Một ngày, theo lẽ tự nhiên của tiến hoá và mẹ thiên nhiên quyết định ban tặng cho loài người 1 món quà- loài người lai động vật. Bên cạnh đó, đồng thời ở khắp nơi bùng nổ một căn bệnh lạ mà tận 10 năm sau đó y học vẫn chưa thể tìm ra thuốc chữa. Dân số ngày càng giảm dần, người ta chết vì bệnh dịch và chết vì bạo lực. Cuộc sống mỗi người dân thu hẹp lại, thu mình trong căn nhà quen thuộc vì nỗi sợ bệnh dịch và nhiều người chọn cách rời xa khỏi cộng đồng, đến một nơi thật xa xăm sâu trong rừng để bảo vệ mình.
Đó là khi con người đứng giữa những mâu thuẫn nội tâm khác với những câu hỏi không ngừng có lời đáp.
Một số đổ lỗi cho sự xuất hiện của người lai đã gây ra căn bệnh, một số coi người lai là giải pháp của sự tiến hoá vì họ không nhiễm bệnh. Những đứa trẻ người lai chưa đủ tuổi trưởng thành, phải rời xa vòng tay cha mẹ, bị săn đuổi khắp nơi, chúng lạc lõng và nguy hiểm thì luôn chực chờ ngoài kia. Một xã hội mà vẫn còn đó tàn dư của thời đại mà công nghệ đã từng phát triển, người ta vẫn mang nỗi lo về việc không thể lên mạng để cập nhật tình hình từ khắp thế giới, nỗi lo bị bỏ lại.
Lúc này không còn tiền, không còn những tham vọng về kinh tế hay chính trị, người ta phải làm tất cả để sinh tồn, đúng, tất cả. Khi ấy người ta giao dịch, mua bán bằng đổi trác đồ đạc (có người đổi dây giày để lấy một tấm vé tàu). Những đứa trẻ thuần chủng cuối cùng, chúng được nuôi dưỡng trong một xã hội như thế, khi mà những hệ giá trị của loài người lung lay, bởi nhiều nỗi sợ, và rồi có lẽ chúng cũng chẳng biết lý do vì sao mình lại căm ghét người lai đến vậy.
Khi Gus chỉ là một đứa trẻ sơ sinh, cậu đã được bố đưa vào sâu trong rừng để sống, để chạy trốn và tránh xa loài người. Cậu được bố dạy nói (điều mà không một đứa trẻ người lai nào khác lúc bấy giờ được học), được đọc những cuốn sách do chính bố mình vẽ ra, một tuổi thơ có lẽ là đủ đầy hơn tất cả những đứa trẻ người lai ngoài kia. Nhưng mọi đứa trẻ thông minh luôn đặt ra những câu hỏi, luôn tò mò về mọi thứ, và cậu bé vẫn luôn ao ước được một lần gặp mẹ. Cảnh cậu bé mặt thẫn thờ đứng trước xác của bố mình thật sự khiến cho mọi khán giả phải rung lên vì thương cảm và xúc động.
Mình vẫn luôn thích những bộ phim lấy bối cảnh hậu tận thế như vậy, và mặc dù mới xem chưa đến 3 tập phim nhưng nó đã cho mình nhiều suy nghĩ và câu hỏi. Nếu như một ngày, theo mọi quy luật của tự nhiên, con người quay trở lại với nền văn minh sơ khai như vậy, thì quả thật là môi trường quá lý tưởng cho những người hướng nội thích nghiền ngẫm. Lúc này không còn phải hàng ngày học cách cân bằng giữa bên ngoài và bên trong, không phải lo lắng nếu dành quá nhiều thời gian cho bản thân, càng không phải vật lộn giữa những xung đột của hệ giá trị của những người hướng ngoại. Có lẽ đó cũng chỉ là một bối cảnh nhỏ, bên trong một bức tranh toàn cảnh. Suy nghĩ này được nảy ra khi câu chuyện của Aimee được kể. Một bác sĩ tâm lý hàng ngày là người ngồi đó, nghe hàng trăm câu chuyện, hàng trăm mớ rắc rối của những người khác. Vẻ mặt cô thoáng một vài nét bối rối, bởi có lẽ cô cũng không thực sự biết cách giải quyết cho những xung đột bên ngoài trong khi bản thân cô lại là người không được ai lắng nghe. Cô vẫn nở nụ cười, vẫn kiên nhẫn ngồi đó cho những giờ tham vấn dài đằng đẵng. Khi bệnh dịch bùng nổ, ngoài kia người ta bắt đầu giết chóc và bạo lực, cô vẫn nhốt mình trong phòng làm việc nhiều tháng trời, biến nó thành thế giới riêng. Hàng cây xanh trong phòng vẫn tươi tốt, lúc này thì mình hiểu, nơi cô thật sự thuộc về, thật sự dành cho cô là về với đất mẹ, về với thiên nhiên. Rồi một ngày cô quyết định mở cánh cửa đó, chỉ là một cánh cửa nhưng tại sao phải mất quá nhiều thời gian để đấu tranh đến vậy. Lúc này trên khuôn mặt không còn những băn khoăn, nét bối rối cũng hoàn toàn biến mất.
Cô cười, và bởi vì lần đầu tiên cô thấy mình đang sống khi có một đàn voi chạy qua khu nhà cao tầng cũ kĩ này, lần đầu tiên cô biết mình sẽ đi đến đâu.