Thời gian đọc: 9 phút
Chúc các bạn có những giây phút đọc bài hiệu quả!
_____________________________________
Ở phần trước chúng ta đã cùng nhau điểm qua 3 tư duy sai lầm trong việc học ngoại ngữ, vậy nên trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ cùng các bạn trao đổi về 2 tư duy sai lầm còn lại cũng như cách để cải thiện trình độ ngoại ngữ hiện tại của chúng ta nhé!
MÌNH KHÔNG CÓ ĐỦ TÀI NGUYÊN ĐỂ HỌC NGOẠI NGỮ
Mình chẳng có tài liệu luyện nghe, luyện viết nào hay cả. Mình không có bạn ngoại quốc, cũng chẳng có tiền để mua tài khoản Cambly để được trò chuyện với người bản ngữ. Mình không có thầy cô giỏi hướng dẫn, không có tiền đi học trung tâm, vậy nên mãi mãi mình chỉ quanh quẩn ở mức trung bình khá. Vân vân và mây mây, túm một câu lại là "mình" chưa có muốn bắt đầu. Mình từng nghe ở đâu đó một câu rất đúng: khi chúng ta sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện. Người thầy ở đây không ám chỉ một cá nhân hay tổ chức nào, mà chính là một “nguồn tài nguyên” để chúng ta có thể học tập. Nhờ có youtube, mình biết đến chị Lýdia Machová và Polyglot Conference - nơi hội tụ những con người thông thạo nhiều ngoại ngữ trên thế giới. Nhờ có podcast và Netflix mình được nghe người bản địa thực sự giao tiếp với nhau như thế nào. Nhờ có sách và blog, mình được rèn khả năng đọc và mở mang thêm kiến thức. Nhờ có những người bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ, mình có cơ hội được giao tiếp để duy trì và cải thiện khả năng giao tiếp, dù hiện tại đây vẫn là kĩ năng mình yếu nhất và cần trau dồi thêm rất nhiều. Sau chừng ấy thời gian tìm, lọc, trải nghiệm, tích luỹ, mình nhận ra rằng mấu chốt nằm ở chỗ chún ta phải đặt tay xuống làm trước hết và cho bản thân một khoảng thời gian đủ dài để trải nghiệm và tự đúc kết.
Điều bạn cần ghi nhớ ở đây là không có một bộ tài nguyên nào phù hợp với tất cả chúng ta, vì mỗi cá nhân đều có những sở thích, hứng thú và mối quan tâm riêng. Có người thích đọc blog, có người thích đọc manga, có người thích nghe podcast, có người thích xem truyền hình thực tế. Không có cách tiếp cận nào là sai, cũng không có nguồn tài nguyên nào là vô bổ, quan trọng là nó tạo cho chúng ta một môi trường học tập khiến chúng ta cảm thấy hứng thú và tiếp thu được nhiều kiến thức nhất có thể, vậy là đáp ứng được yêu cầu của một nguồn tài nguyên chất lượng. Chúng ta không thiếu tài nguyên, chỉ là chúng ta chưa bắt đầu tích luỹ và xây dựng bộ tài nguyên của riêng mình. Và như chị Lýdia Machová cũng chia sẻ: một điểm chung của những người thông thạo nhiều ngoại ngữ đó là họ luôn chủ động xây dựng cho bản thân một hệ thống tài nguyên học tập mang màu sắc của riêng họ thay vì ngồi chờ nó tự xuất hiện hoặc chờ ai đó đem đến.
ĐẾN TIẾNG ANH CÒN CHƯA HỌC XONG, NÓI GÌ ĐẾN NẰM LÒNG NHIỀU NGOẠI NGỮ - KHẢ NĂNG CỦA MÌNH CHỈ ĐẠT ĐƯỢC ĐẾN VẬY THÔI
Hồi với bước vào năm nhất, mình đã từng nghe rất nhiều anh chị khoá trên chia sẻ: học tiếng Trung rồi thì chỉ còn nước bỏ tiếng Anh thôi, học không nổi đâu em. Mình đã tin sái cổ, vì chẳng có ai bảo với mình là hãy tiếp tục hành trình học tiếng Anh của em đi. Hoặc có thể là do chính bản thân mình cũng luôn luôn tự nhủ với bản thân như vậy, rằng mình chỉ là một người bình thường không có khả năng. “Đến tiếng Anh học bao lâu như vậy còn chưa giỏi, còn mơ mộng gì đến việc thành thạo ít nhất 2 ngoại ngữ?” Và đó là cách mình tự giới hạn bản thân mình. Chính tư duy này cũng kìm hãm mình rất nhiều trong hơn 2 năm học tiếng Trung ở đại học. Nó khiến mình luôn ở trong vùng an toàn và tự hài lòng với những thành quả cỏn con mà mình đạt được, không chịu để tầm mắt hướng đi xa hơn, lười cập nhật, ngại phấn đấu. Mình cứ giữ khư khư tư tưởng này, vậy nên mỗi khi mình nhìn thấy ai đó có thể nói thông thạo 2, 3 ngoại ngữ, mình cho rằng họ chắc hẳn phải có một tài năng thiên phú hoặc có điều kiện học tập vô cùng tốt, hoặc cả hai, đến khi mình biết đến cộng đồng Polyglots - những người thành thạo nhiều ngoại ngữ trên thế giới. Họ không đơn giản chỉ là vài ba cá thể đơn lẻ, họ có cả một cộng đồng. Trong số những con người được gọi là tài năng ấy, có những người cũng gặp khó khăn trong việc học Tiếng Anh trong suốt quãng thời gian học phổ thông, và họ đều có một điểm chung: họ tiến bộ rất nhanh khi bắt đầu quá trình tìm tòi tự học. Vậy hẳn là vấn đề không nằm ở tố chất, mà nó nằm ở những yếu tố khác đang bị kìm hãm bởi tư duy giới hạn. Suy đi tính lại, mình cho rằng đây là một kiểu tư duy nguỵ biện tự lừa dối và an ủi bản thân, và nếu chúng ta còn trên mình tư duy thêm một ngày nào trong cuộc đời, điều này đồng nghĩa với thêm một ngày chúng ta không bao giờ giỏi được ngoại ngữ.
VẬY SAU CÙNG, CHÚNG MÌNH CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIỎI NGOẠI NGỮ?
Tự học. Không cần chờ ai dạy để học, không cần chờ thời điểm để bắt đầu. Đó là bài học quý giá nhất mà mình nhận được vào những ngày cuối cùng của năm 2021. Hiểu được lí do tại sao và học được cách tự học là điều kiện tiên quyết để chúng ta thành thạo một ngôn ngữ.
Trong phần cuối của bài viết, mình xin phép được chia sẻ mô hình học ngoại ngữ mà mình học được sau buổi webinar và các videos trên youtube của chị Lýdia Machová. Mô hình này gồm bốn phần: FUN, QUANTITY (CONTACT), METHODS, SYSTEM
FUN
Điều gì giữ chúng ta gắn kết với một ngoại ngữ lâu dài? Một trong số đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, cảm giác thoải mái không vướng chút âu lo, muộn phiền, căng thẳng. Chẳng ai muốn tiếp tục học nếu việc học tẻ nhạt và hành xác. Vậy nên người học ngoại ngữ cần tìm phương pháp học cũng nguồn tài nguyên phù hợp thông qua lăng kính của sở thích. Mỗi polyglot lại có một cách học vô cùng khác nhau, có người bắt đầu bằng cách ngấu nghiến ngữ pháp, có người học thông qua xem phim, có người lại học thông việc giao tiếp ngay với người bản ngữ ngay khi mới tiếp xúc với ngoại ngữ mới, rồi người nghe, người đọc,......Hay thậm chí trong cùng một phương pháp, mỗi polyglot lại chọn cho mình những chủ đề để tiếp cận không ai giống ai. Nhưng tựu chung lại, họ đều thành thạo ngoại ngữ đó, vì quá trình học đem lại cho họ niềm vui. Lăng kính của sở thích - đó là chìa khoá thứ hai mà bạn cần sở hữu sau khả năng tự học.
METHODS
Có rất nhiều phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả mà bạn có thể tìm được như Goldlist Method, Active Recall and Repetition, Shadowing, học qua phim, ghi chép chính tả....vân vân mà mây mây các phương pháp cho từng kĩ năng ngoại ngữ khác nhau. Điều làm nên sự khác biệt ở chúng ta và các Polyglots là họ chọn cho mình một phương pháp phù hợp và áp dụng nó lâu dài theo cơ chế của thói quen - mỗi ngày làm một chút chứ không làm liền tù tì một ngày xong bỏ. Sự kiên trì lặp đi lặp lại mỗi ngày tạo nên một khoản tích luỹ đủ lớn song lại dễ dàng thực hiện hơn so với việc ngồi hàng giờ một ngày - điều vô cùng khó tiếp tục thực hiện ở ngày hôm sau. Không có con đường tắt nào để học ngoại ngữ, dĩ nhiên bạn có thể tăng thời gian học mỗi ngày lên nếu thời gian biểu của bạn cho phép, song lượng sức lực phải bỏ ra sẽ không hề giảm đi. Chọn một vài phương pháp phù hợp với bản thân và kiên trì làm đủ 1 tiếng mỗi ngày, đây là chiếc khìa khoá thứ 3 giúp chị Lýdia Machová học được thêm 1 ngoại ngữ mới sau mỗi 2 năm.
QUANTITY (CONTACT)
Sáng ngủ dậy lẩm bẩm bằng tiếng X, viết nhật ký bằng tiếng X, xem một video tiếng X khi ăn sáng, bật podcast tiếng X trên đường đi làm, giải trí bằng phim/ show nước X,....Biến khoảng thời gian dành cho những thói quen, sở thích cũng như những công việc không tên trong ngày thành thời gian tiếp xúc và sử dụng ngoại ngữ một cách nhiều nhất có thể, đây là điều tạo nên sự khác biệt rõ rệt ở người học trong một khoảng thời gian ngắn, đồng thời giúp duy trì năng lực và tư duy ngoại ngữ của người học trên chặng đường dài. Một trong số những ví dụ điển hình mà bạn có thể tham khảo làn người bạn của chị Lýdia Machová, anh ấy đã tận dụng cả khoảng thời gian “đi theo tiếng gọi của thiên nhiên” để tiếp xúc với ngoại ngữ. Đắm chìm trong ngôn ngữ bạn đang học, biến nó thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, đây là chiếc chìa khoá thứ 4 mà bạn cần sở hữu để nâng trình ngoại ngữ của mình.
SYSTEM
Mỗi khi bắt đầu học một ngoại ngữ mới, chị Lýdia Machová luôn lên cho mình một kế hoạch học tập dài hạn. Quá trình này bắt đầu với bước xác định thứ tự ưu tiên của các kĩ năng cần được rèn luyện trong 1 khoảng thời gian từ 2-3 tháng. Chẳng hạn như trong tháng đầu tiên, chị thường sẽ bắt đầu với kĩ năng nghe, phát âm và từ vựng, sang đến chặng thứ 2 sẽ là nói, từ vựng, nghe,....Sự ưu tiên giúp chị xác định được rõ điều chị cần tập trung phát triển trong khoảng thời gian này là gì và dành hết tâm sức vào phát triển nó thay vì chỉ tập trung mãi vào một kĩ năng đã có khởi sắc. Chẳng hạn như thường chúng ta rất lười nói khi tự học, thay vào đó chúng ta nghe nhiều hơn vì điều này không đòi hỏi quá nhiều tư duy và năng lượng, dẫn đến tuy thời gian học nhiều nhưng khả năng giao tiếp vẫn không được cải thiện.
Sau khi xác định được thứ tự ưu tiên, chị sẽ có một bảng kế hoạch rõ ràng rằng mình sẽ dành bao nhiêu thời gian cho kĩ năng nào, mỗi ngày bao nhiêu, làm vào lúc nào trong ngày, tổng tuần bao nhiêu, làm thế nào để tạo động lực dài hơi.....Điều này giúp người học ngoại ngữ không luôn rõ ràng trong việc học và có thể cân đo đong đếm được sự tiến bộ của bản thân mình, từ đó đưa ra những chiến lược học phù hợp cho khoảng thời gian sắp tới. Mình sẽ để ảnh minh hoạ ở dưới mình luận để các bạn tham khảo nhé!
LỜI KẾT
Mình xin phép được kết thúc phần hai của bài viết “Tại sao chúng ta không giỏi ngoại ngữ?” ở đây. Hi vọng các bạn nhận được giá trị từ bài viết và sẽ dành thời gian ra nghiền ngẫm cũng thử áp dụng những gì mà bài viết chia sẻ. Nhân ngày cuối cùng của năm 2021, mình chúc các bạn đạt được những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và sớm chinh phục được ngoại ngữ mà bạn đang theo học. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài!
𝑳𝒐𝒗𝒆 𝒚𝒐𝒖, 𝑩𝒆 𝑺𝒂𝒇𝒆 𝒂𝒏𝒅 𝑩𝒆 𝑷𝒓𝒆𝒔𝒆𝒏𝒕!