Ta phải hết sức cẩn thận với những khái niệm của hạnh phúc, vì nó rất nguy hiểm. Ta có thể bị mắc kẹt vào khái niệm, và sẽ không bao giờ có được hạnh phúc chân thực.
Nếu ta cho hạnh phúc là một cảm giác, chợt đến rồi chợt đi, thì thiệt thòi cho ta quá. Nếu hạnh phúc là thế thì quả thật nó không đáng để ta đánh đổi hy sinh nhiều thứ, chỉ để đổi lại một vài cảm giác thoáng qua.
Nếu ta cho rằng hạnh phúc là "Tổng hòa của sự hài lòng (pleasure) và nỗi đau (pain)…” như triết gia Jeremy Bentham đã từng nói; thì cuộc đời của ta nào có vượt thoát khỏi khổ đau??? Và cuộc đời mà còn có khổ đau, thì liệu đó có phải là hạnh phúc chân thực?
Vậy có một cách nào khác để định nghĩa "hạnh phúc chân thực" không? Ôi sao mà khó quá!
Nếu ta chưa bao giờ ăn một múi sầu riêng, mà ta ngồi bàn tán về mùi vị hương vị của sâu riêng thì mơ hồ quá thôi. Giả sử như ta may mắn được nếm thử một múi sầu riêng rồi, ta vui mừng chạy đến khoe mọi người, nhưng trớ trêu thay là ta có giải thích như thế nào, dùng bao nhiêu định nghĩa khái niệm cũng không thể giúp người khác hiểu được hương vị và mùi vị của múi sầu riêng cả.
Hạnh phúc chân thực cũng giống như một múi sầu riêng vậy, người chưa từng nếm trải thì không sao hiểu được. Người đã và đang ở trong trạng thái hạnh phúc chân thực thì không biết dùng lấy lời lẽ gì để mà mô tả cho người khác hiểu. Cũng như định nghĩa rằng “Hạnh phúc còn được xem là sự thỏa mãn của chúng ta đối với diễn trình của cuộc sống” – cá nhân tôi cho đây là một định nghĩa rất hay. Song, nếu ta chưa tiếp xúc được với hạnh phúc chân thực, ta sẽ thắc mắc rằng như thế nào là “thoả mãn với diễn trình cuộc sống”? Có nhiều vàng bạc của cải vật chất? Hay là sống một cuộc đời sống tằn tiện và tạm thời thoả mãn với “diễn trình cuộc sống” khố rách áo ôm của mình? Khó mà hình dung vô cùng!
Người ta thường nói: “Bạn muốn đi tìm hạnh phúc ư? Vậy thì bạn phải định nghĩa được hạnh phúc là gì đã chứ?” Chúng ta liệu có cần phải đi tìm định nghĩa về hương vị, và mùi vị của một múi sầu riêng để mà rồi mới bắt đầu đi tìm và nếm thử xem nó như thế nào? Việc chúng ta cần làm là ra chợ, và mua một quả sầu riêng về nhà mà ăn thôi mà.
Vậy chợ ở đâu và ta phải mua làm sao? Thì ta buộc phải xin được chỉ giáo từ những người có hiểu biết. Và rồi ta phải hỏi ai? Một gợi ý cho các bạn, đó là triết gia Siddhartha Gautama (Sakyamuni), hay còn biết đến là một người ĐẠI TỈNH THỨC. Ông vĩ đại, và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức, sau 2600 năm khi ông từ giã quả đất này, người ta vẫn tôn thờ ông như một vị thần. Ông đã tìm ra hạnh phúc chân thực, cái hạnh phúc vượt ra ngoài mọi khái niệm, mọi định nghĩa và ngôn ngữ của thế gian.
Ông là bậc triết học đại tài, và bài diễn thuyết đầu tiên của ông là bài diễn thuyết về hạnh phúc chân thật: TỨ DIỆU ĐẾ – Bốn sự thật mầu nhiệm. - Khổ Đế: Khổ đau có hiện diện trên thế gian này, đó là sự thật. - Tập Đế: Có nguyên nhân dẫn đến khổ đau, đó là sự thật. - Diệt Đế: Sự vắng mặt của khổ đau cũng có hiện diện trên thế gian này, đó là sự thật. - Đạo Đế: Có một con đường để làm cho khổ đau vắng mặt (con đường mà ông đã tìm ra), đó cũng là một sự thật nốt ráo.
Ông tài tình đến mức chả cần định nghĩa hạnh phúc là gì, vì ông biết rằng múi sầu riêng đó sẽ chẳng ai nếm được. Ông chọn nói về khổ đau, vì đó là thứ mà từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, cho dù muốn hay không muốn, ai cũng đã từng cay đắng mà nếm trải. Và ông chỉ rõ cho ta, một cách sáng tỏ, về con đường để mà đoạn diệt khổ đau. Và khi không còn khổ đau, ta sẽ có CƠ HỘI để tiếp xúc với hạnh phúc chân thực, cái mà không thể dùng định nghĩa, khái niệm và ngôn từ để mà mô tả được!
Chúc các bạn may mắn, à không, chúc các bạn HẠNH PHÚC, trên con đường TÌM KIẾM HẠNH PHÚC của mình!

HOÀNG PHÚC