Một chút lưu ý về bài viết này. Bài viết này mình có nhắc tới “Mentor” service, bạn có thể đọc nó hoặc bỏ qua luôn cũng được.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Suối Nguồn được chắp bút bởi nữ nhà văn gốc Liên Xô- Ayn Rand, viết sự sáng tạo trong bối cảnh thế kỷ 20 tại nước Mỹ mà còn đúng với thời đại mới - thế kỷ 21, và đúng ở bất kỳ đâu bây giờ. Nhưng gượm lại một chút đã, trước khi mình nói về Suối Nguồn, và trước khi được đọc nó thì cuốn tiểu thuyết mình yêu thích nhất phải là Ruồi Trâu của Ethel Lilian Voynich, một quyển sách rất được lòng Liên Xô, Trung Quốc, hay cả Việt Nam thời kỳ cách mạng. Mình nghe đến Ruồi Trâu qua lời kể của thầy mình trong giờ giải lao của môn Cơ Sở Nguồn và Công Nghệ Năng Lượng. Hôm ý, đầu tiên, thầy có nói về bộ phim điện ảnh của Ba Lan mà thầy có dịp xem vào năm 75 tại rạp chiếu bóng Thượng Đình (mình nhớ mang máng như vậy). Thầy kể về bộ phim đó, tên phim, tên nhân vật mà nội dung mình đã quên rất nhiều rồi, tuy nhiên mình có nhớ nội dung cơ bản là có hai anh chàng, một anh là trai hư, dạng bad boi hay phắc boi gì đó, tự do và phóng khoáng, còn anh chàng kia là một người chính trực, ngay thẳng, luôn có 1 ý tưởng riêng cho mình, nhưng lại là một người có phần bảo thủ và cứng nhắc. Hai anh chàng này tính cách đối nghịch nhau, nhưng vẫn chơi được cùng nhau. Với anh chàng thứ nhất thì dễ hiểu rồi, không quán bar nào là anh không quẩy, không chốn lầu xanh nào là anh không ghé qua. Anh bạn còn lại, anh luôn nói bạn mình phải thoát khỏi đó, đừng để mình bị cám dỗ, tại sao bạn mình lại hay tới lưu vào những chỗ vô bổ như vậy. Đoạn sau mình cũng không nhớ được, chỉ nhớ được là Anh chàng thứ nhất lại không biết được bằng lời nói gì mà lại có thể mời được anh bạn của mình vào quán lầu xanh nổi tiếng, do ở đó cũng có cô đào nổi tiếng nhất vùng. Qua một buổi nói chuyện giữa ba người, cô đào lại rất mê đức tính chính trực của anh bạn thứ hai và cảm mến anh, và quyết định bỏ tất cả để đi theo anh kia đi truyền giáo. Mình biết là đọc đoạn này tua hơi nhanh, nhưng mà mình cũng chỉ nhớ có thế. Giai đoạn đi truyền giáo, cô vẫn luôn tận tình, chăm sóc anh, nhưng có vẻ như anh chỉ là khúc gỗ, không biết yêu là gì. Cuối cùng một motif rất phim Hàn, cô bị bệnh. Qua quá trình chăm sóc cô, anh mới chợt nhận ra là mình cũng có tình cảm với cô và bấy lâu nay cô đã luôn đồng hành và ở bên mình, bỏ tất cả cuộc sống xa hoa để đi theo mình. Nhưng cuối cùng, chuyện gì đến cũng phải đến cô không qua khỏi, cô qua đời trong vòng tay của anh. Và rồi, Anh ta đau khổ và tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và lý tưởng. Lý tưởng làm gì khi mà người mình yêu không giữ được. Haizz, về cơ bản nội dung là như vậy, nghe khá là ngôn lù kiểu phim cũ cũ ngày xưa, nhưng hồi ý mình nghe thấy rất hay.
Tiếp đó, thầy có kể thêm hai bộ tiểu thuyết cũng rất nổi tiếng về bi kịch trong tình yêu, đó là Ruồi Trâu và Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai. Các nhân vật trong hai tiểu thuyết này, cũng có nét giống nhau. Ví dụ đều có nhân vật là hồng y giáo chủ, nhưng lại có con. Cái kết của hai người con và hai đức hồng y giáo chủ đều là cái chết. Rồi thầy cũng có spoil nhè nhẹ về chi tiết bức thư từ nhân vật Ruồi Trâu được gửi cho Giêma, người cô gái anh yêu khi mà anh đã chết rồi. Sau đó, cũng tranh thủ vừa được banking tiền học bổng, mình hí hửng book hai quyển đó luôn trên Tiki và đọc lèo hết trong hai tuần. Mình nhớ nhất đoạn này trong bức thư, hồi lần đầu đọc còn rưng rưng nước mắt. Đoạn đó là “Giêma ạ, tôi đã yêu Giêma từ khi Giêma còn là một cô bé xấu xí, từ khi Giêma còn mặc chiếc áo xuềnh xoàng cổ bẻ và từ khi Giêma còn để bím tóc nhỏ xíu như đuôi chuột. Bây giờ tôi vẫn yêu Giêma. Giêma còn nhớ không? Có lần tôi đã hôn tay Giêma và Giêma khẩn khoản xin tôi “đừng bao giờ làm như thế nữa”. Tôi biết thế là không tốt, nhưng Giêma phải tha thứ cho tôi. Còn bây giờ thì tôi hôn tờ giấy viết tên Giêma. Như thế là tôi đã hôn Giêma được hai lần và cả hai lần đều không được Giêma cho phép.
Tất cả chỉ có thế thôi. Giêma thân yêu, vĩnh biệt nhé!"
Nó vẫn sẽ ở mãi vị trí đầu bảng như vậy trong gần ba năm cho đến khi hồi hè năm ngoái, lúc đi học IELTS ở Trường Chinh, cứ cách một vài tuần, mình lại ghé vào mấy hiệu sách cũ ở đường Láng. Ban đầu thì đọc hết các cuốn “ A Song of Ice and Fire” của George R.R Martin. Nói sơ qua thì nếu bạn thích cách xây dựng thế giới đồ sộ, ngôn ngữ giả tưởng tương tự như của tộc tiên trong bộ ba Chúa Nhẫn của cụ Tolkien, và drama chính trị, vương quyền thì có thể đọc bộ sách này. Nó cũng rất hay đó. Cày cuốc hết bộ này, thì một hôm tình cờ, mình cũng có đôi chút dư dả chút tiền, ghé vào chọn xem có quyển gì hay không thì mua. Tình cờ mình thấy quyển Suối Nguồn, nghe danh đã lâu nhưng ngại vì dày không dám đọc, và cũng nghĩ nó đắt nữa. Nhưng cầm lên, thì thấy nó bị chuột gặm phần gáy sách, hỏi chị chủ quán mong chị bán rẻ cho mình. Khách quen nên okela, chốt đơn 100k.
Hồi ý mình cũng cày và đọc quyển này nhanh lắm, cũng không thua kém gì so với hồi đọc Tam Quốc hay mấy cuốn “GOT” của Martin. Mình thấy thích cái tính cách có phần cực đoan và chủ nghĩa cá nhân của nhân vật chính Howard Roark (hoặc có thể đó là chủ đích của tác giả, đều có sự say mê nhất định với nhân vật chính). Roark đi học ngành kiến trúc, anh học rất tốt các môn đại cương cơ bản ví dụ như là liên quan đến tính toán, cấu trúc vật liệu. Chúng là nền tảng cho các môn chuyên ngành về sau. Nhưng chỉ vì không nghe thầy, tranh luận và phản đối đến cùng cái phong cách thiết kế thời bấy giờ, cái phong cách chạy theo các kiến trúc cổ ngày xưa, nào là đền Pantheon, kiến trúc cổ điển kiểu Gothic hay Phục Hưng được coi là chuẩn mực cho cái đẹp. Kiến trúc anh theo đuổi là hiện đại, giản đơn, và vì mục đích duy nhất là dùng để ở chứ không phải phô trương và làm màu không cần thiết. Nói chung là anh này thực tế. Cái mà anh hướng đến là hiện đại, là nhìn về tương lai chứ không phải sao chép những đường rãnh cột thừa thãi, những bức phù điêu phô trương của các kiến trúc sư hàng thế kỷ trước. Cơ mà, lý tưởng là như vậy, còn ương như ổi thì chấp nhận phải Cook. Nhiều thầy nói không nghe, cái tôi quá cao, không chịu xin lỗi ai cả, dễ hiểu, anh bị đuổi khỏi học viện công nghệ Stanton.
Trong tất cả các kiến trúc sư anh biết trước đó, anh coi Henry Cameron là một kiến trúc sư tài năng và sáng tạo. Anh rất thích nét kiến trúc của ông với toà nhà nổi tiếng Dana Building.Dana Building là một trong những tác phẩm kiến trúc sáng tạo và táo bạo nhất của Cameron, nổi bật với thiết kế hiện đại và tinh thần cách tân. Tòa nhà này không tuân theo các phong cách kiến trúc truyền thống, mà thay vào đó thể hiện một phong cách độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của Cameron với những đường nét đơn giản, thẳng và sự nhấn mạnh vào chức năng và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, thiết kế sáng tạo này không được đánh giá cao trong thời kỳ của Cameron, dẫn đến việc ông bị ngành kiến trúc chính thống phê phán và loại trừ. Kết quả là ông phải làm việc ở văn phòng gác mái, chỗ thần không biết mà quỷ cũng không hay. Hàng tháng thì luôn chậm tiền cho thuê mặt bằng, có khi còn phải xin khất. Khi mà Roark đến chỗ của Cameron và muộn được nhận vào làm, ông đã từ chối và đuổi thẳng cổ. Nguyên nhân là do ông đã trải qua một sự nghiệp đầy thất vọng và cay đắng. Ông đã đối mặt với sự thù địch và từ chối từ giới kiến trúc bảo thủ, khiến ông trở nên hoài nghi về khả năng của một người trẻ có thể vượt qua những khó khăn mà ông đã trải qua. Ngoài ra, Cameron có thể đã cảm thấy rằng việc chấp nhận Roark vào làm việc với ông sẽ không mang lại lợi ích cho Roark. Ông lo lắng rằng Roark sẽ phải chịu đựng những đau khổ và thất bại giống như ông đã trải qua trong sự nghiệp của mình. Nhưng sau tất cả Roark chứng minh là mình thực sự nghiêm túc muốn theo nên ông chấp nhận.
Woapp, đoạn này mình buồn ngủ lắm rồi 🥱 :<. Nên mình sẽ tua tua… Nói chung là kết thì anh có cuộc sống đẹp với người mình yêu là Dominique.
Đối nghịch với phe của Roark thì có Peter Keating, đại diện cho lối sống “Thứ sinh” và Ellsworth Toohey đại diện truyền thông bẩn, kẻ rất giỏi trong định hướng dư luận. Lối sống Thứ sinh có nghĩa là không sinh ra từ bản thân chủ thể hành động hoặc cảm xúc mà chỉ phản ánh từ người khác. Từ ngày bé, Peter Keating muốn theo hội hoạ, anh cũng có năng khiếu trong việc vẽ, nhưng vì mẹ bảo không có tương lai, theo kiến trúc thì sẽ được lương cao, và có sự trọng vọng hơn. Nghe mẹ, anh theo kiến trúc. Trong học tập hay công việc, anh luôn theo đuổi thứ được người khác cho là tốt, cho là vĩ đại, bị cám giỗ bởi những lời khen của môi trường xung quanh, tiếng nói của dư luận, mà không hề lắng nghe trái tim anh muốn gì, cũng có, nhưng chỉ là thi thoảng, nhưng như một thanh củi theo dòng nước lũ hay như là một con rối, một quân cờ theo của Toohey. Anh không hiểu mình là ai, thực sự thích cái gì. Cuối chuyện, đến khi nhận ra, và đưa bức tranh vẽ của mình cho Roark. Anh hỏi mình có còn thể theo vẽ được không? Roark nói không. Có vẻ như quá muộn để thay đổi, anh ta đã đánh mất chính mình. Suy cho cùng Peter là một nhân vật tội nghiệp, đáng thương hơn là đáng trách.Và…Ellsworth Toohey, lão là một nhân vật phản diện chính trong truyện một nhà phê bình kiến trúc có ảnh hưởng lớn, có sức mạnh là sử dụng ngòi bút sắc sảo gây tác động tới đám đông. và là một nhân vật phản diện chính trong truyện. Toohey căm ghét Roark vì Roark đại diện cho sự sáng tạo và tính cá nhân, đi ngược lại với hệ tư tưởng tập thể và sự trung bình mà Toohey ủng hộ. Toohey tìm cách phá hoại sự nghiệp của Roark bằng mọi cách có thể.
Woappp, lần hai….🥱🥱
Lúc mà đọc tiểu thuyết này cho đến bây giờ, mình thấy mình cũng có phần ương và cứng đầu hơn, quyết không thỏa hiệp và bảo thủ đôi khi cũng chỉ cách nhau một ranh giới nhỏ. Mình thấy là ai cũng nên có một chính kiến riêng cho mình, không nhất thiết phải hùa theo đám đông vậy thôi. Làm những gì mình cho là đúng, miễn không sao trái đạo đức, không gây hại cho ai hay trái pháp luật là được. Hay cũng không nhất thiết phải chạy theo con mắt của người đời. Lúc mà mình biết tin mình đỗ học bổng của Erasmus Mundus, mình vui lắm, mình thầm cảm ơn và cảm kích những người đã giúp đỡ mình rất nhiều. Và luôn tự nghĩ nay mai có việc gì nhờ thì mình cũng rất sẵn lòng được giúp lại, kiểu kiểu như nhân vật Bố Già vậy, nhận ơn ai là mãi không quên.
Nhắc đến học bổng, thì học bổng Erasmus Mundus có thể được coi là là học bổng tốt, đi kèm với nguồn tài chính ổn. Nhưng cũng không nên coi nó là số một trong các loại học bổng. Đơn giản là nó cũng chỉ như bao loại học bổng khác, mục đích chính là cung cấp một nguồn tiền hỗ trợ cho người học. Cái quan trọng là chương trình học ra sao, nội dung được thiết kế như thế nào, thầy cô dạy mình có okela không, công việc ra trường liệu có ổn. Và không thể thiếu cái quan trọng nhất, sự chăm chỉ và thái độ của mình ở mức như thế nào với chương trình đó. Việc có định hướng và có kể kế hoạch luôn là cái quan trọng. Hôm nay đi bộ-farewell với một chị lúc trước mình gặp ở UNDP. Chị hỏi “hiện tại mọi thứ vẫn theo Plan A của em đúng không?”. Mình trả lời là “Em cũng nghĩ thế, nhưng em nghĩ là dùng từ Scenario A (Kịch bản A), thì chuẩn hơn, dân trong ngành Năng lượng, bọn em hay trêu nhau như vậy. Mỗi năm định hướng của em đều thay đổi, năm ngoái em còn nghĩ em sẽ học PhD nhưng năm nay em lại muốn học Doctor of Engineering kìa. Nhưng thôi không sao, có định hướng, có kế hoạch kỹ càng, thì cho đến khi lúc mình thực sự cần phải thay đổi thì nó vẫn có thể điều chỉnh để giúp mình đi đúng hướng, còn hơn là cứ để kệ, muốn ra sao thì ra”.
Quay trở lại thì, mình thấy việc flex ranking trường đại học, phần nào đó cũng chấp nhận được, nhưng để nói là trường rank cao chắc chắn xịn hơn trường rank thấp thì không hẳn là đúng. Thứ hạng được quyết định bao gồm rất nhiều yếu tố, ví dụ như số lượng công bố khoa học chẳng hạng. Như mọi người biết thì một số trường tư không ngại mua báo, gian lận để tăng thứ hạng mà chất lượng đào tạo, cái cốt lõi bên trong không được đảm bảo, nó vẫn thế. Có thể Rank cao sẽ thu hút được sinh viên tốt hơn, cũng có thể phần nào gọi là “lùa gà” nếu theo ý nghĩa tiêu cực. Ngoài ra, mình luôn không đồng tình với “Mentor” service, thu tiền của sinh viên, hay của người đi làm để dạy các lớp học bổng, hay như là thuê báo về viết cho mentees của mình để PR cho cá nhân người dạy lẫn người được nhận học bổng. Mình không rõ là tham gia những lớp học như vậy có giúp ích gì không, mình không đi “học” những cái đó nên mình cũng không rõ nội dung ra sao. Nhưng mình nghĩ việc đỗ học bổng là do phần lớn Profile (hồ sơ) của bạn có tốt hay không. Cái này đòi hỏi bạn cần phải tích luỹ trong một thời gian rất dài, có khi là một vài năm các bạn đi học đại học hay đi làm. Nó có thể bao gồm CGPA cao, tốt nghiệp thủ khoa thì càng tốt, công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, các dự án mà bạn đã làm hay các mối quan hệ tốt mà bạn đã xây dựng với thầy cô, sếp của mình. Phần còn lại là khả năng viết, sắp xếp bố cục cho CV, bài luận, thư giới thiệu (nếu bạn viết và nhờ thầy cô ký), các thủ tục abc khác như xin giấy thường trú, dịch thuật văn bằng, blah blah… Cái này hoàn toàn có thể học được từ những người khác một cách free. Mình không chỉ trích ai hay bạn nào đi học các lớp học bổng hay sử dụng dịch vụ kia. Bản thân mình ngày xưa cũng suýt đăng ký link đi học cái ý. Nhưng nhờ một buổi đi cà phê với một anh được học bổng EM, hỏi ý kiến bạn bè và quan trọng nhất là một cmt trong nhóm VietPhD.org về việc tự thân phải tìm nghiên cứu nên mình quyết định không tham gia. Có rất nhiều khó khăn và có phần may mắn khi kết nối được với mentor. Có thể các bạn khác chưa gặp may, hoặc chưa chủ động, hoặc cũng có thể tìm nhưng bị loạn bởi quá nhiều thông tin hay thiếu thông tin một cách xuyên suốt nên sử dụng cách dịch vụ “mentor” này. Dịch vụ “mentor”, nó cũng như quan hệ cung cầu, có cầu ắt. có cung. Nhưng nếu quá công nghiệp mà giá vẫn cao thì đôi khi cần phải xem lại. Mình vẫn luôn đồng ý với quan điểm của anh Minh rằng là Mentor không phải Tutor hay Coach (dịch vụ lấy tiền). Những cái này nó đều về mặt hoàn thiện hồ sơ, nhưng thực sự Mentor còn có giá trị khác là mentor trong công việc, trong ngành. Chỉ bạn là người trong ngành mới hướng dẫn người khác cũng trong ngành cần học cụ thể cái gì, và chia sẻ hướng đi và cơ hội có thể có. Hay là Mentor cho PhD cũng vậy, là một level khác với “Mentor” cho các học bổng thạc sĩ như thế này. Cuối cùng, nguyên lý Le Chatelier “Khi bất kỳ hệ thống nào ở trạng thái cân bằng trong một thời gian dài bị thay đổi nồng độ, nhiệt độ, thể tích, hoặc áp suất, thì hệ thống sẽ tự điều chỉnh phần nào để chống lại những hiệu ứng của sự thay đổi và một trạng thái cân bằng mới được thiết lập.” Nôm na là có mấy cái "Mentor" service kia thì cũng sẽ có người khác sẽ hướng dẫn không công, free. Thôi thì mình cũng mong sẽ đóng góp một phần công sức nhỏ bé, bên cạnh mentor sharing miễn phí cho các bạn khác. Mình sẽ sớm chia sẻ các thông tin về cách lên kế hoạch chuẩn bị sớm cho học bổng, càng lập sớm thì càng tốt. Cách viết CV, viết sườn bài luận và SOP. Chia sẻ các kinh nghiệm chuẩn bị thủ tục giấy tờ. Có thể trong tuần này sẽ lên video đầu tiên trên Youtube. Nói chung là phần ngọn, những cái khác nên tự thân vận động, Pay it forward là chính vậy.
Một anh đi học Erasmus Mundus ở Pháp có nói với mình một câu, mà mình thấy rất tâm đắc đó là là người đi trước chia sẻ cho người đi sau thì mới tiến bộ được. Mình sẽ luôn lấy nó làm kim chỉ nam.
Ảnh chụp cây hoa anh đào-Sakura ở công viên Hibya, Nhật Bản
Ảnh chụp cây hoa anh đào-Sakura ở công viên Hibya, Nhật Bản