Bởi đây là lựa chọn an toàn cho những người CHƯA BIẾT MÌNH MUỐN GÌ
1. Đại học là quãng thời gian tốt để làm "bước đệm" cho đời
Có nhiều người chỉ tốt nghiệp cấp 3, đi làm và thành công sớm. Nhưng để đánh đổi cho những đồng tiền đến sớm ấy, các bạn đó không hề có một thời đại học vui vẻ, vô tư, tạm thời không lo nghĩ một chút. Đối với nền giáo dục Việt Nam, khi mà từ lớp 1 đến lớp 12 bạn đã học rất nặng, không hề có thời gian tìm hiểu bản thân, chưa thật sự biết mình thích gì, vậy thì chắc gì ra đời va vấp đã là một điều tốt?
Bạn có thể vào đại học, 1 năm thôi, rồi thấy không hợp và bỏ. Nhưng trong 1 năm đại học ấy bạn có thể thử đi làm part time, thậm chí như một số người mà mình là ví dụ điển hình, nghỉ học trên giảng đường để đi làm. Tốt nghiệp cấp 3 và đi làm luôn đồng nghĩa với việc đứng trước áp lực cơm-áo-gạo-tiền ngay lập tức. Những đứa trẻ tự lập có thể hoàn toàn thích nghi nhanh chóng, nhưng nếu bạn là một người từ trước đến nay được bao bọc, che chở, chưa có một khái niệm về cuộc đời, thì một "bước đệm" tốt chính là nhà trường.
Khi bạn có những công việc làm thêm đầu tiên, bạn được học những kỹ năng mà trước giờ bạn chưa được học. Bạn có thể thất bại, và bạn cũng được-phép-thất-bại. Và mình cam đoan là sự thất bại này đến dễ dàng hơn khi bạn vẫn đang đi học, nghĩa là bạn vẫn đang có một điều để đỡ cho bạn khi bạn vấp ngã.
2. Học đại học là tìm được những người bạn cùng chí hướng, cùng tư tưởng
Bạn bè đại học, chắc khó có thể thân được như bạn bè cấp 2, cấp 3. Nhưng nếu bạn thi vào một ngôi trường phù hợp với năng lực học tập của mình, đồng nghĩa với việc phần lớn bạn bè bạn gặp trong môi trường đó cũng phải có năng lực xấp xỉ với bạn. Và tại sao điều này lại quan trọng?
Hãy chấp nhận sự thật rằng, ở Việt Nam không học khó được. Những người đến từ gia đình gia giáo vẫn khác so với nhiều người con nhà buôn bán. Điều này không có ý nói ai hơn ai, nhưng "nồi nào vung nấy". Những gia đình ở Việt Nam, ai có điều kiện chả muốn cho con mình được đi học, chứ mấy người muốn vứt con ra đời sớm? Một người học Trung cấp vẫn sẽ khác với một người học Cao Đẳng, và một người học Cao Đẳng ra thì khác với học Đại học. Đại học 15đ đỗ khác với Đại học 27đ đỗ.
Mình xin nhấn mạnh là mình thật sự rất ngưỡng mộ những người không qua trường lớp, bỏ học đi làm và thành công. Nhưng những người đó (ít nhất là những người mình biết) đều có một hoàn cảnh đặc biệt khiến họ phải đưa ra lựa chọn, hoặc họ biết được điều họ thật sự muốn. Và họ phải có một nghị lực rất lớn. Chứ họ CHẮC CHẮN KHÔNG PHẢI những cậu ấm cô chiêu được bố mẹ cưng chiều, không chịu học với lý lẽ "Bill Gates đâu có tốt nghiệp đại học?"
3. Học Đại học, không phải là để học cái chữ, mà là để học làm người. 
Con người bị môi trường ảnh hưởng. Nếu bạn tự chọn cho mình một môi trường tốt với những người bạn tốt, tư duy độc lập và học hỏi từ họ thì cuộc đời sau này của bạn sẽ tốt. Nhưng nếu bạn bị ảnh hưởng bởi những kẻ tư duy kiểu "cùn", ví dụ những kẻ cho cứt chuột vào đồ uống của quán cafe vì ghét chủ quán chẳng hạn, thì bạn có chắc chắn rằng mình không bị ảnh hưởng bởi họ? Có những thứ học Đại học dạy bạn rất nhẹ nhàng, nhưng ra đời lại cay đắng hơn nhiều. Đi làm thêm khi vẫn còn học đại học, sẽ ít áp lực hơn nhiều so với vứt bạn ra đường tự mưu sinh. Bạn chọn căng thẳng khi làm việc nhóm với những người còn đang đi học với mình, hay căng thẳng với những kẻ ngoài xã hội mà mình chẳng biết đến từ đâu, một cách sớm và vội vàng khi bạn có thể có lựa chọn khác?
Nếu bạn chưa thật sự biết mình muốn gì, lại càng không biết nghị lực chống chọi với đời của mình là bao nhiêu, thì tại sao không chọn cho mình một giải pháp an toàn, là đi học Đại học (nếu bạn có thể), để ít nhất có thể có cơ hội được sống không toan tính, gặp những người bạn với suy nghĩ tốt có thể thay đổi được đời mình?