Đó chắn hẳn là một nghịch lý: Chẳng phải là bạn càng thông thái thì bạn càng có khả năng cao để đưa ra quyết định chuẩn xác giúp bạn hạnh phúc trong cuộc sống hay sao?
Một khi những nhu cầu cơ bản của con người được thỏa mãn, về lý thuyết thì có 3 điều tạo nên hạnh phúc của một người: có các mối quan hệ chất lượng, hài lòng với những điều bạn làm mỗi ngày và tự do trong việc đưa ra quyết định cho cuộc đời mình một cách độc lập.
Tuy nhiên các nghiên cứu về sự hạnh phúc lại chỉ ra một thứ mà ít được để ý tới, đó là khi ta được giáo dục tốt hơn, giàu hơn hay đạt nhiều thành tựu hơn thì nó không đảm bảo rằng bạn sẽ hạnh phúc. Thậm chí lại ngược lại, nó nói rằng những người, như vậy lại có khả năng ít hài lòng với cuộc sống của chính họ.
Một nghiên cứu thứ hai được tìm thấy trong câu hỏi của Giáo sư Rai Raghunathan, giảng dạy Marketing của trường Đại học Texas, được hỏi trong cuốn sách gần đây nhất của ông: Nếu bạn thông minh như vậy, sao bạn không hạnh phúc? Và chính góc nhìn của Raghunathan lại gợi mở ra nhiều vấn đề cho các nhà khoa học mổ xẻ về nó.
Dưới đây là một cuộc nói chuyện của phóng viên Joe Pinsker và Giáo sư Raghunathan về quyển sách của ông, đã được cô đọng lại để truyền tải những thông điệp ý nghĩa nhất tới bạn đọc.
Joe Pinsker: Một trong những tiền đề của cuốn sách ông có nói là con người luôn biết điều gì khiến họ hạnh phúc, nhưng cách mà họ kết nối với điều đó lại không giúp họ tối ưu hóa được hạnh phúc. Ông có thể đưa ra một ví dụ minh họa cho sự mất kết nối này không?
Raj Raghunathan: Giả sử như anh cần sự công nhận của mọi người về sự tài giỏi của mình trong lĩnh vực anh đang làm, thông thường sẽ có hai cách tiếp cận để anh trở nên thật giỏi về thứ gì đó. Cách tiếp cận thứ nhất tôi gọi nó là sự so sánh xã hội. Ví dụ như tôi tuyên bố rằng: Tôi muốn trở thành một giáo sư giỏi nhất ở đây. Vậy thì sự tài giỏi của tôi sẽ được xã hội đánh giá như theo lẽ thường chúng ta hay làm.
Tuy nhiên lại có rất nhiều vấn đề với cách tiếp cận này, vấn đề lớn nhất đó là rất khó để đánh giá xem thế nào là giáo sư giỏi nhất. Đâu là tiêu chuẩn để đánh giá bất kì ai ở khía cạnh nào đó? Tiêu chuẩn cho một giáo sư giỏi nhất là gì? Nó là về công trình nghiên cứu hay phương pháp giảng dạy? Thậm chí nếu anh chọn phương pháp giảng dạy làm tiêu chí, thì đó chính xác là gì? Là điểm số của sinh viên, hay là nội dung anh giảng trên giảng đường, là số lượng sinh viên vượt qua kì thi hay số sinh viên đạt kết quả tốt trong kì thi? Anh hiểu ý tôi chứ, rất khó để có thể đánh giá, bởi vì các tiêu chuẩn này sẽ càng dần trở nên mơ hồ khi ta xét ở lĩnh vực hẹp hơn hoặc thiên về yếu tố kỹ thuật.
Cũng vì vậy mà mọi người có xu hướng đặt ra những tiêu chuẩn ít mơ hồ hơn dù có thể chúng không liên quan lắm. Chẳng hạn như mọi người sẽ đánh giá giáo sư dựa trên những thành tích mà giáo sư đó nhận được hằng năm, tiền lương hoặc trường mà giáo sư đang dạy, thoạt nhìn thì nó có vẻ hợp lý, nhưng anh sẽ thấy nó không có sự liên quan đến một lĩnh vực cụ thể nào, trong khi mỗi lĩnh vực rất khác nhau.
Dù vậy thì chúng ta lại rất nhanh chóng thích thú với các tiêu chuẩn ấy. Nếu anh nhận được một phần thưởng là số tiền lớn trong tháng này. Anh có thể hạnh phúc trong tháng tới, hai tháng tới thậm chí sáu tháng tới. Nhưng ngay sau đó, anh sẽ dần quen với mức chi tiêu như vậy và muốn thứ gì đó hơn thế nữa. Bởi vì anh muốn duy trì trạng thái hạnh phúc của mình. Với hầu hết mọi người, có thể thấy là nó không phải là cách thức bền vững để có được hạnh phúc.
Pinsker: Vậy thì cách tiếp cận còn lại là như thế nào vậy giáo sư?
Raghunathan: Cách tiếp cận thứ hai đó là hãy làm những gì mà anh giỏi và thích thú làm nó mỗi ngày. Khi mà anh ngừng so sánh bản thân với người khác, anh sẽ hòa mình vào những điều anh thích và giỏi, khi anh tập trung vào nó và làm nó trong một thời gian đủ dài, cơ hội sẽ đến với anh, anh sẽ trở nên xuất sắc và tiền bạc, sự nổi tiếng và quyền lực sẽ là hệ quả sau cùng đến với anh, nó hoàn toàn khác với những điều mà anh chỉ cố gắng phô trương để làm hài lòng các tiêu chuẩn của người khác.
Có ba thứ mà tất cả mọi người đều cần để hạnh phúc đó là sự xuất sắc trong việc mình làm, cảm giác được thuộc về và sự tự trị. Tôi muốn thêm một yếu tố thứ tư, đó là thái độ hay cách nhìn của mọi người về cuộc sống của chính mình. Cách nhìn đó cũng được chia ra làm 2 dạng: một loại đó là tư duy khan hiếm (scarcity-minded approach), tức là chiến thắng của tôi đến từ sự sự thất bại của ai đó, một tư duy giúp ta đạt được các tiêu chuẩn so sánh xã hội. Còn cách tư duy còn lại, là tư duy phong phú (abundance-oriented approach), khi mà chúng ta tin rằng luôn có cơ hội cho bản thân phát triển mà không cần đến việc triệt tiêu thành công của người khác.
Pinsker: Tôi rất thú vị với cách phân chia của ông thành sự khan khiếm và sự phong phú, nó làm tôi nghĩ dến một khái niệm trong kinh tế học: Kinh tế học nghiên cứu về cách chúng ta đối mặt với sự khan hiếm. Ông có thể nói rõ hơn về điều này không?
Raghunathan: Trước hết, tôi không có ý muốn nói là tư duy khan hiếm thì hoàn toàn là vô dụng. Vì nếu anh đấu tranh cho sự sống của mình trong chiến tranh hay để thoát khỏi nghèo đói, hoặc anh muốn chiến thắng trong một trận đấm bốc, thì tư duy khan hiếm lại đóng một vai trò quan trọng giúp anh thành công.
Trong quá trình tiến hóa, chúng ta đã dần quen với việc đấu tranh để sinh tồn trong một thế giới với nguồn tài nguyên khan hiếm. Đồ ăn khan hiếm, nguyên liệu khan hiếm, đất đai khan hiếm, và nhiều thứ khác nữa. Nên rất tự nhiên để nói rằng con người chúng ta có xu hướng tư duy khan hiếm. Nhưng qua thời gian, tôi thấy rằng chúng ta không cần đến tư duy khan hiếm ghê ghớm đến như vậy.
Tôi nghĩ rằng, con người chúng ta, vốn là động vật thông minh nhất quả đất này, nên nhận ra rằng chính tư duy khan hiếm đã kìm hãm chúng ta lại. Ví dụ nếu tôi là một nhân viên thiết kế phần mềm cho một công ty quảng cáo, tôi chỉ có thể sáng tạo hơn và năng suất hơn nếu tôi ngừng áp đặt tư duy khan hiếm lên bản thân mình, bằng cách là ngừng chú trọng quá nhiều đến tiêu chuẩn về thành tích mà chỉ đơn giản là tận hưởng quá trình làm công việc đó mà thôi.
Pinsker: Vậy thì thưa giáo sư, nếu con người chúng ta được lập trình để tuân theo tư duy khan hiếm, vậy thì làm sao để có thể thay đổi ai đó sang một tư duy khác? Một trong những ví dụ là thí nghiệm của ông đề cập trong cuốn sách có nói rằng, một nhân viên được gửi mail nhắc nhở họ nên đưa ra những quyết định để trở nên hạnh phúc thì thực sự lại hạnh phúc hơn những người không nhận mail. Nó chỉ đơn giản vậy thôi sao?
Raghunathan: Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta được lập trình để tò mò và thích thú tới những thứ tiêu cực. Nhưng cùng với đó, chúng ta cũng được lập trình để tìm kiếm sự hạnh phúc và cơ hội tỏa sáng cho riêng mình, để trở nên phiên bản tốt nhất của chính mình. Vậy thì, để hạnh phúc, chúng ta chỉ cần làm những điều hết sức nhỏ nhặt, đó là hằng ngày làm những điều mà bạn thấy ý nghĩa và hòa mình vào chúng.
Anh hãy quan sát trẻ em ấy, chúng rất giỏi trong chuyện này. Chúng không hề bị tác động bởi những tiêu chuẩn ngoài kia. Chúng đơn giản chỉ làm những thứ đem lại niềm vui cho chúng. Trong cuốn sách, tôi có đề cập đến việc có lần tôi tặng cho đứa con trai 3 tuổi của tôi một chiếc xe ô tô điện, bởi vì cháu nó thấy người bạn hàng xóm có nó và nó cũng muốn một chiếc. Cháu nó chơi với chiếc xe được 3 ngày, sau đó, nó lại quay sang tìm niềm vui với chiếc hộp đựng xe hơn là cái xe. Anh thấy đấy, nó chỉ là một cái hộp đựng. Thằng bé không hề quan tâm đến việc liệu chiếc xe có mắc không hay giá trị thế nào, tính kỹ thuật phức tạp ra sao. Nó chỉ quan tâm tới cái hộp vì nó thích thú một nhân vật trên TV mà nó rất thích cũng chơi với cái hộp đó. Đó là chú heo Hamilton, chú dùng cái hộp làm nhà. Và nó cũng muốn tự mô phỏng lại điều đó.
Trong một vài nghiên cứu, chúng tôi cố gắng để mang lại cảm giác đó cho người trưởng thành, giúp họ lấy lại được sự tập trung của mình trong những điều vui vẻ nhỏ nhặt. Ví dụ như, thay vì ngồi lì một chỗ xem ti vi, người bố sẽ quyết định chơi một trận bóng rổ với đứa con của mình. Tất nhiên là với mỗi người sẽ có một cách làm khác nhau, và khi có lời nhắc bên cạnh, điều đó lại xảy ra theo một cách tuyệt vời hơn. Một thí nghiệm với 500 nhân viên của Fortunes và sinh viên cho thấy, khi được nhắc làm những điều nhỏ nhặt khiến họ hạnh phúc, thì họ dần cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn hẳn.
Pinsker: Nhưng thưa giáo sư, tư duy đủ này có đang đi ngược với những cách rao giảng về thành công mà mọi người vẫn được dạy hay không? Tức là, liệu ai đó có thể trở nên một tầm cao mới trong sự nghiệp mà chỉ đơn giản là nghĩ thế giới thật nhiều cơ hội và ta không cần triệt tiêu chiến thắng của người khác?
Raghunathan: Daniel Pink có đề cập đến cách thức để động viên và thuyết phục trong cuốn sách Drive của mình, đó là củ cà rốt và cây gậy, mà bây giờ nó đã được thay thế bởi một thứ mà ông ấy gọi là “Động lực 2.0”, nó nói về việc động viên con người làm những gì mà họ thực sự đam mê. Google là một công ty lớn đang áp dụng điều này và Whole Foods cũng như thế.
Tôi nghĩ là chúng ta còn đang kế thừa quá nhiều những quy tắc vận hành doanh nghiệp không cần thiết từ các thế hệ trước. Trong một quyển sách của mình, Simon Sinek có tranh luận về vấn đề này, ông cho rằng cách mà các doanh nghiệp vận hành hiện nay thực ra lại mô phỏng lại từ quân đội, mà quân đội thì cứng nhắc, phân cấp và tất nhiên là tuân theo tư duy khan hiếm. Nhưng điều ông ấy muốn đề cập ở đây, là những nhà lãnh đạo cấp cao xuất sắc trong cái hệ thống đó lại không thực sự có xu hướng tư duy khan hiếm như vậy. Tức là ta đã có một chút hiểu lầm ở đây, trong khi ta kế thừa cách vận hành cũ với tư duy khan hiếm nhưng lại mong muốn mọi người tuân theo tư duy phong phú.
Nhìn chung, thông điệp trong giới kinh doanh có thể hơi lộn xộn. Ở trường học, tôi thấy họ liên tục nói về trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và thúc đẩy tìm kiếm đam mê, nhưng đồng thời, nếu anh để ý vào những người được mời đến trường học thuyết giảng về vấn đề này, hoặc đơn giản là bảng xếp hạng trên các tờ báo kinh tế. Thì đó toàn là những người phải có hàng triệu đô, hoặc ít nhất ta phải thấy được cái bằng MBA của họ, toàn là những tiêu chuẩn so sánh xã hội.
Pinsker: Giáo sư có từng đề cập đến việc mọi người khá dễ dàng thích nghi với sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ, nhưng tôi thấy có những nghiên cứu nói rằng, người trúng sổ số độc đắc thì lại thường không hạnh phúc sau 1 năm, thậm chí còn thua cả tinh thần của một nạn nhân vừa vượt qua cuộc tai nạn. Điều này thực sự gây hứng thú với tôi, bởi nếu có thể quay lại quá khứ và ai đó mách bảo với tôi rằng tôi có thể viết cho các tờ tạp chí, chắc là tôi sẽ sướng rên lên mất. Nhưng kể cả bây giờ, tôi vẫn đang hạnh phúc ở khía cạnh nào đó, nhưng tôi vẫn có trong mình sự bất an và nhiều nỗi lo về tương lai. Tôi tin rằng cũng có nhiều người có cảm giác đó giống tôi. Giáo sư có thể giúp tôi giải thích rõ hơn về điều này không?
Raghunathan: Có thể nói đó là một vấn đề mà phần lớn mọi người đều mắc phải. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc khi mình đạt được thứ gì đó. Thực ra lại không hẳn là như vậy. Đồng ý là ta sẽ thích nghi nhanh với những thành công, nhưng nó lại có thêm những vấn đề khác, vì khi anh leo lên được đỉnh núi rồi, anh sẽ thấy còn rất nhiều đỉnh núi khác và muốn chinh phục nó.
Có một khái niệm đã giúp tôi vượt qua cảm giác này, tôi gọi đó là “hãy cứ tiếp tục miệt mài theo đuổi đam mê không ngừng nghỉ”, tức là anh không nên gắn việc đạt được hạnh phúc với kết quả của mục tiêu của mình, mà hãy tận hưởng quá trình đó. Bởi vì sao, bởi vì bản thân kết quả sẽ không thực sự tác động tích cực hay tiêu cực đến hạnh phúc của anh. Tất nhiên, trừ một số trường hợp thực sự nghiêm trọng như việc anh bị bệnh hiểm nghèo hoặc con của anh qua đời. Trong những trường hợp tiêu cực, nếu anh cứ nghĩ mãi về nó, như là đợt chia tay với cô bạn gái cũ thời phổ thông, hay việc anh bị gãy tay phải nhập viện hai tháng, thì anh chỉ có thể thốt lên” Chúa ơi, thế giới vậy là hết. Anh sẽ không bao giờ vượt qua được nó”. Có một điều chắc chắn là rồi anh cũng sẽ vượt qua được nó, chưa kể, những hoàn cảnh khó khăn như vậy lại là cơ hội cho anh học hỏi và trở lên mạnh mẽ hơn.
Vậy thì mọi thứ nằm ở cách anh nhìn cuộc sống này. Tất cả chúng ta đều có một niềm tin nào đó về điều tốt đẹp sẽ diễn ra hoặc là điều tồi tệ sẽ đến với mình. Không có một bằng chứng khoa học nào có thể chứng minh được liệu niềm tin nào thì chính xác hơn niềm tin nào. Nhưng nếu anh tin rằng cuộc sống này là tốt đẹp, anh sẽ tìm ra được bằng chứng cho điều đó. Và nếu anh tin cuộc sống là đầy rẫy bất công, anh cũng sẽ tìm ra được cái cớ để chứng minh rằng mình đúng. Nó giống như là giả dược vậy. Vậy thì nếu các niềm tin đều có giá trị như nhau, tại sao anh không chọn tin vào điều tích cực để tiếp tục tiến lên trong cuộc sống?
Pinsker: Thực sự khi đọc xong cuốn sách của ông, tôi được mở mang ra rất nhiều thứ, tôi thấy là nền văn hóa Mỹ của chúng ta nói riêng hay xã hội tư bản nói chung, có vẻ lại cổ súy nhiều hơn cho tư duy khan hiếm hơn là tư duy phong phú. Vậy thì liệu có tồn tại một xã hội, nền văn hóa hay thể chế nào tự mọi người đã nghiệm ra điều này không, hay là xã hội tự gửi thông điệp và mỗi người dựa trên nền tảng của mình để tự tìm lấy câu trả lời thưa ông?
Raghunathan: Ở mặt nào đó thì tôi cho rằng xã hội tư bản nói chung thì không ủng hộ tư duy phong phú, nhưng tôi tin là nó không tuyệt đối như vậy. Nếu bạn bóc tách bản chất của tư bản, bạn sẽ thấy nó có hai khía cạnh. Thứ nhất là nó đề cập đến sự tự do của con người, hay chính là sự lựa chọn cá nhân. Thứ hai đó là việc phân bổ của cải dựa trên năng lực chứ không phải trên nhu cầu.
Ở khía cạnh đầu tiên, tôi nghĩ nó rất là tuyệt vời và không có gì để nói. Khi chúng ta được tự do và việc phân bổ tài sản dựa trên năng lực là rất hợp lý, hơn là việc những suy nghĩ và sự lựa chọn của ta bị giới hạn, và việc phân bổ của cải lại dựa trên nhu cầu.
Vậy thì, chúng ta không thể bắt ai đó phải theo tư duy phong phú cả. Họ phải tự ra quyết định của mình thông qua trải nghiệm, tìm kiếm và dựa vào khoa học. Chỉ có khi đó, mỗi người mới có thể tự mình đưa ra quyết định khiến bản thân họ hạnh phúc. Và tôi nghĩ đó cũng là cách sẽ hiệu quả để tự một xã hội tư bản tự nó điều chỉnh tiến đến điều tốt đẹp hơn.
Dịch từ: https://www.theatlantic.com/business/archive/2016/04/why-so-many-smart-people-arent-happy/479832/