<i>"Súng Săn" được chuyển ngữ bởi Huyền Vũ, và được Nhã Nam xuất bản đầu năm 2021</i>
"Súng Săn" được chuyển ngữ bởi Huyền Vũ, và được Nhã Nam xuất bản đầu năm 2021

Đôi nét về Yasushi Inoue và “Súng săn”

“Súng săn” là tiểu thuyết đầu tay của một trong những tượng đài văn học Nhật Bản hiện đại, Inoue Yasushi (井上靖: Tỉnh Thượng Tĩnh), một nhà văn nổi tiếng với những tiểu thuyết sử dụng lịch sử làm chất liệu chính. Một trong những sáng tác được biết đến rộng rãi nhất của ông là “Phong Lâm Hỏa Sơn”. Trái với phong cách đã quen thuộc với độc giả của Yasushi, “Súng săn” là tác phẩm không lấy lịch sử làm cốt lõi, cũng không gắn với những vĩ nhân hay nhân vật trong sử sách. Có lẽ, bởi “Súng săn” được viết năm 1949 trong giai đoạn đầu gắn bó với con chữ của ông, nên cuốn tiểu thuyết này có đôi chút khác với những sáng tác làm nên danh tiếng của ông sau này.
“Súng săn” sử dụng kết cấu truyện lồng truyện, đan xen ba câu chuyện trong cùng một mạch truyện chính. Tiểu thuyết là ba lá thư của ba người phụ nữ gửi cho cùng một người đàn ông: Cô con gái vô tình phát hiện ra người mẹ đã khuất đáng kính của mình là kẻ ngoại tình bội bạc, người vợ bị chồng lừa dối ngoại tình với chị gái mình, và người đàn bà lang chạ với chính chồng của em gái. Josuke, người nhận của cả ba lá thư trên, đã gửi những bức thư cho người dẫn truyện – và người này, cũng đồng thời là người lật giở những mối tình vụng trộm cùng những điều ẩn sau tội lỗi ghê tởm ấy trước độc giả.
Tại nơi sâu thẳm trong cõi lòng, mỗi người đều có một con rắn – là hiện thân của bản tính, cảm xúc, suy nghĩ dưới dáng vẻ trần trụi và trung thực nhất. Bản tính ẩn náu bên trong mỗi người đầy rẫy những bí hiểm và khôn lường. Và “Súng săn”, cùng ống ngắm bắn với chùm đạn nhỏ như hoa tiêu, nhắm vào từng con rắn đang oằn mình len lỏi khắp tâm khảm để gặm nhấm nhân tính và nhân cách của mỗi một con người. 

Một câu chuyện, đa điểm nhìn

“Súng săn” (bản phát hành của Nhã Nam) có độ dài chưa đầy 100 trang và được diễn giải bằng kết cấu khá đặc biệt: 5 lời kể, 3 điểm nhìn, 3 mối quan hệ, 1 vòng tròn tội lỗi.
Bức thư đầu tiên là từ con gái của người mà Josuke ngoại tình, Shoko. Bức thư thứ hai từ vợ của Josuke, Midori. Và bức còn lại là của Saiko – mẹ của Shoko, chị gái của Midori, và nhân tình của Josuke. 
Lời của người dẫn truyện, xưng “tôi”. Lời của người đàn ông tên Misugi Josuke, chủ nhân của lá thư làm quen và người gửi ba lá thư khác cho “tôi”; sau khi gã vô tình đọc được bài thơ “Súng săn” do “tôi” chắp bút được đăng trên tạp chí “Người bạn của thợ săn”. Lời của cô gái Shoko, con gái của Saiko, gửi thư cho Josuke – sau ngày mẹ cô qua đời. Lời của Midori, vợ Josuke, gửi thư cho gã – khi chị gái cô, và cũng là mẹ của Shoko, ra đi. Và còn lại, là di thư của Saiko được gửi tới cho Josuke – sau đám tang của cô. 
Chính vì vậy, một câu chuyện được kể từ ba góc nhìn khác nhau, một vấn đề được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Men theo dòng tự sự của truyện, ta có thể lật mở từng chi tiết, soi chiếu từng góc khuất, trăn trở từng nỗi niềm, cảm nhận từng tội lỗi của ba cá nhân tách biệt, lại cũng có mối ràng buộc và liên kết lẫn nhau. Từ đó, sự thật bỗng nhiên xa xăm và mịt mờ vô cùng; những tưởng đã biết được chân tướng, nhưng hóa ra vẫn chỉ là dối lừa. Mỗi một con người trong “Súng săn” cũng giống như hàng vạn hàng ngàn người sống ngoài trang sách, mỗi ngày đều trưng trên mình một lớp vỏ bọc, rồi theo năm tháng chảy trôi, lớp da thịt giả tạo lại dính chặt vào bản thể và khó lòng tách bỏ. Để rồi, đến tận khi bị cái chết nuốt chửng và bị sâu mọt gặm nhấm nát tan, họ mới dám buông xuống dáng vẻ thường nhật và trở lại cùng dáng vẻ nguyên sơ; họ trải lòng trong lá thư gửi người gắn kết, bộc bạch những suy tư trăn trở và cả tình cảm chân thật nhất của mình.
“Toàn bộ cuộc sống của chúng ta đã được dựng lên trên cái nền móng là những bí mật mà chúng ta giấu nhau.”
Vậy, khi bí mật đã bại lộ, và đã chẳng còn là bí mật, thì liệu sự thật được hé mở sau những chuyện đã xảy ra có đích thực là “sự thật” hay chăng? Mỗi kiếp người trong trang sách của Yasushi đều vùi mình trong giả dối cùng tội lỗi đã quá lâu, đến mức tự bản thân mỗi người cũng không còn nhận thức được cảm xúc chân thực của mình. Họ mãi trăn trở về một ngày nào đó trong cõi người, họ được sống đúng với bản thân mình; nhưng cái ngày đó đâu thực sự tồn tại. Con rắn ẩn sâu trong thâm tâm, im lìm nơi góc tối trái tim, có chăng vẫn sẽ sống và ngọ nguậy cả khi thân xác họ đã mục ruỗng trước cuộc đời và tội lỗi của mình. 

Bức thư của con gái

Trong ba bức thư Josuke gửi cho “tôi”, lá thư của cô con gái Shoko được “tôi” ghi lại đầu tiên. 
Shoko biết đến bí mật ngoại tình khi đọc được những dòng mẹ viết trong cuốn nhật ký bà từng muốn đốt bỏ. Sự thật cô tiếp nhận đã giày xéo trái tim của cô gái trẻ, giữa nỗi đau mất đi đấng sinh thành mãi mãi, và nỗi đau khi phải chấp nhận xé bỏ hình ảnh một người phụ nữ đoan chính và đáng kính trọng mà cô lưu giữ bấy lâu nay. Shoko bỗng chốc nhận ra rằng, người phụ nữ mình yêu thương và kính phục, hóa ra chỉ là lớp da người đạo mạo của người đàn bà lăng loàn ẩn sâu bên trong. Người mẹ cô luôn tôn thờ, người mẹ quyết tâm ôm cô bỏ đi tự mình nuôi nấng chứ nhất quyết không thỏa hiệp chung sống với người chồng bội bạc. Người phụ nữ đã từng rằn nước mắt vào trong, bước ra trong những lời chỉ trích và đay nghiến; người phụ nữ đã từng chịu cảnh phẫn hận vì chồng ngoại tình ấy, nay lại trở thành một kẻ ngoại tình, giẫm lên vết xe đổ của người chồng từng chung chăn gối. 
Cuốn nhật ký của mẹ và bí mật mẹ luôn chôn giấu, tựa như nọc độc của rắn hoang, vừa cắn một phát đã tê dại cả người và ngấm sâu vào trong cốt tủy. Chất độc hòa vào máu tươi đang cuộn trào trong cơ thể, cô chết lặng trong nỗi hoang mang và kinh sợ. Rồi, Shoko buộc phải ép mình nhìn lại những chuyện đã xảy ra, những người xung quanh cô. Cuộc ngoại tình đẩy cô vào việc soi chiếu và dấn thân vào những đổi thay mà trước đây cô luôn tránh né. “Sự thật” ở trong mắt của Shoko, chính là muôn vàn dáng vẻ và màu sắc của cuộc sống, cũng như tình yêu. Có tình yêu đẹp đẽ trong mắt người ngoài nhưng lại héo mòn ở trái tim người trong cuộc. Và, cũng có tình yêu với lớp vỏ ngoài tội lỗi và đáng khinh miệt, nhưng lại thuần khiết, sáng trong vô ngần, để rồi vì “yêu” mà phải chịu đựng dằn vặt, khổ đau, khốn mạt, vụng trộm. Cách Yasushi sử dụng ngôn từ trong lá thư của cô con gái cũng thật sự hồn nhiên, đó là những từ ngữ và câu cú giản đơn, đó là lời bật thốt đầy xót thương: “Tình yêu khốn khổ của chú và mẹ cũng buồn chẳng kém cánh hoa kia!” Cô hiểu tình yêu vô điều kiện của mẹ dành cho người đàn ông tên Josuke, cũng bởi tình yêu mẹ không thể khoét bỏ khỏi tâm can, Shoko đã chấp nhận tình yêu tội lỗi này. Nhưng, những luân thường đạo lý cô được dạy, những đạo làm người cô được học, hết thảy khiến cô không thể dễ dàng chấp thuận. Ngày tháng của Shoko lặp lại ngày tháng của mẹ mình, sống trong dằn vặt và đau khổ vì đã phạm sai lầm và tấm thân đọa đày trong tội lỗi. 
Cứ tưởng là “sự thật” nhưng hóa ra, Shoko cũng không khác mẹ mình, cô giấu kín con người thật đằng sau lớp da người giả dối. Ngày mẹ còn sống, dù không thấu triệt, nhưng Shoko đã phảng phất nhận ra những xao động, đổi thay ở mẹ. Cô khoác lên mình lớp da người, rồi giả bộ không hay biết, rồi trốn tránh việc làm sáng tỏ nghi ngờ. Chính Shoko, con gái của mẹ, đã đẩy mẹ lún sâu vào bùn lầy nhớp nhúa và không sẵn sàng nắm lấy tay mẹ để dắt mẹ thoát khỏi mê cung không lối thoát. Có lẽ, nỗi đau đớn và day dứt tột cùng của Shoko xuất phát từ sự soi chiếu chính bản thân mình, để rồi nhận ra những đới hèn ở quá khứ, những ngục tù ở hiện tại, những mịt mù ở tương lai.

Bức thư của người vợ

Tiếp sau lá thư của Shoko là bức thư từ Midori – vợ của Josuke. 
Nếu dựa trên lẽ thường, Midori là “người chịu tổn thương” trong vòng tròn mối quan hệ tội lỗi này. Midori có một người chồng phản bội mình, và một người chị gái bạc tình bạc nghĩa. Nhưng, câu chuyện này là từng lớp lang sự thật chất chồng và đan xen lên nhau, cái sự đáng thương của Midori có lẽ cũng không mòn mỏi tới vậy. 
Midori đã sớm nhận ra cuộc tình vụng trộm giữa người chồng cùng mình se tơ kết tóc và người chị gái máu mủ ruột thịt. Nhưng, cô lựa chọn không nói ra, giữ kín bí mật ấy trong lòng cả chục năm trời. Cô cũng lại như Shoko và chị gái mình, khoác lên một tấm da người giấu đi cõi lòng một cách kín kẽ. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy Midori là một người vợ đàng điếm, sống buông tuồng, dễ dãi và lả lơi. Trong cô cũng nuôi “một con rắn nhỏ màu nâu đỏ, sinh trưởng ở vùng đất phương Nam nào đó” như lời nhận định của Josuke. Rắn càng nhỏ càng sặc sỡ, thì càng chất ngất độc tố; hệt như cách Midori giả vờ không biết nhưng vẫn bóng gió thể hiện tầm mắt của mình, khiến chị gái cô bị ăn mòn bởi cảm giác tội lỗi. Vùng đất nơi con rắn của cô sinh trưởng là một vùng ấm áp; hệt như sự cuồng nhiệt lẫn giả lả của Midori khi xử sự với chồng và chị gái. Cô không muốn hủy hoại cuộc đời của hai người thân yêu, nhưng cũng không cam lòng chịu kiếp bội bạc. Cô yêu và sống nồng nàn, nhưng cũng ấp ôm nỗi hận lạnh tới cóng người trong thâm tâm. Để chị gái được tiếp tục sống, nhưng lại bóp nghẹt hơi thở của chị gái bằng những ẩn ý cay nghiệt. Cái chết của chị gái, Midori cũng có một phần trách nhiệm.
Thế nhưng, người không biết đến khi biết bí mật còn bị giày vò, thì sao một người luôn giấu kín bí mật và cất giữ chẳng khác gì của cải thiêng liêng lại không bị giày vò được chứ. Midori tươi trẻ, ngọt mọng, vui vẻ, và có những ham muốn hết sức đàn bà. Cô thả mình theo sự phóng túng, quyến rũ và nguy hiểm tựa những bông hồng đỏ rực đầy gai nhọn. Một người phụ nữ với vẻ đẹp đàn bà đến vậy, nhưng cũng không giữ được ngọn lửa tình yêu giữa hai vợ chồng, và để chồng đến với vòng tay của một người phụ nữ khác. Cô u uất trong chính tận cùng của nỗi cô đơn, cô cố chấp vùng vẫy nhưng rồi lại phải nhận lấy cảm giác tội lỗi với chị gái. Đằng sau vẻ hoang đàng lại là một bản ngã giá lạnh, con người lạnh lùng ấy vậy mà lại nuôi một con rắn sinh trưởng chốn phương Nam ấm áp. Đến cùng, chẳng biết là Midori hay thế giới xung quanh giá băng nữa… 
Một lần nữa, sự tinh tế trong ngôn từ của Yasushi lại hiển lộ, bằng sự biến đổi nhỏ trong giọng văn mà giờ đây đọc bức thư của Midori, ta có thể cảm nhận được một người phụ nữ trưởng thành đang khéo léo oán trách – cả người, cả mình. Midori trải lòng, “Chúng ta nhận ra mình đang sống ở đây, trong cái thế giới băng giá tráng lệ này, trong một gia đình lạnh giá đến độ người ta có thể cảm nhận được băng đá đóng trên lông mi.” Trút bỏ lớp vỏ bọc một người vợ “tham lam” là một con người quẩn quanh một mình cả chục năm, khao khát hơi ấm và tình yêu từ một người đáng lẽ nên yêu thương mình, nhưng lại chỉ nhận được sự lạnh nhạt, và cũng chỉ trao đi băng giá. 

Di thư của nhân tình

Bức thư cuối cùng được viết lại là lá thư của người mẹ đã ngoại tình với chính chồng của em gái mình. Việc bức thư được đặt ở cuối cùng cũng giống như sự ra đi mãi mãi của Saiko, là điểm kết thúc của chuỗi bi kịch kéo dài đã ám ảnh những con người này cả chục năm. 
Trong tâm khảm mỗi người đều có một con rắn, con rắn của Saiko theo lời Josuke miêu tả, “con rắn của em là ở Úc và mặc dù nó cũng nhỏ nhưng toàn thân nó phủ những đốm trắng, đầu nhọn hoắt, sắc như mũi khoan.” Sở dĩ, con rắn ấy nhỏ, bởi lẽ cô là một người phụ nữ nhạy cảm và yếu mềm; sở dĩ, con rắn ấy phủ đầy những đốm trắng, bởi lẽ không lúc nào cô dám quên tội lỗi của mình; sở dĩ, những con rắn ấy đầu nhọn hoắt và sắc lẹm, bởi lẽ dẫu Saiko biết rõ mình mang tội nhưng cô vẫn để mình ngày một thêm trầm luân. Tội lỗi trở đi trở lại trong những giấc mộng, đục lỗ và đóng đinh trong tiềm thức, xăm lên cốt cách của cô vết hoen ố. Những trang nhật ký của cô phủ lấp đầy những chữ “tội lỗi”, như niềm hạnh phúc không bao giờ có thể trọn vẹn. 
Việc ngoại tình, là sai trái; việc gian díu với em rể, càng là sai trái. Mọi quy chuẩn đạo đức hay cả pháp luật đều không cho phép hành động này. Saiko hiểu rõ điều ấy, nhất là khi đã trải qua một lần tan vỡ vì ngoại tình; nhưng mà, cơn lũ của hạnh phúc đã quét sạch dũng khí để dừng lại của cô, cô buông thả bản thân theo cuộc tình vụng trộm đầy tủi hổ ấy. Sự dằn vặt và nhận thức cao độ của cô càng khiến tình yêu của cô và Josuke trở nên đầy nghi vấn. Liệu, Saiko có thực sự yêu hay yêu nhiều đến vậy? Hay, liệu tình yêu này chỉ là cách trả thù cực đoan với đời sau hết thảy những tang thương và khổ sở đã vần vũ cả đời của một người phụ nữ? Có lẽ, Saiko đã dùng chính vết đau của mình đã đè nén những nặng lòng xưa cũ, rồi tự mình chấp chới trước vực sâu hun hút. Thứ biến cô thành “nạn nhân”, giờ đây lại khiến cô trở thành “thủ phạm”.
Saiko đã không ngừng giằng xé bản thân trong lừa dối và bị lừa dối. Cô mải mê đuổi theo trái ngọt cấm đoán, cũng ngập ngụa giữa biển tội lỗi, đến mức cô chẳng còn đủ minh mẫn để phán đoán về những người xung quanh. Ẩn ý từ em gái, trốn tránh của con gái, những dấu hiệu quá rõ ràng về việc bí mật đã bại lộ – nhưng, tội lỗi đã che mờ đôi mắt của người đàn bà ấy. Cô đã từng mạnh mẽ, mà hiện tại ngày càng yếu đuối; yếu đuối trước cảm giác ấm áp hạnh phúc, yếu đuối trước sự bê tha, và yếu đuối trước chính bản thân mình. Nếu nói nanh vuốt của mỗi một con rắn đều đang cắn xé nhân cách và trái tim của từng người, thì hẳn là độc tố đã ghim sâu nhanh và mạnh mẽ nhất ở Saiko. Từ dằn vặt, đau đớn, đến hối hận, tự hủy hoại, và sau cuối là chọn lựa giải thoát. Nhưng, cái chết có thực sự là sự giải thoát hay chăng? Khi mà rắn độc đã trở thành bản thể chân chính.
Thêm nữa, bức di thư với giọng văn ngập tràn sự tủi hổ vì những lỗi lầm của mình đã nhắc tới cả những người xung quanh. Chắc hẳn Saiko cũng hiểu rõ, sai lầm của mình sẽ ở lại trong lòng người còn sống và không thể xóa nhòa theo thời gian. Đến cùng, bi kịch vẫn kéo dài, nỗi đau vẫn râm ran, có chết cũng là chết trong lòng căm hận của người ở lại và vĩnh viễn không được siêu sinh. 

Những đoạn thư vụn vặt của người chồng

Người nhận của ba lá thư trên đều là Misugi Josuke.
Thế nhưng, khác với ba bức thư của ba người phụ nữ, những gì Josuke viết chỉ xuất hiện dưới dạng trích đoạn trước khi đi vào từng lá thư của ba người phụ nữ. Gã là chủ thể của bí mật và cũng liên quan trực tiếp tới cả Shoko, Midori, Saiko; nhưng, gã lại chỉ là bóng hình thấp thoáng trong đôi ba dòng. Không ai rõ dáng dấp gã ra sao, cũng không ai được đọc những lời tự bạch của gã; sự hiện diện của gã mơ hồ trong câu từ nhưng lại rõ ràng trong cả câu chuyện. Gã, như một vị thẩm phán đứng ngoài những dằn vặt của ba người phụ nữ, nhận định về từng người một và nhìn thấu con rắn giấu kín trong hai người phụ nữ bên cạnh. Gã hiểu Midori và Saiko, càng thấu tỏ bản chất của tội lỗi mình góp một phần gây nên. 
Bi kịch đến với ba người phụ nữ, lại như chẳng đến với gã. Josuke tự nhận mình chính là nguyên mẫu của người đàn ông xuất hiện trong bài thơ “Súng săn của tôi”. Gã là người giơ súng và ngắm bắn, cùng sự thích thú đến chính gã cũng chẳng nhận ra. Có lẽ, không phải bi kịch không tìm đến gã mà là gã luôn sống trong bi kịch, đã sớm quen đến mức chẳng nhận ra nổi. Giữa thời cuộc tang thương khi dân tộc bị bắt phải cúi mình, khi hai luồng văn hóa Đông - Tây giao thoa, gã và những người đàn ông khác phải cúi đầu, quay lưng trước vận mệnh đất nước để tìm lấy đường sống cho chính mình. Gã khoác lên lớp da tuân theo quy cũ, rồi phía sau lại ngấm ngầm bất tuân và phản kháng bằng việc ngoại tình. Những mối tình vụng trộm, những sự lả lướt công khai, những cưỡng ép đàn bà trở thành nô lệ tình dục,... tất cả có lẽ đang dần trở thành “quen thuộc” và Josuke – gã không biết mình nên lựa chọn như nào, cam chịu trở thành một phần nhơ nhuốc, hay dũng mãnh vượt lên. 
“Khẩu súng săn bóng loáng lưu lại dấu ấn trọng lượng càng lúc càng trĩu nặng của nó lên người đàn ông trung tuổi, lên linh hồn cô độc cả anh ta, lên thân xác anh ta, đồng thời tỏa rạng một thứ vẻ đẹp khát máu kỳ dị mà ta sẽ không bao giờ nhìn thấy khi hai ống ngắm của nó nhắm thẳng vào một sinh vật sống.”
Josuke chọn quay lưng, không phải một trong hai lựa chọn định sẵn. Biết đâu chính vì quyết định của mình, gã sinh ra cảm giác khoái trá khi nhìn những kẻ cùng thời bị vấn bẩy và giày vò, còn mình cũng bị vấy bẩn nhưng lại không một chút đau đáu. Gã ẩn mình trong bóng tối, và Yasushi chỉ để gã hiện lên qua con chữ của người khác. Không ai biết được gã thực sự là con người như thế nào. Liệu Josuke là thợ săn hay chính là một con rắn chứa đầy kịch độc? Bi kịch của thời đại chập vào bi kịch của đời người, một kẻ lạc lối nhưng lại chẳng biết mình lầm đường. Người đàn ông can dự vào tội lỗi, nhưng danh tính lại được xóa mờ giữa cuộc đời. 
Hoặc, cũng có thể, gã mới là người chân chính thấu tỏ. Ba lời tâm sự của ba người phụ nữ, những giãi bày ấy thuộc về Shoko, Midori, Saiko; hay thuộc về chính gã? Những giằng co trong tâm khảm, để rồi bại trận trong cuộc chiến với con rắn đang xâu xé nhân cách mình, phải chăng đều là sự chấp chới thuộc về gã? Gã tự thấy mình nhơ nhuốc, gã tự đắm mình trong tội lỗi, gã tự thổi bùng những xấu xa, và gã cũng mới là người coi cái chết là giải thoát. Thật khó để cắt nghĩa rõ ràng.

Thợ săn, súng săn

“Súng săn” là tên bài thơ đã kích động Josuke, để từ đó tiểu thuyết “Súng săn” ra đời.
“Súng săn” là một loại súng, để bóc trần sự mục ruỗng sâu trong nội tâm con người. 
“Súng săn” là một ẩn dụ cho những quyết định của một người với lương tri và với cả nước Nhật thời hậu chiến – cam chịu thua cuộc thời vận, hay bắt lấy “súng săn” để thay đổi. Không có lựa chọn “quay lưng” vì chỉ có thể giãy giụa để tiến hoặc lùi mà thôi.
“Con rắn” là bản thể bên trong vốn im lìm, nay bỗng cựa mình ngước mắt nhìn ta. Đó là mảng tối tăm trong con người, nơi chứa đựng những lỗi lầm và sai trái. “Con rắn” liệu có thể bị bắn chết bởi “súng săn” không, hay “súng săn” chỉ bắn ra lệnh phán quyết không có hiệu lực?
“Súng săn” là áng văn chưa đầy 100 trang, nhưng lại chứa đựng tầng tầng lớp lớp ẩn ý dày đặc, đến nỗi khi khép lại cuốn sách, tôi vẫn phải ngẩn ngơ vì giận mình chưa thể hiểu hết những ý nghĩa biểu lộ vừa tinh tế vừa dữ dội ấy. Yasushi Inoue đã khám phá, một cách trần trụi và trung thực, cái bản chất người bí hiểm và khôn lường vẫn ẩn náu trong mỗi chúng ta. Cuốn sách hòa quyện một cách vừa tinh tế vừa dữ dội của những cảm xúc con người: yêu thương, thất vọng, hối hận, đau khổ, hoang mang, từ đó dấy lên ở người đọc một nỗi ám ảnh thăm thẳm về thân phận con người và cuộc khủng hoảng bản sắc – không biết căn tính, hay thậm chí là không có căn tính cá nhân.