Photo: Internet
Khi làm placement testing (bài kiểm tra nói để xếp lớp phù hợp), mình hay hỏi các bé học viên young learners (cấp 1 và cấp 2) là ‘How many friends do you have at school?” và câu trả lời thường là ‘a lot’ hoặc cụ thể hơn là ‘30’ hay ‘40’. Với các bạn học viên là các bạn/anh/chị đã đi làm thì mình lại hay hỏi ‘Do you prefer a big group or a small group of friends?” và câu trả lời thường là ‘a small group of friends’. Hai câu trả lời của hai nhóm đối tượng khác nhau này có vẻ khá dễ đoán, không có gì bất ngờ lắm, nhưng nó lại khiến mình suy nghĩ ‘Vậy tại sao khi còn nhỏ chúng ta có (rất) nhiều bạn nhưng khi lớn lên thì số lượng bạn lại ít dần theo thời gian?’.
Khi còn nhỏ, chúng ta - những đứa trẻ chủ yếu chỉ quan tâm đến niềm vui - thường cảm thấy dễ dàng chia sẻ những sở thích và thói quen của mình với những người bạn xung quanh một cách vô tư mà không có bất kỳ yếu tố mang tính chọn lọc nào, nhưng khi chúng ta lớn dần, đi kèm với những trải nghiệm cuộc sống là việc hình thành một cơ chế xây dựng các mối quan hệ dựa trên một bộ lọc với nhiều màng lọc khác nhau. Số lượng màng lọc thường tỷ lệ thuận với số lượng bài học được rút ra một cách thụ động hoặc những tiêu chí do bản thân đặt ra một cách chủ động. Có người sau khi bị người bạn thân nhất phản bội sẽ cảm thấy vô cùng tổn thương, gián tiếp cho phép bản thân xây dựng một cơ chế phòng vệ để rồi từ đó không có thêm bất kỳ một mối quan hệ bạn bè thân thiết nào nữa. Với một số người khác, màng lọc của họ được hình thành trên cơ sở trình độ học vấn, điều kiện kinh tế, cách tư duy, lối sống, v.v. mà nhìn chung những yếu tố này thì làm gì đã được biết và hiểu bởi những đứa trẻ lên mười.

Nhưng nếu liệu được hỏi ‘Có ít dần bạn đi, bạn có buồn không?’ thì câu trả lời của mình và một cơ số người sẽ là ‘không’, vì phần lớn chúng ta hiểu được một sự thật rằng sau tất cả những áp lực, những viên kim cương chất lượng nhất sẽ là những viên kim cương không vỡ, hay sau tất cả những màng lọc ngày càng nhiều hơn theo thời gian, những người bạn mà chúng ta vẫn có thể đồng hành là những người bạn thật sự.
Nên suy cho cùng, việc mất dần những người bạn mà chúng ta đã từng rất thân không hề tệ như chúng ta vẫn nghĩ mà điều này, theo cách nghĩ tích cực, là dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt nhận thức, rằng chúng ta đang lớn dần và đang dần thích nghi tốt hơn với những thay đổi của cuộc sống như một quy luật bất biến.
Việc ai ở, ai đi không còn là một bài toán thiệt hơn nữa, mà là việc chúng ta có dám đối diện và chấp nhận nó như một lẽ thường tình không thôi.
15/5/2021
han.fearless