Thưa các bạn, chắc hẳn bạn vào đây đọc bài viết này của tôi thì cũng đang nhen nhóm 1 ý tưởng kinh doanh nào đó, hoặc đơn giản chỉ là muốn kinh doanh gì đó để tạo thêm thu nhập. Vậy chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu xem kinh doanh là gì và tại sao chúng ta không kinh doanh nhé.
Chúng ta, dù đang làm nghề gì, thì đều có mong ước có được một cuộc sống thoải mái và liên tục vươn lên để cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời cũng thấy bản thân tiến bộ. Dù bạn đang làm bất cứ nghề gì, thì dưới góc nhìn kinh doanh, đó bản chất cũng là mua bán, và sinh lợi nhuận. 
Ví dụ: Bạn đang làm thuê cho 1 tổ chức hay cá nhân nào đó: Bản chất cũng là bạn đang bán sức lao động, thời gian, sức khỏe, trí tuệ, chất xám của mình cho tổ chức đó. Tổ chức đó có thể là: 1 cá nhân kinh doanh, 1 doanh nghiệp, 1 cơ quan quản lý nhà nước, 1 tổ chức phi chính phủ, hoặc tổ chức khác nào đó. Và tổ chức bạn đang cống hiến, đang giải quyết một vấn đề, nhu cầu gì đó ở xã hội. Ví dụ như:
- Một Công ty viễn thông, thì giải quyết nhu cầu về thông tin liên lạc cho xã hội. 
- Cơ quan công an, thì giải quyết nhu cầu về an toàn, an ninh, giữ trật tự cho người dân trong xã hội.
- Ngân hàng thì giải quyết nhu cầu về vay vốn, về bảo lãnh, gửi tiền có lãi suất cho người dân.
- 1 cửa hàng rau sạch thì cũng đang giải quyết nhu cầu ăn uống cho những người quan tâm đến vệ sinh, chất lượng của rau.
- 1 người bán thịt lợn ở chợ cũng đang giải quyết nhu cầu ăn uống cho người dân xung quanh.
Bản chất thế giới kinh doanh chỉ đơn giản đang vận hành như vậy thôi, và rồi tổ chức bạn đang làm việc, thông qua những việc họ làm sẽ tạo ra giá trị cho cộng đồng, ví dụ: Công ty viễn thông giúp cho 50 triệu người dân có thể liên lạc với nhau bất kỳ ở đâu. Vậy họ sẽ được 50 triệu người đó trả lại 1 khoản tiền, gọi là doanh thu. Sau đó công ty dùng 1 phần số tiền đó để trả lương cho bạn. Vậy bản chất ở đây phải hiểu là: 50 triệu người dùng mạng viễn thông mới là người trả lương cho bạn. Còn Công ty viễn thông kia là đầu mối, cầu nối, bạn và rất nhiều đồng nghiệp khác, thông qua đầu mối này để tạo giá trị cho xã hội, và nhận lại phần mình xứng đáng được nhận.
Tất nhiên ngoài lương ra, bạn còn nhận được rất nhiều thứ, ví dụ như: phúc lợi xã hội, phúc lợi cơ quan, bảo hiểm, trợ cấp, mối quan hệ, các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng sống, ...
Hoặc bạn có thể hiểu theo cách: Bạn là 1 phần không thể tách rời của Công ty bạn đang làm việc cũng được.
Tuy nhiên tôi thích hiểu theo cách đầu tiên hơn.
Ví dụ với quy mô nhỏ hơn, 1 người bán thịt lợn ở chợ. Họ giúp cho 50 gia đình có thực phẩm ăn mỗi ngày. Vậy ở đây giá trị họ tạo ra cho cộng đồng nhỏ hơn rất nhiều so với Công ty Viễn thông kia, tạo ra giá trị cho 1 cộng đồng 50 - 100 người và mỗi ngày có 50 người dùng sản phẩm của họ, là thịt lợn. So với 50 triệu lượt người sử dụng mạng điện thoại mỗi giờ chả hạn.
Và bởi vì giá trị khác nhau nên họ được xã hội trả cho số tiền khác nhau, vậy thôi.
Chúng ta thường hay nghe thấy các tên gọi khác nhau của cá nhân và tổ chức kinh doanh như: cá nhân nhỏ lẻ, bán hàng rong, tiểu thương, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, tập đoàn. Vậy nên mỗi 1 cái tên gọi đều 1 phần thể hiện rõ giá trị của tổ chức đó.
 Kinh doanh là con đường tốt để dẫn đến sự tự do. Tại sao tôi lại nói vậy, bởi vì hạnh phúc chỉ có được khi chúng ta cảm thấy tự do mà thôi, mà muốn tự do thì phải độc lập, muốn độc lập thì phải tự chủ, ở đây hiểu là có kinh tế, có trí tuệ và tự chủ cuộc sống của mình, đóng góp được giá trị cho cộng đồng. Bác Hồ của chúng ta khi viết bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 thì “tiêu ngữ” ghi dưới Quốc hiệu là: “Độc lập - tự do - hạnh phúc”, Quốc hiệu ở đây là tên gọi chính thức của 1 quốc gia, của mình là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 1 Quốc gia cũng vậy, muốn có hạnh phúc thì phải có tự do, và muốn có tự do thì phải độc lập.
Như vậy, không có nghĩa là chỉ có kinh doanh mới là con đường duy nhất hướng đến tự do bạn nhé, tự do hay không là do tư duy, do cách nghĩ, do trí tuệ của mỗi người. Tôi chọn con đường kinh doanh bởi vì nhà tôi nghèo, xưa nghèo lắm, bố mẹ tôi cũng làm đủ thứ nghề để nuôi chị em tôi ăn học, ngày đó tôi chỉ nghĩ là muốn làm gì đó để kiếm thật nhiều tiền để vươn lên ở xã hội này mà thôi, và tôi chọn con đường kinh doanh. Tôi đi trên con đường này từ 2009 đến nay cũng 12 năm rồi. Còn bạn, bạn vẫn có được sự tự do khi vững bước trên con đường sự nghiệp mình chọn: dù bạn chọn làm nhà giáo, bác sĩ, công an, luật sư, thợ điện, thợ nề, công nhân hay bất cứ nghề nào, thì dẫu sao, thêm 1 góc nhìn về kinh doanh cũng vẫn có lợi hơn, đúng không?
Trong kinh doanh, thú vị ở chỗ: mọi thứ đều rất rõ ràng, bởi vậy góc nhìn cuộc sống của chúng ta cũng rất rõ ràng. Không mơ hồ được, mơ hồ là mất tiền. Tôi ví dụ: Tôi hỏi kế toán:
- 6 tháng đầu năm của Công ty lãi hay lỗ? 
- Kế toán lại bảo - cũng được Anh ạ, thế thì "toang". Kế toán lại trả lời kiểu đấy thì tôi nói với các anh chị không sớm thì muộn thì cũng lỗ chổng vó.
- Khi hỏi như vậy kế toán phải báo cho tôi: Doanh thu 6 tháng đầu năm là 10 đồng chả hạn, tôi ví dụ thế, trong đó tổng chi phí bao gồm (Nguyên vật liệu, nhân công, thuê ngoài, chi phí quản lý, chi phí marketing  ..) là 7 đồng, thuế phải nộp 1 đồng và hiện giờ lãi 2 đồng. So với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 5%.
Tôi xin được chia sẻ thêm, nếu nói về kinh doanh chuyên nghiệp thì là 1 nghề, và cái nghề đó xã hội đang gọi là Quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Người hành nghề đó người ta gọi là Doanh nhân, là Giám đốc điều hành, là CEO … và cái kỹ năng để hành nghề kinh doanh này phải là kỹ năng của người kinh doanh, chứ không phải kỹ năng chuyên môn của nơi bạn điều hành, ví dụ 1 CEO bệnh viện không nhất thiết phải là 1 bác sĩ, 1 CEO của 1 công ty xây dựng không nhất thiết phải là 1 kỹ sư. Tất nhiên ông CEO này phải hiểu bản chất của từng mắt xích trong doanh nghiệp. Chứ nói không hiểu chút nào thì cũng không được.
Kỹ năng của ông CEO này là kỹ năng giao việc, kỹ năng kiểm tra, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng nhìn người, kỹ năng ngoại giao, kỹ năng dùng người, vân vân … ôi xời, nghe thì phức tạp, nhưng nếu bạn mới kinh doanh thì cũng nên tìm hiểu rõ hơn về bộ kỹ năng cho CEO để lấy làm nền móng phát triển, sẽ lợi hơn rất nhiều.
Phần lớn các bạn mới kinh doanh, gọi là Start up. Làm gì có đủ nguồn lực để làm bài bản, ngày trước tôi cũng tham gia rất nhiều các khóa học về kinh doanh, người ta dậy tôi đủ thứ, nào là: phân tích thị trường, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, chọn sản phẩm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, rồi xây dựng bộ nhận diện, giá trị cốt lõi rồi đến cả IPO …. Đau hết đầu. 
Cái đó không sai, làm bài bản thế đúng là rất tốt nhưng xin thưa làm xong thì hết nguồn lực, ví dụ dành ra 100 - 200 triệu để khởi nghiệp, xong chuẩn bị đầy đủ thì thôi toang, không hết tiền thì cũng hết cảm hứng.
Rất nhiều bạn, mới kinh doanh nhỏ mà đã học đến cả xây dựng bộ nhận diện thương hiệu rồi IPO, tôi cũng từng như vậy. Nhưng xin thưa là những kiến thức đó, thực sự đúng là cần thiết. Tuy nhiên 1 người mới kinh doanh, không nên bám chặt vào những thứ đó làm gì, chỉ cần biết ở mức độ đơn giản nhất để định hình hướng đi của mình, vậy là đủ rồi. Thời gian và nguồn lực còn lại, chúng ta nên tập trung vào những kiến thức cụ thể nhất dành cho vị trí của mình trước đã, ví dụ bạn có 100 triệu dành ra để kinh doanh đồ thời trang chả hạn, tự nhiên bạn bỏ ra 20 triệu để đi học bao nhiêu khóa học mà họ dậy bạn đến cả ai pi ô thì thực sự quá lãng phí nguồn lực. 
Định vị bản thân là việc tiên quyết phải làm khi bắt đầu bất cứ việc gì
Định vị bản thân là việc tiên quyết phải làm khi bắt đầu bất cứ việc gì
Định vị rõ ràng vị trí của mình, không ảo tưởng, đó mới là lựa chọn khôn ngoan và không bị lãng phí nguồn lực.
Ví dụ: Bạn chưa có sự nghiệp, nuôi cái miệng mình còn chưa xong, đã thế ngoại hình lại không ưu tú. Vậy mà lại muốn tán một Em xinh như mộng, gia đình bề thế, xung quanh toàn những "vệ tinh hàng Auth của Nasa" - Vậy thì cơ sở đâu mà tự tin là mình thành công? Nếu có đi chăng nữa, cũng chỉ là những ảo tưởng trong tâm trí vì đã định vị bản thân quá cao so với thực tế. Và cái kết thường là chuốc lấy những đau khổ, thất vọng ...
Và rồi các nhà làm phim thương mại nắm bắt được tâm lý này, họ sản xuất những bộ phim "ngôn ù" để thỏa mãn những thanh niên ảo tưởng. Trong bộ phim đó có những chuyện như: Trai nghèo xấu trai được con của Chủ tịch đem lòng yêu thương, hay, gái xấu lại Chủ tịch trẻ để ý, quan tâm, tỏ tình ...
Nhìn thẳng vào sự thật: biết mình là ai? biết mình ở đâu? Nếu kinh doanh thì: biết sản phẩm của mình thuộc phân khúc nào? biết dự án của mình, team của mình ở tầm nào? Thì chắc chắn sẽ có cơ hội gặt hái được thành công.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng, trong trường hợp vốn ít mà bắt đầu kinh doanh nhỏ, thì khi mới kinh doanh, chỉ cần đặt ra 1 mục tiêu là: Nuôi sống bản thân mình trước đã. Khi nào đạt được mục tiêu đó, ta mới bắt đầu chinh phục những mục tiêu tiếp theo. Và ở mỗi 1 mục tiêu, chúng ta lại cần những kiến thức khác nhau. Đi từng bước như vậy luôn là 1 lựa chọn khôn ngoan cho các bạn Start up.
Bởi vì cái ông Start Up này cực kỳ vất vả, bản thân người Start Up phải làm tất cả mọi việc. Việc gì cũng phải làm, bản thân tôi ngày trước, vừa làm giám đốc, vừa làm kế toán, vừa thủ kho, vừa nhân viên bốc vác, nhân viên vật tư, kiêm luôn cả văn thư. Đến 1 lúc nào đó, các bạn sẽ thấy rằng, Start Up còn khó hơn rất nhiều lần so với lập 1 doanh nghiệp bài bản. Tuy nhiên, người ta nói rằng: Gió tầm nào thì gặp mây tầng đó, chúng ta muốn vươn lên, đương nhiên phải chấp nhận đánh đổi rồi. Tin tôi đi, những trải nghiệm này sẽ đem lại cho các bạn rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm để vững vàng cho những giai đoạn tiếp theo.
 Năm 2008, tôi chỉ có 20 triệu kinh doanh, và mục tiêu của tôi cũng chỉ là nuôi sống được bản thân mình là tôi đã hạnh phúc lắm rồi. Sau đó ăn mừng, tự thưởng cho chiến công của bản thân mình và tiếp tục chinh phục mục tiêu tiếp theo.
Giống như việc ta muốn tán 1 em gái nào đó chả hạn. Chúng ta có thể lên kế hoạch cho đến khi con của bạn và cô ta lập gia đình và thậm chí lên kế hoạch để bạn và cô ta khi về già thì như thế nào. Tuy nhiên, mục tiêu đầu tiên chúng ta cần chinh phục, chỉ là làm thế nào để làm quen được cô ta đã. Khi tập trung vào mục tiêu đầu tiên, chúng ta bắt đầu tìm mọi cách để chinh phục. Óc sáng tạo lúc đó mới hoạt động hiệu quả. Bạn bắt đầu sẽ nghĩ cách để tiếp cận, gây ấn tượng.
Nếu chưa làm quen được với cô ta, mà đã nghĩ đến khi về già thì 2 đứa như thế nào thì bạn sẽ tập trung vào những thứ không có giá trị vào thời điểm này. Và óc sáng tạo của bạn cũng chỉ đưa ra những giải pháp cho những tình huống tưởng tượng mà thôi.
Làm, chỉ có làm thôi, xác định rõ mình đang ở tầm nào, học đúng kiến thức tầm đó thôi, rồi bắt tay vào làm, học và làm luôn đi đôi với nhau, xong rồi sai lại sửa.
 Ví dụ: tôi có làm mentor cho 1 bạn, cậu ta tiết kiệm để dành ra được 50 triệu và quyết tâm kinh doanh, cậu ta dùng nguồn lực là mối quan hệ gia đình với ông bác, thợ chuyên đóng giầy da 20 năm nay rồi, mục đích là muốn phát triển 1 thương hiệu giầy da nam riêng cho mình. Vậy tôi có hướng dẫn cho cậu ta. Việc đầu tiên, phải định vị bản thân mình ở tầm nào đã.
Tôi có hỏi cậu ta, hiện giờ cậu này đang ở chung với bố mẹ, nguồn lực cũng tốt, bố mẹ luôn sẵn sàng nuôi cơm, cung cấp chỗ ở miễn phí. Tuy nhiên cậu ta không thích như vậy nên muốn tự lập. Cậu ta tính ra, số tiền chi tiêu cá nhân hàng tháng, vì tiết kiệm nên cậu ta chỉ cần 3 triệu, đóng góp cho gia đình 2 triệu là 5 triệu thì ít nhất mới có thể sống được.
Vậy, với số vốn 50 triệu, trước mắt mục tiêu đặt ra phải là kiếm được 5 triệu nhân với 20% rủi ro không hoàn thành mục tiêu, là 7 triệu 1 tháng. Và mục tiêu này phải được lên kế hoạch để chinh phục trong 3 tháng. Khi nào hoàn thành được mục tiêu này, bắt đầu chuyển sang  mục tiêu tiếp theo: ví dụ cán mốc lợi nhuận 12 triệu, 18 triệu. Và để hoàn thành mục tiêu thứ 2, đương nhiên cách thức bán hàng, nhập hàng, marketing lại phải thay đổi. Tất nhiên là bản kế hoạch kinh doanh tôi cũng giúp cậu ta lập ra khá chi tiết.
Tùy nguồn lực của mỗi người, chúng ta chọn bước đi đầu tiên khác nhau. Ví dụ 1 bạn gia đình kinh doanh truyền thống, nguồn lực dồi dào, những người xung quanh cũng ở tầm cao, hỗ trợ rất tốt. Thì quyết định khởi nghiệp của họ khác hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bởi vì xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau, nên mục tiêu của mỗi người cũng khác nhau. Không ai giống ai cả.
Không có bạn nào, con của 1 gia đình kinh doanh truyền thống, giầu có, lại chọn mục tiêu đầu tiên là nuôi sống bản thân mình cả, bởi vì họ có nguồn lực quá tốt, việc tự nuôi sống được bản thân đối với họ quá đơn giản. Mà nếu có chọn mục tiêu như vậy thì mức chi tiêu, tiêu dùng của cá nhân người ta cũng cao hơn nhiều so với mức 5 - 7 triệu ở ví dụ trên. Mục tiêu đầu tiên của họ có khi lại là mục tiêu thứ 9, thứ 10 của người khác. Vậy nên, mỗi người, tùy theo vị trí của mình ở đâu, ta sẽ lập ra những mục tiêu khác nhau. Không thể ảo tưởng, nếu ảo tưởng, chắc chắn bạn sẽ mất tiền. 
Hy vọng với những chia sẻ của tôi ở trên, phần nào sẽ giúp các bạn mới kinh doanh hoặc đang tìm hiểu về kinh doanh, sẽ có thêm 1 góc nhìn, hoặc có thêm lựa chọn và tự tin, vững bước trên con đường sự nghiệp của mình.
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết này. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid, rất mong các bạn tuân thủ các quy định Pháp luật về giãn cách xã hội, về thông điệp 5 K của Bộ y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Chúc bạn thành công!
-------------------------------------------------------------------------------------
- Nếu bạn là "người nạp thông tin hệ nghe", bản thu của mình trên Spotify tại Đây, hoặc nếu thích xem trên youtube thì xem ở Đây - Tips thêm 1 cuốn sách mang tên "Hiểu hết về kinh doanh" để bồi bổ thêm kiến thức, góc nhìn về kinh doanh, link tìm mua trên Tiki tại Đây
- Xem thêm bài viết trong Series "Kỹ năng quản trị cảm xúc" của mình tại Đây
- Xem thêm bài viết trong Series "Kỹ năng kinh doanh cơ bản" của mình tại Đây