng tượng về những gì có thể viết. Và tại sao mình không viết được ngay lập tức vì đơn giản là mình chưa có kỹ năng viết, mình không biết viết như thế nào cả và mình cũng thiếu chất liệu để viết. Nói chính xác, mình chưa hình thành khả năng kể chuyện dưới dạng ngòi bút và gõ trên bàn phím.
Nhưng việc đọc đa thể loại ngoài văn chương đã biến mình thành một cỗ máy viết đúng nghĩa. Mình tìm kiếm cảm hứng, ý tưởng, các câu chuyện thông qua nhiều thể loại sách. Còn văn chương giúp mình cách cụ thể hoá những ý tưởng bằng cách chắp nối từng mảnh suy nghĩ lại với nhau và biến chúng thành một câu chuyện có thể kể. Đến bây giờ, điều này vẫn đúng với mình dù mình đã biến kỹ thuật này thành một kỹ năng phức tạp hơn và tối ưu cho bản thân. Ngay cả bài viết này cũng đến từ cách đó. Đây hoàn toàn là sự thật.
Cách viết và kể chuyện nằm ở văn chương, còn việc tìm kiếm ý tưởng mới mẻ vượt ra khỏi lĩnh vực của bạn nằm ở những cuốn sách khác. Điều này không chỉ đúng với các nhà văn mà còn đúng với cả nhiều nhà phát minh, ngay cả đó là thiên tài Nikola Tesla.
Suốt cả cuộc đời gần như là huyền thoại của mình, Tesla không chỉ là người phát minh ra điện xoay chiều mà còn là rất nhiều những phát minh đột phá đến mức nhiều người cho rằng một số phát minh đó đến bây giờ vẫn là bí mật chưa bao giờ được công bố.
Là một nhà khoa học và phát minh tài ba cho đến khi chết và nổi tiếng là một người đọc vô số sách, nhưng trong tự truyện do chính mình viết thì Tesla đặc biệt coi trọng những tác phẩm của Mark Twain vì những cuốn sách này cứu rỗi tinh thần và chữa lành bệnh tật ông chứ không phải là thuộc thể loại vật lý, toán học và năng lượng vốn là những lĩnh vực mà người ta tôn ông là thiên tài.
Cuốn sách tiếp theo mà Tesla nhắc lại nhiều lần trong tự truyện là Kinh Thánh. Bản thân gia đình ông cũng là những con chiên ngoan đạo. Nhưng Tesla không đọc và nhìn nhận Kinh Thánh như một người sùng đạo mà là tìm kiếm những bí mật thông qua nhiều ẩn dụ được viết trong đó. Tesla thừa nhận rằng, một số ý tưởng, triết lý và phát minh của mình đến từ việc đọc và suy ngẫm Kinh Thánh. Thậm chí Tesla đã viết rằng ông đã tìm ra một lời giái đáp sẽ đem lại chấn động trong sách Khải Huyền thuộc Kinh Thánh.
Và cái lợi cuối cùng chỉ đơn giản là việc đọc nhiều thể loại giúp bạn biết nhiều hơn những gì mình không biết, nếu bạn chỉ xác định mình chỉ đọc đơn thuần. Còn với ai đó xác định được mục tiêu mình sẽ làm gì với những thông tin và kiến thức có được nhờ việc đọc thì việc đọc đa thể loại chính là SUỐI NGUỒN VÔ HẠN giúp cho bạn luôn có được ý tưởng, sự sáng tạo và chất liệu để viết lách, phát minh hay giúp ích cho công việc hiện tại.
Đối với cá nhân mình thì việc đọc đa thể loại đã giúp mình đi ra khỏi giới hạn của việc viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Giờ đây mình đã viết những bài viết chia sẻ về quan điểm và suy nghĩ của mình về bất cứ mọi thứ chứ không chỉ là trong lĩnh vực văn học. Điều này khiến mình khác biệt so với đa số người viết lách khác vì việc đọc nhiều thể loại khác nhau đã đem tới cho mình những chất liệu để có thể tận dụng viết một cái gì đó thú vị chứ không chỉ là văn chương.
Khi viết những chia sẻ và bài viết như thế này đã đem tới cho mình rất nhiều lợi ích mà mình không hề nhận được nếu chỉ là một người viết văn học đơn thuần. Tiền bạc hay cơ hội liên quan đến công việc là thứ mình thường xuyên nhận được khi viết vượt ra khỏi văn học. Nhưng điều đáng nói ở đây là mình đã có nhiều người đọc hơn, nhiều mối quan hệ chất lượng hơn và khi gặp những con người này bên ngoài thì mỗi cá nhân lại đem tới cho mình ấn tượng, cảm hứng để viết một cái gì đó lẫn một sự kết nối sâu sắc vượt xa khỏi những gì mình hình dung (điều mà mình đã đề cập trong nhiều chia sẻ trước).
Nhưng những gì mình đã làm và đã có không phải là một điều to tát hay lớn lao hết, vì mỗi chúng ta đều có thể đạt được điều đó khi chấp nhận thay đổi, dù đó là sự thay đổi diễn ra thạt chậm chạp với từng bước một. Bản thân mình bắt đầu chỉ từ việc đọc và sau đó đọc đa thể loại cho tới khi có thể viết văn chương rồi viết những gì mình thích cũng bắt đàu từ bước dễ nhất đó : Đọc nhiều sách đa thể loại nhất có thể để tìm kiếm những gì mình muốn và sau đó là làm những gì bản thân biết trong khả năng của mình.
Đọc giờ đây không chỉ là một nhu cầu để thư giãn, để mở rộng kiến thức mà còn là một kỹ năng và thói quen rất cần thiết trong thời đại bây giờ. Giống như ăn để duy trì cuộc sống, tập luyện để tăng cường sức khoẻ, học tập và làm việc để xác định vị trí trong xã hội thì việc đọc nhiều hơn những gì bạn muốn chính là chìa khoá mở ra những tiềm năng vô hạn mà bạn có thể đạt được trong tương lai.
Và khi ở hiện tại bạn đã biết phải làm gì trong những ngày tới thì cuộc sống của bạn là một vũ điệu luôn đầy ắp sự sáng tạo và niềm vui trong từng khoảnh khắc trôi qua.