Nhà độc tài của Facebook – Mark Zuckerberg nổi tiếng với việc chỉ mặc một chiếc áo phông và đi dép xỏ ngón mỗi ngày tới văn phòng. 
Cả tủ quần áo của Mark chỉ độc hai kiểu áo: t-shirt và hoodie. Tất cả đều có màu xám và màu tối. Mark lý giải đơn giản rằng “Việc không phải nghĩ phải mặc gì mỗi ngày làm tôi có nhiều năng lượng và sự tập trung cho công việc hơn”.
 Điều này Mark hoàn đúng dựa trên kinh nghiệm cá nhân của Mark cũng như sự chứng mình đến từ khoa học và thần kinh học. Không chỉ Mark, nhiều người sáng tạo nhất cũng như làm việc có năng suất nhất cũng áp dụng lối sống tối giản. Hay nói đúng hơn tối giản lựa chọn để đạt được giá trị lớn nhất trong công việc và đời sống.
Tủ áo gồm loạt áo tee với hoodie tối giản của Mark
Tủ áo gồm loạt áo tee với hoodie tối giản của Mark
Trong chia sẻ này,mình sẽ lý giải, phân tích dựa dựa trên quan sát xung quanh và trải nghiệm cá nhân của chính mình khi áp dụng sự tối giản trong trang phục đã giúp mình tiết kiệm được thời gian và năng lượng trí não cho công việc như thế nào. 
TỐI GIẢN ĐEM TỚI SỰ SÁNG TẠO TRONG NHIỀU LĨNH VỰC
Trong giới công nghệ, Mark Zuckerberg không phải người duy nhất tối giản trong gu ăn mặc.
Gần như tất cả cac CEO của Apple, Google, Microsoft hay Tesla đều có tư duy như vậy. Họ xuất hiện trước truyền hình và báo chí với một bộ đồ đơn điệu và nhàm chán với quần bò đi kèm với áo phông.
Trước đó từ lâu, Steve Jobs là người đầu tiên khởi xướng nên phong trào tối giản trong trang phục từ những năm cuối thập kỷ 1990. Nhưng có một điều thú vị ít người biết, Jobs ở những năm 20 và 30 tuổi lại là một người chỉn chu và khó tính trong ăn mặc chẳng kém gì một tín đồ thời trang. 
Trong chủ đề tối giản trang phục của những nhà tỷ phú công nghệ mà những website hay giật tí có một điều đúng và một điều không đúng: họ thực sự tối giản nhưng những món đồ họ mặc có không hề rẻ. 
Steve Jobs chỉ mặc những chiếc áo len cổ lọ màu đen có giá hàng trăm đôla do Issey Miyake thiết kế. Mark Zuckerberg trông đơn điệu khi diện mấy chiếc áo phông tối giản của Brunello Cucinelli có giá 300 tới 400 đô, tương đương khoảng 10 triệu đồng. Trong tủ quần áo của hai người này có tới hàng chục chiếc áo như vậy.
<i>Gu thời trang một màu của Jobs khi ở tuổi 40 trở đi</i>
Gu thời trang một màu của Jobs khi ở tuổi 40 trở đi
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, ngay tới các giám đốc sáng tạo của không ít hãng thời trang xa xỉ cũng tối giản trong trang phục.
Virgil Abloh, nhà sáng lập Off-White đồng thời là giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam của Louis Vuitton, hay thiết kế cả bộ sưu tập sneaker mới cho Nike cũng có phong cách tối giản trong trang phục. Rất nhiều tấm ảnh Virgil chia sẻ trên Instagram anh chỉ mặc những chiếc áo phông màu đen và quần jean tối màu. 
Kanye West, Riccardo Tisci hay Jerry Lorenzo cũng là những nhà thiết kế giống Virgil Abloh vô cùng sáng tạo trong thiết kế nhưng lại luôn định hướng ản phẩm của mình theo phong cách tối giản. Nhưng cũng có cơ số các nhà thiết kế cũng ăn mặc tối giản khi đứng trước sàn diễn, liệu những ví dụ trên có đủ khẳng định tối giản đồng nghĩa là sáng tạo không?
Mình khẳng định là CÓ. Virgil Abloh không chỉ thiết kế cho Off-white, Louis Vuitton, Nike anh còn tham gia vào ít nhất 15 dự án khác như thiết kế vali máy bay cho Rimowa hay nội thất IKEA.
Kanye West cũng tham gia sáng tạo với nhiều thương hiệu không kém Virgil. Kanye West chịu trách nhiệm thiết kế cho Yeezy, Adidas, Balenciaga rồi cả GAP. 
Kanye West và Virgil Abloh
Kanye West và Virgil Abloh
Tương tự như vậy, một người trong lĩnh vực công nghệ cũng thường xuyên mặc áo phông tối giản (nhưng anh ta cũng rất có gu và biết cách làm nổi bật bản thân khi xuất hiện trên truyền thông) nhưng đang điều hành 2 công ty trị giá hàng trăm tỷ đô: Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX. 
Tối giản không đồng nghĩa với chất lượng thấp, giá rẻ, hay chỉ làm đi làm lại ột công việc. Tối giản đồng nghĩa với SÁNG TẠO, rất nhiều sáng tạo. 
Nhưng tại sao lại như thế?
QUÁ NHIỀU LỰA CHỌN VÀ QUYẾT ĐỊNH SẼ KHIẾN BẠN KHÔNG THỂ SÁNG TẠO
Câu trả lời là khi phải đưa ra quá nhiều quyết định từ trong công việc hay các nhu cầu cá nhân trong một ngày thì sẽ khiến não bộ căng thẳng, quá tải từ đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc. 
Thậm chí, ngay cả những quyết định đơn giản nhất như phải mặc gì cho thứ Ba để khác với thứ Hai. Ăn gì hôm nay khi hôm qua mình đã ăn bánh mỳ cũng khiến bạn cảm thấy chật vật khi không thể đưa ra lựa chọn một cách nhanh chóng.
Sau đó là một loạt các hành vi và công việc liên tục diễn ra như check email, kiểm tra tin nhắn, họp hành, gặp gỡ đối tác với những ai đã đi làm hay sắp xếp thứ tự sách vở, dụng cụ học tập với ai ai đang đi học cũng cần phải đưa ra các quyết định khác nhau cuối cùng sẽ dẫn tới tình trạng kiệt sức và quá tải chỉ trong vài giờ buổi sáng.
 Dưới góc độ của thần kinh học, khoa học nhận thức và tâm lý học hành vi, học tập và làm việc đều là những công việc đòi hỏi sử dụng gần như toàn bộ các vùng của não bộ, cùng một mạng lưới nơron thần kinh được huy động nhằm tạo ra sự tập trung. 
Điều này tiêu tốn nhiều năng lượng và ý chí đến mức khi được trước một vấn đề khó não bộ giải phóng adrenaline (là nguyên nhân gây ra sự tức giận, căng thẳng vả cả thích thú) ra khắp cơ thể.
Ngược lại, khi bạn giải quyết được vấn đề đó, tìm ra câu hỏi cho một bài toán khó não bộ sẽ tiết ra dopamine – được biết như nguồn gốc của sự hạnh phúc và khoái lạc. 
Thú vị hơn nữa khoa học cùng tâm lý học ngày nay đã chứng minh rằng : Quá nhiều lựa chọn nghĩa là cơ thể tràn ngập adrenaline – hormone gây căng thẳng và cáu giận. Một trường hợp khác rất gần với quá nhiều lựa chọn là đa nhiệm. Đa nhiệm khiến con người quá tải.
Đây là sự thật chứ không phải là sự phóng đại.Nghiên cứu khoa học cho thấy đa nhiệm làm tăng cortisol và adrenaline gây căng thẳng cũng như mệt mỏi. Khi đa nhiệm có nghĩa bạn đang ép não bộ ngừng tập trung vào việc này để chuyển ngay sang việc khác. Điều này làm não bộ phát đốt nhiều các nơron cũng như năng lượng hơn để có thể xử lý vấn đề.
Cứ liên tục chuyển từ công việc này sang công việc nọ khiến não bộ nhanh chóng tiêu hao nhiên liệu, và hậu quả là bạn sẽ lãnh đủ cảm giác mệt mỏi, tư duy chậm chạp hơn đồng thời cũng dễ cáu gắt.
Chắc chắn không hiếm lần chúng ta phải phân vân, đau đầu và thở dài bất lực khi đứng trước tủ quần vào mỗi buổi sáng với vô vàn lựa chọn. Bộ này đã mặc hôm qua. Bộ kia lại phù hợp để mặc vào Cuối tuần, khi vừa đi làm vừa đi ăn cưới. Rồi cái áo kia không thể phối được chiếc quần đang mặc được.
Tiếp theo là đôi giầy chúng ta đi liệu có hợp với bộ đồ ta chọn sau khi mất 15 phút lục tung tủ đồ. Như vậy chúng ta phải đưa ra một loạt quyết định chỉ trong buổi sáng ngay sau khi thức dậy. Nhưng đó không phải là những quyết định cuối cùng.
Ta còn đi trên đường nghĩ về món ăn sáng, về cung đường đang ùn hay tắc cục bộ, lên tới công ty, trường học phải mở email, làm bài tập... Quá nhiều quyết định cũng không khác gì đa nhiệm.
Thực tế cho thấy khi phải đưa ra nhiều quyết định gây ảnh hưởng tiêu hao rất lớn cho tài nguyên của hệ thần kinh. Năng lượng tiêu hao cho các QUYẾT ĐỊNH NHỎ cũng không ít hơn các QUYẾT ĐỊNH LỚN là bao. 
Mỗi lần như vậy, nhỏ hay lớn, ít hay nhiều não bộ vẫn phải đốt cháy một lượng lớn năng lượng và ép các nơron thần kinh phải hoạt động hết công suất. Vì thế càng nhiều quyết định năng lượng càng đi xuống, trí não càng kém trong việc tư duy và suy nghĩ một cách hiệu quả.
Kết luận này đi tới câu trả lời cho việc “Tại sao một chiếc áo phông lại có thể tăng cường khả năng sáng tạo” của những con người làm việc hiệu quả nhất, sáng tạo nhất và cũng thành công nhất. 
TỐI GIẢN TRONG LỰA CHỌN ĐEM TỚI SỰ ĐỘT PHÁ TRONG SÁNG TẠO
Tương tự như quá nhiều quyết định đồng nghĩa với đa nhiệm.
Cũng có một khái niệm khác rất gần với tối giản: đơn nhiệm,tập trung vào một công việc, một nhiệm vụ duy nhất trong một thời điểm.
Khác với nhiều lựa chọn và đa nhiệm, tối giản hay đơn nhiệm duy trì khả năng tập trung sâu thì não bộ tiêu hao ít năng lượng hơn, vui vẻ hơn, thoải mái hơn khi không bị căng thẳng giống như lúc phải chuyển đổi nhiều nhiệm vụ khi đa nhiệm.
Tối giản trong lựa chọn đồng nghĩa với việc dopamine luôn luôn được giải phóng mỗi ngày. Khi não bộ tràn ngập dopamine “tự nhiên” sẽ đem tới lợi ích như bạn hạnh phúc hơn, làm việc hiệu quả hơn và sáng tạo hơn.
Khoa học thần kinh cũng phát hiện ra nguyên nhân không có ĐỘNG LỰC làm việc hoặc làm việc không HIỆU QUẢ là bởi chúng ta bị QUÁ TẢI khi đưa ra quyết định. Việc phải đối mặc với quá nhiều quyết định nhỏ nhặt (như ăn gì, mặc gì) trong cuộc sống, trong mỗi ngày khiến chúng ta chẳng còn mấy năng lượng dành cho những quyết định then chốt, dù cho những quyết định này quan trọng đến thế nào với bản thân bạn. 
Điều này cũng củng cố luận điểm tại sao tối giản đồng nghĩa với sáng tạo: khi não bộ không phải đưa ra qua nhiều quyết định trong một ngày, thì năng lượng, năng suất và sự chú tâm được dồn vào hết các QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG. 
Khi nắm được sức mạnh của sự tối giản trong lựa chọn, những người sáng tạo nhất trong mọi lĩnh vực đều áp dụng ngay lập tức vào cuộc sống của mình. Họ tập trung vào những quyết định quan trọng nhất, họ hướng từng nơron thần kinh và từng giọt năng lượng của mình để gia tăng giá trị những gì mình đang làm, đây chính là bí mật giúp cho những người sáng tạo đạt được năng suất sáng tạo trong tư duy lẫn sản phẩm vượt xa hơn 99% còn lại.
Phần cuối cùng của bài viết này mình chia sẻ vấn đề khi phải đưa ra các quyết định về trang phục đã ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của cả ngay hôm đó như thế nào, cũng như sự tối giản trong hành vi, thói quen đã khiến mình đạt được hiệu suất làm việc và cả sự sáng tạo ra sao
ĐỂ SÁNG TẠO MỘT SỐ THỨ PHẢI TỐI GIẢN NHỮNG THỨ KHÁC
25 Tết vừa rồi mình mua một chiếc jacket mới màu trắng sữa để mặc trong dịp Tết.
Đó không phải là chiếc jacket đẹp nhất, thời trang nhất trong Uniqlo, nhưng có giá hơi cao so với dự tính ban đầu mình muốn bỏ ra. Nhưng mình đã mua ngay lập tức khi mà không cần suy tính hợp lý.
Mình biết với chiếc jacket này, mình sẽ phối được nhiều món đồ đang có, mình mặc được cả trong những ngày lạnh cuối Đông và đầu Hè nếu không quá nóng.
 Trên hết, chiếc áo này có thiết kế tối giản vì mình mua với sự thực dụng không che giấu: mình muốn mặc chiếc jacket màu trắng sữa này khi đi làm, đi chơi, đi gặp đối tác và cả đi sự kiện hay dự đám cưới. Có những ngày, mình vừa đi cà phê, làm việc, gặp bạn bè và cả ăn cưới chỉ từ buổi sáng tới buổi chiều. Với chiếc jacket này mình vừa thoải mái trong mọi hoàn cảnh, lại hợp cả phong cách ăn mặc nữa.
Như vậy với một chiếc áo có thể sử dụng trong bất cứ thời điểm nào, có thể phối được với cả tủ đồ của mình như chiếc jacket này khiến mình không phải đưa ra quá nhiều quyết định trong việc lựa chọn hôm nay phải mặc gì khi vừa phải qua công ty buổi sáng rồi buổi chiều lại có hẹn cà phê. Thế là mình đã đạt được sự tối giản trong lựa chọn, rút gọn quyết định, có thêm thời gian và năng lượng tập trung cho những vấn đề quan trọng, nhưng cũng không tới mức xuề xoà, nhạt nhoà trong trang phục. 
Khác với trước đây, khi luôn phải đắn đo mặc gì để dung hòa mọi yếu tố và hoàn cảnh bởi những món đồ mình từng mua thường là theo ý thích chứ không nhìn nhận qua những khía cạnh như “Có phối được với những món đồ đang có không? Có thể mặc được nhiều trong các sự kiện không?”. Vì thế, không ít lần mình đã phải đứng trước tủ quần áo, nhấc lên rồi nhấc xuống cả chục món đồ rồi miễn cưỡng khoác lên người một bộ trang phục không khiến mình thoải mái và đúng ý lắm.
Nhưng không chỉ dừng lại vậy, việc lựa chọn một món đồ không thể phối được với những trang phục đang có lại khiến mình bỏ thêm tiền để mua các trang phục có thể phối được với món đồ đó. Từ chiếc áo phông dẫn tới việc phải mua thêm áo khoác hay áo flannel, từ áo khoác dẫn tới việc chọn ra một chiếc quần hợp tông, và từ chiếc quần khi nhìn xuống chân lại phải tính cả việc mua một đôi giầy mới. Nhưng đau đầu hơn cả là để lựa chọn ra những món đồ ưng ý nhất, mình lại phải lên mạng, vào Youtube để xem, để chọn ra được từng món hợp với phong cách và túi tiền nhất có thể.
Những lúc ấy mình chẳng làm được việc gì hết. Mọi thứ đều dở dàng và hời hợt vì toàn bộ năng lượng, nơron thần kinh trí não của mình đang tập trung vào việc mặc sao cho đẹp mất rồi. Thực tế là mình đã trải qua vài lần như thế. Mua một món đồ nhưng câu chuyện chỉ kết thúc khi mình mua thêm một số món đồ khác. Sau những kinh nghiệm phải trả giá về thời gian, tiền bạc và cả tư duy, mình học được cách tối giản trong lựa chọn trang phục. Mình chỉ mua những món đồ có thể mặc được nhiều dịp.
Đó thường là những món đồ có màu sắc và kiểu dáng cơ bản như đen, xám và trắng. Từ áo, quần và giày mình luôn chọn theo những gam màu này bởi chúng dễ dàng kết hợp với nhau cũng như không bao giờ lỗi mỗi.
Kết quả là thay vì phải mất 15-20 phút để chọn ra bộ đồ ưng ý cho ngày mới mình lại có từng đó thời gian làm việc khác như đọc vài trang sách, viết to-do-list, sắp xếp công việc buổi sáng trước. Khi rũ bỏ được việc ra quyết định những thứ không cần thiết, mình thấy tư duy sâu hơn về những vấn đề trong công việc lẫn sự phát triển của cá nhân. Minh chứng rõ nhất là mình dự tính chỉ viết chia sẻ này dưới 1500 chữ, nhưng cuối cùng mình lại viết thành một tiểu luận dài 3000 chữ.
Hôm nay mình chỉ mặc khác hôm qua là mặc chiếc hoodie màu nâu thay vì màu đen, nhưng vẫn hợp với cả trang phục và giày mình mặc. Như thế mình lược bớt từ 3,4 lựa chọn cho trang phục xuống 1 lựa chọn duy nhất!Tất nhiên một bài viết 3000 chữ chưa chắc đã thú vị, súc tích và nhiều người đọc bằng một chia sẻ chỉ dài bằng một nửa.
Nhưng đối với bản thân mình, chia sẻ này là thành quả và giá trị của việc tối giản trong một số lựa chọn để đổi lấy sáng tạo. Rất nhiều những thông tin, kiến thức mình đưa vào trong bài viết là quá trình tìm hiểu và phân loại. Có vài dòng mang nhiều tính học thuật khô khan và khó ngấm. Vì thế mình luôn cố gắng đem vào bài viết và viết sao cho dễ hiểu, đơn giản và mạch lạc. Muốn mọi thứ đơn giản và dễ hiểu ít nhiều cũng cần đến sự sáng tạo, và để có được sự sáng tạo này đòi hỏi chúng ta phải tối giản trong một số thức khác.
Đó có thể là tối giản trong trang phục, trong những vật dụng khác hay chính trong những quyết định hàng ngày của chúng ta.
Tối giản là lược đi rất nhiều những thứ không thiết để đổi lấy một số ít những thứ cần thiết.
Và sáng tạo là một trong những bạn sẽ có được khi học được cách tối giản trong lựa chọn hay quyết định.