Sức mạnh của sự lựa chọn: Bạn muốn trở thành người như thế nào?
Sức mạnh của sự lựa chọn luôn nằm trong mỗi người, dù hoàn cảnh hiện tại ra sao. Chính khi chủ động trong mọi quyết định, bạn sẽ có thể "kiến tạo" một cuộc sống trọn vẹn và viên mãn hơn.
Tác giả: Melanie A McNally (nguồn: Psychology Today)

Sức mạnh của sự lựa chọn
Có rất nhiều khách hàng liên tục nói với tôi rằng họ không có lựa chọn. Họ không thể thay đổi cảm xúc, suy nghĩ hoặc hành xử của mình vì bị ràng buộc bởi công việc, gia đình, vợ/chồng, trường học, thầy cô, chấn thương quá khứ , tình hình tài chính, ký ức tuổi thơ, con cái, không có thời gian, cơm áo gạo tiền, v.v...
Họ tin rằng bản thân muốn thay đổi, song "bất lực" và không thể làm được. Và họ trở nên thất vọng khi tôi khuyên họ nên tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, những gì có thể làm ngay hôm nay để thay đổi cảm nhận, suy nghĩ hoặc hành động của họ.
Đôi khi, một số sẽ nói với tôi rằng, tôi không hiểu họ - vì tôi chưa từng trải qua những gì họ đã trải qua. Hoặc họ sẽ tức giận khi tôi tuyên bố rằng họ có quyền lựa chọn trong hoàn cảnh hiện tại, và làm thế nào tôi có thể không nhận ra họ là nạn nhân của tất cả những chuyện này?
Khi chúng ta cảm thấy bế tắc, đó thường là do tâm trí tạo ra một "con đường mòn" củng cố những niềm tin đã đưa ta đến đó. Ví dụ, nếu tôi tin rằng mình không thể làm những việc khó, suy nghĩ của tôi sẽ có xu hướng chỉ tập trung vào những thứ tôi không thể làm.
Ngược lại, nếu tin rằng mình có thể đối mặt với nghịch cảnh, tâm trí sẽ nhắc nhở tôi về tất cả những lần tôi từng làm được như vậy trong quá khứ, cũng như hướng tôi đi tìm giải pháp cho vấn đề hiện tại của mình.
Chúng ta cần tin rằng mình có thể, thông qua nỗ lực, thay đổi suy nghĩ của mình. Chính khi có được niềm tin và suy nghĩ như thế, hành vi của chúng ta sẽ thay đổi theo.
Bí mật cuộc sống: Chúng ta luôn có quyền lựa chọn
Chúng ta luôn luôn có quyền lựa chọn, bất kể hoàn cảnh như thế nào. Trước khi bạn tỏ ra tức giận và nghĩ rằng, "Có thể đúng với người khác, nhưng tôi thì không. Bố mẹ tôi đã khiến tôi trở nên như thế này", hoặc "Nếu tôi có một ông sếp khác, mọi thứ sẽ tốt hơn", hoặc "Tôi đã không học đại học; học vấn không phải là thứ dành cho tôi", hãy khoan dừng lại một chút để quan sát những suy nghĩ này và ghi nhớ trong đầu: Có lẽ bạn đang bị mắc kẹt đâu đó trong những lĩnh vực này.
Trong tác phẩm Đi tìm lẽ sống (Man's Search for Meaning), chuyên gia tâm lý Viktor Frankl đã không chỉ kể lại trải nghiệm sống sót của mình trong các trại tập trung thời Thế chiến II , mà còn giới thiệu một hình thức trị liệu giúp cá nhân tìm thấy mục đích trong mọi tình huống - từ đó lựa chọn cách đối diện với nỗi đau khổ của họ.
Lý thuyết của Frankl - được gọi là liệu pháp ý nghĩa (logotherapy), bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp logos ("ý nghĩa") - cho rằng "động lực chính của con người trong cuộc sống không phải là lạc thú, như Sigmund Freud tuyên bố, mà là khám phá và theo đuổi những gì ta cảm thấy có ý nghĩa".
Qua câu chuyện được Frankl kể lại, bạn đọc sẽ có thể cảm nghiệm được sức mạnh của sự lựa chọn từ một người từng kinh qua những trải nghiệm và biến cố "kinh khủng" nhất đời người.
Sức mạnh của sự lựa chọn: Các rào cản nhận thức thường gặp
Cuộc sống có quá nhiều cơ hội, và vì không biết nên đi theo hướng nào, nhiều người đi đến kết luận rằng họ không có quyền lựa chọn.
Họ nhìn thấy có người giàu có, người ốm yếu, người hấp dẫn, người thông minh, người khỏe mạnh, hoặc những người nổi tiếng với những cơ hội mà họ không có. Thế là họ tin tưởng rằng bản thân không có quyền lựa chọn.
Cô ta sinh ra trong hoàn cảnh khá giả, có một gia đình tuyệt vời, được ăn học đầy đủ, nên chẳng có gì lạ khi cô ta có thể làm bất cứ điều gì cô ấy muốn. Còn tôi thì lớn lên trong cảnh nghèo khó, cha mẹ thì khó tính, và tôi thậm chí chưa từng đi học đại học. Thế thì tôi còn lựa chọn gì nữa đây?
Và đó chính là nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Điều quan trọng không phải là có thật nhiều cơ hội để lựa chọn (rất ít người thực sự có điều đó, dù bạn nghĩ thế nào đi chăng nữa) - mà là nhìn vào các cơ hội hiện tại của bạn và lựa chọn từ đó, dù cho bạn có bị hạn chế thế nào về những cơ hội được ban cho.
Chúng ta luôn có quyền lựa chọn.
Ví dụ, giả sử người nọ cảm thấy chán ghét công việc của mình, đặc biệt là người sếp. Họ cảm thấy bế tắc và không thể làm gì được (lý do ABC gì đó). Nhưng nếu lùi lại một bước để quan sát và cân nhắc giải pháp, chúng ta sẽ thấy rằng, vẫn có một sự lựa chọn ở đây.
Người đó có thể chọn chuyển sang một phòng ban khác, nộp đơn xin việc ở công ty khác, nói chuyện với sếp về vấn đề của họ, thay đổi thái độ đối với sếp, nghỉ việc, hạn chế thời gian ở gần sếp, quay lại trường học để có nhiều lựa chọn hơn, tập trung vào những điều họ yêu thích trong công việc và làm nhiều hơn những điều đó, hoặc nghỉ giải lao giữa giờ để đi ra ngoài văn phòng một lát.
Nếu ngừng bị ám ảnh về việc bản thân đang bế tắc như thế nào, họ sẽ thấy cả một "bầu trời" những lựa chọn dành cho họ.
Người khác sẽ chọn thay cho bạn nếu bạn không chịu lựa chọn
Trong khi bạn tự "giam mình" trong cảm giác bế tắc và đau khổ, thì thế giới vẫn tiếp tục xoay chuyển, và cùng với đó, những người xung quanh đang liên tục đưa ra những quyết định có khả năng tác động đến bạn. Họ đang đưa ra lựa chọn thay bạn.
Nếu tôi không đưa ra lựa chọn nào về sức khỏe của mình, vợ/ chồng tôi sẽ mua bất kỳ loại thực phẩm nào chị/anh ấy muốn để chứa trong tủ đựng thức ăn của gia đình. Kết quả là tôi sẽ phải ăn những thứ đó, và bác sĩ sẽ kê đơn bất kỳ loại thuốc nào mà họ cho là tốt nhất, ngay cả khi tôi không thích tác dụng phụ của những thứ thuốc đó. Vì tôi không chọn sống khỏe mạnh, nên nhu cầu của các thành viên trong gia đình tôi sẽ tăng lên, và thế là tôi sẽ không có thời gian rảnh để chăm sóc bản thân.
Tôi sẽ phàn nàn với người khác về việc tôi không thể làm gì khiến cơ thể khỏe mạnh, vì tôi chỉ nhìn vào những gì vợ/ chồng tôi chuẩn bị cho bữa ăn mỗi tối. Và tôi cảm thấy tồi tệ khi nhìn vào những loại thuốc mà bác sĩ kê cho tôi.
Gia đình mong đợi tôi làm mọi thứ, thế là tôi không còn thời gian để tập thể dục. Và cuối cùng, tôi tự củng cố niềm tin rằng tôi không có quyền lựa chọn nào khác.

Sức mạnh của sự lựa chọn
Sức mạnh của sự lựa chọn nằm ở bạn
Sau đây là 7 điều bạn có thể bắt đầu thực hiện ngay hôm nay để đưa ra những lựa chọn phù hợp hơn với điều bạn mong muốn/ con người bạn muốn trở thành:
1. Chú ý đến những điểm bế tắc. Bất cứ khi nào bạn đưa ra lời bào chữa cho lý do tại sao một điều gì đó không thể thay đổi, và bạn nhận ra (hoặc ai đó chỉ ra cho bạn) rằng bạn phàn nàn về điều đó khá nhiều, thì đây là những "điểm bế tắc" của bạn. Những khía cạnh bạn cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác.
2. Quan sát cảm giác của bạn trong các tình huống/ lĩnh vực cuộc sống. Bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng những lúc nào? Khi nào bạn cáu kỉnh hoặc thất vọng nhất? Khi nào bạn quát tháo người khác mà dường như không có lý do gì cả? Đây cũng có thể là những lĩnh vực mà bạn cảm thấy bế tắc và không có lựa chọn nào khác.
3. Viết nhật ký 15 phút mỗi ngày trong vòng hai tuần. Hãy thử hình dung về cuộc sống bạn mong muốn và viết nó ra, càng chi tiết càng tốt. Nghiên cứu đã cho thấy thực hành này không chỉ khiến cá nhân lạc quan hơn - mà còn là giúp bạn nhận thức sâu sắc hơn về những cơ hội hiện có cho mình.
4. Bắt đầu với những điều nhỏ nhặt. Hãy nhìn vào những điểm trong cuộc sống mà bạn cảm thấy bế tắc và chọn ra những khía cạnh nhỏ, dễ thay đổi. Cố gắng suy nghĩ đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt cho vấn đề của bạn, cũng như liệt kê ra các cơ hội (không xét đoán) trong ba phút. Sau đó, hãy nhìn lại danh sách vừa viết và chọn ra giải pháp mà bạn sẽ bắt đầu thực hiện ngay hôm nay.
5. Tìm một đối tác chịu trách nhiệm (accountability partner). Một người bạn đồng hành chịu trách nhiệm là người biết rằng bạn đang cố gắng thay đổi điều gì đó - và họ sẽ đóng vai trò đảm bảo bạn tuân thủ theo cam kết đó. Hãy chọn ai đó mà bạn thường xuyên gặp gỡ cũng như sẵn sàng "phê bình" khiếm khuyết của bạn.
6. Chia sẻ với người khác. Nếu được, hãy nói cho mọi người biết về kế hoạch của mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cá nhân có nhiều khả năng thay đổi hơn khi họ chia sẻ với những người xung quanh, dù là thông qua phương tiện truyền thông xã hội hay thông báo trực tiếp.
7. Mỗi buổi sáng, khi bắt đầu ngày mới, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn có quyền lựa chọn cách phản ứng và cảm nhận của mình. Hãy biến "Tôi có quyền lựa chọn" thành câu "thần chú" của bạn và lặp lại nó suốt cả ngày. Mỗi khi cảm thấy bế tắc, hãy tự nhủ "Tôi có những lựa chọn sau đây" và dừng lại để nhìn lại những cơ hội đó.
Lời kết
Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn bất kể bạn làm gì. Hoặc là bạn sẽ bị bỏ lại và "phó mặc" cho mọi thứ xảy ra với bạn - hoặc là bạn sẽ tích cực sống hết mình. Bạn không muốn có tiếng nói trong cách bạn sống mỗi ngày sao?
Hãy tự đặt câu hỏi, tập trung vào các lựa chọn của bạn, và cố gắng sống trọn khoảnh khắc hiện tại này!
(nguồn: Psychology Today)

Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất