TẠI SAO KHI KHỞI NGHIỆP, CHÚNG TA CẦN PHẢI QUAN TÂM NHIỀU HƠN ĐẾN VẤN ĐỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ?
Trong gần 7 năm, tôi may mắn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn để tìm hiểu về quá trình khởi nghiệp của họ. Có một điểm chung tôi nhận thấy là rất ít người quan tâm đến vấn đề Sở hữu trí tuệ hoặc có biết nhưng không xem trọng. Tại sao vậy?
Một vấn đề thiếu sót khi khởi nghiệp
Trong gần 7 năm, tôi may mắn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn để tìm hiểu về quá trình khởi nghiệp của họ. Có một điểm chung tôi nhận thấy là rất ít người quan tâm đến vấn đề Sở hữu trí tuệ (SHTT), hoặc có biết nhưng không xem trọng. Hầu như mọi người chỉ tập trung vào việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, mở kênh phân phối, xây dựng chiến lược PR-Marketing, thành lập pháp nhân, thuê nhân sự, văn phòng, nhà xưởng, v.v. Thật ra những công việc này đều rất quan trọng và cấp thiết. Một phần xuất phát từ chính đặc điểm của thị trường, khi mà người tiêu dùng của bạn chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì và chưa quan tâm đến các yếu tố về SHTT thì mặc nhiên, chúng ta cũng sẽ chỉ tập trung vào việc phát triển sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, theo tôi, đây chính là một sự “thiếu sót” không hề nhẹ. Tại sao? Vì từ thiếu sót này, bạn sẽ vô tình tạo ra một lỗ hỏng tiềm tàng, có nguy cơ gây ra những thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp sau này. Bạn cứ hình dung lỗ hỏng này giống như “vết mặt trăng” trên bề mặt của một quả bong bóng (các vết nhỏ hình tròn khiến bề mặt quả bong bóng bị mỏng hơn những chỗ khác). Khi quả bóng còn nhỏ, các vết này hầu như không gây ảnh hưởng, nhưng nếu chúng ta càng thổi quả bóng to hơn, áp suất không khí càng lớn, nó có nguy cơ làm quả bóng nổ tung. Tương tự, nếu bạn không phát hiện sớm “vết mặt trăng” về vấn đề SHTT, khi doanh nghiệp phát triển đến một lúc nào đó, bị “thổi căng”, nó sẽ … boommmm.
Nhận diện tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp
Thật ra nghĩa sát nhất trong tiếng Việt của cụm từ tiếng Anh “Intellectual Property” (IP) là “tài sản trí tuệ” (TSTT). TSTT là các tài sản vô hình, là những thứ mà bạn không thể cầm, nắm, sờ, mó, đốt, đập, cân, đong, đo, đếm, nâng niu, ve vuốt hay liếc mắt đưa tình được, chẳng hạn như dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu, bí quyết kinh doanh, công thức sản phẩm, ý tưởng sáng tạo, danh tiếng, uy tín, v.v. TSTT được phân biệt với các tài sản hữu hình như tiền, nhà xưởng, văn phòng, đất đai, máy móc, thiết bị và nhân lực của doanh nghiệp. Một điều mà chúng ta không thể chối cãi là những tài sản vô hình như trên ngày càng có một vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay, đặc biệt là khi công nghệ ngày càng phát triển. Đã qua rồi thời kỳ mà người nào nắm giữ nhiều bất động sản, nhiều máy móc, nhân sự thì sẽ nắm giữ quyền lực. Đây là thời kỳ mà ai nắm giữ công nghệ, trí tuệ, dữ liệu mới là người thật sự có quyền lực.
Tôi muốn khẳng định lại một lần nữa rằng TSTT là một loại … tài sản. Nghe có vẻ hiển nhiên ha, nhưng tôi vẫn muốn tái khẳng định để chúng ta cùng có một nhận thức khác hơn về loại tài sản đặc biệt này. Nó là tài sản là bởi nó chính là những gì doanh nghiệp bạn tạo ra, sở hữu và sử dụng. Nó là tài sản vì nó tạo ra nguồn lợi cho bạn. Và nó là tài sản là bởi nó có giá trị có thể quy đổi ra thành tiền, ví dụ bạn hoàn toàn có thể góp vốn vào công ty bằng quyền sở hữu đối với một sáng chế, một nhãn hiệu của bạn, hoặc khi định giá một công ty, các quyền SHTT đều được quan tâm rất kỹ càng.
Khái niệm “tài sản” cũng đã được pháp luật quy định rất rõ: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”, trong đó, quyền SHTT mà chúng ta đang đề cập chính là một loại quyền tài sản, cùng loại với quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hay quyền sở hữu nhà (sổ hồng). Trong thực tế, nếu bạn xem Shark Tank thường xuyên, không khó để nhận ra câu hỏi của nhiều sharks:
“Bạn đã có quyền SHTT đối với sản phẩm/quy trình này chưa?”
Điều này chứng tỏ rằng, TSTT là một yếu tố được các nhà đầu tư rất coi trọng và trong một số ngành, sản phẩm đặc thù như công nghệ, kỹ thuật, thực phẩm, thiết kế, giáo dục, v.v, nó còn gần như là yếu tố tiên quyết.
Các loại TSTT cụ thể
Theo quy định pháp luật SHTT Việt Nam, TSTT bao gồm 03 nhóm đối tượng chính sau:
[1] Nhóm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, hay còn gọi là bản quyền, với các đối tượng cụ thể như tác phẩm văn học, điện ảnh, hội họa, kiến trúc, bản quyền truyền hình, bản ghi âm, ghi hình, v.v
[2] Nhóm quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm các đối tượng như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (ví dụ cạnh tranh bằng việc sử dụng tên miền giống hoặc tương tự, v.v.).
[3] Nhóm quyền đối với giống cây trồng, bao gồm vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Tuy nhiên, để giúp các bạn có thể hình dung một cách dễ dàng về TSTT trong thực tế, Tôi sẽ liệt kê một vài ví dụ từ các start-up đã lên sóng trong 07 tập của Shark Tank Việt Nam mùa 5:
[1] Bản quyền có thể được xác lập cho cái gì? Đó chính là những sản phẩm sáng tạo, những tác phẩm văn học, tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, hội họa, điện ảnh, hoạt hình, âm nhạc, kiến trúc, v.v. VD: Các mô hình sáng tạo của 8K Creative; Các quyển sách, đồ chơi trẻ em của Hộp Háo Hức; Các tác phẩm ứng dụng công nghệ NFT của Vmeta; Giao diện và mã nguồn của app hẹn hò Fika, app kết nối giáo dục anyLEARN, app môi giới BĐS Ohio, app học tập IZI; Các thiết kế nội thất của Pathland; Thiết kế quần áo của Melya.vn; Họa tiết trang trí trên áo dài của Founder bột rau má Orama; v.v
[2] Nhãn hiệu có thể là gì? Đó chính là logo, tên gọi, dấu hiệu phân biệt của sản phẩm, dịch vụ hoặc của công ty bạn. VD: Facebook, Google, Shark Tank, NextTech, Sunhouse, Lian, CenLand, Đen Vâu, Cao Thái Sơn, v.v.
[3] Kiểu dáng công nghiệp có thể là gì? Đó chính là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc mẫu mã bao bì, hộp đựng, chai đựng sản phẩm. VD: Mẫu mã thiết kế bên ngoài của bàn chống gù lưng Esca; Mẫu thiết kế giày của Shondo; Mẫu thiết kế đồ chơi trẻ em của Bunny Boo; v.v.
[4] Sáng chế có thể là gì? Đó chính là những giải pháp kỹ thuật trong quá trình sản xuất, vận hành. VD: Giải pháp kỹ thuật vòng bi cổ xe của nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn; Kỹ thuật chăm sóc và hồi phục chấn thương thể thao của IRC; Công cụ voicebox ứng dụng AI của EM & AI; Cánh tay robot của Delta x Robot; Quy trình sản xuất trứng gà dược liệu của Sadu; Quy trình sản xuất tinh bột kháng tự nhiên từ đậu xanh CTCP Chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam; Các sản phẩm phụ kiện công nghệ của Velasboots; v.v
[5] Bí mật kinh doanh có thể là gì? Đó chính là loại thông tin độc quyền, bảo mật, có khả năng tạo ra lợi thế kinh doanh của công ty bạn. VD: Quy trình bảo đảm an toàn của các tour du lịch mạo hiểm của Jungle Boss; Các công thức sữa hạt D2; Công thức sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho nam giới của Nerman; “Bí kíp” kinh doanh vàng qua app của Hanagold; “Bí kíp” bán hàng online của Funimart; v.v
Tuy nhiên, để các loại tài sản này được pháp luật công nhận và bảo vệ, chúng phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ của pháp luật, đồng thời bạn phải tiến hành đăng ký, trải qua quá trình thẩm định của cơ quan nhà nước, và được cấp Văn bằng bảo hộ (trừ bản quyền được bảo hộ từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; và bí mật kinh doanh được bảo hộ trên cơ sở có được bí mật kinh doanh đó một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó). Còn nếu bạn chỉ tạo ra và đơn phương sử dụng thì chúng chưa đủ điều kiện để trở thành TSTT của doanh nghiệp chúng ta.
Một số fun facts
Sau đây là một vài fun facts liên quan đến các TSTT ở Việt Nam cũng như trên thế giới, để giúp chúng ta có một cái nhìn gần gũi hơn về vấn đề còn khá mới mẻ này.
[1] Trong một chiếc Iphone nhỏ bé có thể chứa đựng hàng trăm loại TSTT, có thể kể đến như nhãn hiệu hình quả táo cắn dở đặc trưng của Apple, bản quyền các phần mềm, thiết kế kiểu dáng bên ngoài, các sáng chế liên quan đến bộ nhớ, hệ điều hành, màn hình, pin, công cụ chụp ảnh, lỗ cắm tai nghe, … hay như phần nút home ảo và phần notch trên màn hình của nó.
[2] Âm thanh và mùi vị cũng có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu, ví dụ tiếng gầm của sư tử mở đầu cho phim của hãng MGM (Hoa Kỳ), tiếng chuông điện thoại mặc định của hãng NOKIA (Phần Lan), tiếng sấm rền của hãng xe Harley – Davidson (Hoa Kỳ) hoặc bốn nốt nhạc lên xuống trầm bổng của hãng dược phẩm “Hí-sá-mì-su” (Nhật Bản), v.v hay mùi các dòng nước hoa của Channel (Pháp), mùi khuynh diệp cho sản phẩm gậy đánh golf của E-Concierge (Australia), mùi cỏ tươi mới cắt cho sản phẩm bóng tennis của Vennootschap (Hà Lan), v.v. đều đã được bảo hộ nhãn hiệu. Ở Việt Nam, trước đây không bảo hộ 2 loại nhãn hiệu này, nhưng Luật SHTT sửa đổi 2022 vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung việc bảo hộ nhãn hiệu cho “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”, còn nhãn hiệu mùi vị thì vẫn còn đang bỏ ngỏ.
[3] Các nhãn hiệu đầu tiên trên thế giới được ghi nhận đều là của các sản phẩm bia, như bia Stella Artois (Bỉ) tuyên bố sử dụng nhãn hiệu từ năm 1366, bia Löwenbräu (của Đức) đã tuyên bố sử dụng nhãn hiệu từ năm 1383. Còn nhãn hiệu được bảo hộ đầu tiên ở Châu Âu là bia Pilsner (Séc) năm 1859. Trong bình diện từng quốc gia, nhãn hiệu đầu tiên được bảo hộ ở Anh cũng là một sản phẩm bia, đó là bia Bass năm 1876. Còn ở Việt Nam, mình tìm chưa ra thông tin về nhãn hiệu đầu tiên, nhưng biết đâu đó có thể cũng là một nhãn hiệu bia như Bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia 333. Một, hai, ba…. Dzô!
[4] Công thức bí mật của Coca-Cola là một trong những bí mật kinh doanh nổi tiếng nhất thế giới. Có một câu nói huyền thoại của Coca-Cola rằng “chỉ có hai người trong cùng một thời điểm biết công thức của Coca-Cola, và họ không được bay cùng một chuyến bay để đề phòng trường hợp chiếc máy bay gặp tai nạn”. Công thức này được tạo ra bởi John Pemberton, một dược sĩ y học, trong năm 1886. Sau nhiều lần sáp nhập, đổi chủ, tương truyền rằng công thức này đã được ghi chép, tiêu hủy rồi được nhân viên học thuộc, truyền miệng và sau đó nó được đặt trong két sắt an toàn được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 tại một ngân hàng ủy thác ở Atlanta. Đến năm 2011, Coca-Cola đã chuyển công thức này đến một nơi an toàn hơn, nằm dưới một rạp xiếc trong dự án “World of Coca-Cola” - một dạng viện bảo tàng lịch sử của Coca-Cola.
[5] Kiểu dáng của chai nước hoa Miss Saigon là một trong những kiểu dáng sản phẩm được sử dụng lâu nhất tại Việt Nam. Đây là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) tiền thân là hãng nước hoa Imortel trước năm 1975. Sau hơn 40 năm không ngừng cải tiến và phát triển, sự dung dị trong hình ảnh vỏ chai luôn cho thấy một tình yêu to lớn dành cho những người phụ nữ với chiếc nón lá và tà áo dài Việt Nam.
Lời kết mở
Để kết lại và trả lời cho câu hỏi chủ đề ngày hôm nay là “Tại sao khi khởi nghiệp, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề SHTT?”, tôi xin tiếp tục đưa ra một câu hỏi khác! Vâng, đúng là như vậy, một câu hỏi khác!
Nếu chẳng may, chẳng may, chẳng may và chẳng may, công ty chúng ta phá sản, chúng ta buộc phải bán tất cả nhà xưởng, văn phòng, xe cộ, máy móc, cổ phần, buộc phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, và thậm chí là phải bán luôn ... "cái nịt", thì công ty chúng ta sẽ còn lại cái gì?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất