Nếu mục đích của bạn là giúp đỡ người khác và mong muốn tiền bạc và công sức của bạn được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích thì có lẽ bạn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước mỗi quyết định từ thiện của mình….

CÓ NÊN ỦNG HỘ NGAY LẬP TỨC CHO CÁC THẢM HỌA THIÊN NHIÊN?

Ngày 11 tháng 3 năm 2011, Vùng Tohoku của Nhật Bản hứng chịu trận động đất lớn thứ tư được ghi nhận kể từ năm 1900, trận động đất lớn đến nỗi toàn bộ các đảo của Nhật Bản đã dịch chuyển 2,4m. Chưa dừng lại ở đó, một cơn sóng thần cao gần 40m ngay sau đó đã tràn vào bờ hơn 10km khiến hàng triệu người rơi vào cảnh không có nước sạch và điện, hàng ngàn người chết.  Một năm trước đó, một trận động đất khác tại Haiti đã khiến gần 280,000 tòa nhà sụp đổ bao gồm cả Cung điện Hoàng Gia, tòa nhà Quốc hội… Con số thương vong lên đến hàng chục ngàn người.
Thông tin về thảm họa động đất của hai trường hợp trên tràn ngập tin tức và thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế tại thời điểm đó. Tổng số tiền cứu trợ quyên góp thu được ngay lập tức sau hậu quả lên đến hơn 5 tỉ đô la Mỹ ở mỗi trường hợp. Cả hai thảm họa có vẻ có nhiều nét tương đồng, đều gây ra bởi những trận động đất, đều dẫn tới sự phá hủy ở mức độ hàng loạt và đều nhận được số tiền quyên góp như nhau. Tuy nhiên nếu xem xét kĩ hơn về hậu quả và mức độ ở mỗi thảm họa thì bạn sẽ thấy số tiền quyên góp này không hợp lý chút nào: Đầu tiên là con số khác biệt ở thiệt hại về người ở hai thảm họa. Thảm họa động đất ở Nhật Bản khiến 15,000 người chết trong khi con số đó ở Haiti gấp 10 lần, khiến 150,000 người thiệt mạng. Thứ hai là Nhật Bản là nước giàu thứ tư thế giới và có đầy đủ nguồn lực để đương đầu với những thảm họa ở mức độ này trong khi Haiti thì không thể. Tính theo đầu người, người dân Nhật Bản cũng giàu hơn người dân Haiti 30 lần. Vì lý do đó mà chỉ sau 4 ngày khi thảm họa xảy ra, tổ chức chữ Thập đỏ Nhật Bản đã phát ra thông báo rằng sự hỗ trợ bên ngoài là không bắt buộc do đó tổ chức này không cần tìm kiếm và nhận sự hỗ trợ bên ngoài tại thời điểm đó.

Đọc thêm trong Quan điểm - Tranh luận

Suy nghĩ logic thì chúng ta sẽ kỳ vọng là một số tiền ủng hộ lớn hơn sẽ được quyên góp cho những thảm họa lớn hơn hoặc cho những thảm họa tại những đất nước nghèo hơn. Nhưng thực tế thì không như vậy, những khoản hỗ trợ thường được đổ về những sự kiện thu hút nhiều truyền thông hơn. Đây là những ví dụ điển hình của việc nếu chúng ta thực sự muốn tạo ra sự tác động, chúng ta nên quyên góp đến những thảm họa ít nhận được sự quan tâm của truyền thông.
Hàng ngày, số người chết từ những dịch bệnh có-thể-ngăn-ngừa-được như AIDS, bệnh sốt rét, bệnh lao… đều vượt xa số lượng thương vong ở Haiti, Tohoku. Mỗi ngày có 18,000 trẻ em - lớn hơn số người thương vong ở trận động đất ở Nhật Bản chết vì những bệnh dịch có thể phòng tránh được. Những chuyên gia từ tổ chức Y Tế Thế Giới WHO và World Bank cũng cho rằng những sự can thiệp hỗ trợ khẩn cấp thường xuyên tốn kém và ít hiệu quả hơn những vấn đề y tế hiện tại.
Phản ứng của chúng ta tới các thảm họa thiên nhiên giải thích tại sao khi làm từ thiện, hầu hết mọi người sẽ hành động cảm tính và phản ứng với các sự kiện mới xảy ra hơn là những vấn đề vốn luôn hiện hữu. Khi những thảm họa bùng ra, vùng cảm xúc trung tâm của bộ não chúng ta phát ra tín hiệu và chúng ta nghĩ rằng việc đó là khẩn cấp. Chúng ta quên mất rằng sự nghiêm trọng khẩn cấp ấy xảy ra thường xuyên bởi vì chúng ta lớn lên và đã trở nên quá quen thuộc với những tình huống khẩn cấp thường ngày như dịch bệnh và nghèo đói. Còn những thảm họa thiên nhiên lại là những sự kiện mới mẻ, chúng kích thích những cảm xúc khẩn cấp hơn, khiến tiềm thức của chúng ta đánh giá sai lầm rằng những thảm họa này nghiêm trọng hơn và xứng đáng sự chú ý hơn. Nếu bạn đang dâng trào cảm xúc đến một câu chuyện nào đó và muốn ra tay giúp đỡ ngay lập tức, có lẽ bạn nên kiềm chế lại một chút bởi rất có thể cũng có nhiều người cũng giống bạn đang sẵn sàng giúp đỡ. Khi một thảm họa thiên nhiên đang xảy ra, hãy nhắc nhở bản thân rằng những thảm họa tương tự cũng đang xảy ra và cân nhắc kỹ lưỡng nơi mà tiền của bạn sẽ được sử dụng hiệu quả nhất hơn là quyên góp cho những sự kiện đang thu hút nhiều sự chú ý nhất.

Đọc thêm:

Tại Việt Nam ngày 16/10/2016, với sự xúc động mạnh mẽ hướng về người dân Miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai kép cơn lũ lịch sử và bão Sakira, MC Phan Anh và gia đình đã ngay lập tức chuyển khoản 500 triệu và kêu gọi mọi người cùng chung tay. Chính Phan Anh cũng không thể tưởng tượng lời kêu gọi của anh đã được đón nhận như vậy khi chỉ sau vài ngày hơn 24,000 giao dịch đã được thực hiện với tổng số tiền quyên góp lên đến hơn 24 tỷ VNĐ. Số tiền này sau đó đã được Phan Anh và những người bạn thống kê minh bạch tất cả các khoản chi và công bố rộng rãi trên trang web www.tuthiendelamgi.com
Nếu nhìn kỹ vào bảng thống kê chi tiết được chính anh giới thiệu là "đã được kiểm toán bởi chuyên gia ở Deloitte" thì chúng ta sẽ thấy việc giải ngân hơn 24 tỷ VNĐ được thực hiện trong hơn 1 năm từ tháng 10/2016 - 10/2017. Trong đó chỉ hơn 12% là khoản chi cho hỗ trợ khẩn cấp trực tiếp cho những người dân vùng lũ chịu ảnh hưởng  của cơn bão Sakira. 70% số tiền còn lại trên tổng số hơn 24 tỷ Phan Anh gây quỹ được từ sự kiện cơn bão Sakira đã được giải ngân vào 5 chương trình khác như là Tặng quà tết, tặng bò Giống, ủng hộ Quỹ Hiểu về trái tim, ủng hộ dự án nước sạch và ủng hộ dự án Nhà chống lũ. Khoảng 17% còn lại là chi hỗ trợ khẩn cấp cho thiệt hại của người dân vùng lũ Nam Trung Bộ chịu ảnh hưởng của cơn bão diễn ra sau cơn bão Sakira hai tháng.
Nguồn: Facebook Phan Anh. 

Đọc thêm:

Nhìn vào báo cáo chi tiết, không thể phủ nhận nỗ lực của MC Phan Anh và những người bạn của anh. Tuy nhiên nếu bạn chỉ muốn quyên góp cho người dân miền Trung chịu ảnh hưởng của cơn bão Sakira thì rõ ràng bạn sẽ không cảm thấy được thuyết phục khi thấy tiền của mình được giải ngân ở những hạng mục khác vốn không phải là ưu tiên và quan tâm hàng đầu của bạn. Có lẽ vì xúc động với lời “hiệu triệu” từ chàng MC hào phóng hoặc có lẽ vì bị “bao vây” và “dẫn dắt” bởi quá nhiều thông tin tại thời điểm đó mà chúng ta đã vô tình gây lên một sức ép lớn, một công việc cho một người không chuyên. Chính Phan Anh bộc bạch rằng: "anh đã cố hết sức để hoàn thành trọng trách mà mọi người giao phó với nhiều trải nghiệm thăng trầm nhất mà anh từng có trong cuộc đời".

NÊN THAM GIA TÌNH NGUYỆN CHO TỔ CHỨC NÀO? 

Tuy nhiên, những người gửi tiền cho Phan Anh ít nhất vẫn có thể tự an ủi mình là ít nhất họ cũng biết tiền của mình đi về đâu, mỗi năm Việt Nam chịu bao nhiêu cơn bão, có rất nhiều đoàn thể, tổ chức đứng ra nhận tiền ủng hộ, nhưng những số tiền này được sử dụng như nào, liệu có ai biết? Hay số tiền mà chúng ta ủng hộ sẽ rơi vào những trường hợp dở khóc dở cười gần đây như cán bộ xã lấy tiền bồi thường Formosa để đi…du lịch, may quần áo hay sự việc cán bộ phường thu lại tiền cứu trợ của dân…Không chỉ các chương trình cứu trợ thiên tai không thể đánh giá hiệu quả, những chương trình tình nguyện dựa chủ yếu vào sức người cũng có tình trạng tương tự. Nếu bạn là một người trẻ thay vì ủng hộ bằng vật chất, bạn mong muốn cống hiến bằng sức trẻ và những kỹ năng của mình, chương trình từ thiện nào bạn sẽ tham gia?
Chương trình tình nguyện Mùa hè xanh có lẽ là lựa chọn phổ biến nhất cho các bạn trẻ. Chương trình này đã bước sang năm nay là năm thứ 25, và gần đây nhận rất nhiều chỉ trích về tính hình thức, và bị đặt nhiều dấu hỏi về việc hoạt động hiệu quả và mục đích của chương trình.
Tính riêng TP.HCM có hơn 60 ngàn sinh viên đã tham gia chương trình Mùa hè xanh trong năm 2017, thử tưởng tượng một nguồn lực khổng lồ như thế nào cần phải huy động để quản lý và giúp phát huy sức mạnh của những người trẻ thừa tinh thần và nhiệt huyết nhưng lại thiếu những kỹ năng cần thiết cho những hoạt động tình nguyện cụ thể như vậy? Phần lớn kinh phí hiện nay của “Mùa hè xanh” được lấy từ ngân sách nhà nước cho hoạt động của Đoàn Thanh niên nhưng không ai biết chính xác là bao nhiêu? Sự "phân bổ" ngân sách này kéo theo những ràng buộc nhất định, tạo ra cách tổ chức từ trên xuống và áp đặt chỉ tiêu.
Hay như chia sẻ của tác giả Khắc Giang trên báo vnexpress ngày 5/7/2016: “Gần 10 năm trước đây, tôi cũng như các em, cũng mang nhiệt huyết ấy đi tình nguyện tại một vùng đất nghèo của tỉnh Hà Giang. Thực tế trái ngược với tưởng tượng bay bổng của những cái đầu trẻ, thừa nhiệt tình nhưng thiếu sức khoẻ và kỹ năng cần thiết. Đội tình nguyện của tôi lúc đó nhận nhiệm vụ cào bằng một mô đất lớn để làm sân bóng chuyền. Gần hai tuần làm việc của chúng tôi hầu như không mang lại kết quả gì. Sinh viên chân yếu tay mềm, đi bê mấy viên đá là thở hổn hển, nói gì đến việc làm chuyên nghiệp như thợ xây. Do tiến độ trì trệ quá, cuối cùng Đoàn xã phải nhờ các cán bộ công an huyện đến giúp. Chỉ trong một buổi là hoàn thành.” Đáng tiếc là những câu chuyện như vậy không phải chỉ xảy ra 10 năm trước mà tình trạng ấy vẫn diễn ra đến tận bây giờ như sự việc 1000 thanh niên tình nguyện làm con đường 700m và tiêu hết 1,5 tỷ đồng từng gây xôn xao trên mạng hồi 2013 hay việc ba em sinh viên tử nạn khi tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” ở Bình Liêu, Quảng Ninh năm 2016 là những sự việc khiến chúng ta không khỏi giật mình vì cách vận hành tồn tại nhiều lỗ hổng của chương trình tình nguyện dành cho thanh niên được coi là lớn nhất này.
Không có một báo cáo chính thức nào đầy đủ thông tin để so sánh chi phí và kết quả đạt được để đo lường tính hiệu quả của chương trình? Nếu như kết quả đạt được chỉ dừng lại là xuống đường phân làn giao thông hay nhổ cỏ, phát quang bụi rậm ở khu vực nông thôn, tổ chức các lớp ôn tập hè và các chương trình vui chơi phát quà cho trẻ em…Hay nói cách khác là có một chương trình trải nghiệm, cọ xát cho thanh niên thì có lẽ nên thẳng thắn thừa nhận và đổi tên chương trình đúng với bản chất kiểu như: ”Trải nghiệm hè xanh?” hay “Du lịch trải nghiệm kết hợp tình nguyện?” Gọi tên và xác định đúng bản chất cũng là một cách để dễ dàng đo lường và đánh giá kết quả.
Một chương trình “tình nguyện” mà 25 năm không có sự đổi mới về cách thức hoạt động, chỉ mở rộng về số lượng của người tham gia và diện tích, không đánh gía được mức độ hiệu quả thì các bạn sinh viên – những người tham gia phải là người hoàn toàn nhận thức về mục đích chuyến đi của mình. Nếu mục đích của bạn là có một chương trình để giết thời gian nhàm chán trong mùa hè để thay đổi quỹ đạo cuộc sống bằng những hoạt động khác, muốn có một nơi để sinh hoạt nhóm và vẫn mang những ảnh hưởng tích cực đến người khác thì Mùa hè xanh có thể phù hợp với bạn. Nhưng cũng xin đừng tô hồng, hay lên gân về mục đích của nó so với những gì các bạn có thể đóng góp. Còn nếu mục đích của bạn là giúp đỡ người khác ở một tổ chức tình nguyện hoạt động chuyên nghiệp về một vấn đề cụ thể nào đó thì còn rất nhiều lựa chọn ngoài kia dành cho bạn.
Trên thế giới cũng không thiếu những ví dụ về những chương trình từ thiện hoạt động không hiệu quả. Nổi tiếng và tốn nhiều giấy mực nhất có lẽ là dự án PlayPump - dự án cung cấp nước sạch đã từng được quảng bá rầm rộ là một phát minh công nghệ đột phá trong chương trình cấp nước ở vùng cận Sahara châu Phi. Chương trình này cũng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà tài trợ thời điểm đó, đệ nhất phu nhân Mỹ- Laura Bush đã công bố khoản đầu tư 16,4 triệu đô la cho dự án. Trong 1 bài báo trên tờ Time vào năm 2006, cựu tổng thống Bill Clinton còn gọi PlayPump bằng mỹ từ "wonderful innovation" - một phát minh tuyệt đẹp.
Đây là sơ đồ giải thích cách mà PlayPump hoạt động:
Nguồn hình: UNICEF report
Hệ thống PlayPump sẽ tận dụng năng lượng từ việc chơi đùa của trẻ em bằng cách xoay đều vòng xoay để bơm nước sạch lên bể chứa số 4. Từ đó những người phụ nữ sẽ không cần đi bộ hàng cây số hoặc xếp hàng dài để vất vả lấy nước bằng những máy bơm điều khiển bằng tay. Để cài đặt mỗi hệ thống bơm này cần 14,000$. Năm 2010, PlayPumps đặt mục tiêu mang lại lợi ích của nước uống sạch lên tới 10 triệu người thông qua việc lắp đặt 4,000 hệ thống máy bơm nước PlayPump trong các trường học và cộng đồng ở 10 quốc gia ở vùng cận Sahara Châu Phi.
Tuy nhiên không lâu sau đó, một báo cáo độc lập của UNICEF đã chỉ ra mặc dù đã chi ra hàng triệu đô, người ta đã không thực sự quan tâm đến tính hiệu quả thực tế của hệ thống bơm nước này. Trò chơi đu quay có thể là một trò chơi vui đùa trong chốc lác nhưng để bơm được nước thì phải cần tập trung một lực không ngừng nghỉ trong thời gian nhất định trong khi sau khi chơi đùa, trẻ em thường nhanh chóng cảm thấy kiệt sức. Thậm chí theo báo cáo của UNICEF thì trò chơi này còn gia tăng những chấn thương như gãy chân tay đối với trẻ em. Ở một số ngôi làng, trẻ em còn được thuê để "chơi" với máy bơm, đến cuối cùng những người phụ nữ cũng phải tự mình đẩy những vòng xoay - một nhiệm vụ cũng nhanh chóng khiến họ kiệt sức, thậm chí là mệt mỏi hơn nhiều so với cách lấy nước truyền thống.
Nguồn hình: Playpump website 
Sau khi báo cáo của UNICEF được công bố, rất nhiều tổ chức tài trợ cắt hoặc rút tài trợ đồng thời thừa nhận sự thất bại của chương trình. Hiện tại chương trình này đã đổi tên và chủ yếu chỉ còn nhận tài trợ bởi một số công ty tư nhân.
Khi nói đến các chương trình và các tổ chức từ thiện, việc không tự kiểm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm thường đồng nghĩa với việc hoạt động không hiệu quả. Chương trình PlayPump hay chương trình Tình nguyện Mùa hè xanh là một ví dụ cụ thể. Những người quản lý của những dự án này hay những người ủng hộ đã bị cuốn theo cảm xúc - hình ảnh hấp dẫn của việc nhìn thấy những đứa trẻ quấn áo lấm lem với nụ cười rạng rỡ? Dù có vớt vát rằng mục đích không nhằm mục đích gì ngoài việc giúp đỡ người khác nhưng chỉ phụ thuộc vào mục đích tốt đẹp để biện minh cho hành động của mình rất có thể  trở thành những tai nạn tai hại hoặc sự lãng phí nguồn lực không cần thiết. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để tạo ra những thay đổi tích cực thực sự cho cộng đồng.
Chụp tại chương trình Mùa hè xanh tại huyện Nâm N Jang tỉnh Đắc Nông năm 2013 
Thử tưởng tượng việc bạn quyết định đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc vào một tổ chức từ thiện cũng giống như việc bạn quyết định đầu tư tiền của mình để kiếm lời. Khi đi đầu tư, nếu bạn đầu tư vào một thương vụ tệ, bạn sẽ mất tiền và bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân vì sao để cải thiện cho những lần sau. Vậy nếu bạn là một nhà đầu tư chuyên tìm kiếm các cơ hội để làm từ thiện, bạn có muốn đầu tư tiền của mình vào nơi vốn cũng không cần tiền của bạn (như trường hợp động đất ở Nhật Bản), hay bạn có muốn tiền đầu tư của bạn bị sử dụng sai mục đích (như trường hợp của MC Phan Anh) hay bạn có muốn đầu tư công sức và nhiệt huyết của mình vào một chương trình tình nguyện hoạt động sai bản chất (như việc đăng ký tham gia Mùa hè xanh)? Hay bạn cũng chẳng thực sự quan tâm kết quả thế nào, bạn làm từ thiện để vuốt ve cái tôi, để có cảm giác mình cũng đang cho đi hay để có cái thể hiện trên mạng xã hội?  
Phần lớn tất cả chúng ta đều mong muốn tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc đời ai đó, ít nhất là với những người đang đọc đến dòng này tuy nhiên rõ ràng là có ý định tốt không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả tốt đẹp, hi vọng lần tới trước khi quyết định làm bất cứ việc gì chúng ta sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn: Làm thế nào để chúng ta biết chắc rằng tiền và công sức của chúng ta sẽ được sử dụng hiệu quả? Làm thế nào để tránh những nguy cơ sẽ vô tình gây ra những tai nạn không đáng có hay tạo ra những thay đổi tích cực nhất trong khả năng của mỗi người.
--
Nguồn tham khảo: 
Thông tin về 1000 thanh niên tình nguyện làm 700m đường trên báo Tuổi trẻ và báo Giáo dục:
Chia sẻ của tác giả Nguyễn Khắc Giang trên báo VNE: https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/bi-kich-cua-mua-he-xanh-3430823.html
Và cuối cùng quan trọng nhất, lối suy nghĩ và nhiều thông tin trong bài được mình lấy cảm hứng và dịch chọn lọc từ quyển sách DOING GOOD BETTER của tác giả WILLIAM MacASKILL