Hot boy cầm điện thoại wefie cho cả đám trong hình là Syed Saddiq, Bộ trưởng Thanh Niên và Thể Thao của Malaysia. Nghe thấy tên cái Bộ là đủ thấy hấp dẫn. Không biết khi nào thì Vn mới có một Bộ như thế? Và người đứng đầu Bộ này của Malaysia còn ai phù hợp hơn anh chàng đẹp trai sinh năm 1992, Syed Saddiq, ba lần vô địch giải Hùng biện Châu Á, một nhà hoạt động không mệt mỏi của phong trào Save Malaysia, phong trào lật đổ nguyên thủ tướng Najib Razak do ông này tham nhũng. Syed tự học hùng biện qua các videoclip trên Youtube và cho rằng: hùng biện giỏi không phải là bạn cãi nhau giỏi hơn người ta, mà là bạn phải đưa ra một giải pháp giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Hoạt ngôn, chững chạc, điềm đạm trên sân khấu WEF ASEAN sáng nay giữa một dàn panelists cứng cựa, ít ai biết 5 năm trước Syed không nói nổi một câu tiếng Anh tròn trịa. Em tự nhận mình trước đây là một đứa dốt địa lý, phân biệt chủng tộc và là một mama boy đúng nghĩa. Điều gì khiến em thay đổi như thế? Chỉ một chữ: lòng yêu nước. Từ chối học bổng Thạc sĩ của Oxford để ở lại "phụng sự quốc gia", Syed liên tục có những hoạt động diễn thuyết với mục tiêu dân chủ hoá phong trào Save Malaysia. Phát ngôn của em mạnh mẽ và nhạy cảm đến nỗi nhiều trường Đại học đã cấm em diễn thuyết. Syed thậm chí còn bị doạ giết.
Em nói: "Tôi nhận ra cốt lõi của sự thay đổi ở Malaysia không phải là thông qua quân đội. Cũng không phải là việc trở thành luật sư (Syed có bằng Luật). Đó là chính trị. Chính trị là tâm điểm của sự thay đổi. Nếu tôi muốn thay đổi đất nước mình, tôi phải tham gia vào chính trị. Bạn không nhất thiết phải làm chính trị gia nhưng bạn vẫn có thể là người "gây sức ép" lên các chính trị gia từ bên ngoài hoặc trở thành một nhà hoạt động"
Sứ mệnh của Syed là đấu tranh tạo điều kiện cho người trẻ được bỏ phiếu nhiều hơn. Em muốn người trẻ có tiếng nói hơn cho những vấn đề của đất nước.
"Với những mối đe dọa, tôi cảm thấy những gì tôi chiến đấu có thể là vô vọng. Mọi thứ có thể kết thúc với sự hủy diệt sự nghiệp tương lai của tôi. Nhưng dù kết quả xấu hay tốt, một điều tôi chắc chắn sẽ mất nếu tôi ngừng lên tiếng, đó là lương tâm đạo đức của mình. Tôi sẽ không bao giờ có thể đối diện với chính mình trong tương lai nếu tôi im lặng. Nếu im lặng chắc sẽ là tôi sẽ được lợi rất nhiều, nhưng lương tâm đạo đức của tôi sẽ mãi mãi bị tổn hại", Syed nói với các cử tri của mình như thế.
Chủ đề của bàn tròn sáng nay là ASEAN 4.0 nên Syed không có nhiều đất để truyền cảm hứng chính trị của mình cho những khán giả trẻ bên dưới. Cũng thú vị, WEF năm nay mở cửa cho khá nhiều sinh viên tham dự, một điều tôi chưa bao giờ thấy trước đây trong 2 lần có cơ hội tham dự trực tiếp. Đó là một điểm sáng. Và tất nhiên, chủ đề mà nhiều bạn trẻ quan tâm chính là nghề nghiệp và sự chuẩn bị cho một tương lai đi làm trong kỷ nguyên 4.0.
Anh Lê Hồng Minh (Minh Le), sáng lập VNG có nhắn nhủ: những gì bạn thấy hôm nay, những gì chúng tôi ngồi đây nói sẽ chẳng có ý nghĩa gì thực tế 10-20 năm nữa, nên các bạn cũng đừng có nghe chúng tôi nhiều quá. Hãy bước vào cuộc đời này với tâm thế của một người luôn học hỏi và phải luôn tự mình thay đổi. Đừng có trở thành một Google hay Facebook thứ hai, hãy nhìn xa xem cái gì có thể bây giờ nó đang là kỳ diệu thì 20 năm nữa nó sẽ trở nên bình thường. Công nghệ Trí Tuệ Nhân tạo nó sẽ thay đổi hoàn toàn các công việc vốn trước đây rất hot mà con người có thể làm, như digital marketing chẳng hạn. Khi được hỏi về việc xây dựng một Silicon Valley tại Vn, anh Minh bảo chắc chính phủ không thích điều anh nói những vẫn phải nói, đó là đừng có chạy theo xây dựng một Sillicon Valley thứ hai ở đâu khác nữa. SC chỉ có ở Mỹ và ở một cái thế giới kết nối không biên giới này, tại sao chúng ta phải đem SC về VN mà không mang Vn sang Silicon Valley? Nhà sáng lập VNG nói đúng, nếu khởi nghiệp, đừng nhìn vào những thứ mà Google, Facebook, hay VNG đã làm. Hãy nhìn vào những thứ diễn ra trong tương lai. Tác giả Peter Thiel đã từng nói trong quyển sách Zero To One: nếu bạn nhìn vào những thứ mà Google, Facebook hay Microsoft đã làm, bạn sẽ chẳng học được gì hết. Thứ thay đổi tương lai nó sẽ hoàn toàn khác.
Moderator hỏi bạn trẻ nào trong khán phòng muốn khởi nghiệp được như anh Minh? Khá đông cánh tay giơ lên. Anh Minh hỏi thêm: vậy bạn nào muốn được trở thành như Syed?
Thú vị là số cánh tay đưa lên cho Syed còn nhiều hơn. Không biết các bạn thật sự muốn theo nghiệp chính trị như Syed hay đơn giản giơ tay vì anh trẻ tuổi, đẹp trai mà lại làm Bộ Trưởng hoặc/và chưa quan tâm lắm đến khởi nghiệp. Dù thế nào thì cách các bạn đứng lên hỏi bằng tiếng Anh với những trăn trở thời sự cũng là một tín hiệu lạc quan.
Trong dàn panelists, tôi quan tâm chú ý đến phát ngôn của Syed và anh Minh nhiều hơn cả bởi các thông điệp khá thực tế và truyền cảm hứng. Nhà sáng lập VNG và Syed như đại diện cho hai hình ảnh có phần trái ngược nhưng rất hợp lý. Nếu bạn theo nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp, bạn chắc chắn sẽ không nên sao chép anh Minh và những gì VNG làm, mà phải nhìn xa hơn, khác biệt hơn. Sản phẩm kinh doanh sẽ luôn thay đổi bởi công nghệ và nhu cầu của người dùng. Bạn sẽ không thể chỉ bán cho họ cái mà đã thành công trong quá khứ. Còn ở chiều ngược lại với Syed, bạn sẽ “bán” cái mà người dân dù ở mọi thế hệ luôn cần và gần như không thay đổi: đó là lòng yêu nước, tinh thần dân chủ, sự bình đẳng trong tiếng nói của người trẻ, và trên hết, sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Nếu muốn theo con đường chính trị và thật sự muốn tạo ra sự thay đổi, phải “sao chép” của Syed hai điều gần như bất di bất dịch theo thời gian: đó là lòng yêu nước và lương tâm đạo đức của một kẻ chính trực đúng nghĩa.
Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN