Ngày còn nhỏ khi sống chung với ba mẹ, tôi đã chẳng ý thức được nhiều điều diễn ra xung quanh, những việc mà ba mẹ tôi làm ngày Tết. Từ khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để sống, tôi trưởng thành và phát triển hơn trong suy nghĩ, bản thân đã quan sát được đôi điều thú vị mỗi độ Tết đến xuân về. Đứng dưới góc độ công tâm từ một người trẻ, tôi thích thú để ý những nét sinh hoạt mà đôi khi làm tôi thắc mắc, rồi lại gật gù, ngẫm nghĩ hiểu ra từ những hành động nhỏ của người xung quanh mừng năm mới.

Sắm sửa đồ Tết và đem đi tặng biếu

Tất bật ra chợ sắm sửa, khệ nệ mang một giỏ xách đầy từ chợ về, mẹ tôi lúi cúi phân chia, đem đi “ship” miễn phí cho họ hàng xung quanh. Đây là truyền thống từ lâu đời mà nay, khi đã lớn hơn, biết quan sát và hiểu chuyện, tôi mới nhận ra. Đương nhiên gia đình anh chị em họ hàng bạn bè của nhà tôi cũng làm điều tương tự. Với bản tính hay ưa đặt câu hỏi, bản thân tôi luôn thắc mắc: “Tại sao mọi người lại phải cho qua, cho lại phức tạp như vậy vào ngày Tết nhỉ. Cứ canh đo nhu cầu của nhà mình, mua hết một lượt là xong ấy mà, sao phải biếu tặng cho bằng huề như thế?”
Mặc dù ba mẹ tôi là người miền Bắc, chuyển vào miền Trung từ rất lâu, lối sống chòm xóm, lễ nghĩa đã không còn là những quy tắc bắt buộc. Vì vậy nên tôi không được ba mẹ nhắc nhở nhiều về chuyện phép tắc, cư xử nữa. Tuy nhiên, nếp sống sởi lởi, hào phóng và những quy luật bất thành văn đã in sâu vào cách hành xử của mọi người xung quanh lúc nào không biết. Ấy vậy mà ngay cả khi lên cấp 3, khi thường phụ mẹ làm giò thủ, muối dưa chua, biếu tặng mọi người, tôi vẫn chưa ý thức được văn hóa gửi biếu tặng nhau dịp năm mới.
Là một người trẻ với cuộc sống tất bật ở Sài thành, Tết đối với tôi chẳng khác gì một dịp đi trốn, nghỉ ngơi, thư giãn. Những công việc sắm nhiều, mang nặng, gửi quà, nhận lại đối với tôi sao quá đỗi rườm rà và phiền toái. Nội nhớ tên gia đình nào cần biếu gì, nhận cho gì thì ôi thôi, đã đủ đau đầu lắm rồi! Tôi của ngày này năm ngoái đã tự nhủ với lòng mình, nếu có gia đình riêng, tôi chắc chắn sẽ không biến những ngày nghỉ Tết của tôi thành chợ phiên trao đổi đồ miễn phí như thế này. Lúc đó, tôi thật ngốc…
Năm nay tôi đã nhận ra những điều hoàn toàn khác. Sau khi ba cặm củi cho thịt vào khuôn, tỉ mỉ nhồi, ép cho chắc cuộn giò, đẹp đội hình, tôi cùng mẹ đến từng nhà biếu combo truyền thống giò thủ và dưa hành muối cho anh chị họ, chú bác của nhà. Nhìn người lớn trò chuyện, tôi mới chợt nhận ra. À, thì ra, đã 365 ngày mọi người chưa ngồi lại, hỏi thăm nhau rồi. Cuộn giò, lát dưa chỉ là cái cớ, để những người thương yêu nhau được quan tâm và chia sẻ đôi điều. Người Việt mình ít thể hiện những tình cảm yêu thương bằng lời nói, ấy vậy mà lại mượn đôi lần tạt qua nhà nhau, hả hê hỏi thăm, thấy gương mặt thân quen mà lâu rồi mới trò chuyện lại.

Gửi tôi của ngày này năm sau

Mỗi năm trôi qua đối với tôi lại có thêm nhiều sự thay đổi mới trong cuộc sống. Nhịp quay năng động của Sài Gòn nhộn nhịp ép bản thân phải phát triển và lớn lên nhiều nhất là trong tư duy. Tôi của năm ngoái có lẽ đã muốn dẹp tan mọi lễ nghi biếu gửi, nghỉ ngơi cho đã đầy những ngày phép. Ấy vậy mà tôi của năm nay lại trân trọng những phút giây được hỏi thăm, trao đôi ba món đồ ăn, bánh kẹo ngay tết cho người thân của mình. Những người mà dẫu đôi khi có quan tâm hơi thái quá, nhưng vắng họ thì lòng lại trống trải lắm thay. Đôi ba món quà chẳng phải tiền bạc, không nề hà vật chất, lại chứa đầy những quan tâm và ân cần đến những người đồng hành và dõi theo cả tuổi thơ và thay đổi của cuộc đời mình. 
Những suy nghĩ ấy được tôi may mắn nhận ra, đó là sự trưởng thành trong suy nghĩ của bản thân, tôi thầm cảm ơn vì điều đó. Không còn là những lần bực dọc vì bị ép làm việc cả những ngày nghỉ Tết. Không còn suy nghĩ phản kháng của một người trẻ trước công việc truyền thống trong gia đình. Năm nay tôi đã trúng số độc đắc khi tìm ra cho mình những điều nhỏ bé mà trân quý như thế.
Không biết bản thân của ngày này năm sau khi có được nhiều tiền hơn, nhiều mối bận tâm và quan hệ hơn, tôi có còn trân trọng và kiên nhẫn lưu giữ hành động nhỏ này của gia đình nữa hay không. Nhưng tôi hy vọng dù bản thân làm gì, cũng sẽ suy nghĩ thật kỹ, quan sát nhiều hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn nữa. Để những hoài nghi và thắc mắc được giải thích hợp lý. Vì điều gì cũng có nguyên do của nó.