Bia Hà Nội sản xuất tại Hà Nội có vị khác bia Hà Nội sản xuất tại Hưng Yên và Hải Phòng, dù dùng chung công nghệ, công thức pha chế. Có người nói là do nguồn nước, rồi tranh cãi nhau bia ở đâu ngon hơn.
Bia Heineken còn ghê hơn. Hãng quảng cáo men nguyên bản được lấy từ kho bảo mật tại Hà Lan. Nhưng bia Ken bán tại Singapore lại có vị khác với bia Ken bán tại Việt Nam. Nhiều bạn nói bia Ken của Sing mới là vị nguyên bản, uống loại đó mới là sành. Không rõ các bạn có biết sự khác biệt đó là do hãng đã điều chỉnh sản phẩm, cho phù hợp khẩu vị người dùng của mỗi vùng tiêu thụ.
Cảm giác hình như Đạo cũng vậy. Đạo của mình có vẻ không xịn bằng đạo nguyên bản.
Có người ví Đạo như một dòng nước. Nước trong lành, thuần khiết, ban phát sự sinh sôi.
Tôi cũng đồng ý Đạo giống như nước, nhưng là vì nó linh hoạt, chấp nhận hòa tan mọi thứ trong nó.
Những vị khai sinh ra Đạo giảng dạy kiến thức cho hậu thế chủ yếu bằng cách truyền miệng. Các tông đồ, đệ tử của họ lắng nghe, nghiền ngẫm, và ghi chép lại “theo ý hiểu” của mỗi người. Họ chú giải, bổ sung, và vô tình hay cố ý đã thêm thắt nhiều chi tiết chủ quan.
Các kinh Phật, kinh Thánh, giáo lý hiện nay đều là các bản chép lại. Khi giáo hội thu thập các bản phúc âm, kinh phật, có rất nhiều bản có nội dung mâu thuẫn với nhau. Cách họ làm là loại bỏ các bản “không có lợi” cho giáo hội, giữ lại những bản theo họ là phù hợp cho mục tiêu truyền giáo. Những bản được giữ lại này tiếp tục được biên soạn sao cho dễ truyền đạt nhất.
Đó là lý do vì sao các Đạo lớn phân nhánh.
Đạo rời khỏi Thầy, lập tức không còn là Đạo nguyên thủy nữa.
Đạo như dòng nước, khởi nguồn tinh khiết, chảy qua núi mang thêm vị của đá, chảy qua rừng mang thêm vị của cây.
Đạo thượng nguồn trong vắt, trung nguồn đổi màu xanh, hạ nguồn mang nặng màu đỏ phù sa, và cả màu của rác rưởi.
Đạo khởi nguồn chỉ một dòng, gặp vật cản thì dồn lại, đến khi đủ lớn thì vượt qua. Nếu hai bên vật cản thấp hơn thì đạo rẽ nhánh. Lúc này đạo từ một thành hai. Một nhánh chảy về Bắc, một nhánh rẽ qua Nam.
Nhánh chảy về Bắc trên đường đi gom góp các dòng nước nhỏ lại đến khi đủ lớn tạo thành sông Hồng. Sông Hồng vừa chảy thẳng ra biển, vừa rẽ nhánh tạo ra sông Lô, sông Đà. Nhánh chảy về Nam trên đường đi gom góp các dòng nước nhỏ lại đến khi đủ lớn tạo thành sông Mê Kông. Sông Mê Kông đến Việt Nam, chia thành sông Tiền và sông Hâu. Hai sông này đan xen, chia thành 9 nhánh lớn, tập hợp gọi là sông Cửu Long.
Sông Hồng và sông Cửu Long chỉ là ví dụ, không chung một nguồn, nhưng đều là hình ảnh minh họa phân nhánh của Đạo.
Các Đạo lớn có chung người sáng lập, nhưng theo chiều dài của lịch sử, Đạo được phân nhánh để thích nghi và phù hợp với tập tục của mỗi vùng đất cần truyền giáo. 
Hiện nay đã có hàng chục nhánh của Đạo, nhánh nào cũng cho mình là chính thống.
Nhiều tín đồ hoài nghi nhân sinh, muốn thấu hiểu giáo lý. Họ bỏ công sức, thời gian và tiền bạc hành hương về đất thánh, những mong tìm được chân lý nguyên thủy. Họ đã tìm thấy gì?
Thánh địa Jerusalem không còn Chúa, chỉ còn bom đang nổ từng ngày. Thánh địa chuyển về Vantican, nơi Giáo hoàng mỗi lần phát biểu trước tín đồ phải đứng sau kính chắn đạn.
Không tranh nổi đất thánh Jerusalem với người Công giáo, người Hồi giáo chuyển thánh địa về Mecca. Các tín đồ ít nhất một lần trong đời bất kể nguy hiểm, phải hành hương về đó, chỉ để chạm tay vào viên Hắc Thạch, tương truyền là nơi nhà tiên tri Mohammed ra đời.
Thánh địa Phật giáo mất hẳn ở Ấn Độ. Tín đồ chuyển sang Nepal hành hương, nơi chỉ thấy toàn đói khổ. Tín đồ hành hương xong hết hạn visa lại quay về cố quốc, không mấy ai ở lại đất thánh tu đạo.
Hạt cát của ngày hôm nay đã khác hạt cát của ngày hôm qua. Dòng nước sông Cửu Long khác hoàn toàn dòng nước khởi nguồn từ Tây Tạng. Đạo của ngày hôm nay không còn là Đạo nguyên thủy nữa. Tín đồ cứ mải miết mất công đi tìm làm gì?
Bia Hà Nội sản xuất ở đâu chẳng là bia Hà Nội, uống xong giải cơn khát là được.