Lối tư duy sùng bái vật chất quá mức không khiến cho con người văn minh hơn; ngược lại, nó thể hiện sự chậm tiến!

Tình cờ đọc bài báo viết về "làng tỷ phú" đăng tải trên báo điện tử Zing News. Tôi tin rằng những thông tin trong bài báo là có thật và không hề nói quá. Phải chăng, đây chính là hệ luỵ của sự "sùng bái vật chất quá mức". Để được cái danh “làng tỷ phú” hay nhà ông có biệt thự, nhà tôi cũng phải có xe sang; nhà ông có nhà cao cửa rộng, nhà tôi cũng phải có cửa rộng nhà cao!
Chính người Mỹ cũng có câu: “Tài sản có thể đến rất nhanh, nhưng văn minh thì đến rất chậm”! Một bác nông dân, sau một đêm "sốt" đất, có thể có tài sản kếch xù khi bán đất đai, vườn tược của mình đi. Một cô thiếu nữ, sau một cuộc thi sắc đẹp có thể trở thành triệu phú, tỷ phú; sở hữu biệt thự, xe sang. Nhưng sự tiến hoá về trí tuệ thì không thể sau một cái "rùng mình" mà thành được! Trí tuệ, hay văn minh không đến dễ thế!
Người phương Tây giàu, nhưng đa phần vẫn còn khổ lắm; họ luẩn quẩn trong cái mâu thuẫn giữa việc sở hữu nhiều mà tâm lý và tinh thần bất ổn, vẫn "tham sân si mạn nghi" nhiều; chưa kể bất ổn về an ninh, có thể phải đối diện với đánh bom và xả súng bất cứ lúc nào! Có người thì cô đơn trong chính khối tài sản của mình; nghề điều dưỡng, bác sỹ riêng hay kể cả làm nail, chăm sóc thú cưng... được coi trọng và được trả rất hậu; bởi chỉ có những người đó khoả lấp phần nào sự thiếu hụt trong đời sống tinh thần của họ. Chính vì thế mà nhiều người cũng dần tỉnh ngộ, nhận ra rằng tài sản có thể đến rất nhanh, nhưng cái cần đầu tư, cần dành tâm sức nhiều hơn là chăm lo cho phát triển trí tuệ và văn minh, vì những thứ đó đến rất chậm!

Ở nước ta, lối tư duy "sùng bái vật chất quá mức" đã để lại nhiều hệ quả khó giải quyết ngày một, ngày hai.

Chính lối tư duy sùng bái vật chất quá mức khiến xã hội ngày càng đi xuống, đạo đức con người, "hệ giá trị" ngày càng bị mai một trong khi nỗ lực để quản trị xã hội thì ngày càng lớn hơn, mạnh bạo hơn. Càng nỗ lực lại càng dường như bất lực. Bởi chính yếu là không chữa bệnh tận gốc, làm sao thay đổi được sự sùng bái vật chất quá mức kia! Đó cũng là lý do vì sao ở ta ngày càng nhiều “bộ phận không nhỏ” người dân dễ bị kích động, dễ nổi cáu và giải quyết nhau bằng bạo lực! Đó là hệ quả của tư duy sùng bái vật chất quá mức xuất hiện từ thập kỷ đầu những năm 90; khi chúng ta thay đổi đường hướng phát triển kinh tế; phải tự mình hoạch định mà không dập khuôn theo các nước XHCN lớn được nữa!
Người dân Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An trong bài báo chỉ là một ví dụ điểm xuyết. Họ cũng là hệ quả của một lối tư duy bao trùm cả xã hội, cả địa cầu này thôi. Quê tôi không phải miền Trung nhưng nhiều đời nay cũng tư duy như thế! Thấy có một người “đổi đời”, thì làn sóng muốn được “đổi đời” sẽ lan rộng không thể kiểm soát! “Thằng đó làm được chả nhẽ mình không làm được?” hay “Thằng đó sau có 2 năm mà thu lại được vốn, lại gửi tiền về cho bố mẹ xây được nhà, mua được xe; gửi ngân hàng một mớ”... Những “khuôn mẫu” về thành công và “đổi đời” đó lan nhanh chóng mặt và chiếm trọn tâm trí người khác, khắp trong làng ngoài xã. “Đổi đời” bất chấp cả việc trồng cần sa hoặc làm thuê bằng những nghề phi pháp, cốt sao cho dân làng “sáng mắt ra” khi sau 1-2 năm ta xây được cái nhà tiền tỷ, mua được con xe tiền tỷ để cưỡi!
Quản trị xã hội, hay đơn giản là những suy nghĩ, hành động nhỏ mong muốn xã hội tốt lên không phải là kích thích hành vi mua sắm hay vạch ra khuôn thước, ước lệ của thành công như có nhà đẹp, xe sang... Muốn xã hội tốt cần hơn là mỗi người phải có tư duy "biết đủ" và ham điều lành! Biết đủ và ham điều lành là chìa khoá để văn minh xuất hiện; từ đó xã hội sẽ có điều kiện để trở nên tốt đẹp hơn!